Họ đi chùa không phải để tu tập, để làm cho tâm linh sạch sẽ, thơm tho mà đến đó để một lần nữa biến gia đình Phật tử hoặc chi hội Phật giáo thành chi bộ đảng theo một cách nào đó


chuaphatgiao mientrungMùa Vu Lan trên miền Trung nắng gió. RFA

Song hành với lễ Vu Lan Báo Hiếu, Rằm tháng Bảy còn là lễ Tự Tứ Tăng, và nếu xét về thời gian xuất hiện, lễ Tự Tứ Tăng xuất hiện trước Vu Lan Báo Hiếu, thời Đức Phật Thích Ca tại thế, trong một buổi Tự Tứ Tăng, Đức Mục Kiền Liên kể lại câu chuyện nhìn thấy mẹ mình bị đọa dưới địa ngục và muốn nhờ đến công lực tu tập của chư tăng để giải cứu cho mẹ.

Lễ Vu Lan ra đời từ dịp đó và khi nói về Vu Lan, người Phật tử nghĩ đến chuyện báo hiếu, ít tai nhớ đến Tự Tứ Tăng và có lẽ chính vì khuynh hướng thị trường hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở các chùa ngày càng cao nên vấn đề Vu Lan Báo Hiếu ngày càng được vật chất hóa theo mọi góc độ.

Văn nghệ kiếm tiền ủng hộ

Một Phật Tử tên Hòa ở Phước Thuận, Tuy Phước, Bình Định, chia sẻ:“Thực sự phải nói đó là một tệ nạn, sau một thời gian quá dài gần 40 năm, trước năm 1975, hầu như người ta chưa xác định được vấn đề nghệ thuật cũng như văn hóa trong tôn giáo. Sau 1975, việc xảy ra là nhiều vị không phải chân tu đang trụ trị nhiều chùa và lãnh đạo rất nhiều tín đồ. Phật giáo phải nói là tạp chủng bởi vì có quá nhiều vị trụ trị những chùa hoặc lãnh đạo chùa trong một hệ phái nào đó thì nó trở thành Phật luôn, cho nên tự nó tạo nên những thứ đó để lấy lại uy tín, có nhiều tín đồ, có nhiều tiền cúng dường. Cho nên đó là hình tượng của một thời kỳ mạt vận của dân tộc thôi. Cộng với nhiều yếu tố khác, phải nói nó thuộc về tệ nạn văn hóa, tệ nạn tôn giáo!”

Theo ông Hòa, chuyện văn nghệ ở các chùa từ Nam chí Bắc trong các dịp đại lễ của đạo Phật hầu như chẳng có gì mới và cũng chẳng có gì đặc biệt nếu không nói đó là một hình thức xin tiền ủng hộ của mọi người nhưng lại được khoác chiếc áo lam. Ông Hòa nói rằng sở dĩ ông phải nhận xét nặng lời như vậy vì ông cũng là một Phật tử và từng nhiều lần phải thay mặt nhà chùa đi mời các biên đạo múa ở các nhà văn hóa huyện về tập múa cho các Phật tử.

    Thực sự phải nói đó là một tệ nạn, sau một thời gian quá dài gần 40 năm, trước năm 1975, hầu như người ta chưa xác định được vấn đề nghệ thuật cũng như văn hóa trong tôn giáo. Sau 1975, việc xảy ra là nhiều vị không phải chân tu đang trụ trị nhiều chùa và lãnh đạo rất nhiều tín đồ
    Một Phật Tử tên Hòa

Mà những biên đạo múa này là ai, họ vốn dĩ là những đoàn viên đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát triển thành những cán bộ văn hóa và được nhà nước đưa đi học tập, đào tạo thành những biên đạo của nhà văn hóa. Lối múa tuyên truyền, ca ngợi đảng Cộng sản, ca ngợi Hồ Chí Minh với mô-tuýp năm sáu người bế một người giơ lên cao làm bức tượng và sau đó là một thanh niên cầm cây cờ chạy ra giữa sân khấu huơ huơ trên không vốn là sở trường của các biên đạo này.

chuaphatgiao phattuPhật tử đi lễ mùa Vu Lan

Chính vì thế, khi biên đạo cho các Phật tử, họ cũng mang sở trường này ra để áp dụng. Kết quả là sân khấu chùa cũng chẳng khác chi mấy so với sân khấu ủy ban và sân khấu đảng bộ, lối múa, kịch bản cũng na ná nhau, chỉ khác chăng là những ca khúc do các em nhỏ Phật tử trình bày không mang tính đảng như sân khấu ủy ban. Nhưng các ca khúc này vẫn được biên tập và kiểm duyệt rất kĩ trước khi ra sân khấu.
Và, với những nội dung, chương trình na ná nhau từ năm này sang năm khác nhưng các chùa vẫn cứ thi nhau tổ chức văn nghệ, theo ông Hòa đó là vì hai lý do, một phần vì phong trào chung, vì lòng nhiệt tình của chư tăng cũng như các Phật Tử, mong có một sân chơi vui vẻ cho những người con nhà Phật, đó là theo hướng tích cực, lý do còn lại có vẻ tiêu cực hơn. Rất tiếc là hướng không tốt đẹp lại phát triển mạnh mẽ hơn hướng kia, đa phần các chùa làm để lấy sự nhộn nhịp cũng như thanh thế nhà chùa, thanh thế nhà sư và qua đó cũng kiếm được kha khá tiền ủng hộ của mọi người. Đương nhiên là số tiền kiếm được này không bị tùng xẻo đến mức không còn gì như bên ngoài.

    Họ đi chùa không phải để tu tập, để làm cho tâm linh sạch sẽ, thơm tho mà đến đó để một lần nữa biến gia đình Phật tử hoặc chi hội Phật giáo thành chi bộ đảng theo một cách nào đó

Thị trường hóa mùa báo hiếu

Một Phật tử khác tên Kính, ở Tam Quan, Bình Định, chia sẻ: “Ngài Mục Kiền Liên khi mà đắc đạo rồi thì nhìn xuống dưới âm tỳ thấy mẹ mình bị đày xuống chín tầng địa ngục, ăn cơm không được, Ngài liền xin Đức Phật xuống âm tỳ thăm mẹ, lúc thăm mẹ, lúc mời mẹ ăn cơm thì cơm đưa tới miệng thì cơm hóa thành than với lửa hồng không ăn được. Ngài liền trở về xin Đức Phật chỉ cách giúp mẹ mình thoát khỏi cảnh đó. Đức Phật mới chỉ ra một ngày mà chư tăng an cư, giống như toàn bộ chư tăng phát phép truyền bá đạo Phật, vào ngày này giống như là Ngài Mục Kiền Liên rướt mẹ, cầu siêu hóa phép cho mẹ mình!”

Theo ông Kính, vấn đề báo hiếu hay là khái niệm báo hiếu ở các chùa nói chung bây giờ có vẻ như không còn nguyên vẹn ý nghĩa của nó. Đương nhiên, ông cũng đưa ra nhận định là với các bậc tăng ni đầy đủ đức độ và công lực tu tập cũng như với các Phật tử thuận thành thì ngày Vu Lan Báo hiếu vẫn là một ngày thiêng liêng để con cháu tưởng nhớ đến công ơn của ông bà cha mẹ. Nhưng trong giai đoạn hiện tại, có những vấn đề phát sinh mà những năm trước đây chưa hề xuất hiện, đó là những bậc cha mẹ đội mũ cối và giữ làm việc ở cấp cối cũng như những bậc cha mẹ xã hội chủ nghĩa.

Có nghĩa là các bậc cha mẹ mũ cối, cấp cối với đầy đủ quyền lực trên tay một thời, đến khi về hưu hoặc mất chức, bản chất gian manh của một cán bộ từng đấu đá, thanh trừng vẫn giữ nguyên trong họ. Chính vì rảnh rỗi, họ nghĩ ngay đến các chùa, họ đi chùa không phải để tu tập, để làm cho tâm linh sạch sẽ, thơm tho mà đến đó để một lần nữa biến gia đình Phật tử hoặc chi hội Phật giáo thành chi bộ đảng theo một cách nào đó.

    Và mỗi khi mùa Vu Lan về lại thêm một lần gieo vào tâm hồn những bạn trẻ một nỗi buồn xa xôi nào đó về mọi giá trị tinh thần, mọi cử chỉ yêu thương, ân cần đang dần mất đi trong xã hội này!

Và với những bậc cha mẹ như thế, để tìm ra những đứa con hiếu thảo, có đạo đức cho xã hội quả thật là vô cùng khó, nếu không muốn nói rằng con của họ rất có thể là những công tử đỏ coi trời bằng vung. Đó là chưa muốn nói đến tình trạng chấp thủ tràn lan trong giới Phật tử và Tăng Ni, nếu tăng ni nghĩ đến chuyện làm sao để trụ trì chùa càng sớm càng tốt và với chức danh trụ trì, họ được hưởng 40% tiền cúng dường của thập phương thì đa phần các Phật tử, các bậc làm cha làm mẹ xã hội chủ nghĩa cũng trăn trở không kém về đất đai, nhà cửa. Có nhiều bà mẹ, ông cha đã thẳng thừng đuổi con cái ra khỏi nhà vì sợ chúng chiếm đoạt. Điều này làm cho hình ảnh về các ni sư cũng như các bậc làm cha làm mẹ bị suy sút rât nhiều trong tâm hồn giới trẻ.

Có lẽ chính vì sống trong một xã hội cuống cuồng vật dục và mọi thứ đều được qui ra tiền nên ngay cả ngày Vu Lan Báo Hiếu, ngoại trừ những Phật tử và bậc cha mẹ còn giữ nét đẹp tâm hồn, không thiếu những đứa con báo hiếu hình thức bằng vật chất và cũng không thiếu những người con phải bật khóc khi món quà của mình bị hất hủi vì giá tiền không cao bằng món quà của người anh em trong gia đình. Có thể nói chữ Hiếu thời bây giờ chứa quá nhiều đa đoan và trắc ẩn.

Và mỗi khi mùa Vu Lan về lại thêm một lần gieo vào tâm hồn những bạn trẻ một nỗi buồn xa xôi nào đó về mọi giá trị tinh thần, mọi cử chỉ yêu thương, ân cần đang dần mất đi trong xã hội này!