“lúc trước chỉ có một tuần một đám, giờ thì có những tuần chúng tôi có đến bốn đám. Với đà này tôi hy vọng số lượng này còn tăng lên nữa.” Ông Thắng nói một cách lạc quan.

WESTMINSTER (NV) -“Nếu ngày hôm nay không có ban kèn này thì lễ làm phép xác và phát tang sẽ rất buồn tẻ. Khi tiếng nhạc cất lên trong giờ phút này, lòng tôi phần nào đó như thêm phần xúc động.” Ông Thịnh Ðoàn, cư dân Anaheim, nói cảm nghĩ của mình trong lúc dự tang lễ một người thân trong gia đình.

banken damma 1Ba thành viên ban nhạc đám tang Tân Bùi Thái tại một đám tang ở nhà quàn Peak Family, Westminster. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ban kèn tang lễ mà ông Thịnh Ðoàn đề cập đến có tên Tân Bùi Thái, mới bắt đầu hoạt động từ hơn nửa năm nay, và có lẽ là ban nhạc đám tang duy nhất có mặt tại Little Saigon cho đến thời điểm này.

***

Phòng viếng Lakeside Chapel tại nhà quàn Peak Family, Westminster, đầu giờ chiều một ngày Tháng Hai khá vắng. Trong trang phục màu đen, vài người ngồi chờ sẵn trên các hàng ghế, vài người tới lui sửa soạn bày biện cho nghi thức lễ phát tang. Bên cạnh chiếc quan tài đang mở nắp, người góa phụ cùng một người thân khác đứng lặng lẽ ngắm nhìn người quá cố.

Ở một góc phòng, ba người đàn ông trung niên trong trang phục tang lễ màu trắng, đầu đội nón kết, một người thổi tenor saxophone, một người thổi alto saxophone và một người ôm đàn guitar, nhẹ nhàng trỗi lên những khúc nhạc lễ.

Không khí thiêng liêng, trang trọng nhưng không quá u ám, tang thương, phủ trùm căn phòng.

Sau khi thổi một số bài nhạc Cầu Hồn, Kinh Hòa Bình, Ngày Về, Từ Chốn Luyện Hình, Chúa Ðưa Con Về,... ban nhạc tạm ngưng để vị linh mục làm lễ phát tang cho thân nhân người quá cố.

Sau đó, đến phần thăm viếng, ban nhạc lại trổi lên những khúc nhạc đạo, những bài về cha/mẹ, hay thân phận con người.

Nếu trong lúc liệm, ban nhạc chỉ chơi nhạc thì trong lúc thăm viếng, “cứ thổi một lần, lại hát một lần để nghe cho đầy và đỡ nhàm chán, cũng là để người ta có thể hiểu mình thổi bài gì. Và cứ sau 30 đến 40 phút thì ban nhạc nghỉ giải lao 15 phút. Một buổi làm việc của ban nhạc kéo dài trong vòng 4 tiếng, chưa kể ban nhạc còn thổi trước khi động quan, khi đưa quan tài ra huyệt hoặc đến lò thiêu và trước khi hạ huyệt.

Theo lời ông Nguyễn Quang Thắng, trưởng ban nhạc Tân Bùi Thái, thì cơ duyên để hình thành nên ban nhạc đám tang này đến một cách rất tình cờ.

“Hồi đó tôi làm rất nhiều nghề, trong đó có làm cố vấn cho các đám tang của người Việt Nam. Một lần có người bảo 'khi mẹ tôi còn sống luôn ước ao khi mất đi có một ban kèn tây nhưng không biết thuê ở đâu.'” Ông Thắng nhớ lại.

Là người từng thổi kèn trong xứ đạo khi còn ở Việt Nam, ông Thắng đề nghị, “nếu gia đình muốn thì tôi sẽ đứng ra thổi kèn trong đám tang tặng cho quý vị.”

Thế là ông Thắng rủ thêm một người bạn chơi guitar đến để làm thành “ban kèn tây” thổi cho đám tang đó.

“Khi mình thổi, người ta rất thích, họ biếu tiền nhưng tôi không nhận. Sau đó, nhiều người đến xin danh thiếp, tôi không có, họ bảo cho số điện thoại để khi nào trong gia đình cần thì gọi.” Ông Thắng kể tiếp.

Lần chơi nhạc trong đám tang đó làm ông Thắng suy nghĩ “khi có người hỏi xin tức là người ta có nhu cầu, mình thì có khả năng. Vậy tại sao lại không mang khả năng đó ra để cống hiến cho cộng đồng?”

Thế là từ San Diego, ông Thắng bỏ hết công việc toàn thời gian đang làm, dọn về Orange County, thành lập ban nhạc đám tang Tân Bùi Thái vào Tháng Năm, 2012, và bắt đầu liên lạc với các nhà quàn để giới thiệu về ban nhạc đám tang lần đầu tiên xuất hiện nơi đây.

***

Trong bộ trang phục đen, đầu chít khăn tang trắng, ông Thịnh Ðoàn ngồi trầm ngâm lắng nghe tiếng nhạc lễ vang lên từ ban nhạc Tân Bùi Thái.

Ông Thịnh cho biết, “Ðây là đám tang của ông họ tôi, tên Phạm Văn Huynh. Và chính tôi là người đề nghị đưa ban kèn này đến đây để phục vụ trong đám tang ông tôi.”

Theo lời ông Thịnh, lúc còn ở Việt Nam, ông ở giáo xứ Bùi Thái, Tam Hiệp, Biên Hòa, và “hồi xưa tất cả các xứ đạo đều có ban kèn để phục vụ cho những nghi thức trong tôn giáo nhà thờ, từ lễ Phục Sinh, Giáng Sinh đến đám cưới, đám tang... Từ lúc sang Mỹ thì chưa bao giờ thấy có ban kèn đám tang.”

Trưởng ban nhạc Tân Bùi Thái chia sẻ, “Lúc đầu chúng tôi không có nhiều khách do người ta không biết, vì đây là lần đầu tiên ở đây có một ban nhạc phục vụ cho cả đám tang Công Giáo lẫn Phật Giáo theo đúng các nghi thức của người Việt.”

Tuy nhiên, “lúc trước chỉ có một tuần một đám, giờ thì có những tuần chúng tôi có đến bốn đám. Với đà này tôi hy vọng số lượng này còn tăng lên nữa.” Ông Thắng nói một cách lạc quan.

Hiện tại, ban nhạc đám tang Tân Bùi Thái có ba thành viên, trong đó ông Thắng thổi tenor saxophone, ông Trần Mạnh thổi alto saxophone, và ông Phần Nguyễn chơi đàn guitar.

Với những đám tang của người Công Giáo, ông Thắng cho rằng “85-90% là các bài Cầu Hồn, Kinh Hòa Bình, Ngày Về, Từ Chốn Luyện Hình, Chúa Gọi Con Về, Giã Từ Dương Thế... Một đám tang có thể thổi cả 100 bài.”

Với đám tang người theo Phật Giáo, “thì thổi Phật Giáo Việt Nam, Trở Về Cát Bụi, Cát Bụi, A Di Ðà Phật, Nén Hương Trầm, Ơn Nghĩa Sinh Thành, và những bài kinh điển của Phật Giáo.”

“Sau đó tùy theo người mất là cha hay mẹ thì chúng tôi thổi bài Tình Cha, Ơn Cha, hay Lòng Mẹ, Mẹ Tôi, Bông Hồng Cài Áo. Với đám tang người Hoa thì có thêm Mùa Thu Lá Bay, 9999 Ðóa Hồng, Tình Ðầu Chưa Nguôi, tức là đến 75% nhạc Hoa.” Ông Thắng kể.

Không chỉ vậy, nếu theo lời đề nghị của ông Thịnh Ðoàn là “trong đám tang này chỉ chơi nhạc đạo thôi chứ không chơi nhạc đời” thì cũng có “nhiều khách yêu cầu bài riêng, như có người yêu cầu bài Anh Còn Nợ Em, có cô lúc còn sống thích bài Tan Tác thì gia đình họ yêu cầu mình thổi, có người lại yêu cầu nhạc của Trịnh Công Sơn.” Cứ thế, ban nhạc đám tang Tân Bùi Thái cố gắng đáp ứng yêu cầu của tang gia.

banken damma 2Ban nhạc đám tang Tân Bùi Thái tại một đám tang. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Với dáng dấp nhỏ nhắn, khắc khổ, ông Phần Nguyễn tâm sự, “Hồi xưa nhà tôi ở trong xứ đạo cũng ở gần một đội kèn, cũng nghe những bản nhạc lễ. Nó đi vô trong người mình từ hồi nào, nên giờ đi đàn cho những đám tang như thế này, thấy cũng hay khi nhận ra mình cũng giúp được điều gì đó cho gia đình người có tang. Nhiều khi chơi nhạc, thấy gia đình người ta khóc, mình cũng không cầm lòng được.”

Theo ông Phần, hiện tại ông “không thể sống bằng nghề này vì thường đám tang hay rơi vào ngày cuối tuần thôi, hiếm khi nào có đám trong tuần. Thành ra làm công việc này cũng chỉ có thêm đồng ra đồng vào, chứ chưa thể xem là nghề chính được.”

Trả lời câu hỏi có bao giờ ban nhạc bị phàn nàn vì làm ồn ào, mất đi tính trang nghiêm của một đám tang theo văn hóa nơi đây không, ông Thắng cho biết, “Tôi nghĩ là không. Vì không phải lúc nào chúng tôi cũng thổi, cũng có lúc im lặng, và ngay cả lúc nào gia chủ muốn im lặng thì mình cũng ngưng. Ban nhạc chỉ có hai cây kèn và một cây guitar thì không thể nào nói ồn quá được.”

“Nếu thực sự chúng tôi làm ồn hoặc không đúng với văn hóa người Việt thì có lẽ đã bị đuổi ra khỏi các nhà quàn rồi. Ðằng này, khách hàng của chúng tôi càng lúc càng nhiều thì phải nói rằng nhu cầu có một ban nhạc thổi kèn, chơi đàn trong đám tang là cần thiết.” Ông nói thêm.

Chị Vũ Thị Thu Hằng, cư dân Garden Grove, người từng chứng kiến ban nhạc Tân Bùi Thái thổi trong một số đám tang, nhận xét, “Tôi biết đến ban nhạc này khoảng ba, bốn tháng nay. Khi trong nhà hiếu nghe ban kèn thổi lên thì tự dưng lòng mình cảm thấy vui trong Chúa, thấy tâm hồn mình như được về với Chúa. Còn khi ban nhạc ngưng thì lại thấy buồn buồn. Ðám tang thì dĩ nhiên phải buồn, nhưng có ban kèn thì như có thêm niềm an ủi cho gia đình nhà hiếu vậy, đỡ không khí tang tóc đi.”

Trong khi ông Thịnh nhìn thấy ban nhạc Tân Bùi Phát “chơi với phong thái mang sự kính trọng, tôn trọng, tiếng kèn du dương, êm dịu, không làm phiền gì đến ai” thì chị Thu Hằng thể hiện ước muốn, “Mai mốt nếu ông cụ nhà mình được Chúa gọi về thì thế nào tôi cũng mời ban kèn đến để cho có niềm vui trong Chúa, chứ buồn không thì nhìn rất là tang thương, rất là tội.”