main billboard

Ðây là bước đầu tiên trong nỗ lực thực hiện một cuốn tự điển ngữ vựng Việt Nam tại hải ngoại của một nhóm trí thức, truyền thông, và những người thiết tha đến việc bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt tại hải ngoại.


GARDEN GROVE, California (NV) - Vào chiều Chủ Nhật, 15 Tháng Mười Hai, sắp tới, nhóm thực hiện tự điển Việt Nam tại hải ngoại sẽ có buổi ra mắt cuốn sách “Ðề Nghị Thống Nhất Cách Viết Chữ Quốc Ngữ” tại Thư Viện Việt Nam, Garden Grove.

Ðây là bước đầu tiên trong nỗ lực thực hiện một cuốn tự điển ngữ vựng Việt Nam tại hải ngoại của một nhóm trí thức, truyền thông, và những người thiết tha đến việc bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt tại hải ngoại.

sach chuquocnguHình bìa sách “Ðề Nghị Thống Nhất Cách Viết Chữ Quốc Ngữ.” (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Theo Giáo Sư Song Thuận, một trong những người chủ xướng công việc này, nhóm gồm có các vị như Giáo Sư Lưu Trung Khảo, Giáo Sư Trần Chấn Trí, Tiến Sĩ Phạm Kim Long, các vị đang phụ trách công việc giảng dậy tiếng Việt tại các trung tâm Việt Ngữ khắp nơi như Bùi Ðức Uyên, Ðặng Ngọc Sinh, Trần Việt Bắc, Trần Văn Giang và các nhà truyền thông như Bùi Bích Hà, Bích Huyền, Ngọc Loan, Song Thuận... Ngoài ra còn có các thiện nguyện viên ở khắp nơi trên thế giới đóng góp ý kiến qua những trang mạng của nhóm.

Viết về cuốn sách này, Giáo Sư Lưu Trung Khảo đề cập đến mục đích của việc thực hiện là “để bảo tồn và phát triển Việt ngữ của dân tộc Việt Nam chúng ta.”

Ông nhấn mạnh: “Ðó là một sinh ngữ vì nó còn đang được thêm vào hay bớt đi theo thời gian.”

Nhưng giáo sư cũng cho biết: “Loại ngôn ngữ dùng trên đường phố hay giữa những thành phần băng đảng mà ta thường thấy trong phim ảnh xã hội khác biệt với với ngôn ngữ của các nhà truyền thông hay những nhà trí thức trong văn học.”

Ông cho biết tiếp: “Nhóm sẽ cố gắng tìm cách phát triển ngôn ngữ Việt Nam theo chiều hướng lành mạnh và trong sáng.”

Theo Giáo Sư Song Thuận, “Cuốn sách được ra mắt và phát hành hôm nay coi như là bước đầu góp phần vào việc truyền bá Việt ngữ trong sáng khắp năm châu và cũng là để hướng dẫn việc thực hiện cuốn 'Tự Ðiển Ngữ Vựng Việt Nam Tại Hải Ngoại.'”

Ðề cập đến ước nguyện của nhóm trong công việc khá khó khăn và phức tạp này, nhất là trong điều kiện “tự túc,” Giáo Sư Trần Chấn Trí, một trí thức trẻ đang giảng dạy tại một đại học lớn ở Nam California, cho biết: “Cuốn sách này sẽ được dùng chủ yếu để đối chiếu, đối với người Việt, học giả, nhà văn.”

Cuốn sách “Ðề Nghị Thống Nhất Cách Viết Chữ Quốc Ngữ” dầy gần 300 trang chứa đựng khá nhiều vấn đề về tiếng Việt hiện nay. Ðó là những trở ngại thông thường nhất lưu cữu từ nhiều thập niên trong ngôn ngữ và cách viết tiếng Việt khi sau cuộc di cư năm 1954 của gần 1 triệu người miền Bắc từ bỏ vùng đất cộng sản tạm chiếm sau Hiệp Ðịnh Geneva 1954 vào sống tại miền Nam.

Trở ngại thứ nhất là dấu hỏi ngã. Giọng miền Trung và nhất là miền Nam thường để sai dấu nếu theo giọng miền Bắc. Vần “tr” hay “ch” thì giọng miền Bắc lại sai nếu so với giọng Trung hay Nam. Vậy cái nào đúng khi mà Việt Nam chưa có được một hàn lâm viện để thống nhất ngôn ngữ, cách viết, phát âm.

Cũng đã có nhiều học giả trí thức miền Nam trước đây nghiên cứu và soạn thảo ra một số đề nghị, một số tự điển về ngữ vựng, nhưng hầu như chưa đáp ứng được kịp những thay đổi trong sinh hoạt biến thiên chính trị của miền Nam lúc bấy giờ.

Hiện nay, vào thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu, tiếng Việt đã được làm giầu thêm cả về tư tưởng lẫn ngữ vựng. Nhưng vì để theo kịp cho đà phát triển thông tin, sự làm giàu ấy đã diễn ra khá vô tổ chức bởi chưa kịp “tiêu hóa” được. Rồi trong nước, dưới một chế độ chủ trương cải biến cả nền nếp văn hóa miền Nam đã tương đối ổn định và phát triển trước đó để thực hiện chủ trương “Trồng người cộng sản,” nên ngôn ngữ Việt Nam đã bị biến thể, bị áp đặt những phong cách phát âm, sử dụng từ ngữ mới.

Những chương trình đoàn tụ của Hoa Kỳ dành cho người Việt tị nạn Cộng Sản sau 30 Tháng Tư, 1975 đã đưa lớp người sống trong lòng chế độ cộng sản hàng chục năm, chịu khá sâu nặng ngôn ngữ “mới” ở trong nước, đã làm “u ám” tiếng Việt cho lớp trẻ sinh trưởng ở hải ngoại. Vấn đề có thể “không đáng quan tâm” với những ai thờ ơ với văn minh văn hóa của người Việt qua bao đời, nhưng với những ai thường quan tâm đến văn hóa Việt Nam, đến cội nguồn dân tộc Việt Nam, đến ngôn ngữ, văn học Việt Nam, thì “đó là cả vấn đề.”

Ngày những người Việt tị nạn đến Mỹ, ai cũng lo cho con em giỏi được tiếng Anh, nhưng chỉ sau chưa đầy một thập niên, hầu hết phụ huynh đều lại hết sức lo lắng vì con em đang xa dần, mất dần tiếng Việt. Nên phong trào học Việt ngữ, dạy Việt ngữ đã trở thành phong trào trong các cộng đồng người Việt dù có nơi chỉ có vài ba ngàn người.

Ðến nay thì một nhu cầu mới được phát sinh. Ðó là nhu cầu “Trong sáng và lành mạnh tiếng Việt,” nghĩa là làm sao cho các thế hệ người Việt sau này gìn giữ được tiếng Việt, cách nói cũng như cách viết như truyền thống của người Việt Nam vốn có từ thời lập quốc.

Cuốn sách đưa ra 5 quy ước căn bản, thứ nhất là về cách phát âm, thứ hai là cách đánh vần, thứ ba là cách viết hoa và phiên âm tên người, thứ tư là cách viết Y dài và I ngắn, thứ năm là vị trí đặt dấu trên chữ.

Cuốn sách còn có nhiều phần lý thú nữa như phần tài liệu đọc thêm trong đó có
“Bảng chính tả và biến âm, địa phương,” phần “Tiếng Việt nội địa và tiếng Việt hải ngoại, bảng đối chiếu,” phần “Tiếng Việt cùn.” Ðây là phần sưu tầm khá công phu của Trần Việt Bắc về cung cách “ăn nói” của những “con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa.”

Nhìn chung, đây là một cuốn sách giá trị, vì tâm huyết của những người Việt còn lo lắng đến tương lai đất nước, dân tộc. Giá trị vì ít ra nó cũng có thể làm hướng dẫn viên cho tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại, nhất là các bạn trẻ đang tham gia ngày một nhiều vào các ngành truyền thông, viết văn, làm thơ tiếng Việt.