main billboard

Vũ Ngọc Nhạ bị bắt ngày 16.7.1969. Ngày 29.11.1969 bị Tòa Án Lưu Động Mặt Trận Vùng III Chiến Thuật tuyên án khổ sai chung thân, bị đưa ra giam tại Côn Đảo và đến năm 1973 thì được trao trả cho Việt Cộng tại Lộc Ninh.

 

csvn vungocnha

Anh Đào Văn,

Những bài Trần Trung Quân và Việt Cộng viết về các vụ gián điệp dưới thời VNCH (Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn) đều là những chuyện bịa đặt, viết theo kiểu tiểu thuyết hoang đường với mục tiêu tuyên truyền và đánh lạc hướng. Nay nhóm lau nhau của Giao Điểm và Ấn Quang đang mơ tưởng có thể “DÙNG VỌNG NGỮ LÀM CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT” thay cho Kinh Phật và Phật pháp, đã khai thác triệt để các tài liệu này như võ khí tác chiến của họ, che đậy cho những sai lầm nghiêm trọng mà Giáo Hội Ấn Quang đã vấp phạm trong cuộc chiến vừa qua, đưa đất nước và Phật giáo vào những ngày đen tối.

Chúng tôi đã viết nhiều bài phản biện với những tài tiệu chứng minh những sự kiện mà họ đưa ra là bịp bợm. Riêng vụ Vũ Ngọc Nhạ, chúng tôi xin tóm lược lại một lần nữa như sau:

Vũ Ngọc Nhạ sinh ngày 30.3.1928 tại Thái Bình. Năm 1954, Nhạ di cư vào Nam và làm thư ký công nhật B3 (thư ký đánh máy) ở Sở Đào Kinh thuộc Bộ Công Chánh, bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt bắt năm 1958 vì nằm trong một ổ nội gián thuộc cụm tình báo A.22 của Việt Cộng ở Sài Gòn. Vũ Ngọc Nhạ đã khai báo thành thật giúp Đoàn Công Tác bắt toàn bộ cụm này và đồng ý làm gián điệp nhị trùng cho đoàn. Đoàn đã huấn luyện rồi thả ra để lấy tin từ phía VC cho Đoàn. Anh Thái Đen (Nguyễn Tư Thái) cho chúng tôi biết mỗi tháng chính anh là người đem lương đi phát cho Nhạ.

Khi nhóm ĐGM Lê Hữu Từ (1896 – 1967) hoạt động chống ông Diệm, Nhạ được đưa xuống nắm vùng ở Bình Đông, Quận 8, để theo dõi nhóm Phát Diệm của Linh mục Hoàng Quỳnh, vì Nhạ có ở Phát Diệm trước 1954 và quen biết nhiều người ở Phát Diệm, mặc dầu Nhạ không phải là người công giáo. Sau khi ông Diệm bị giết, Nhạ được cha Nhuận đưa về xếp giấy trong nhà in của cha ở Phú Nhuận. Nhạ dời về ở số 19-E lầu I, dãy nhà bên hông chợ Thị Nghè. Ít lâu sau, Nhạ lại dời về khu cầu Trương Minh Giảng, bên Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Khi Mỹ dùng Trần Ngọc Châu để nói chuyện với Việt Cộng qua Trần Ngọc Hiền trong Cụm tình báo A-68 với sự đồng ý của Tổng Nha Cảnh Sát VNCH, ông Thiệu cũng muốn làm như vậy nên nhờ Nguyễn Cao Thăng, lúc đó là Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Thống, đi kiếm người. Nguyễn Cao Thăng giới thiệu người bạn thân của ông ta lúc còn ở Huế, đó là Huỳnh Văn Trọng, người Kim Long. Trọng ở Dòng Đamin ra, học luật ở Hà Nội, sau 1945 trở về Huế và làm việc cho Deuxième Bureau (Phòng II) của Pháp, sau qua làm thẩm phán công tố. Ông Thiệu chịu liền. Vấn đề thứ hai là tìm người liên lạc với trong chiến khu.

Sau khi thăm hỏi các nhân viên tình báo cũ của Đoàn CTĐB, Nguyễn Cao Thăng được biết Vũ Ngọc Nhạ có đường dây liên lạc với Việt Cộng, nên lên nhà thờ Phú Nhuận gặp cha Nhuận. Cha Nhuận hỏi Nhạ thì Nhạ xin một tuần để trả lời. Một tuần sau Nhạ cho biết đã bắt lại được đường dây cũ nên có thể giúp liền lạc. Ông Thiệu liền cử Huỳnh Văn Trọng làm Phụ Tá Tổng Thống (đặc trách liên lạc với VC) để có uy thế khi đi nói chuyện với đại diện “phía bên kia”. Chuyện này Tổng Nha Cảnh Sát và Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo VNCH không hay biết.

Vũ Ngọc Nhạ dẫn Huỳnh Văn Trọng đi gặp đại diện VC tại một vài nơi, khi ở Đồng Ông Cộ, khi ở cầu Bình Lợi, khi ở Hàng Xanh... Có lần Vũ Ngọc Nhạ đã đưa Huỳnh Văn Trọng đi gặp Phạm Hùng. Những việc liên lạc này đã bị CIA phát hiện. Mặc dầu biết rất rõ đó là đường dây của Tổng Thống Thiệu, CIA đã phái điệp viên William James Porter đến giúp Tổng Nha Cảnh Sát theo dõi để phá vỡ. Porter đã cung cấp cho cảnh sát các máy thu thanh và thu hình tự động rất tinh vi để theo dõi nội vụ và làm bằng chứng. Ngày 20.9.1969 Tổng Nha Cảnh Sát đã mở cuộc hành quân xúc toàn bộ các cụm tình báo Việt Cộng hoạt động chung quanh Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng, trong đó có Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Hòe, Vũ Hữu Ruật, Lê Thị Nuôi, v.v. Huỳnh Văn Trọng cũng bị bắt tại nhà ở đường Lê Lợi, Quận 1, Sài Gòn.

Trước tình trạng này, Tổng Thống Thiệu phải hy sinh Huỳnh Văn Trọng và có hứa với Nguyễn Cao Thăng rằng sau một thời gian Trọng sẽ được thả ra và bảo Trọng đừng khai gì hết.

Để chơi lại Mỹ, Tổng Thống Thiệu ra lệnh bắt Trần Ngọc Châu. Tướng Trần Văn Hai không chịu bắt vì đã có cam kết với Mỹ cho tổ này hoạt động. Ông Thiệu nói phải bắt, Tướng Hai đòi phải có lệnh viết của Thủ Tưóng Trần Thiện Khiêm ông mới bắt. Tổng Thống Thiệu phải bảo Thủ Tướng Khiêm viết lệnh, Tướng Hai mới chịu bắt và đem ra truy tố. Nhưng sau khi xét xử, Mỹ can thiệp dữ quá, ông Thiệu cũng phải thả Trần Ngọc Châu ra.

Vũ Ngọc Nhạ bị bắt ngày 16.7.1969. Ngày 29.11.1969 bị Tòa Án Lưu Động Mặt Trận Vùng III Chiến Thuật tuyên án khổ sai chung thân, bị đưa ra giam tại Côn Đảo và đến năm 1973 thì được trao trả cho Việt Cộng tại Lộc Ninh.

Phạm Ngọc Thảo và Phạm Xuân Ẩn là gián điệp 3 mang, vừa lấy tin cho Việt Cộng, vừa lấy tin cho VNCH và vừa lấy tin cho Mỹ. Còn Vũ Ngọc Nhạ chỉ là gián điệp 2 mang, vừa lấy tin cho Việt Cộng vừa lấy tin cho VNCH, nhưng Nhạ có trình độ học vấn thấp (khoảng đệ lục) nên chỉ có thể lấy tin vặt hoặc làm liên lạc giữa hai bên. Ấy thế mà khi Việt Cộng dùng tài liệu giả thổi lên để tuyên truyền và đánh lừa, một số người chống cộng, nhóm Phật Giáo Ấn Quang (gồm cả Hòa Thượng Quảng Độ) và nhóm Giao Điểm, tin rằng chuyện Vũ Ngọc Nhạ “cố vấn ba đời Tổng Thống VNCH” là có thật! Vì thế, chuyện Miền Nam mất và Giáo Hội Ấn Quang bị bể tan thành nhiều mãnh là chuyện không có gì đáng ngạc nhiên.

Ngày 4.7.2015
Lữ Giang