main billboard

Mục đích của buổi gặp mặt là để thảo luận tình hình nhân quyền tại Việt Nam, cùng một số vấn đề liên quan đến chương trình phát thanh của đài RFA về nước này.


WESTMINSTER, CA (NV) - Trong một buổi tiếp xúc thân mật tại nhà hàng Brodard Chateau, Westminster, California, Bà Libby Liu, tổng giám đốc đài Á Châu Tự Do (RFA), và ông Nguyễn Văn Khanh, giám đốc chương trình Việt Ngữ của đài, vừa gặp gỡ nhiều khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng người Việt tại Little Saigon.

rfa libby liuBà Libby Liu (trái) nói chuyện về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam với Giám Mục Tin Lành Nguyễn Thanh Vân. (Hình: Tâm Nguyễn/Người Việt)

Mục đích của buổi gặp mặt là để thảo luận tình hình nhân quyền tại Việt Nam, cùng một số vấn đề liên quan đến chương trình phát thanh của đài RFA về nước này.

Ngoài sự có mặt của một số cơ quan truyền thông, đa số người tham dự thuộc giới quan tâm đến việc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam,  như Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, ông Lê Minh Nguyên, Giám Mục Tin Lành Nguyễn Thanh Vân, Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Phan Kỳ Nhơn, v.v...

Câu chuyện xoay quanh vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam, việc đàn áp bloggers, và tình hình nhân quyền, mà theo nhận định của bà Libby Liu, thì “ngày càng tệ” tại đây.

“Trong năm vừa qua nhà cầm quyền Hà Nội đã đàn áp các bloggers và những nhà đấu tranh rất gắt gao, khiến chúng tôi càng cảm thấy mình phải làm nhiều hơn nữa.” Bà Libby Liu tâm sự.

“Có thể họ bực bội vì không thể nào bóp chặt được internet.”  Bà nói thêm.

rfa libby liu allNgười tham dự buổi gặp gỡ với đại diện của đài RFA tại nhà hàng Brodard Chateau, tại Little Saigon, chụp hình lưu niệm. (Hình: Tâm Nguyễn/Người Việt)

Bà Libby Liu nói với phóng viên nhật báo Người Việt là tuy làm việc ở RFA đã lâu, điều vẫn cứ làm bà ngạc nhiên là “sự hỗ trợ nồng nhiệt của cộng đồng người Việt về sự tình hình tự do cho người dân còn ở lại nước họ, so với những cộng đồng di dân khác.”

Bà nói:

“Di dân của nhiều cộng đồng khác dần dà quên mất quê hương của mình sau khi đã thành đạt nơi xứ người, nhưng cộng đồng Việt Nam thì không thế, mà rất đoàn kết và tận tụy với lý tưởng chung là đấu tranh cho một nền dân chủ tự do tôn giáo cho quê nhà.”

Được hỏi về những thử thách và khó khăn trong việc thi hành sứ mệnh của RFA,  bà Libby Liu nhắc đến một quan điểm của BBG (chữ viết tắt của Broadcasting Board of Governors) Hội Đồng Điều Hành các cơ quan truyền thanh, truyền hình được chính phủ Hoa Kỳ tại trợ như RFA, VOA, v.v...

Đó là quan điểm phát thanh qua làn sóng ngắn ngày nay không còn quan trọng nữa.

Lý do, theo bà Libby Liu, là theo một nghiên cứu của BBG, rất ít người Việt Nam hiện giờ còn nghe phát thanh, và nhận định là với khuynh hướng ngày nay, internet đã thay thế được các chương trình phát thanh rồi.

Nhiều người tham dự tỏ ra quan tâm về tiết lộ này.

“Việt Nam đâu phải chỗ nào cũng có internet.” Một người lên tiếng.

“Nhiều nơi còn không có điện thì làm sao có được internet.” Người khác nói.

rfa nguyenvankhanÔng Nguyễn Văn Khanh, giám đốc chương trình Việt Ngữ của đài RFA trả lời phỏng vấn báo chí. (Hình: Tâm Nguyễn/Người Việt)

Ông Nguyễn Văn Khanh phát biểu:

“Chương trình phát thanh qua làn sóng ngắn rất cần thiết cho Việt Nam, vì internet thì chỉ ở thành phố lớn mới có, và internet cũng quan trọng, nhưng chỉ là thứ yếu.”

Bà Libby Liu tâm sự:

“Chúng tôi biết là quan điểm này (bỏ phát thanh qua làn sóng ngắn) không đúng, nhưng vẫn đang tìm cách để thuyết phục họ sao cho hữu hiệu hơn.”

Ông Nguyễn Văn Khanh nói:

“Tôi hiểu rằng đây là một qua tâm lớn của bà Libby Liu. Tôi cũng chia xẻ ưu tư ấy, vì con đường dân chủ rất dài, mà nếu lấy đi một phương tiện thì không biết con đường sẽ còn dài thêm bao lâu nữa.”

“Chắc chắn chúng tôi sẽ phải vận động với các vị dân cử của vùng mình.” “Một người trong cử tọa khẳng định.