main billboard

“Dù có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng phải duy trì bằng được Thư Viện này. Vì, nơi đây là nơi lưu giữ hầu hết những tài liệu lịch sử, văn hóa Việt Nam, nhất là của miền nam Việt Nam mà sau khi cộng sản cưỡng chiếm đã triệt hạ gần hết qua những vụ Cộng Sản gọi là ‘quét sạch văn hóa đồi trụy của Mỹ, Ngụy.’”


WESTMINSTER - Sáng 14 Tháng Mười Hai, Hội Ðồng Quản Trị Thư Viện Việt Nam tổ chức buổi tiếp tân mừng Thư Viện Việt Nam tròn 15 tuổi.

Thư Viện Việt Nam được thành lập từ năm 1999 tại một phòng trên lầu một cơ sở thương mại trên đường Bolsa, thuộc thành phố Westminster. Chỉ một thời gian ngắn sau, Thư Viện phát triển nhanh chóng cả về số lượng sách vở và những cổ vật quí do từ mọi thành phần trong cộng đồng người Việt mang đến làm tặng dữ. Bằng những cố gắng của những người sáng lập và sự hỗ trợ tích cực của nhiều mạnh thường quân, Thư Viện Việt Nam sau đó dời về địa điểm mới trong khu thương mại chợ Người Việt hiện nay.

thuvien vn 1Một số đại diện các cơ quan đoàn thể chúc mừng nhà báo Du Miên trong ngày kỷ niệm Thư Viện Việt Nam tròn 15 tuổi. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Nói đến Thư Viện là nói đến công lao và tâm huyết của một số nhân sĩ trí thức trong cộng đồng người Việt ở nam California. Ðó là Giáo Sư Trần Lam Giang, nhà báo Du Miên, nhà văn Trần Ðức Lập, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, Bác Sĩ Võ Trọng Di. Trừ nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã khuất, tất cả vẫn còn lại với Thư Viện Việt Nam để gánh chung một công việc cam go mà sau này, các thế hệ người Việt sẽ nhớ ơn rất nhiều.

Trong lời phát biểu vào ngày kỷ niệm, nhà báo Du Miên thay mặt Hội Ðồng Quản Trị Thư Viện Việt Nam, nay được cải danh là “Thư Viện/Bảo Tàng Viện VN,” nhắc đến anh em sáng lập và đặc biệt nhà báo Du Miên đã nhiều lần nhắc đến sự hỗ trợ bất vụ lợi của các Mạnh Thường Quân trong cộng đồng người Việt khắp nơi.

Ông nói: “Từ ngày thành lập đến nay, Thư Viện đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm với muôn ngàn khó khăn, nhưng Thư Viện vẫn đứng vững được. Ðó là nhờ có các vị Mạnh Thường Quân, các anh chị em thiện nguyện đã không tiếc công sức, như các anh Bùi Ðắc Danh, Vũ Long Sơn Hải và các chị như chị Mười, cô Hồng, chị Ánh...”

Trong dịp này, nhà báo Du Miên cũng cho biết một tin mừng. Ðó là Thư Viện hiện nay đã có một Ban Ðiều Hành gồm các bạn trẻ Hoàng Quốc Phong, cô Roxanne Chow và anh Phát Bùi.

Tâm tình với gần hai trăm thân hữu đồng hương có mặt trong ngày Thư Viện tròn 15 tuổi, nhà báo Du Miên khẳng định: “Dù có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng phải duy trì bằng được Thư Viện này. Vì, nơi đây là nơi lưu giữ hầu hết những tài liệu lịch sử, văn hóa Việt Nam, nhất là của miền nam Việt Nam mà sau khi cộng sản cưỡng chiếm đã triệt hạ gần hết qua những vụ Cộng Sản gọi là ‘quét sạch văn hóa đồi trụy của Mỹ, Ngụy.’”

thuvien vn 2Một góc của Thư Viện Việt Nam. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Nhà báo Du Miên tiếp: “Mai này khi con cháu chúng ta muốn tìm về nguồn, chúng sẽ có được một kho tàng chuẩn xác để nghiên cứu, tìm hiểu.”

Chính vì lý do này mà Thư Viện Việt Nam hiện đang chuẩn bị đưa các tài liệu quý giá lên mạng điện tử để mọi người Việt khắp nơi có thể tìm hiểu nghiên cứu được. Một điều đáng ghi nhận nữa là, ông Tôn Thất Diên sẽ đến giúp Thư Viện dịch bộ sách “Cổ Tích Việt Nam” sang Anh ngữ để dễ phổ biến trong giới trẻ và độc giả thế giới.

Phát biểu trong dịp này, nhiều nhân sĩ và đại diện các cơ quan đoàn thể trong cộng đồng người Việt ở nam California cũng đã có những nhận xét tích cực đối với việc làm của các sáng lập viên của Thư Viện và sự hoạt động liên tục của Thư Viện, như Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa, Chủ tịch cộng đồng người Việt Quốc Gia Nam Cali, nhân sĩ Lê Quang Dật...

Theo ông “Quản Thủ Thư Viện” Bùi Ðắc Danh cho biết, số sách báo hiện có trong Thư Viện phải kể đến hàng chục ngàn gồm đủ các lãnh vực từ văn hóa, chính trị, xã hội, y tế đến các tài liệu lịch sử qui giá. Số độc giả thường xuyên đến thư viện không chỉ là đồng hương lớn tuổi, mà còn có các bạn trẻ, sinh viên học sinh đến tra cứu tài liệu. Ngày nào cũng có một vài đồng hương mang sách vở, tài liệu, cổ vật đến tặng Thư Viện. Thư Viện hiện không có chương trình cho mượn sách về nhà để tránh thất thoát. Một nguyên tắc được ông quản thủ niêm yết trong Thư Viện là “Thư Viện Việt Nam là của mọi người cùng thành lập, cùng sử dụng và cùng nhau giữ gìn.”

Ði quanh một vòng Thư Viện, chúng tôi nhận thấy số sách báo trong thời VNCH, hơn 20 năm, có khá đầy đủ. Với con mắt khách quan, nhiều người nghiên cứu phê bình cũng phải nhận thấy nền văn học nghệ thuật của miền nam trước năm 1975 quả thật là phong phú và đa diện thể hiện được rõ nét và chân xác tính truyền thống văn hóa và văn học nghệ thuật của dân tộc Việt Nam.

Trong tương lai, Thư Viện phát triển thành một Bảo Tàng Viện Văn Học vì theo ông Du Miên, Thư Viện nhận được rất nhiều cổ vật quí hiếm liên quan đến lịch sử và văn hóa VN do các mạnh thường quân khắp nơi đã hiến tặng. Nhưng bên cạnh niềm vui này, nhà báo sáng lập Thư Viện VN cũng không dấu được nét ưu tư là làm sao Thư Viện có đủ chỗ chứa sách, bảo tàng những cổ vật quí hiếm vì hiện nay với diện tích hiện có vẫn còn rất khiêm nhường với một Thư Viện mà cũng đã là thiên nan vạn nan trong việc duy trì tiền nhà, điện nước và những sở phí bắt buộc. Nhà báo Du Miên tha thiết kêu gọi sự tiếp tay tài chánh của cộng đồng người Việt khắp nơi.

Quý độc giả, quý Mạnh Thường Quân cần biết thêm về Thư Viện VN, có thể liên lạc tại thư viện số 10872 Westminster Ave Ste # 214-215, Garden Grove, CA 92843, điện thoại: (714) 651-8018, (714) 713-4079.