“Người Việt Nam tin rằng là nếu bị chết thảm hoặc chết không biết ở đâu thì linh hồn người chết sẽ vất vưởng, lang thang, không nơi trú ngụ.”

WESTMINSTER (ABC)  - Trăn trở trong suy nghĩ mang đậm nỗi ưu tư của văn hóa Việt Nam là “linh hồn của người bị chết thê thảm hay chết không biết ở đâu sẽ vất vưởng, lang thang,” hai cựu chiến binh người Úc, từng tham chiến tại Việt Nam, đang góp nhặt lại những di vật mà họ thu lượm được sau các trận đánh với Việt Cộng từ hơn 40 năm trước để mang về Việt Nam, trả lại cho thân nhân những người lính xấu số này.

Hai cựu chiến binh Bob Hall và Derrill de Heer hiện là nhà nghiên cứu quân sự tại trường đại học New South Wales. Cả hai có mặt tại Việt Nam vào khoảng cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970.

oanhon bob hallÔng Bob Hall bên cạnh một trong số những bức hình sẽ được gửi về cho người thân của lính Việt Cộng tử trận hơn 40 năm trước. (Hình: Chụp lại từ website của abc.net.au)

“Chiến tranh thật tàn khốc!” Ông Derrill de Heer nói.

Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình ABC ở Úc, ông de Heer cho biết đã chứng kiến đủ để thấy rằng việc nhận được kỷ vật của người xấu số mang đến cho thân nhân họ một chút bình yên cho tâm hồn.”

Và vì thế, ý tưởng tìm cách mang trả lại những gì mà ông và đồng đội tìm kiếm được sau mỗi trận đánh cho người thân còn sống sót của những người lính Việt Cộng tử trận năm xưa là điều mà ông Derrill de Heer ngày càng muốn thực hiện.

Lúc đó, đội binh Anzac của quân đội Úc đóng một vai trò “sống chết” trong chiến tranh Việt Nam, và bên cạnh những tổn thất nặng nề mà họ hứng chịu, thì hàng ngàn quân lính Việt Cộng cũng bị giết chết.

Ông Bob Hall cho biết, “Sau mỗi trận đánh ở Việt Nam, thủ tục chúng tôi phải theo là lục soát thi thể nhằm tìm kiếm bất cứ tài liệu nào có trên đó để mang về phân tích thông tin tình báo.”

oanhon derrill heerÔng Derrill de Heer, hiện là nhà nghiên cứu quân sự tại trường đại học New South Wales. (Hình: Chụp lại từ website của abc.net.au)

Hành động thu thập hiện vật này được xem như nhiệm vụ cuối cùng cho mỗi trận đánh.

Hàng trăm bức thư, tranh vẽ, hình ảnh và những đồ trang sức được tìm thấy trên thi thể những người bộ đội này đã theo chân những đạo quân tham chiến lên tàu trở về Úc và New Zealand.

Thế nhưng, như ông de Heer, người cựu chiến binh năm xưa trăn trở, “thủ tục bình thường này đã gây nên một nỗi ưu tư sâu sắc của người Việt Nam.”

Ông giải thích, “Người Việt Nam tin rằng là nếu bị chết thảm hoặc chết không biết ở đâu thì linh hồn người chết sẽ vất vưởng, lang thang, không nơi trú ngụ.”

Chính từ tâm tư này mà hơn ba năm qua, hai người cựu quân nhân đã dành thời gian gom góp lại những di vật chiến tranh để mang trả về cho thân nhân còn sống của họ.

Ông Hall và ông de Heer liên lạc với đồng đội cũ và tìm xem những vật nào họ có thể mang về cho hàng ngàn gia đình ở Việt Nam.

“Nếu tình thế đảo ngược, tôi muốn người Việt Nam cũng làm như thế cho chúng tôi,” ông Hall bày tỏ suy nghĩ của mình. “Chúng tôi gọi đây là 'Chiến Dịch Oan Hồn Vất Vưởng' (Operation Wandering Souls). Hy vọng chiến dịch này sẽ đưa những linh hồn đi theo di vật về nhà với thân nhân của họ.”

oanhon 1Một trong các bức hình sẽ được gửi trả lại cho thân nhân những người bộ đội Việt Nam tử trận năm xưa theo “Chiến Dịch Oan Hồn Vất Vưởng”. (Hình: Chụp lại từ website của abc.net.au)

Sau lời kêu gọi của hai ông, nhiều cựu quân nhân đến nói họ có một số đồ vật “đã thu thập được và cất giữ từ cuộc chiến hơn 40 năm trước, nay muốn gửi trả nó trở về cho một gia đình nào đó ở Việt Nam.”

Từ khi bắt đầu, hai ông Hall và de Heer đã có được một bộ sưu tập kha khá nhằm mang trả lại chốn cũ.

Ông Nguyễn Quang Trung, đại diện đại sứ quán Việt Nam tại Úc, nói với báo chí rằng việc làm tưởng chừng như rất đơn giản này lại mang một ý nghĩa vô cùng lớn đối với dân tộc Việt Nam.

“Tôi tin rằng đây không chỉ là vẽ một đường kẻ đậm làm nổi bật một chương trong lịch sử chung của chúng ta, mà còn là tạo ra một tình bạn vĩnh cửu giữa Việt Nam và Úc.” Ông Trung phát biểu.

Trong số những bức họa sẽ được gửi trả lại, có bức tranh vẽ người mẹ mà theo lời ông de Heer thì “Người con trai đang chờ chúng tôi mang bức tranh đó trở về.”

Bên cạnh đó còn có các bức tranh vẽ chân dung những người phụ nữ với gương mặt thật buồn, bức vẽ hình một người bộ đội nằm mắt nhắm nghiền, nón rơi xuống một bên, và bên góc trái có dòng chữ “Anh chết cho ai ?!”

Người ta cũng có thể nhìn thấy một quyển sổ chép tay, như thể của một người bác sĩ hay y tá, trong đó là những bài ghi như “Sai khớp xương,” “Gây tê theo phương pháp...”

oanhon 2Một quyển sổ chép tay được thu nhặt sau một trận đánh của đội binh Anzac, thuộc quân đội Úc, với Việt Cộng. (Hình: Chụp lại từ website của abc.net.au)

Đặc biệt, trong số những di vật này, còn có một đoạn ghi âm mà theo hai ông đó là “bản ghi âm tuyên truyền của Mỹ dùng phát sóng trong các trận đánh nơi rừng sâu cho Việt Cộng nghe.”

Đoạn ghi âm có tên “Wandering Soul” với những tiếng rì rào, vang vọng từ rừng sâu và tiếng thảng thốt của một người con gái, “Ba ơi, ba ơi, ba về với con, về với con nghe ba, ba ơi!”

Đáp lại lời kêu tha thiết đó là tiếng vọng rờn rợn từ thâm sâu của một người đàn ông, “Ai đó? Ai gọi tôi đó? Con tôi? Vợ tôi đang gọi tôi! Ba đang về với con đây. Tôi đang về với mình đây. Nhưng tôi còn đâu mảnh hình hài nữa. Tôi đã chết rồi má con bây ơi!”

Tiếng người đàn ông tiếp tục ai oán, “Các bạn của tôi ơi, tôi trở về để nói cho các bạn biết rằng tôi đã chết, tôi đang ở địa ngục. Thật là oan uổng. Thật là vô nghĩa. Nhưng khi tôi biết ra thì đã quá muộn rồi!... Các bạn còn sống còn có cơ hội trở về, trở về đi các bạn. Nếu không các bạn sẽ có kết cục thảm thương như tôi. Trở về đi các bạn ơi, nếu không quá muộn rồi... Về đi... Về đi...”

Ông Hall và ông de Heer sẽ dành vài tuần tới để đến Việt Nam, gặp gỡ người dân địa phương và gửi lại những di vật, những kỷ niệm quí giá họ hằng gìn giữ, như một nỗ lực cuối cùng cho những cuộc đời từ cả hai chiến tuyến.