Ngày 01/11/1963, cuộc đảo chánh quân sự do các tướng lãnh VNCH chỉ huy, được Hoa Kỳ hậu thuẫn, đã lật đổ vị tổng thống sáng lập nền Đệ I Cộng Hoà Ngô Đình Diệm.


 Ngày 01/11/1963, cuộc đảo chánh quân sự do các tướng lãnh VNCH chỉ huy, được Hoa Kỳ hậu thuẫn, đã lật đổ vị tổng thống sáng lập nền Đệ I Cộng Hoà Ngô Đình Diệm. Đó là một ngày mùa thu năm 1963, một mùa thu định mệnh, bởi vì nó đã đánh dấu một khúc quanh lịch sử cho số phận của Việt Nam. Gọi nó là định mệnh vì tiếp theo sau cuộc đảo chánh, Miền Nam Việt Nam đã rơi vào những cuộc khủng hoảng chính trị nối tiếp để rồi chỉ hơn mười năm sau, quốc gia Việt Nam Cộng Hoà đã bị xoá sổ, không còn nữa.

Cố Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert S. McNamara (1916-2009) trong cuốn hồi ký của ông, “Hồi Tưởng: Tấn Thảm Kịch và Những Bài Học Việt Nam” (In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam) đã dành ra cả một Chương 3 mà ông đặt tên là “Mùa Thu Định Mệnh 1963” (The fatefull Fall of 1963) để viết về cuộc đảo chánh này. Theo ông, cuộc đảo chánh là một sai lầm lịch sử mà Hoa Kỳ đã dính líu vào.

Từ trước đến nay, đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chánh năm 1963 là vì Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã không chấp nhận việc Hoa Kỳ mang quân vào Việt Nam chiến đấu. Thay vào đó, ông chỉ muốn Hoa Kỳ cung cấp viện trợ kinh tế và viện trợ quân sự với các vũ khí tối tân cùng các cố vấn quân sự nhưng đã không được đáp ứng. Những căng thẳng với Phật giáo trong thời gian này chỉ là cái cớ để Hoa Kỳ viện ra không ủng hộ ông Diệm vì đã đàn áp Phật giáo và khuyến khích một cuộc lật đổ hầu tạo ra một chánh phủ mới ủng hộ chánh sách của Hoa Kỳ trong đó có việc đem quân vào Việt Nam. Nhưng theo McNamara, sự thật hoàn toàn không phải như vậy, Tổng thống Kennedy từng xem xét khả năng Hoa Kỳ có thể rút các lực lượng quân sự hoặc cắt bớt viện trợ quân sự nếu những bất ổn chính trị ở Việt Nam kéo dài có thể gây khó khăn cho những nỗ lực quân sự khiến cho chiến tranh không thể nào đạt được thắng lợi.

Thêm vào những lý do trên, Hoa Kỳ cũng nhận thấy Tổng thống Ngô Đình Diệm có vẻ như đang có một kế hoạch khác cho Việt Nam. Vào đầu mùa hè năm 1963, TT Diệm qua người em là ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã bí mật tiếp xúc với người đại diện của Hà Nội qua sự trung gian xếp đặt của viên đại sứ Ba Lan trong Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến để mong tìm một giải pháp cho Việt Nam. Cuộc gặp gỡ bí mật này có thể đã diễn ra ở một khu rừng thuộc tỉnh Bình Thuận. Không rõ hai bên đã bàn bạc những gì nhưng không loại trừ giải pháp trung lập cho Miền Nam. Việc này cũng trùng hợp với việc Tổng thống Pháp Charles de Gaulle trước đó đã đề nghị trung lập hoá và thống nhất Việt Nam. Tin tức này đã làm cho Hoa Kỳ bực bội cho rằng đó là cách TT Diệm đang tìm cách lánh xa Mỹ hoặc doạ dẫm Mỹ vì người Mỹ đang áp lực ông phải giảm bớt những sự đàn áp đối với những nhóm người bất mãn bao gồm những người Phật giáo và những phần tử đối lập. Phải chăng TT Diệm đang muốn tìm một giải pháp cho Việt Nam không có sự can thiệp của Mỹ? Hay ông muốn làm ra vẻ đang hòa hoãn với Hà Nội chỉ để răn đe Hoa Kỳ rằng, hãy từ bỏ sự hợp tác với những kẻ thù của gia đình ông là những tướng lãnh bất mãn đang âm mưu lật đổ ông.

Tuy nhiên, giải pháp trung lập hoá Việt Nam, nếu có, của anh em ông Diệm như vậy chẳng khác nào loại bỏ Hoa Kỳ ra khỏi Đông Dương và vô hình trung làm cho thuyết domino đã có từ thời Tổng thống Eiseinhower mà Hoa Kỳ đang theo đuổi bỗng chốc bị phá sản. Điều này dĩ nhiên Hoa Kỳ không thể nào chấp nhận. Kinh nghiệm trung lập tại nước láng giềng Lào vào năm 1962 đến thời điểm đó (1963) đã tỏ ra không hiệu quả khiến cho Hoa Kỳ đã không mặn mòi với giải pháp này cho Việt Nam. Theo quan điểm của Hoa Kỳ, Miền Nam Việt Nam sẽ không thể nào có trung lập thật sự, vì nền trung lập đó chắc chắn sẽ bị Bắc Việt khống chế. Còn như nếu mơ tưởng đến một sự trung lập thật sự theo kiểu trung lập như của Thuỵ Sĩ, Áo Quốc hay Ấn Độ cho Miền Nam thì lại càng là ảo tưởng.  

Cho nên tin tức về việc TT Diệm qua người em là ông Nhu đang tìm cách liên lạc với Hà Nội đã làm cho một số giới chức trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong đó có Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Viễn Đông Sự Vụ Roger Hilsman, Jr. vô cùng tức giận. Chính ông này đã cùng với Averell Harriman (Thứ Trưởng đặc trách Chính Trị Vụ) và Michael Forrestal (thành viên Hội Đồng An Ninh) đã qua mặt cả TT Kennedy và Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara, thảo một bức điện văn cho ông tân đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge Jr. ngày 24/8/1963. Ông này là vị đại sứ Mỹ mới toanh chỉ mới đến Sàigòn nhậm chức được 2 ngày để thay thế ông đại sứ cũ Frederick E. Nolting bị triệu hồi về nước. TT Kennedy đã đồng ý cho chuyển bức công điện này cho ông Cabot Lodge vì lầm tưởng rằng nó đã được duyệt y bởi Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara và Thứ Trưởng Ngoại Giao đặc trách Chính Trị Vụ Averell Harriman. Do đó, bức công điện đã được hiểu như một tín hiệu cho ông tân đại sứ Cabot Lodge  tiến hành những nỗ lực tiếp xúc với những tướng lãnh Việt Nam đang bất mãn để thúc đẩy họ thực hiện cuộc đảo chánh loại bỏ ông Nhu và nếu có thể cả ông Diệm, nếu xét thấy cần thiết.

Lý do mà những người trong bộ ngoại giao Hoa Kỳ muốn thúc đẩy cuộc đảo chánh vì họ nghĩ sự hiện diện của anh em ông Diệm sẽ là một cản trở cho những nỗ lực của Hoa Kỳ muốn giải quyết cuộc chiến Việt Nam bằng biện pháp quân sự để tạo ra hai nước Việt Nam như trường hợp Nam - Bắc Hàn và Đông - Tây Đức. Chính việc anh em ông Diệm bí mật tiếp xúc với Hà Nội để tự mình giải quyết cuộc chiến không thông qua Hoa Kỳ đã là lý do dẫn đến cuộc đảo chánh khiến cho cả hai ông đều bị chết thảm.

Cái chết của anh em ông Diệm đã nằm ngoài dự kiến của TT Hoa Kỳ Kennedy. McNamara đã kể rằng, Tổng thống Kennedy khi nghe tin này đã vô cùng sửng sốt, “mặt ông đã tái nhợt đi thấy rõ; ông có vẻ buồn rầu và xúc động (somber and shaken)”. Nếu là người chủ trương giết anh em ông Diệm, ông đã không có phản ứng như vậy. Tiếc rằng, chỉ ba tuần sau cuộc đảo chánh, chính TT Kennedy cũng bị ám sát tử thương tại Dallas (Texas) vào ngày 21/11/1963 mang theo nhiều bí ẩn liên quan đến cuộc đảo chánh này.

Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết rõ ai là người đích thực đã ra lệnh giết hại anh em ông Diệm trong cuộc đảo chánh năm 1963. Phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng người chủ mưu ra lệnh giết anh em ông Diệm không ai khác hơn là Tướng Dương Văn Minh, người chỉ huy cuộc đảo chánh. Ngày 2/11/1963, Tướng Minh đã cắt cử hai chiếc xe jeep và một chiếc xe bọc thép đi đón anh em ông Diệm từ một nhà thờ ở Chợ Lớn sau khi hai ông đã ngỏ ý muốn đầu hàng phe đảo chánh. Nhưng khi đoàn xe đi đón hai ông trở về đến trụ sở Bộ Tổng Tham Mưu ở Tân Sơn Nhứt, lúc cánh cửa xe bọc thép được mở ra thì cả ông Diệm và ông Nhu đã chỉ còn là những cái xác chết đẫm máu. Trên người cả hai có nhiều vết đạn và nhiều vết dao. Tướng Mai Hữu Xuân, người chỉ huy đoàn xe, ngay khi về đến Bộ Tổng Tham Mưu đã giơ tay chào Tướng Minh và nói: “Mission accomplished” (Nhiệm vụ đã hoàn tất). Sau này, người ta được biết, người ra tay hạ sát anh em ông Diệm trong chiếc xe bọc thép là Đại uý Nhung (sau đảo chánh được lên Thiếu tá), một sĩ quan tuỳ viên của Tướng Minh. Nhưng chỉ ba tháng sau cuộc đảo chánh, sau khi Tướng Minh bị một nhóm tướng lãnh khác “chỉnh lý” lật đổ, Thiếu tá Nhung đã bị nhóm sĩ quan sau này bắt giữ để điều tra. Trong lúc đang bị giam giữ, ông Nhung đã bị chết trong phòng giam một cách bí ẩn khiến cho cuộc điều tra xem ai là người đã ra lệnh cho ông giết hại anh em ông Diệm vẫn chưa được làm sáng tỏ. Người ta không biết ai đã giết Thiếu tá Nhung trong phòng giam, nhưng cái chết của ông đã mang theo những bí ẩn về việc ai chính là thủ phạm đã ra lệnh cho ông ra tay giết hại anh em ông Diệm.

Mặc dù bí mật vẫn còn bao trùm nhưng người ta vẫn tin rằng, kẻ chủ mưu hay thủ phạm chính ra lệnh giết hại anh em ông Diệm chính là Tướng Dương Văn Minh; mặc dù chưa có một tài liệu chính thức nào xác quyết điều này. Các phóng viên trong và ngoài nước đã nhiều lần đặt câu hỏi với Tướng Minh về việc này, nhưng đều bị ông từ chối trả lời những câu hỏi liên quan. Trong những năm cuối đời, ông sống âm thầm tại Nam California, hoàn toàn giữ im lặng và cũng không viết hồi ký, cho đến khi lặng lẽ qua đời ngày 9 tháng 8 năm 2001, hưởng thọ 85 tuổi.

Trong Chương 3 của cuốn hồi ký “In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam”, khi đề cập đến cái chết của anh em ông Diệm, McNamara đã kể rằng, Tướng Minh có lần đã nói với một người bạn Mỹ: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Họ phải bị giết. Ông Diệm không thể được phép sống bởi vì ông ấy quá được ngưỡng mộ bởi những người dân chất phác, dễ bị phỉnh gạt ở nông thôn.”

Nhưng có thật ông Dương Văn Minh đã từng nói như vậy với người bạn Mỹ hay không? Hay đây chỉ là lời McNamara gắn vào miệng Tướng Minh để chạy tội cho Hoa Kỳ bởi vì Hoa Kỳ đã hậu thuẫn và cố tình tạo dựng nên một cuộc đảo chánh mà hậu quả của nó đã tạo ra một tình trạng còn tệ hại hơn lúc chưa đảo chánh.  

Hồi tưởng lại những hệ quả tệ hại của cuộc đảo chánh, McNamara đã lấy làm tiếc rằng Hoa Kỳ đã không xem xét giải pháp trung lập hoá Miền Nam một cách nghiêm túc. McNamara viết, “Chúng tôi chưa bao giờ xem xét sự việc đó một cách xứng đáng. Trung lập hoá đã từng là giải pháp cho Lào vào năm trước đó (đã thất bại) nhưng biết đâu ông Nhu và người Pháp có thể thành công với nó ở Việt Nam. Chúng tôi đã bàn thảo vấn đề này một cách sơ sài phiến diện. Nó vẫn còn là một giải pháp chưa có lời đáp”.

Những lời hối tiếc của McNamara về một giải pháp trung lập cho Việt Nam đã bị bỏ lỡ là điều đáng để suy ngẫm. Nếu Hoa Kỳ không cản trở việc anh em ông Diệm tiếp xúc với Hà Nội để mưu cầu một giải pháp có thể là trung lập hoá Miền Nam thì biết đâu lịch sử Việt Nam đã có một khúc quanh khác: Người Việt đã không có một Tháng Tư Đen như ngày nay. Thế nhưng lịch sử là quá khứ mà quá khứ thì không thể nào thay đổi, McNamara có hối tiếc thì cũng đã muộn màng.

Có người đã nói “làm kẻ thù của Mỹ có thể là nguy hiểm (nhưng còn đường sống), nhưng làm bạn (hay đồng minh) với Mỹ thì có thể chết”. Bài học Việt Nam đã chứng minh điều này. Trước đó, Tưởng Giới Thạch cũng đã học được bài học cay đắng khi muốn liên kết với Liên Sô để chống lại sự nổi dậy của phiến quân cộng sản theo Mao Trạch Đông; nhưng ông bạn đồng minh Hoa Kỳ của Tưởng đã làm ngơ không mặn mà với đề nghị này khiến cho Tưởng Giới Thạch đã phải ôm mối hận để mất Hoa lục mà lưu lạc ra đảo quốc Đài Loan.

Bởi vậy trên đời có mấy ai là bạn vĩnh cửu mà cũng có mấy ai là kẻ thù muôn đời, người Mỹ có lẽ hiểu rõ hơn ai hết chân lý này. Cho nên, sẽ không lấy làm lạ, Hoa Kỳ và Việt Nam cộng sản, từng là kẻ thù ngày nào, ngày nay đang ngày càng xích lại gần nhau.

Toàn Như

Tham khảo: In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam, Chapter 3, của Robert S McNamara