Trước giờ tôi rất ao ước được đến gần Đức Giáo Hoàng hoặc chỉ cần nhìn thấy tận mắt ngài là tôi đã mãn nguyện, bởi vì tôi nghe, tôi biết ngài thương mến các con dân rất nhiều. Và đó cũng là điều để mình học hỏi thêm, để mình biết chăm sóc con mình và biết thương mọi người xung quanh.”


PHILADELPHIA, Pennsylvania (NV) - Từ 4 giờ 45 chiều Thứ Bảy, 26 Tháng Chín, Đức Giáo Hoàng Francis sẽ có buổi nói chuyện với công chúng tại Đại Hội Gia Đình Thế Giới (The World Meeting of Families), ở thành phố Philadelphia, Pennsylvania, Đặc biệt, tiếng Việt là một trong năm ngôn ngữ chính thức được đưa vào chương trình.

Tin này được Linh Mục Nguyễn Khắc Hy, giáo sư Thần Học tại Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ, Washington, DC, xác nhận với nhật báo Người Việt. Linh mục được mời làm thông dịch viên chính thức cho cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại đại hội này.

nguoiviet don dgh 1Bà Bích Hải  (giữa) và những người bạn đến Philadelphia đón Đức Giáo Hoàng. (Hình: Bích Hải cung cấp)

Hai sự kiện: 4 giờ 45 chiều Thứ Bảy và 4 giờ chiều Chủ Nhật

Theo Linh Mục Nguyễn Khắc Hy, đây là lần thứ 8 đại hội được tổ chức, và cũng là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng Francis đến thăm Hoa Kỳ. Chương trình làm việc của ngài có hai ngày ở Philadelphia.

Linh Mục Hy cho biết: “Theo lịch trình, Đức Giáo Hoàng Francis sẽ tới Philadelphia lúc 9 giờ 30 sáng Thứ Bảy ngày 26 Tháng Chín, tiếp đó sẽ có Thánh Lễ vào lúc 10 giờ 30. Tuy nhiên, Thánh Lễ này không mở rộng cho quảng đại quần chúng, mà chỉ dành cho một số người có vé mời. Đến 4 giờ 45 chiều, Đức Thánh Cha sẽ có buổi nói chuyện với công chúng.”

“Sự kiện lớn nhất là vào 4 giờ chiều Chủ Nhật, 27 Tháng Chín, có Thánh Lễ đại triều ngoài trời do Đức Giáo Hoàng Francis chủ tế dành cho đại chúng, ước lượng có khoảng 1.5 triệu người tham dự,” vị linh mục nhấn mạnh.

Chia sẻ về việc Đức Giáo Hoàng sẽ nói chuyện gì với giáo dân vào chiều Thứ Bảy, linh mục nói: “Tôi nghĩ ngài từng nói rất nhiều lần chuyện gia đình đang bị đe dọa về mọi mặt. Do đó, tôi đoán ngài sẽ nói về đề tài gia đình.”

“Thứ nhất, tôi đoán ngài sẽ nhắm đến vấn đề gia đình và yêu cầu phải canh tân, phải đặt lại giá trị gia đình một cách đúng đắn. Cuộc sống được canh tân phải bắt đầu từ trong gia đình. Thứ hai, tôi tin chắc ngài sẽ nói tất cả những gia đình Kitô Giáo phải làm thế nào để sống tốt, để có thể thay đổi xã hội này. Tiên đoán của tôi là ngài sẽ nói nhân cách Kitô Giáo bắt đầu từ trong gia đình, chính gia đình là gương sống để có thể qua gia đình mà làm tốt xã hội.”

Cảm nhận về các diễn văn của Đức Giáo Hoàng, Linh Mục Nguyễn Khắc Hy nói: “Về mặt chính trị, điểm tôi thích nhất đó là ngài dám nói lên tiếng nói mà ngài biết rằng trong xã hội ngày nay người ta đang đi ngược lại với những giá trị Kitô Giáo. Trong đó, ngài đòi hỏi phải tôn trọng sự sống, phải bảo vệ sự sống, bảo vệ nhân quyền, và phải coi vấn đề bảo vệ những người yếu kém, những người bất hạnh trong xã hội là điều bắt buộc phải làm. Bởi vì đó mới là công bằng mà Thiên Chúa đòi hỏi con người làm. Tôi thích là bởi vì ngài dám lên tiếng về chính trị trước mặt những người mà ngài biết tiếng nói của họ đang có những điều đi ngược lại với lời dạy của Thiên Chúa.”

“Riêng đối với Giáo Hội Công Giáo, lời nhắn nhủ của ngài đối với Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cũng như trong các bài giảng đối với giáo dân, thì điểm tôi thích là ngài muốn tất cả mọi Kitô hữu phải sống đức tin, và sống hết sức thực tế. Không phải sống bằng lý thuyết, không phải sống bằng những lời nói, tư tưởng, ý nghĩ, mà phải sống bằng những hành động. Kết thúc lại, về mặt chính trị tôi thích ngài dám nói; về mặt tôn giáo thì ngài kêu gọi mọi người trong hoàn cảnh nào cũng phải sống hết sức thực tế, cụ thể,” linh mục chia sẻ.

Người Việt Nam "mong gặp vị cha chung"

nguoiviet don dgh 2Kiểm soát an ninh tại khu vực đón Đức Giáo Hoàng. (Hình: Bích Hải cung cấp)

Có mặt tại Philadelphia vào những ngày này, bà Bích Hải, 47 tuổi, cư dân Mission Viejo ở Orange County, California, nói: “Tôi cùng bốn người bạn bay từ Orange County qua đây vào sáng sớm Thứ Năm. Tiếc là gia đình chúng tôi không đi cùng nhau được vì con cái còn phải đi học. Do vậy mà chúng tôi cố gắng học hỏi để về nhà truyền lại cho chồng, cho con.”

Bà chia sẻ: “Mọi người đến đây rất đông và tôi thấy ai cũng có tinh thần học hỏi, ai cũng có lòng yêu mến Chúa và tôi cũng cầu mong sao cho mình lĩnh hội được nhiều bài giảng của Đức Thánh Cha để sống hữu ích hơn để làm người mẹ, người cha tốt trong gia đình.”

Bà cho biết: “Trước hết là tôi học hỏi được đức hy sinh vì thấy được sự hy sinh của những người đã tổ chức đại hội này, vì lợi ích chung của mọi người mà họ phải hy sinh rất nhiều. Kế đến là vai trò của người mẹ. Trước giờ tôi biết vài trò của người mẹ trong gia đình rất quan trọng, nhưng nay tôi mới hiểu được những điều đúng nghĩa hơn theo những gì Đức Thánh Cha khuyên, để tôi dạy dỗ tốt các con của mình.”

Chia sẻ về sự nôn nóng gặp Đức Giáo Hoàng, bà Bích Hải nói: “Trước giờ tôi rất ao ước được đến gần Đức Giáo Hoàng hoặc chỉ cần nhìn thấy tận mắt ngài là tôi đã mãn nguyện, bởi vì tôi nghe, tôi biết ngài thương mến các con dân rất nhiều. Và đó cũng là điều để mình học hỏi thêm, để mình biết chăm sóc con mình và biết thương mọi người xung quanh.”

Linh Mục Nguyễn Khắc Hy nhận định về cảm nhận của người Việt Nam như thế nào khi đại hội có mặt của Đức Giáo Hoàng Francis

“Tôi thấy có hai điều. Thứ nhất, việc người Việt Nam ghi danh đông nhất so với tất cả các chủng tộc khác trên đất Mỹ này, trong giáo hội này, nói lên được người Việt Nam không chỉ quan tâm đến vấn đề gia đình mà còn có một lòng yêu mến Đức Giáo Hoàng rất đặc biệt. Cho nên họ đến đây để vừa tham dự đại hội, cũng vừa đón tiếp ngài,” vị linh mục nói.

Linh mục nói thêm: "Thứ hai, đối với tất cả những người Việt Nam, so với tất cả người Á Châu khác, thì các Đức Giáo Hoàng đã tới đất nước của họ rồi như Nam Hàn, Philippines. Riêng Việt Nam thì chưa bao giờ Đức Giáo Hoàng tới. Nên tôi nghĩ trong tâm tình của người Việt Nam ao ước được vị cha chung đến thăm đất nước mà chưa bao giờ ngài đến. Vì thế, một số rất đông người Việt đã từ Việt Nam qua để tham dự đại hội, đồng thời thông qua đại hội để được tiếp xúc với Đức Giáo Hoàng. Tôi nghĩ, tâm tình người Việt Nam một phần quan tâm đến vấn đề gia đình, một phần ước mong được tiếp xúc với vị cha chung. Ngài không đến được với mình thì mình đến với ngài,” linh mục nhận định.

Tiếng Việt được đưa vào chương trình đại hội

nguoiviet don dgh 3Bán đồ lưu niệm chào đón Đức Giáo Hoàng đến Philadelphia. (Hình: Bích Hải cung cấp)

Đại Hội Gia Đình Thế Giới là một dịp lễ trọng đại với sự tham dự của hàng triệu tín đồ Kitô Giáo khắp nơi. Cứ ba năm một lần, cơ quan Mục Vụ Gia Đình của Vatican, phối hợp cùng tổng giáo phận địa phương nào nhận lãnh trách nhiệm, để tổ chức tuần lễ Đại Hội Gia Đình Thế Giới cho nơi đó.

Sau nhiều lần họp nhau ở những nơi khác nhau trên thế giới, năm nay đại hội được tổ chức tại Philadelphia.

“Trong năm ngày vừa qua có rất nhiều cuộc đối thoại, cuộc họp, những bài diễn thuyết. Số lượng người tham dự trong suốt năm ngày gồm 17,000 người ghi danh và có trên 3,000 người tham dự có tính cách hằng ngày, tức họ chỉ tham dự vài ngày vì bận không tham dự đủ năm ngày được. Tính chung, số lượng có thể lên tới trên 20,000 người,” Linh Mục Hy cho biết.

Linh mục nhấn mạnh: “Đặc biệt, trong tổng số người tham gia đó, người Việt Nam chúng ta có khoảng 1,700-1,800 người. Nói về chủng tộc thì người Việt Nam chúng ta có số lượng đông nhất. Chính vì vậy mà tiếng Việt của chúng ta được đưa vào chính thức trong đại hội, bên cạnh bốn ngôn ngữ chính là Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha.”

“Như vậy, trong Thánh Lễ, cũng như các bài nói chuyện sẽ có người thông dịch. Bản thân tôi và Linh Mục Lê Quang Hiền là hai thông dịch viên chính thức cho đại hội, dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt cho tất cả mọi người đến tham dự đại hội này,” linh mục cho biết.

Về việc chuẩn bị đón tiếp Đức Giáo Hoàng, bà Bích Hải cho biết: “Hiện đường sá đã được đóng hết, đi ngoài đường có thể thấy cảnh sát tuần tra rất nhiều. Ở tất cả góc đường đều có cảnh sát và có mỗi trạm kiểm tra an ninh rất kỹ. Mặc dù được kiểm tra liên tục nhưng tôi cảm thấy rất an toàn, thoải mái. Đặc biệt, đường phố vẫn có những tiếng rao bán hoặc cho áo có in hình Đức Giáo Hoàng hoặc các món hàng có liên quan.”

-----