main billboard

Dư luận cho rằng năm nay đồng hương Quảng Trị có một cuộc hội ngộ đầu năm rất vui và đáng nhớ.


Các vị phụ nữ Quảng Trị trong những chiếc áo dài nhiều màu sắc làm tăng thêm sự tươi vui trong ngày họp mặt, ban tiếp tân đón tiếp nồng hậu; các giọng ca “đã già” nhưng thật điêu luyện và truyền cảm được nhiều người khen ngợi hết lời. Đồng hương hết lòng đóng góp cho việc sinh hoạt một số hiện kim đáng kể.
 Cali Today News - Lúc 10:00am ngày Chúa Nhật 2/3/2014 Hội Đồng Hương Quảng Trị linh đình tổ chức ngày Hội Ngộ Tân Niên mừng năm mới Giáp Ngọ tại trường Hellyer Elementary School, có hơn 300 đồng hương đến tham dự. Có những đồng hương đến từ Oakland, Stockton, lần đầu tiên tham dự đã tỏ ra vui mừng được gặp lại đồng hương. Trong số quan khách hiện diện được biết có Hội Cảnh Sát Quốc Gia, Hội Nha Trang Khánh Hòa, Hội Thừa Thiên Huế, Hội Thiết Giáp, Nhóm Ái Hữu Cựu Tù Nhân Chính Trị Bình Điền, Hội Cựu Tù Nhân Ái Tử Bình Điền, các cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng...…v.v. Trên hàng ghế đầu có các cụ cao niên Võ Tự Đản (85 tuổi), cụ Phan Bá Lân (80 tuổi), BS Phạm Đức Vượng, Ông Trương Thức, Ông Thái Văn Hòa, Ông Lê Đình Bì...v.v.

donghuong quangtri tannienTrên sân khấu Hội trường thiết trí một bàn thờ uy nghiêm với đầy đủ lễ bộ tam sự, hoa quả, nhang đèn; phía sau bàn thờ là một bức tranh sơn thủy lớn làm nền.

Lễ chào cờ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ diễn ra trang nghiêm. Trong phút mặc niệm, đồng hương Quảng Trị đã không quên tưởng nhớ đến các đồng bào bị Việt Cộng pháo kích tử nạn trên Đại Lộ Kinh Hoàng năm 1972. Tiếp theo là lễ Dâng Hương lên bàn thờ Tổ Quốc và lời khấn nguyện: 2 vị Cố Vấn của hội là, cụ Võ Tự Đản, GS Trịnh Huy Trường, GS Lê Đình Cai, và Ông Hoàng Xuân Định cùng dâng hương, GS Nguyễn Châu đọc lời khấn nguyện.

Tiếp tục chương trình, người điều khiển chương trình (MC) Nguyễn Ngọc Thụy giới thiệu thành phần quan khách, sau đó thay mặt BTC, GS Nguyễn Châu, ngỏ lời chào mừng, và nói lên mục đích của Ngày Hội Ngộ Tân Niên hàng năm: trước là để đồng hương, các vị cao niên có cơ hội gặp nhau hàn huyên tâm sự, sau là để nhắc nhở cho các thế hệ sinh ra và lớn lên tại hải ngoại biết về cội nguồn của quê hương ông cha mình, và nhất là để nói lên truyền thống “ly hương bất ly tổ” của người Việt Nam.

Buổi lễ diển tiến tiếp tục với phần chúc thọ. Hai vị cao niên là cụ Võ Tự Đản và cụ Phan Bá Lân nhận quà chúc thọ. Sau đó, các cháu nhỏ nhất, (còn ẳm trên tay) được mừng tuổi và tặng quà “lì xì” cùng với 20 em bé khác. Ban Khuyến Học nhằm mục đích khuyến khích cho các thế hệ con cháu cố gắng học hành nâng cao kiến thức, do giáo sư Lê Đình Cai đảm trách đã trao tặng 13 phần thưởng cho các học sinh ưu tú, gồm một bẳng tuyên dương và $50 mỹ kim để mua sách vở, giấy bút.

Ngày Tết, đón Xuân không thể thiếu xổ số lấy hên đầu năm. Có tất cả 11 phần quà, 3 phần do Hội tặng và 8 phần do ông Hoàng Xuân Định tặng. Người điều khiển chương trình xổ số là ông Hoàng Xuân Định. Mỗi người tham dự đều được tặng môt vé số. Những số trúng được treo trên cây mai và một vị được mời lên bốc số. Điều đặc biệt của các lô sổ số là mỗi vé trúng đều có một câu chuyện, một sự tích lịch sử được bỏ trong bao thơ dưới dạng đố vui để biết. Qua việc sổ số người tham dự sẽ được nghe một câu chuyện đặc biệt về vùng đất và con người Quảng Trị. Chẳng hạn như câu hỏi “Ai là người đi trễ trong buổi tiệc do Tổng Thống Ngô Đình Diệm mời”. Đó là chuyện bà Tôn Thất Dương Thanh, người phụ nữ Quảng Trị đầu tiên có bằng Diplôme, phu nhân của ông Tôn Thất Dương Thanh, Hiệu Trưởng trường Tiểu Học Quảng Trị từ thập niên 1940, được mời vào dinh Độc Lập vào năm 1956 để dự tiệc. Bà Thanh vì không biết được mình là người được chọn ngồi cùng bàn với Tổng Thống nên bà đã cùng với bà Bút Trà đi thăm Thủ Đô Sài Gòn và đã đến trễ trong khi đó TT Diệm vẫn ngồi chờ vì một ghế còn trống….

Sau phần nghi lễ và chúc thọ, phát thưởng, lì xì… mọi người cùng ăn trưa vớI những món ăn thuần túy quê hương và thưởng thức chương trình văn nghệ “Cây Nhà Lá Vườn” nhưng rất đặc sắc vớI những giọng ca trầm ấm và gần như chuyên nghiệp. Chương trình năm nay kéo dài đến quá 3:00pm, nhưng đồng hương và than hữu vẫn rất đông, chưa chịu chia tay.

Được biết, hiện nay Ban Điều Hành của Hội ĐH&TH Quảng Trị GS Nguyễn Châu làm Hội Trưởng, GS Lê Đình Cai Hội Phó Đặc trách Khuyến Học, Ông Hồ Đắc Nhơn Thủ Quỹ, Ông Lê Văn Hiệp Kế Hoạch, ông Lê Văn Suyền và chị Hồng Hoa Văn nghệ, Ông Đinh Trọng Phúc Tổng Thư Ký. Ban Cố Vấn: Cụ Võ Tự Đản, GS Trịnh Huy Trường. Ban Tiếp Tân & Ẩm Thực: Chị Thìn, chị Hạ, chị Huệ, chị Vọng, chị Chư...v.v.

Dư luận cho rằng năm nay đồng hương Quảng Trị có một cuộc hội ngộ đầu năm rất vui và đáng nhớ. Bàn thờ Tổ Quốc Giang Sơn rất trang trọng và bề thế. Bàn thờ do ông Hoàng Xuân Định “design” và thực hiện. Phần thiết kế tại hội trường được sự hỗ trợ tích cực của các anh trong nhóm Ái Hữu CTNCT Bình Điền, gồm các ông Trần Quỳ, Nguyễn Đức và Hoàng Vinh, đã đến sớm lúc 8:00am để trang hoàng chuẩn bị đón tiếp đồng hương và quan khách.

Các vị phụ nữ Quảng Trị trong những chiếc áo dài nhiều màu sắc làm tăng thêm sự tươi vui trong ngày họp mặt, ban tiếp tân đón tiếp nồng hậu; các giọng ca “đã già” nhưng thật điêu luyện và truyền cảm được nhiều người khen ngợi hết lời. Đồng hương hết lòng đóng góp cho việc sinh hoạt một số hiện kim đáng kể. Tuy nhiên cũng có vài phàn nàn là phần sổ xố quá dài làm cho phần văn nghệ ngắn lại

Một vài nét về Quảng Trị:

Quảng Trị là một tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Phần. Đây là tỉnh có Khu phi quân sự vĩ tuyến 17, là giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Quảng Trị phía bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía nam giáp tỉnh Thừa Thiên, phía tây giáp Trường Sơn, phía đông là biển Đông HảI cửa Việt Trì. Tỉnh lỵ là Đông Hà cách Sài Gòn khoảng 1,112 km.

 Từ thời Hùng Vương-An Dương Vương, đất Quảng Trị  thuộc lãnh thổ Việt Thường của Văn Lang-Âu Lạc. Thời kỳ Hán thuộc từ năm 179 Trước Công nguyên đến năm 192, Quảng Trị thuộc quận Nhật Nam. Cuối thế kỷ thứ 2, nhà Hán sụp đổ, quận Nhật Nam và Tượng Lâm đã được hình thành, lập nên vương quốc Lâm Ấp. Lãnh thổ của Lâm Ấp được phỏng đoán từ đèo Hải Vân đến đèo Ngang ngày nay, tức bao gồm cả vùng Quảng Trị.

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh thống lĩnh 5 vạn quân cùng Lý Thường Kiệt đi tiên phong đánh thẳng vào Kinh đô Chà Bàn, bắt được vua Champa là Rudravarman III (Chế Củ) đưa về Thăng Long. Để chuộc tội, Chế Củ xin dâng 3 châu: Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cho Đại Việt. Vua Lý Thánh Tông cho đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh. châu Minh Linh tương là vùng đất từ Cửa Việt trở ra phía Bắc Quảng Trị ngày nay, gồm các quận Gio Linh, Cam Lộ, Đa Krông, một phần đất của thành phố Đông Hà, Hương Hóa và Vĩnh Linh hiện nay.

Năm 1306, vua Champa là Jaya Sinhavarman III (Chế Mân) dâng biểu cầu hôn lên vua Trần Anh Tông xin cưới Công chúa Huyền Trân và dâng 2 châu: Châu Ô và châu Rí làm vật sính lễ. Năm 1309, nhà Trần đổi châu Ô thành Thuận Châu, châu Rí thành Hóa Châu. Đất Thuận Châu là vùng đất từ sông Hiếu - Cửa Việt trở vào phía Nam Quảng Trị ngày nay, trong đó có các quận Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và một phần đất Đông Hà.

Từ năm 1558, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, đóng Dinh Cát ở Ái Tử. Trong suốt gần 300 năm, vùng đất Quảng Trị có tên gọi Cựu dinh thuộc vào trấn Thuận Hóa. Khi Gia Long lên ngôi năm 1802, đã đặt lại Cựu dinh thành dinh Quảng Trị gồm các quận Hải Lăng, Đặng Xương (tên cũ là Vũ Xương), Minh Linh và đạo Cam Lộ. Năm 1806, Quảng Trị trở thành dinh Trực Lệ kinh sư Huế. Năm 1822, đặt châu Hướng Hóa lệ thuộc đạo Cam Lộ.

Năm 1827, dinh Quảng Trị đổi thành trấn Quảng Trị. Năm 1832, trấn Quảng Trị đổi thành tỉnh Quảng Trị. Năm 1853, tỉnh Quảng Trị hợp với phủ Thừa Thiên thành đạo Quảng Trị. Tuy nhiên đến năm 1876, tỉnh Quảng Trị được tái lập.

Sau Hiệp định Genève 1954, sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự, tỉnh Quảng Trị chia làm hai vùng: Vùng bờ Nam sông Bến Hải là tỉnh Quảng Trị, gồm các quận: Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Hướng Hóa, xã Vĩnh Liêm và một phần củaVĩnh Sơn (Vĩnh Linh), thị xã Quảng Trị, thuộc Việt Nam Cộng Hòa; hơn 3/4 Vĩnh Linh ở phía Bắc vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) thuộc miền Bắc VN.

Quảng Trị có những di tích đã đi vào lịch sử như: Cổ Thành Đinh Công Tráng, Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang (Tịnh Quang Tự), Thánh địa La Vang Đức Mẹ Maria hiện ra hiển linh vào năm 1798. La Vang ngày nay là một thánh địa và là nơi hành hương quan trọng của người Công giáo Việt Nam, nằm ở Hải Lăng, thuộc Tổng Giáo phận Huế.  Một nhà thờ đã được xây dựng gần ba cây đa, nơi Đức Mẹ đã hiện ra và được Tòa Thánh tôn phong là Tiểu Vương Cung Thánh đường La Vang từ năm 1961. Đây là một trong ba trung tâm hành hương Công giáo. Ngoài ra còn có sông Thạch Hãn, Căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu (có hàng rào điện tử McNamara), Sông Bến Hải, Cầu Hiền Lương.