Cộng sản lại bắt giam Hồ Hữu Tường và khi biết ông sắp chết, họ thả ông ra.


Trong mục này vào năm 2013 đã đăng một số bài về văn học vùng Tề - cụm từ chung chung thay vì nói văn chương báo chí ở Hà Nội giữa khoảng 1946 tới 1954 - là thời gian sau cuộc toàn quốc kháng chiến chống sự trở lại của Pháp quân, cho tới khi chia đôi đất nước 1954, Pháp phải rời Việt Nam.

Các nhà văn nhà thơ sống và viết tại Hà Nội (đúng ra phải nói rộng hơn, cả Nam Ðịnh, Hải Phòng), trong khoảng thời gian đó có một số phận chung bi đát, nếu không kịp di cư vào Nam trước 1954: khi cộng sản kiểm soát được các thành phố đó sau 1954, mạng sống và văn nghiệp của những văn nghệ sĩ vùng Tề kể như sống trong cõi chết, toàn diện. Bài mở đầu cho mục này vào năm mới Giáp Ngọ, người viết muốn làm một việc tương tự, cho Miền Nam: văn nghiệp và mạng sống của những nhà văn tranh đấu chống Pháp ở Sài Gòn từ 1945 đã ra sao? Văn nghiệp của họ như thế nào? Có khi nào sự nghiệp của họ được bên này hay bên kia dương danh?

vnch baochi
Bìa cuốn Thi Văn Hiện Ðại xuất bản tại Nam Phần tháng 8, 1949, do Dương Tử Giang viết tựa. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Nền văn học tạo dựng bởi quần chúng, một cách tự động, là nền văn học chung của dân tộc, không thuộc một thể chế nào, nhưng như người ta đã thấy, sự hẹp hòi của đảng phái ý thức hệ, sự đố kỵ bởi địa phương tính, sự mù lòa dốt nát của kẻ cầm quyền và sự hèn nhát của đám sĩ què, xu thời, đã chôn vùi trong gần một thế kỷ nay biết bao tinh hoa cẩm thúy của dân tộc, thuộc mọi ngành văn học nghệ thuật quần chúng. Tinh hoa ấy nhiều lúc nhiều nơi đã trở thành mủn rác, tiêu ma và tàn phai trong cát bụi. Hãy bắt đầu bằng một tờ tạp chí cũ, hãy đi tìm từng bài thơ bài văn một, chúng ta sẽ thấy những trường hợp cụ thể, những câu trả lời rõ ràng. Không phải cứ sống trong vùng Tề là tay sai của Pháp; không phải cứ kháng chiến chống Pháp là cán bộ cộng sản, nhất là trong thời kỳ giới hạn từ 1945 tới 1954. Và trường hợp của bài này là “đọc lại một tờ tạp chí cũ, đó là tờ “Thi Văn Hiện Ðại” số 1, giấy phép xuất bản ký ngày 7 tháng 7, 1949 của bộ (viết tắt trong tờ báo): T.T.T.T.C.P.L.T.N.P.V.N., người viết đoán là Thông Tin Tuyên Truyền Chính Phủ Lâm Thời Nam Phần Việt Nam. Lúc này, chính phủ mới vừa thành lập ngày 1 tháng 7, 1949, ông Bảo Ðại là quốc trưởng kiêm thủ tướng, Việt Nam chia làm ba phần, mỗi phần có một ông thủ hiến đứng đầu (Bắc: Nguyễn Hữu Trí, Trung: Phan văn Giáo, Nam: Trần văn Hữu). Và chỉ mới tháng trước, ngày 3 tháng 6, 1949, Quốc Hội Pháp “chuẩn y cho sáp nhập Nam Kỳ vào Việt Nam,” [Ðoàn Thêm, Hai Mươi Năm Quan, 1945-1964].

“Thi Văn Hiện Ðại” có khuôn khổ 15x21cm50, dày 100 trang kể cả bìa in đen đỏ, nhưng có phụ bản màu, tranh ảnh nghệ thuật giá trị của 5 họa sĩ và nhiếp ảnh gia Hưng Hội, Tú Duyên, Tô Văn Sâm, Trần Văn Thời, và Phụ Cấn. Tác giả in tên trên bìa vào hàng tên tuổi, thấy thật rầm rộ: Thiên Giang, Thê Húc, Tam Ích (nhóm Ðệ Tứ Miền Nam), Hồ Hữu Tường, Nguyễn Duy Cần, Triều Sơn, Xuân Miễn, Khổng Dương, Lý Văn Sâm, Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Hoàng Tấn, Lê Thương, Sơn Khanh, Liên Chớp, Dương Tử Giang. Lời tựa của Dương Tử Giang, nhà xuất bản Dân Tộc đứng tên, giá bán ở Nam Phần $18.00, ở Trung Bắc và Cao Mên $20.00. In 4000 cuốn không kể 50 cuốn giấy trắng tốt gọi là “bản đặc biệt.”

Lời tựa cho thấy vài sự việc:

Dương Tử Giang: “Văn chương của ta không đi theo kịp sự tiến hóa của dân chúng. Không những nó không đóng vai tuồng văn chương tiền phong được, nó còn có hơi lạc hậu là khác.” “Có lẽ không bao lâu nữa, ta sẽ có những sáng tác văn nghệ đi ngang, rồi tiến tới trước quần chúng.” “đây là những bài đắc ý của các tác giả.” (Lời Tựa)

Có lẽ Dương Tử Giang là người chủ biên tờ tạp chí này, nên mới có thể là người viết tựa cho số ra mắt. Ông rất hoạt động, tổ chức nhiều cơ sở khác. Tác phẩm có Một Vũ Trụ Sụp Ðổ 1949, Tranh Ðấu 1949. Ông tên thật là Nguyễn Tấn Sĩ, sinh ở Bến Tre, vì hoạt động chính trị nên bị bắt giam tại nhà lao Tân Hiệp, Biên Hòa. Tháng 12, 1956, tham gia vượt ngục cùng nhiều người, Dương Tự Giang (1915-1956) đã gục ngã vì súng đạn.

Một trích dẫn sau đây cho thấy nhà văn hóa Hồ Hữu Tường chống Marx ngay trong bài in ở trang 15. Vậy mà nhiều năm sau ông vẫn bị coi là phe tả. Nhưng cộng sản lại bắt giam ông và khi biết ông sắp chết, họ thả ông ra. Theo bài viết của Phan Chính, một nhân viên y tế ở Hàm Tân thì “xe về còn cách nhà khoảng 100 mét thì ông trút hơi thở cuối cùng” trên xe. (1910-26 tháng 6, 1980)

Hồ Hữu Tường: “Tin tưởng rằng ngoài học thuyết của Marx ra, thảy thảy đều là tà thuyết, ấy là tin rằng tư tưởng của loài người tiến lên đến Marx rồi dừng lại, rồi thối lui chớ không tiến tới được nữa. Cái tin tưởng phản tiến hóa ấy phải làm cho linh hồn biện chứng của Marx phải giựt mình! Nhưng mà Marx không có linh hồn thì ta hãy giựt mình giùm cho vậy.” (Tân Xuân Thu).

Vũ Anh Khanh. Nhà thơ Vũ Anh Khanh tham dự tờ tạp chí với một trong những bài thơ sau này nổi tiếng của ông.

Nắng ngày chưa ngả hoa tàn rụng
Bụi chiếm kinh thành tủi lá non
Thế nhân lạc lõng bờ niên thiếu
Trán thẹn mây cao nợ chửa tròn

Tuổi trời dệt mộng trong thành cũ
Nhớ vạn người đi dạ sắt son
Nhịp đời ngơ ngác rung rinh sóng
Phơ phất đào xuân mai héo hon

Mắt vương tóc mướt người con gái
Khép nép hài trinh lối cỏ mòn
Ngại ngùng muốn bảo vào tai nhỏ:
-Ai điểm trang mà em phấn son?

...Nghe chăng cô gái đô thành nội
Áo trắng an ninh giữa lũy đồn
Xuân sang rấm rứt sầu xuân cổ
-Ai điểm trang mà em phấn son?
(Vũ Anh Khanh, Phấn Son)

Cái chết của Dương Tử Giang, Hồ Hữu Tường đã thảm khốc, cái chết của Vũ Anh Khanh (1926-1957) còn thảm khốc hơn. Ông tên thật là Nguyễn Năm, quê quán tại thị xã Phan Thiết, sinh sống tại Sài Gòn, tác phẩm đầu tay do Tân Việt xuất bản là Cây Ná Trắc, in năm 1947 lúc vừa 21 tuổi. Thơ văn ông nồng nàn, bay bướm, bàng bạc vẻ hào hoa và rất ăn khách. Các tác phẩm danh tiếng của ông là Nửa Bồ Xương Khô, Ðầm Ô Rô, Chiến Sĩ Hành, riêng lẻ còn có bài Tha La.

Sau Hiệp Ðịnh Geneve 1954, Nguyễn Năm tập kết ra Bắc, cũng như vài cây bút miền Nam khác, như Xuân Vũ. Chẳng bao lâu họ biết mình lầm lỡ, tìm đường trở lại quê hương. Theo Xuân Vũ thì tác giả Sông Máu bơi qua sông Bến Hải vào năm 1956, nhưng bị bờ phía Bắc bắn theo bằng cung tên, và bỏ mình giữa dòng nước. Nhưng theo Luật Sư Nguyễn Hữu Thống nói với người viết bài này, đó phải là năm 1957, vì Noel 56 ông còn gặp Vũ Anh Khanh trong hội nghị Các Nhà Văn Á Châu tại Ấn Ðộ, [Khởi Hành 116, chủ đề Vũ Anh Khanh, 2006).

Tờ tạp chí Thi Văn Hiện Ðại số 1, tháng 7, 1949 nghe nói chỉ xuất hiện thêm được một hai số, nhưng dù chỉ có một số, cũng đã rất quý, nó thể hiện - dù trong khoảnh khắc - những tâm sự một đời của rất nhiều người. Bản thân nó, xuất bản tháng 8, 1949, nay đã là cổ thư 65 tuổi trong thư viện của tôi.

Viên Linh