Khoảng mười năm trở lại đây, chúng ta được nghe nhiều câu chuyện cảm động và thường quan tâm tìm hiểu về những trẻ em Việt Nam được người ngoại quốc mang về nuôi, được học hành, lớn lên thành danh hay không thành danh.

Số phận những trẻ bất hạnh ở trong các trại mồ côi hay lang thang ngoài đường phố Việt Nam thường được thế giới biết đến qua những hình ảnh và bài viết của các ký giả quốc tế đang công tác tại Việt Nam thời đó. Nhanny Heil hay Trần Thị Hết là một trường hợp như vậy.

philipp roslerÔng Philipp Rosler, phát biểu tại đại hội đảng FDP, lúc đang là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Kinh Tế Ðức. (Hình: Guenter Schiffmann/AFP/Getty Images)

Vào Tháng Hai năm 1973, ông Chick Harrity, phóng viên nhiếp ảnh của Associated Press, đang làm việc ở Sài Gòn đã chụp được bức ảnh một em bé gái gầy gò, dơ bẩn đang ngủ, nằm co quắp bên trong chiếc hộp giấy bằng carton, chỉ với một chiếc áo che phần trên thân thể, bên cạnh chiếc hộp là đứa bé trai, lớn hơn một tí, nắm lấy tay của em gái mình thò ra, và gần đó là một chiếc tô nhựa dùng để xin thức ăn. Ðó chính là em bé trong câu chuyện “Baby in the Box” nổi tiếng thế giới.

Bức ảnh này được AP gửi về Mỹ đã trở thành một “Breaking News Story” cho báo chí và các đài truyền hình ở Mỹ, đặc biệt là ở New York đã làm cho quần chúng xúc động. Rất nhiều người đã liên lạc tới hãng thông tấn AP để hỏi xem có cách nào nhận hai em bé đó làm con nuôi không.

Chỉ hai ngày sau, nhóm chuyên viên phòng tối người Việt đã dễ dàng tìm ra gia đình của em bé này. Mẹ của em bé, vợ một quân nhân VNCH cho biết bà có 5 đứa con trai và em bé trong chiếc hộp giấy là con gái út tên Trần Thị Hết... Vì hoàn cảnh vô cùng nghèo khổ, lương lính của chồng không đủ nuôi vợ và sáu đứa con, nên các con bà phải đi ăn xin trên đường phố. Khi biết nhiều gia đình ở Mỹ muốn nhận hai em bé trong bức hình làm con nuôi, thì bà đã quyết liệt từ chối, vì dù nghèo khó, bà không muốn gia đình phải chia cách.

Cuối cùng, định mệnh cũng đã đưa em Trần Thị Hết đến Mỹ. Cuối năm 1973 thì mẹ em đưa em vào viện mồ côi Holt, vì em bị bệnh tim và bà quá nghèo không có tiền chữa bệnh cho con. Sau đó nghe bà mẹ của em đã đi Ðà Nẵng, và qua đời vì bệnh lao phổi. Cuối cùng Trần Thị Hết được bác sĩ Denton Cooley chữa bệnh tim, đem em từ Saigon sang Mỹ chữa bệnh. Năm đó là năm 1974.

Bà Evelyn Heil, một nhà giáo ở thành phố Springfield, Ohio, là bà mẹ nuôi của Trần Thị Hết cho biết bà đã nhìn thấy bức hình “Baby in the Box”, trên một tờ báo ở Houston, Texas, và hình như có một sự thôi thúc kỳ lạ khiến bà tìm mọi cách để xin em về làm con nuôi, lúc ấy bà Evelyn Heil đã có bốn cậu con trai, và Nhanny Heil trở thành cô con gái út trong gia đình.

Ngày 21 Tháng Năm, 2005, tại Washington, DC, trong một buổi lễ do Hội Phóng Viên Ảnh Tòa Bạch Ốc tổ chức, trước sự chủ tọa của Tổng Thống George W. Bush, chính Nhanny Heil đã trao tặng giải thưởng “Thành Tựu Một Ðời” cho nhiếp ảnh gia nổi tiếng Chick Harrity, người đã chụp tấm hình cô nằm co quắp trong chiếc thùng giấy 32 năm về trước trên vỉa hè Sài Gòn.

Nhanny Heil ngày nay đã là mẹ của hai con ở thành phố Springfield, Ohio, đã từng trả lời qua một cuộc phỏng vấn:
“Tôi chỉ nghĩ là tôi rất may mắn vì đã gặp được mẹ nuôi tôi, người đã gầy dựng cho tôi một cuộc đời mới. Tôi biết rằng, tôi còn có cha và các anh trai của mình, và nhiều khi tôi tự hỏi không biết giờ này họ ra sao. Tôi không biết làm cách nào để tìm ra họ. Tôi thiệt không biết làm sao!” (RFI)

Lời nói tha thiết của cô bé Trần Thị Hết ngày xưa như một lời than khóc, nhưng làm sao để tìm ra một người lính miền Nam vô danh trong cuộc chiến khốc liệt và nhất là sau khi Saigon sụp đổ, và những đứa con trai lang bạt không nhà của ông. Không một tên người, không một tên làng xóm, không một địa chỉ. Nhưng Nhanny Heil vẫn nghĩ về nguồn cội.

Một trường hợp con mồ côi khác, không rõ họ tên gốc Việt và cha mẹ là ai, sinh tại Khánh Hưng, Sóc Trăng, được nuôi trong một viện mồ côi Công Giáo do các nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng Portieux. Khi được 9 tháng tuổi, ông được một cặp vợ chồng người Ðức vốn đã có hai con gái nhận nuôi và đặt tên là Philipp Rosler. Trong những đứa con lưu lạc, Philipp Rosler là con người gốc Việt thành công rực rỡ nhất. Hiện nay ông là một chính trị gia của Ðảng Dân Chủ Tự Do (FDP) đã từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Kinh tế kiêm phó Thủ hiến bang Niedersachsen. Từ năm 2009, ông là Bộ trưởng Bộ Y Tế Liên bang Ðức trong nhiệm kỳ thứ nhì của Thủ tướng Angela Merkel. Tháng Năm, 2011, tại Ðại hội Ðảng FDP, ông được bầu làm chủ tịch đảng và sau đó được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Ðức kiêm Bộ trưởng Bộ kinh tế và công nghệ liên bang.

Không như những đứa trẻ Việt Nam khác như cô Kimberly Mitchell, được Thiếu Úy TQLC Trần Khắc Báo cứu trên “Ðại Lộ Kinh Hoàng” Quảng Trị năm 1972, hay cô Heidi Mai Thị Hiệp trong câu chuyện “Daughter From Danang,” Philipp Rosler không cảm thấy cần phải tìm kiếm nguồn gốc của mình và tự xem mình là một người Ðức Công Giáo.

Năm 2006, theo lời thúc giục của vợ, ông lần đầu tiên thăm Việt Nam, nơi ông sinh ra, nhưng ông nói rằng ông chỉ có mối liên hệ tình cảm hạn chế với nước này (!).

Ðáp lại câu hỏi của báo chí về việc Rosler có liên lạc với Seour Mary Marthe và Seour Sylvie Marthe hiện vẫn đang sống ở Việt Nam, là hai người đã chăm sóc ông trại mồ côi ở Khánh Hưng trong những tháng đầu đời hay không, thì ông cho biết đã liên lạc với Seour Mary Marthe, khi ông là Bộ trưởng Y tế Ðức năm 2009. Ông cho biết, các phóng viên Ðức đã đến Việt Nam và lấy được một số bức ảnh hồi bé của ông.

Báo chí hỏi ông, trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên cùng với vợ, sao Rosler lại không đến nơi ông từng được nuôi dưỡng khi còn là trẻ sơ sinh, thì câu trả lời của ông là “hai vợ chồng tôi từng nghĩ rằng Sóc Trăng có lẽ cũng giống như những địa điểm khác mà chúng tôi từng thăm thôi (!).”Philipp Rosler cũng nói thêm: “Tôi đi thăm Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng Kinh tế, một đại diện của giới kinh doanh Ðức, chứ không phải là một chuyến đi tìm hiểu quá khứ của bản thân.”

Phải chăng việc tìm lại cội nguồn có thể xẩy nhiều chuyện rắc rối, như “Daughter From Danang.” Heidi Mai Thị Hiệp, một đứa con lai Mỹ, tại Ðà Nẵng,Việt Nam, được đưa sang Hoa Kỳ vào năm 1975 trong chuyến “Babylift” từ Tân Sơn Nhất. Mẹ cô là Mai Thị Kim, đã có chồng và ba con, cô Heidi là kết quả của mối tình Mỹ Việt khi bà Kim làm việc trong căn cứ Mỹ tại Ðà Nẵng. Tuổi thơ ấu cô đã bị gia đình mẹ hất hủi, bạc đãi như đã từng đuổi con bé năm tuổi ra khỏi nhà trong giờ giới nghiêm. Khi Ðà Nẵng sắp mất, sợ hãi về những điều người ta đang đồn đãi về Việt Cộng, bà Kim đã đem con bé cho cơ quan từ thiện “Holt Adoption Agency.”

Ðược mang về Mỹ làm con nuôi, lớn lên, khi Heidi lập gia đình và có con, những ám ảnh đau đớn của tuổi thơ đã tác động vào lòng cô rất nhiều, nhưng Heidi hy vọng rằng việc đi tìm lại người mẹ ruột của mình sẽ giúp giả tỏa được nỗi đau này.

Heidi liên lạc với cơ quan nhận con nuôi Holt, và biết rằng mẹ đẻ của cô là bà Mai Thị Kim, hiện còn sống ở Ðà Nẵng. Với sự giúp đỡ của nhà báo Trần Tường Như, từ Pulaski, Tennessee, Heidi quyết định trở về Việt Nam để tìm lại cội nguồn.

Chuyến trở về hoàn toàn đổ vỡ và thất vọng. Heidi không có kinh nghiệm gì về nếp sống Việt Nam và gia đình mẹ cô sống trong đói nghèo, không có kiến thức về văn hóa Mỹ. Mẹ cô, bà Mai thì muốn dành nhiều thời gian với Heidi và thậm chí, đêm đầu tiên đòi ngủ chung với Heidi, người con gái này đã cảm nhận như bị “nghẹt thở” và có cảm tưởng chốn riêng tư của mình đang bị xâm phạm. Nỗi thất vọng của cô tràn ngập khi gia đình mẹ cô trắng trợn thông báo với cô rằng họ chờ đợi cô giúp đỡ tiền bạc, và họ đã cười chê khi thấy cô bật khóc.

Mặc dầu gia đình này đã giải thích cho Heidi rằng hầu hết các người Việt sang Mỹ đều gởi tiền về giúp gia đình, nhưng Heidi cảm thấy rằng mẹ cô và các ông anh đang khai thác và lợi dụng mình, đứa con lai mà họ đã vứt bỏ, xô đẩy ra đường 27 năm về trước.

Cuối cùng, cô quyết định trở về Mỹ trước thời hạn, cảm thấy tim mình tan vỡ và đau đớn, tưởng hàn gắn được những ám ảnh của tuổi thơ, nhưng lòng cô bây giờ lại trống vắng xót xa hơn bao giờ hết. Heidi nhận được thư từ của gia đình mẹ cô sau khi về Mỹ, nhưng từ mười năm nay, cô đã dứt khoát đoạn giao với gia đình Việt Nam của mình, tìm an ủi bên chồng con. Tiếp tục liên lạc với gia đình người mẹ, có chăng chỉ mang lại thêm nỗi đau đớn, dằn vặt cho cô.

Bạn đọc của tôi có ý nghĩ gì về ba nhân vật này, cả ba đã từ một cội nguồn ra đi. Một người tha thiết mong tìm lại được gốc gác, nhân vật kia lại không muốn tìm lại cội nguồn, người thứ ba thất vọng hoàn toàn khi trở lại nơi từ đó mình đã ra đi!