main billboard

Câu chuyện cảm động này tới tai Vua Tự Đức, vốn là vị vua rất có hiếu với mẹ là bà Từ Dũ, nên vua rất cảm phục, xúc động trước tấm lòng của hòa thượng, ban cho “Sắc tứ Từ Hiếu tự.” An Dưỡng Am trở thành chùa, và mang tên Chùa Từ Hiếu từ lúc đó.


HUẾ (NV) - Chùa Từ Hiếu là ngôi chùa đặc biệt triều Vua Nguyễn, có mối quan hệ thắm thiết của triều đình, từ Vua Tự Đức tới các quan thần, kể cả các vị thái giám.

chuatuhieu 1Cổng chùa Từ Hiếu.

Tên chùa Từ Hiếu từ biển đề “SẮC TỨ TỪ HIẾU TỰ” do Vua Tự Đức ban.

Hòa thượng Đức Phương, trưởng môn phái tổ đình Từ Hiếu hiện nay, giải thích cho chúng tôi biết về ý nghĩa tên chùa Từ Hiếu, có ghi trong một tấm bia khi xây dựng chùa: Từ là đức lớn của Phật; có Từ thì mới tiếp độ tứ sanh, cứu giúp vạn loài. Hiếu là đầu hạnh của Phật; có Hiếu thì mới đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời.

Chùa Từ Hiếu ở cách trung tâm thành phố khoảng 5 cây số về hướng Tây Nam, thuộc địa phận thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân - thành phố Huế, thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đi từ đàn Nam Giao, theo lối lên lăng Tự Đức, sẽ qua khu vực bảo tháp của các vị cao tăng chùa Tường Vân, chùa Diệu Đế, và tẩm mộ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Từ đây có con đường đá, rẽ bên phải rồi đi khoảng 300 mét sẽ tới chùa Từ Hiếu.

Tọa lạc trên vùng đất rộng 8 mẫu, chùa Từ Hiếu thấp thoáng giữa đồi cây bao la. Mặt tiền của chùa Từ Hiếu nhìn về hướng Đông, đối diện có ngôi tháp bồ đề 3 tầng, kiến trúc đơn giản. Hòa thượng Đức Phương cho biết, tháp bồ đề này dùng để tàng trữ tượng và kinh cũ nát.

chuatuhieu 2Lăng mộ trong khuôn viên chùa.

Ở mặt tháp hướng vào chùa, có khắc ghi sắc chỉ của Vua Thành Thái nói về điều này. Phía trái, sát khuôn viên chùa, là lăng mộ bà Chiêu Nghi, thứ phi của Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Đây là lăng mộ duy nhất còn lại của gia đình các Chúa Nguyễn, các lăng mộ khác đã bị đập phá vào thời Tây Sơn.

Chùa Từ Hiếu được xây dựng vào năm 1843. Thoạt đầu chỉ là am, do Hòa Thượng Nhất Định dựng nên để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già. Hòa Thượng Nhất Định vốn là Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự, đã từ chức và trao quyền điều hành chùa Bảo Quốc cho pháp đệ là Nhất Niệm, rồi tới đây khai sơn phá thạch, dựng Thảo Am An Dưỡng.

Hòa Thượng Nhất Định nổi tiếng là người con hiếu thảo. Mẹ già yếu bệnh, hòa thượng lo thuốc thang hoài không khỏi. Nhiều thầy thuốc cho rằng phải tẩm bổ thêm dưỡng chất là thịt cá cho người bệnh mới mong hồi phục sức khỏe.

Hòa Thượng Nhất Định đã nghe theo lời thầy thuốc, chịu đựng trước những đàm tiếu của thiên hạ, hằng ngày chống gậy băng rừng lội suối, xuống chợ cách xa vài cây số, mua cá đem về nấu cháo cho mẹ ăn.

Câu chuyện cảm động này tới tai Vua Tự Đức, vốn là vị vua rất có hiếu với mẹ là bà Từ Dũ, nên vua rất cảm phục, xúc động trước tấm lòng của hòa thượng, ban cho “Sắc tứ Từ Hiếu tự.” An Dưỡng Am trở thành chùa, và mang tên Chùa Từ Hiếu từ lúc đó.

Ngoài sự đóng góp của Phật Tử đương thời, Vua Tự Đức ban cấp nhiều kinh phí, chùa Từ Hiếu còn được sự hỗ trợ của các vị quan trong cung triều Nguyễn, đặc biệt là các vị thái giám cúng dường tiền bạc để xây dựng chùa.

Đấy là năm 1848, các vị thái giám trong triều đình nghĩ tới ngày nhắm mắt xuôi tay, ký thác thể xác lẫn tâm linh cho nhà chùa là hay hơn cả. Nên các vị thái giám đã cùng góp tiền bạc mua ruộng đất cúng dường nhà chùa, đồng thời xin vua ban cấp thêm vật liệu tu sửa xây dựng chùa Từ Hiếu thành ngôi chùa đồ sộ uy nghiêm.

Hòa Thượng Cương Kỷ, kế tục Hòa Thượng Nhất Định, phụ trách việc xây dựng chùa Từ hiếu trở nên quy mô như hiện nay.

chuatuhieu 3Ngôi chùa chính.

Chùa Từ Hiếu xây theo kiểu chữ khẩu. Chùa chính gồm 3 căn và 2 chái. Phía trước chính điện thờ Phật, phía sau chính điện thờ Tổ. Nhà hậu là Quảng Hiếu Đường, chính giữa thờ Đức Thánh Quan, bên trái thờ Hương Linh Phật Tử Tại Gia, bên phải thờ các vị thái giám; đặc biệt một án dành riêng thờ Thái Giám Lê Văn Duyệt, có sơn son thiếp vàng, bên án có con ngựa gỗ và thanh đại đao của vị tả quân đô thống, bậc công thần của Vua Gia Long mà về sau bị tội oan. Thời Vua Tự Đức là lúc xét lại công trạng của vị tả quân, nhà vua cho đưa vào thờ trong chùa Từ Hiếu, đêm ngày hương khói, gần gũi kinh kệ, cầu giải thoát oan nghiệp.

Cổng chùa Từ Hiếu xây theo kiểu vòm cuốn 2 tầng có mái, ở chính giữa phía trên thờ tượng thần Hộ pháp. Bên trong cổng tam quan có hồ bán nguyệt, cá lớn nhỏ bơi lội đầy đàn, chen giữa hoa sen hoa súng... Nhìn vào, phía bên phải của hồ bán nguyệt là bãi cỏ xanh non, những hòn đá trầm mặc với dòng thời gian...

Năm 1848, buổi khánh thành chùa Từ Hiếu có sự tham dự của Vua Dực Tông, bà Từ Dũ, và các quan đại thần. Khi chùa Từ Hiếu tổ chức Đại Giới Đàn vào năm 1924, có sự tham dự của Vua Khải Định. Hòa Thượng Tâm Tịnh làm đàn đầu, Hòa Thượng Huệ Minh làm đàn chủ.

Các Hòa Thượng Mật Khế, Viên Quan, Bích Phong, Đôn Hậu là những giới tử xuất thân từ giới đàn này. Thiền Sư Nhất Hanh cũng từng tu tập tại chùa Từ Hiếu, và là trú trì đời thứ 6 của chùa Từ Hiếu.