Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, một trong những chủ trương trả thù của quân Cộng Sản, nhằm xóa bỏ di tích của cuộc chiến, là triệt phá tất cả các nghĩa trang của quân đội VNCH trên toàn miền Nam,


nt bienhoa
Một góc Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa năm 2011. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Trong sinh hoạt cộng đồng cuối tuần vừa qua tại Nam California, Vietnam Film Club ở Washington, DC, đã tổ chức một buổi ra mắt cuốn DVD “Hồn Tử Sĩ, Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa” trước một số người tham dự đông đảo, phần lớn là các cựu quân nhân VNCH, tại Westminster.

Câu chuyện Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa được mọi người quan tâm không phải bây giờ mà cách đây đã khá lâu, khi một số người tị nạn Cộng Sản đã ra được nước ngoài, vẫn canh cánh bên lòng câu chuyện đau lòng của nghĩa trang miền Nam, nơi đã chôn cất hàng chục nghìn tử sĩ của miền Nam. Nghĩa trang này sau khi miền Nam thất thủ, đã không được chính quyền Cộng Sản, những người thắng cuộc tôn trọng và cư xử với đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận” của người phương Đông hay với tính cách nghĩa hiệp của người văn minh phương Tây, đối với những người cùng chung một nước, như sự cư xử của Bắc quân khi miền Nam thất trận trong cuộc Nội Chiến (Civil War 1861-1865) của Hoa Kỳ.

Ngay đối với đội quân xâm lược từ một quốc gia khác, khi tiếng súng đã ngưng, những đối thủ ngày trước, bây giờ cũng phải được tôn trọng, nhất là đối với những người đã chết.

Nước Pháp có mộ chiến sĩ vô danh nằm dưới Khải Hoàn Môn từ ngày 11 Tháng Mười Một, 1920, nơi có khắc hàng chữ “Nơi đây yên nghỉ một người lính Pháp chết cho tổ quốc.” (1914-1918). Tuy vậy, vào ngày 14 Tháng Bảy, 1940, nghĩa là trong thời gian quân đội Đức chiếm đóng Paris, buổi lễ Chiến Sĩ Trận Vong vẫn được tổ chức với sự cho phép của sĩ quan Đức.

Thay vì đào mồ bới mả kẻ thù lên mà hả hê sung sướng, reo hò khi đã thắng được kẻ thù, chúng ta được biết trong năm 2015, Ukraine đã tháo dỡ gần 140 tượng đài của Liên Xô và chính phủ Ba Lan có kế hoạch hạ bỏ khoảng 500 tượng đài Liên Xô, kẻ thù ngày trước, nhưng không đụng đến tượng đài ở các nghĩa trang, nơi an nghỉ của những người lính Xô Viết.

Sau khi cuộc Nội Chiến Mỹ kết thúc, chính phủ liên bang đã trả lại tài sản bị trưng dụng hoặc bị chiếm đoạt cho phe bại trận để hàn gắn vết thương chiến tranh và những người lính hy sinh từ hai chiến tuyến được chôn chung trong một nghĩa trang với nhau, hoàn toàn không có sự phân biệt kẻ thắng người thua.

Chỉ vài ngày sau khi miền Nam thất thủ, bức tượng “Thương Tiếc,” tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Thanh Thu, bằng đồng, nặng 10 tấn, cao hơn 6 mét, ghi lại hình ảnh của một người lính gác súng, ngồi trên bệ đá trước nghĩa trang, đã bị Cộng Sản giật sập và kéo đi. Từ đó, Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa được xem như một vùng quân sự, cấm người dân ra vào.

Năm 1995, ký giả Gordon Dillow, sau khi bất ngờ vào được bên trong, ông đã viết trên nhật báo The Orange County Register như sau: “Hai mươi năm trước, đây là nghĩa trang quốc gia lớn nhất với đài tưởng niệm các chiến sĩ của miền Nam Việt Nam, bây giờ là bãi đất hoang vu, bị bỏ mặc không ai chăm sóc, bị phá hoại. Những nấm mồ bị đào xới không còn nhận dạng được. Nhà cầm quyền Cộng Sản đã trồng một số cây, ngay bên cạnh các mộ phần, khiến cho rễ của cây khi lớn lên sẽ phá nát những ngôi mộ bên dưới.”

Ký giả Dan Southerland của đài Á Châu Tự Do, năm 2005, khi ghé thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, đã nhận ra đây là một khung cảnh thù địch, khiến cho ông phải bàng hoàng. Nghĩa trang như một căn cứ quân sự, hay như một nhà tù, có lính Cộng Sản canh gác ngày đêm. Họ sợ điều gì vậy?

Ông Southerland cũng dã đi thăm một vài nghĩa trang của những người lính Cộng Sản, sự tương phản làm cho ông ngỡ ngàng, một bên được chăm sóc đẹp đẽ, mở cửa cho mọi người vào, một bên như là một nhà tù. Tất cả chỉ là hoang phế, phá hoại và lấn chiếm.

Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, một trong những chủ trương trả thù của quân Cộng Sản, nhằm xóa bỏ di tích của cuộc chiến, là triệt phá tất cả các nghĩa trang của quân đội VNCH trên toàn miền Nam, ngoại trừ duy nhất là Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa chưa bị san bằng và mọi việc thăm viếng đều bị kiểm soát.

Bằng chứng là vào đầu Tháng Năm, 1975, Cộng Sản đã cho san bằng hằng nghìn ngôi mộ ở Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp, và sau đó là số phận của nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, nơi chôn cất Thống Tướng Lê Văn Tỵ và hai anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Theo Wikileaks, hồi năm 2008, Thượng Nghị Sĩ Jim Webb đã bí mật đến thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, nằm trong tình trạng hoang phế vì không có người chăm sóc. Dịp này, ông Webb gặp bí thư thành ủy Sài Gòn là ông Lê Thanh Hải và chủ tịch thành phố là ông Nguyễn Hoàng Quân. Ông Webb khuyến khích nhà cầm quyền Cộng Sản, đây đã đến lúc hòa giải với cựu quân nhân VNCH.

Các viên chức đảng Cộng Sản này, khi đáp lời ông Webb, đã không nhắc gì tới quân đội VNCH mà chỉ nói tới vai trò quan trọng của Mỹ trong việc phát triển kinh tế Việt Nam, tức là xin viện trợ. Cả hai đều nhắc tới những “bước tiến trong quan hệ hai nước, để người Việt ở Mỹ có thể trở về nước làm ăn!”

Báo chí ở Việt Nam hàng năm nêu ra con số hàng chục tỷ đô la do người Việt hải ngoại, đa số là những người chạy trốn Cộng Sản, gửi về nước cho thân nhân mà nhờ đó có tiền nuôi chế độ. Nhưng chế độ này, tuy bề ngoài vẫn hô hào hòa hợp hòa giải, quên đi quá khứ, nhưng vẫn quyết tâm ngoảnh mặt làm ngơ, không tương nhượng với việc hòa giải ngay cả với người chết là việc trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa hay coi đây như là một di tích lịch sử.

Thật bất hạnh cho miền Nam chúng ta, đã có một đồng minh bội phản và hơn thế, một thứ kẻ thù mọi rợ, nhỏ nhen.