main billboard

Mục đích là để cho đồng hương Cà Mau đến họp mặt chung vui, cũng là dịp để cho các con, cháu của chúng tôi gặp gỡ, vui đùa.


GARDEN GROVE, California (NV) - Tại khuôn viên của Garden Grove Park, khoảng 11 giờ trưa, Chủ Nhật vừa qua, có một biểu ngữ với hàng chữ “Hè 2013. Hội Thân Hữu Cà Mau Chào Mừng Quan Khách” được đặt trên cao trong khu tổ chức để cho mọi người dễ trông thấy.

camau hopmat 1Quan khách và đồng hương Cà Mau tham dự Picnic Hè 2013. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Những đồng hương Cà Mau đã đến đây khá đông, có một số người lo công việc ẩm thực, những người khác lo điều chỉnh âm thanh và nhạc cụ, ban tổ chức lo tiếp tân những quan khách và đồng hương đến tham dự.

Chung quanh chúng tôi gần như được thấy toàn những nụ cười thân thương và cởi mở của đồng hương Cà Mau trong ngày Picnic Hè 2013.

Thành phần ban tổ chức gồm có ông Trần Tiên Trác (hội trưởng, trưởng ban tổ chức), ông Nguyễn Văn Tiến (tổng thủ quỹ), ông Trần Quang (tổng thư ký), cô Dương Bích Phượng (trưởng ban xà hội) và ông Võ Thành An (phó nội vụ).

Ông Trần Tiên Trác nói: “Hội Thân Hữu Cà Mau được thành lập từ năm 1989. Qua những phiên họp, chúng tôi chọn mỗi Chủ Nhật đầu Tháng Chín trong năm, tức là trước ngày Lễ Lao Ðộng của Hoa Kỳ, để tổ chức ngày Picnic Hè cho hội. Mục đích là để cho đồng hương Cà Mau đến họp mặt chung vui, cũng là dịp để cho các con, cháu của chúng tôi gặp gỡ, vui đùa. Và chúng tôi cũng có tổ chức những trò chơi có thưởng bằng tiền mặt để cho các cháu tranh tài, vui chơi lành mạnh trước khi các cháu trở lại trường học.”

“Ngoài ra, năm nào chúng tôi cũng có tổ chức ngày Ðồng Hương Cà Mau mừng Tất Niên tại hải ngoại được tổ chức vào khoảng một tuần trước Tết hoặc một tuần sau Tết. Hàng năm chúng tôi cũng có những giải thưởng về khuyến học cho các em học giỏi trong gia đình của đồng hương Cà Mau,” ông Trác cho biết thêm.

Cũng theo ông Trác, giới chức cầm quyền đầu tiên của tỉnh Cà Mau ngày xưa là Quan Huyện Nguyễn Hiền Năng, được Vua Gia Long phái tới trấn thủ vùng “Trấn Long Xuyên,” đó là tên đầu tiên do triều đình nhà Nguyễn đặt cho địa danh của Cà Mau. Ðịa danh Cà Mau được dùng từ ngôn ngữ của người Khmer là “Tuk-Khmâu,” nghĩa là “nước đen,” gọi trài trại “Khmâu” thành ra Cà Mau.

Sau lời mời gọi của ban tổ chức, một số đồng hương còn đứng bên ngoài bóng mát của những tàng cây cao bắt đầu vào địa điểm tổ chức. Sau đó là lời nói của ban tổ chức cho biết danh sách của những mạnh thường quân đã yểm trợ cho việc tổ chức trong ngày này và giới thiệu những quan khách đến tham dự.

camau hopmat 2Từ trái, Mỹ Nữ, Lysa và Phó Hội Trưởng Võ Thành An điều khiển chương trình văn nghệ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Rất ngắn gọn và chân thành, ông hội trưởng mời mọi người đến dùng buổi cơm thân mật. Vì còn trong mùa Vu Lan, ngoài những thức ăn mặn, ban tổ chức có đặt làm thêm những món ăn chay.

Trong lúc đồng hương tự đi lấy thức ăn cho mình thì chương trình văn nghệ cũng được bắt đầu do Mỹ Nữ và Lysa điều hợp.

Cô Lysa nói: “Theo như thông lệ hàng năm, trong những buổi tổ chức họp mặt của hội, Lysa là người phụ trách phần văn nghệ cùng với ban nhạc The Family Band do nhạc sĩ Trần Trác và nhạc sĩ Trần Hiệp đảm trách, nhóm ca sĩ toàn là cây nhà lá vườn của Cà Mau. Trong chương văn nghệ hôm nay, ngoài những tiết mục tân nhạc còn có những bài ca cổ nhạc do ban cổ nhạc của nhạc sĩ Huỳnh Châu trình diễn.”

Chương trình văn nghệ được mở đầu với tiếng hát của Trần Hiệp và Lysa song ca bài “Ô Mê Ly” của nhạc sĩ Văn Phụng. Tiếp theo là tiếng hát của Mỹ Nữ với bài “Nắng Chiều” của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Chương trình văn nghệ được tiếp nối với nhiều tiếng hát tân và cổ nhạc của đồng hương Cà Mau và đồng hương láng giềng Kiên Giang.

Theo ban tổ chức cho biết, kể từ năm 1959 đến năm 1963, tỉnh Cà Mau có trường trung học bán công Nguyễn Hiền Năng. Sau đó, có thêm trường công lập An Xuyên. Ngoài ra, tỉnh còn có những trường trung học tư thục của người Công Giáo, trường Hưng Ðông Dục Tài của người Hoa.

Tỉnh Cà Mau có một con sông hầu như dân miền Tây đều biết đến hoặc nghe nói đến đó là “Sông Ðốc.” Trong lịch sử Cà Mau có ghi, khi Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn đuổi theo, ông cùng đoàn hộ giá và cung quyến chạy trốn vào xóm Cái Tàu, thuộc xã Khánh An. Vài tháng sau, ông theo con sông này định chạy ra hòn Thổ Châu (Poulo-Panjang) nằm trong vịnh Thái Lan, rồi sang Xiêm để xin viện trợ. Khi thuyền rồng đi khỏi vàm Rạch Cui một quãng, thì bị quân của Tây Sơn đuổi theo.

camau hopmat 3Quan khách và đồng hương Cà Mau dùng bữa trưa thân mật. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Ðô Ðốc Thủy Binh Nguyễn Văn Vàng bèn tâu với Nguyễn vương xin vua cởi hoàng bào ra cho ông mặc để thay thế vua ở lại chống chọi với quân của Tây Sơn. Vua nhà Nguyễn lúc đó trốn vào rừng Khánh Bình được an toàn. Còn ông Ðô Ðốc Vàng bị quân của Tây Sơn giết, thây chìm xuống con sông này. Và quân của Tây Sơn tưởng rằng đã giết được Nguyễn Ánh nên không còn theo đuổi nữa.

Ðến năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng Ðế, ngài có chiếu chỉ về Cà Mau lập miếu thờ các vị công thần đã bỏ mình vì nước, lúc ngài tẩu quốc, trong đó có tên của Ðô Ðốc Nguyễn Văn Vàng. Miếu này được dựng lên tại đầu kinh xáng Ô Rô, gọi là miếu “Âm Dương Thần,” sau đổi thành miếu “Gia Long.” Và lúc đó, con sông mà Ðô Ðốc Vàng đã tử trận vì cứu chúa được gọi là “Sông Ông Ðô Ðốc Vàng.” Nhưng dần dần vì vấn đề kỵ húy của người bản xứ nên họ tránh gọi tên của nhân vật được tôn trọng, và để cho tiện gọi, vì thế sau này người ta gọi là “Sông Ðốc.”

Chị Phạm Mai Xuân, cư dân tại Cà Mau vừa từ Việt Nam sang, cho biết: “Tôi đi du lịch tại xứ Mỹ vào ngày 23 Tháng Tám vừa rồi để thăm gia đình em của tôi. Hôm nay đến đây gặp lại nhiều bạn bè cũ tôi thấy rất vui, rất mừng như gặp lại những bà con thân thuộc vậy, vì đã hơn 30 năm rồi, giờ chúng tôi mới được gặp lại nhau. Tôi cứ tưởng rằng, không bao giờ mình còn được gặp lại những bạn bè cũ như thế này. Nhưng thực tế hôm nay, chúng tôi đã được đối diện với nhau nơi xứ Mỹ. Tôi không biết nói gì hơn là tôi cảm thấy rất vui và rất cảm động.”

Cựu Ðại Tá Nguyễn Văn Huy, từng là tỉnh trưởng tỉnh Kiến Tường, nói: “Tôi ít khi ra sinh hoạt với cộng đồng tại đây vì hoàn cảnh khó khăn. Nhưng riêng về đồng hương Cà Mau, thì tôi thường đến họp mặt vì vợ của tôi ngày xưa là dân Cà Mau. Khi tôi ra trường khóa 16 Võ Bị Ðà Lạt thì tôi vào binh chủng Biệt Ðộng Quân, vừa mới ra trường là tôi nhận lệnh của quân đội cho tôi về đóng quân tại Cà Mau và tôi đã gặp được bà xã của tôi ở đây. Chúng tôi làm đám cưới tại Cà Mau cách đây cũng gần 50 năm rồi. Ðối với cá nhân của tôi là rể của Cà Mau, nhưng mà những sinh hoạt của người Cà Mau thì chúng tôi coi như tình bà con thân thích như anh em trong nhà vậy. Tôi ở tù cộng sản hết 13 năm. Gia đình tôi được sang Mỹ vào năm 1992.”