main billboard

Khóa được tổ chức lần đầu vào năm 2002, kéo dài hai tuần lễ, và chú trọng về Việt Nam và vùng Ðông Nam Á. Lần này, vì ngân sách bị cắt giảm, khóa học chỉ kéo dài một tuần, và chỉ chú trọng về Việt Nam.

Việt Nam Học và cộng đồng trong giáo dục dòng chính

WESTMINSTER (NV) - Từ ngày 5 đến 9 Tháng Tám, 28 thầy, cô giáo thuộc nhiều sắc tộc khác nhau - những người đang giảng dạy tại các trường công lập Hoa Kỳ - được chọn để dự khóa tu nghiệp về lịch sử, địa lý, văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam, cũng như về cộng đồng người Việt tại Quận Cam.

Trong khuôn khổ của chương trình, các thầy cô sẽ được giới thiệu, ở mức tổng quát, về các đề tài liên quan. Kiến thức sơ khởi này nhằm giúp học viên có một khởi điểm để tiếp tục tìm hiểu về những đề tài này về sau, ở mức sâu rộng hơn.
Trong bài viết này, để tiện cho quý độc giả theo dõi, xin được dùng cụm từ “Việt Nam học” để nói đến tất cả những đề tài liên quan đến Việt Nam, và “cộng đồng” để nói đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ.

vn institute 1Thăm Ðền Hùng, Westminster. (Hình: Trangđài)

Vietnam Institute 2013 tại CSUF

Vietnam Institute 2013 do Chương Trình FIRST tại đại học Cal State Fullerton tổ chức. FIRST (Fullerton International Resources for Students and Teachers) là chương trình trực thuộc Cal State Fullerton với nhiều chi nhánh trên toàn Hoa Kỳ. Khóa được tổ chức lần đầu vào năm 2002, kéo dài hai tuần lễ, và chú trọng về Việt Nam và vùng Ðông Nam Á. Lần này, vì ngân sách bị cắt giảm, khóa học chỉ kéo dài một tuần, và chỉ chú trọng về Việt Nam.

Cùng ý tưởng, các vị Tiến Sĩ Grace Cho, Tiến Sĩ Natalie Trần, Tiến Sĩ Victoria Costa (giáo sư ngành giáo dục trung cấp và là một trong các vị đồng giám đốc của chương trình huấn luyện giáo chức của Cal State Fullerton), cho biết: “Khóa Mùa Hè 2013 về Văn Hóa, Ngôn Ngữ, Văn Chương, và Lịch Sử Việt Nam được kết hợp tổ chức giữa Ðại Học Sư Phạm và Ðại Học Nhân Văn & Xã Hội Học tại Cal State Fullerton, nhằm khuyến khích việc giảng dạy những đề tài này trong các lớp xã hội học hay ngôn ngữ ở cấp hai và trung học. Có 28 thầy, cô giáo đang dạy môn xã hội học và ngôn ngữ ở cấp hai và ba, cũng như ở bậc đại học, tham dự khóa này. Chúng tôi hy vọng sẽ giúp trau dồi kiến thức của các tham dự viên về những đề tài liên quan, và hỗ trợ cho việc đưa những bài học này vào chương trình tiêu chuẩn.”

Trong cả hai khóa 2012 và 2013, vai trò của cá nhân tôi, tác giả bài viết này, có hai phần. Thứ nhất, tôi cố vấn cho Ban Tổ Chức về nội dung và nhân sự, gợi ý cho họ những đề tài cần được đưa vào chương trình và những chuyên viên để thuyết trình. Tôi gặp gỡ thường xuyên với bà Connie DeCapite, giám đốc FIRST và trưởng ban tổ chức của khóa, để xem qua chương trình và góp ý cho bà. Thứ hai, tôi hướng dẫn một số giờ trong khóa học, gồm có: một giờ về dân nhạc Việt Nam với phần trình diễn của Nga Mi-Trần Lãng Minh và Ngọc Nôi, chương trình một ngày thăm viếng và tìm hiểu cộng đồng Little Saigon, và hai giờ về phương pháp lịch sử truyền khẩu và kinh nghiệm của người Mỹ gốc Việt.

Bà Connie DeCapite cũng tham khảo với nhiều chuyên gia và giáo sư Việt Mỹ khác, như Tiến Sĩ Natalie Trần, thuộc đại học Cal State Fullerton. Cô Natalie nói: “Vai trò của tôi trong Khóa Học Mùa Hè là để hỗ trợ cho chương trình, bao gồm phổ biến thông tin cho giáo viên và các nhà giáo dục trong cộng đồng cũng như đóng góp ý kiến về nội dung và hình thức của chương trình để chương trình có thể đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.”

vn institute 2 Với hai nghệ sĩ Trần Lãng Minh - Nga Mi. (Hình: Tiến Sĩ Victoria Costa)

Tiến Sĩ Trang Lê, người chịu trách nhiệm soạn thảo giáo trình cho các lớp tiếng Việt tại Cal State Fullerton từ năm 2009, mở đầu khóa học với giờ “Tiếng Việt Vỡ Lòng.” Cô đưa ra vài suy nghĩ về tuần giảng huấn của Vietnam Summer Institute:
“Khi tôi hỏi những thầy cô người Mỹ trong lớp là họ nghĩ gì đầu tiên khi nghe hai tiếng Việt Nam, chỉ một người duy nhất lên tiếng: 'the war.' Những người Mỹ khác đều im lặng. Ðiều này cho thấy tuần giảng huấn này là một hoạt động rất có ý nghĩa vì nhiều người Mỹ hình như chỉ biết đến Việt Nam qua cuộc chiến tranh.”

Cô Natalie Trần nói thêm: “Khóa Học Mùa Hè là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của các chương trình Việt ngữ tại Cal State Fullerton. Chương trình nhằm mục đích cung cấp tài liệu và trao đổi kiến thức cho giáo viên hiện đang giảng dạy các lớp học tiếng Việt cũng như thầy cô giảng dạy trong các học khu tại Quận Cam. Qua Khóa Học Mùa Hè, các giáo viên có cơ hội tăng cường kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử Việt Nam và nâng cao trình độ sư phạm và phương pháp giảng dạy trong lớp học. Tôi tin rằng sự phát triển của các thầy cô sẽ có tác động trực tiếp đến việc học tập của các học sinh trong lớp học, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của con em về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử Việt Nam và sẽ ảnh hưởng đến sự quyết định của con em trong việc theo đuổi các lãnh vực này trong tương lai.”

Ði một ngày đàng...

Một trong những chương trình gây ảnh hưởng mạnh đối với quý thầy cô tham dự khóa học là chuyến viếng thăm Little Saigon, mà tôi thiết kế như một cuộc đi “nghiên cứu thực tế” ngắn hạn, tạm gọi là “one-day ethnographic fieldwork.”

Trong ngành Nhân Chủng học, việc đi nghiên cứu thực tế, còn gọi là “ethnographic field-work,” là tâm điểm của bất cứ dự án học thuật nào. Như các lần đưa những phái đoàn khác đến tìm hiểu Little Saigon, lần này, tôi đề ra một chương trình gặp gỡ và đối thoại. Ở mỗi nơi sẽ có người hướng dẫn để trả lời những câu hỏi về lịch sử và sinh hoạt của tổ chức đó, đồng thời, đón nhận những thắc mắc mà tham dự viên đặt ra. Qua hình thức này, tôi nhằm vào mục đích tạo những cuộc gặp gỡ thân mật với cộng đồng, thay vì chỉ đưa thầy cô đi “thăm” theo tính cách tham quan.

“Ði một ngày đàng, học một sàng khôn,” đó là kinh nghiệm từ túi khôn dân gian Việt Nam, mà giáo dục phương Tây ngày nay đang ứng dụng qua các chương trình field work (nghiên cứu thực tế), hay service learning (tham gia phục vụ hay làm việc thiện nguyện như một hình thức vừa học vừa hành). Chuyến thăm viếng sẽ giúp các thầy cô soạn giáo trình thích hợp với văn hóa Việt và thiết lập mối quan hệ tốt đẹp hơn với phụ huynh. Qua chuyến đi, quý thầy cô được cung cấp những thông tin cần thiết để sau này, cũng đưa các em đi thăm các cơ sở văn hóa và cộng đồng tại Little Saigon.

Hơn nữa, gặp gỡ trực tiếp với cộng đồng cũng là một cách đi vào một nền lịch sử sống động. Ðây là cách để giúp tham dự viên và quý vị lãnh đạo giáo dục của đại học Cal State Fullerton trực tiếp nghe và nhìn thấy kinh nghiệm của người Mỹ gốc Việt tại Quận Cam. Và qua những gì họ nghe và nhìn được, họ hiểu biết và cảm thông hơn với cộng đồng chúng ta.

Qua đó, các thầy cô có thể soạn những giáo trình thích hợp cho con em chúng ta tại các trường công. Ðồng thời, quý vị lãnh đạo giáo dục của đại học Cal State Fullerton cũng có một cái nhìn gần gũi và xác thực hơn về lịch sử và đời sống của người Mỹ gốc Việt, giúp cho công việc phát triển các chương trình Việt Nam học của trường.

Cal State Fullerton thăm Little Saigon

Ðang giảng dạy tiếng Việt tại trường trung học Westminster, cô Nguyễn Thảo Ly bày tỏ sự cảm kích về chuyến đi; nhờ đó cô có thêm cảm hứng và tài liệu cho bài giảng của mình. Cô chia sẻ: “Buổi thăm viếng Little Saigon là một chuyến đi rất đáng ghi nhớ cho tôi. Mặc dù tôi sống ở Quận Cam và biết nhiều về cộng đồng người Việt mình ở đây, sau chuyến fieldtrip này tôi càng thấy hãnh diện về cộng đồng của mình. Tôi đã thấy có rất nhiều cơ sở và cá nhân không ngừng làm việc để gìn giữ và phát triển văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam. Ðây là những kho tàng vô giá mà chúng ta có thể để lại cho các thế hệ sau.”

Qua những cuộc gặp gỡ và trao đổi, các vị lãnh đạo giáo dục tại CSUF nhận ra nhiều cách để kết hợp với cộng đồng Việt Nam trong các chương trình Việt Nam Học của trường. Chuyến thăm viếng giúp thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa đại học và cộng đồng, giúp trường Cal State Fullerton nhận diện những nguồn nhân lực và trí lực dồi dào trong cộng đồng chúng ta.

Một cựu sinh viên của trường, cô Jennie Brener, bày tỏ cảm nghĩ: “Là một cựu sinh viên của CSUF, tôi rất thích khi thấy trường vẫn luôn cung cấp những cơ hội quý báu cho việc học hỏi kéo dài cả đời người, và cho việc tìm hiểu các văn hóa. Tôi dạy sử trong cộng đồng này và những chương trình như Khóa Việt Nam 2013 giúp tôi và học sinh của tôi mở rộng kiến thức.”

Hãnh diện, hài lòng

Năm 1994, khi mới đến Mỹ, tôi đi dạy Việt ngữ tại Trường Việt Ngữ thuộc Cộng Ðoàn Westminster. Trong khóa Tu Nghiệp Sư Phạm do Ban Ðại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ miền Nam Calfiornia tổ chức năm đó, tôi gặp thầy Quyên Di, và tham gia viết bài cho báo Tuổi Hoa. Tuy tờ báo không còn hoạt động đã nhiều năm, tôi vẫn nhớ mãi đề tài “Em Hãnh Diện là Người Việt Nam.”
Tại Khóa Vietnam Institute 2013 của CSUF, chính các thầy cô người Mỹ gốc Việt đã cảm nhận được niềm hãnh diện là người Việt Nam sau khi chuyến viếng thăm Little Saigon. Quý thầy cô ‘khám phá’ ra nhiều tổ chức với những nguồn tài liệu quý giá cho việc giảng dạy. Ðối với tôi, đây là điểm mấu chốt cho việc duy trì văn hóa ngôn ngữ Việt tại hải ngoại: chính quý thầy cô cần có niềm hãnh diện về nguồn gốc của mình, để có thể “tưới tẩm” giáo trình và bục giảng với chính nguồn nhiệt huyết đó.

Ban Tổ Chức tỏ ra hết sức hài lòng với kết quả của khóa học. Tiến Sĩ Vickki Costa hân hoan cho biết: “Khóa học là một kinh nghiệm quý giá cho các thầy cô. Cho dù kiến thức ban đầu của họ thế nào, các thầy cô gốc Việt lẫn các sắc tộc khác đã thu thập thêm nhiều kiến thức về lịch sử Việt Nam, thưởng lãm những kinh nghiệm văn hóa mới lẫn cũ, khám phá nền văn chương và thơ ca sâu sắc của Việt Nam, và tiếp cận những đề tài này từ nhiều cái nhìn khác nhau.”

vn institute 3Phái đoàn viếng thăm Tượng Ðài Việt-Mỹ, Westminster. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Cô Leslie Alpert, tốt nghiệp từ CSUF năm 2002, nói: “Về mặt cá nhân, tôi như được về thăm nhà khi dự khóa này. Ðại học CSUF và Ban Tổ Chức của khóa là những bằng chứng tốt nhất thể hiện phẩm chất của CSUF. Về mặt chuyên môn, kiến thức mà tôi học được từ Khóa sẽ được đưa vào lớp học và sẽ giúp tôi tạo nên một môi trường học phong phú hơn.”
Tiến Sĩ Trang Lê nhận xét: “Tuy chỉ có một tuần, những giáo viên người Mỹ đã được giới thiệu rất nhiều khía cạnh về Việt Nam. Kiến thức này sẽ giúp họ có những phương pháp và kỹ thuật dạy phù hợp hơn ở các trường trung học ở Nam Cali, nơi mà số học sinh gốc Việt chiếm một tỷ lệ khá cao trong lớp.”

Ðứng ngay trong giáo dục dòng chính là một vị thế tuyệt hảo để đưa văn hóa gốc về gần với học sinh Việt-Mỹ, cũng như giới thiệu văn hóa Việt đến các học sinh khác. Chính các thầy cô giáo rất trẻ đã ý thức được điều này. Cô Lynn Nguyễn, thuộc học khu Garden Grove, tâm sự: “Làm nghề giáo dạy tiếng Việt là một trọng trách lớn, nhất là dạy lớp tiếng Việt trong môi trường bên Mỹ. Các học sinh không chỉ là người Việt Nam mà còn là học sinh của những sắc dân khác. Bởi vậy, các em dù học cùng một lớp nhưng có trình độ khác nhau. Làm cô giáo, tôi không những có bổn phận dạy các em chữ Việt mà còn có trọng trách giúp các em hiểu biết thêm về lịch sử và văn hóa Việt Nam để giúp các em tự tin và hãnh diện là người Việt Nam.”

Thầy Kính Vũ, một khóa sinh, cho biết: “Qua các buổi thuyết trình và thảo luận, tôi học hỏi, tìm hiểu, và chia sẻ với đồng nghiệp về giáo trình và phương pháp hữu hiệu trong việc dạy lịch sử và ngôn ngữ Việt. Tôi cảm nhận lòng nhiệt thành của ban giảng huấn và cảm thấy mình được khích lệ để tiếp tục công tác phát huy ngôn ngữ, truyền thống, cùng với văn hóa Việt Nam cho các em học sinh tại Quận Cam.”

Nhận xét về khóa, cô Nguyễn Thảo Ly bày tỏ: “Là một giáo viên dạy Tiếng Việt và là một người Việt, tôi cảm thấy cảm kích và biết ơn các giáo viên của trường Cal State Fullerton và các cá nhân từ cộng đồng đã góp tay để tổ chức khóa. Tất cả 28 thầy cô giáo từ các học khu khác nhau đến tham dự đều đồng ý rằng một tuần vừa qua, chúng tôi đã học hỏi được thêm rất nhiều về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và con người Việt Nam. Có một số cá nhân đã đến chia sẻ những khó khăn họ gặp phải khi sống ở dưới chế độ Cộng Sản và những đau khổ họ trải qua trên con đường đi tìm tự do; điều này khiến tôi và các giáo viên khác không cầm được nước mắt. Ðây là văn chương truyền khẩu mà chúng ta có thể để lại cho con cháu sau này, để chúng được biết và hiểu rõ thêm về những gì thế hệ trước đã trải qua.”

Brendan Newberry, đang giảng dạy tại trung học El Dorado và là giáo viên huấn luyện (Master Teacher for the CSUF Single Subject Credential Program), nói rằng: “Khóa học cho tôi nhiều quà tặng: được tiếp cận những nguồn tài liệu phong phú và các chuyên gia đa dạng trong chuyến viếng thăm Little Saigon, các cơ hội học hỏi thêm hay ôn lại những kỹ thuật sư phạm xuất sắc, và những dịp để thảo luận về giáo trình và các vấn đề giáo dục với đồng nghiệp. Nhưng quan trọng hơn cả, tôi đã được dịp vùng vẫy trong văn hóa và lịch sử Việt Nam, cho tôi nhiều năng lực để giảng dạy những đề tài này trong lớp mình. Niềm đam mê đó chắc chắn sẽ lây lan đến học sinh của tôi.”

Những thành quả và nhiệt tình trên sẽ là đòn bẩy, đưa văn hóa Việt đi sâu vào giáo dục dòng chính và vào tương lai Quận Cam. Chúng ta cám ơn các thầy cô gốc Việt lẫn các sắc tộc khác đã đảm đang trách nhiệm này với hết tấm lòng. Niềm đam mê giữ gìn và phát huy ngôn ngữ văn hóa Việt Nam nay không chỉ là sứ mạng của riêng cộng đồng chúng ta, mà của cả nền giáo dục Quận Cam và nhiều nơi khác trên nước Mỹ.