main billboard

Người muốn khỏe thì phải tập luyện, muốn giỏi thì phải học, và muốn tâm linh mình tốt thì phải làm việc thiện.


WESTMINSTER, California (NV) - “Sức Khỏe Cho Tuổi Già” là đề tài trong buổi thuyết trình được tổ chức vào Chủ Nhật, 16 Tháng Ba, tại Viện Việt Học, Westminster. Thuyết trình viên là Giáo Sư Trần Ngọc Ninh.

Sau khi kể lại những kinh nghiệm thời ông du học và làm việc bên Âu Châu và nhiều nước khác trong đó có Việt Nam, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, cũng là một bác sĩ, đã nêu lên nhiều vấn đề hữu ích trong việc làm thế nào để bảo vệ sức khỏe của những người lớn tuổi.

gs tranngocninh nguoigia 1Giáo Sư Trần Ngọc Ninh (phải) thuyết trình đề tài “Sức Khỏe Cho Tuổi Già.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo ông, một trong những phương pháp căn bản để giúp cho con người có được sức khỏe tốt khi trở về già là phải tập luyện thể lực, trí thức và tâm linh khi còn trẻ nhỏ. Ðối với những người bị thương tích có thể đi đến tàn tật thì có một phương phát chữa trị bằng cách phục hồi.

Ðầu tiên, trong y khoa người ta không lập ra khoa phục hồi. Ðến sau này, khi đã có khoa phục hồi thì các bác sĩ làm việc phục hồi không phải ở tay chân, mà trước hết phải phục hồi cái đầu, cái óc. Thì người già của chúng ta có cái tâm lý của người già cho nên chúng ta cũng cần phải phục hồi.

Bác sĩ chia sẻ: “Nếu chúng ta muốn làm các ông cụ thì cũng vẫn có thể được, nhưng nếu chúng ta không muốn là cụ thì chúng ta vẫn có thể trẻ trung. Theo tôi, khi nào người ta còn học được một điều thì lúc đó chúng ta hãy còn trẻ. Tôi thì vẫn còn học và tôi muốn học nhiều điều cho nên không bao giờ tôi nghĩ rằng tôi là một cụ già.”

“Vấn đề chính là vấn đề căn bản khoa học, căn bản khoa học công nhận có phần di truyền, nhưng mà thật ra chỉ có chuyện di truyền về truyện huyền thoại thôi. Ông Hercule là con của ông Jupiter, khi mới sanh ra là đã khỏe mạnh rồi, chớ còn bao nhiêu những người khác khỏe là nhờ tập luyện chớ không phải là vì mới sanh ra là họ được khỏe mạnh,” bác sĩ nói thêm.

Theo ông, chuyện luyện tập, tất cả mọi thứ ở trong con người đều luyện tập được. Luyện tập về thân thể, luyện tập về trí thức, luyện tập về tâm linh. Người muốn khỏe thì phải tập luyện, muốn giỏi thì phải học, và muốn tâm linh mình tốt thì phải làm việc thiện. Từ khi còn nhỏ, nếu mà tập được như thế thì hoặc là thân thể hoặc là trí thức, hoặc là tâm linh của mình hoặc là tất cả ba cái đều sẽ tốt và giỏi. Nhưng lúc còn nhỏ không chịu luyện tập khi lớn lên, ra đời sống sẽ không có vốn ở trong người.

gs tranngocninh trangiaconjpgBác Sĩ Phạm Gia Cổn, học trò của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, nói về ích lợi của “Khí Công Hoàng Hạc.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Sức khỏe là cái vốn mà mình để lại từ khi mình sinh ra, chớ không phải để đến lúc nào đó mình mới ý thức được, thì lúc bấy giờ mình mới ăn kiêng thế này, thế kia rồi mình thành ra tốt được. Phải hiểu rằng có hai cái phương diện, đó là phương diện khang kiện và phương diện sức khỏe. Cái khang kiện là do chính mình tạo nên không phải là sự không có bệnh tật mà là đời sống hoạt động cho thân xác được bình thường và tâm thần được an lạc, thì khi đó mới nói được là khang kiện,” ông Ninh nói.

Bác Sĩ Ninh cho biết, theo định nghĩa của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), vấn đề tinh thần đặt ngang với vấn đề sức khỏe. Còn vấn đề sức khỏe thì khác. Khi nói đến sức khỏe trước nhất là vấn đề thân thể. Ở trong việc hoạt động bình thường của con người: sự đứng, sự đi, sự chạy, sự nằm đều theo những định luật của vật lý và hóa học.

Ông nói: “Người trẻ cũng như người già, khi nào mà sự hoạt động của mình bị kém sút đi thì tự nhiên sức khỏe của mình bị kém sút. Sự hoạt động quan trọng nhất là không phải chỉ có động, mà bắt đầu là phải khởi động, xong rồi mới đến động rồi mới tĩnh và đứng lại được. Trong những sự động rồi dừng lại đều là có kỹ thuật trong những sự động. Chúng ta đừng có tưởng tất cả những chuyện đó dễ dàng, muốn thực hiện cứ làm sao cũng được, mà tất cả đều là do khoa học và phải làm cho đúng. Những người học đúng thầy thì tập được theo khoa học.”

“Mục tiêu để mình tập luyện, thứ nhất là làm sao có sức mạnh, cái sức mạnh người ta đo bằng cái bắp thịt to đến đâu so với cái bắp đó với của người khác. Công việc đó nó có bền không và nó có nhanh không. Bền hay nhanh thì nó cũng ở trong cái bắp thịt đó, nhưng không phải ở trong khối lượng của cái bắp mà là ở trong cái mô học trong tiểu sử của bắp thịt,” ông nói thêm.

gs tranngocninh khicongNgười tham dự thư giãn theo phương pháp “Khí Công Hoàng Hạc.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo sự học hỏi của ông từ Âu Châu, trong bắp thịt, những sợi thịt trắng là sợi cho sự bền bỉ, những sợi đỏ để cho sự nhanh nhẹn. Một người bị gãy chân khi nằm bệnh được kéo chân hay bó bột, thì lúc đầu bắp thịt nhanh ở chân có nhiều sợi đỏ, nhưng từ từ thì số sợi đỏ bị bớt đi, sau một tuần, nếu người bệnh bị treo chân thì số sợi đỏ có thể bị bớt đi 1/3 và được thay thế bằng những sợi trắng.

Sau này muốn những sợi trắng trở lại sợi đỏ thì rất khó. Nhưng muốn làm sao cho những sợi đỏ nó vẫn giữ được nguyên số lượng của nó từ đầu, con người phải chịu khó tập luyện từ đầu, và phải thường xuyên luyện tập.

Mỗi nước có truyền thống luyện tập riêng, nhưng truyền thống nào cũng vậy, cái quan trọng nhất là phải giữ sự an toàn. Muốn giữ sự an toàn đầu tiên là phải trở lại khoa học. Chúng ta phải hiểu rằng, vật thể nào được đứng vững là nhờ có đế để chịu đựng và quan trong nhất là phải biết trọng tâm của sức nặng của vật thể đó ở chỗ nào. Khi trọng tâm ra ngoài cái đế thì vật thể đó phải bị ngã.

Khi người ta đứng được là nhờ có cái đế là hai bàn chân, khi dang hai bàn chân rộng ra thì sẽ được đứng vững hơn, muốn đứng vững hơn nữa thì phải đứng tấn như những vị võ sư đã dạy.

Trọng tâm của con người là khoảng 2 cm trước cái đốt thứ năm của lưng, đó là chuyện vật lý. Nếu chúng ta không biết trọng tâm của con người thì người ta sẽ không hiểu sự đi, sự đứng, sự chạy của con người và sẽ không nghiên cứu được công việc của thể thao. Vì thế chúng ta không khi nào để cho tự mình ngã được.

Khi chúng ta đi thì trọng tâm của con người sẽ đi theo và muốn đi hay chạy được vững thì đôi bàn chân cũng phải đi đúng là một cái đế rộng và đúng thế thì con người mới đi hay chạy vững được.