main billboard

Có thực mới vực được đạo, tự hào hãnh diện sao nổi khi cái bụng quắt lại vì đói mà tương lai là món nợ “truyền kiếp!”


Thông thường, bất kỳ quốc gia nào khi giành được quyền đăng cai tổ chức một giải thể thao quốc tế đều rất mừng, như là mở cửa cho đất nước vào ngày hội lớn.

Oái oăm ở chỗ là nước thì nghèo mà cũng xí xoắn đăng cai, rồi bây giờ bàn tới bàn lui, tiền chi ít, chi nhiều, nên làm hay không, nếu hủy bỏ có thể bị phạt 1 triệu USD.

asaid18 hanoi 2019Trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai tổ chức Hội Thể Thao Châu Á 18 (Asiad 2018) vào năm 2019, Hà Nội được ủng hộ với tỷ lệ 29/14, sau khi đánh bại Surabaya của Indonesia. Ứng viên Dubai (United Arab Emirate) đã rút tên vào phút cuối. Trước đó, các ứng viên sáng giá khác như Hồng Kông, New Delhi (Ấn Ðộ), Kuala Lumpur (Malaysia), Ðài Bắc... cũng rút tên. Ðây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức một giải thể thao lớn, tầm cỡ châu lục.

Tháng 11, 2012, Ủy Ban Olympic Việt Nam dự trù kinh phí là 3.149 tỉ đồng (khoảng 150 triệu USD.) Thế nhưng, cập nhật lại các tính toán, Bộ Tài Chính cho biết sách kinh phí lên đến 300 triệu USD. Mặc dù dự toán này chưa bao gồm kinh phí đào tạo vận động viên; duy tu, nâng cấp, sửa chữa các công trình có sẵn hoặc xây mới...

Cơ sở vật chất ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần, trong khi để tổ chức ASIAD, Ủy Ban Olympic Châu Á bắt buộc phải hoàn tất các công trình đưa vào sử dụng các môn mới như đua ngựa, đua xe lòng chảo.

Thực tế con số 300 triệu đô la cũng mới là ước tính, chi phí cho Asiad chắc chắn sẽ đội giá hơn nhiều lần. Riêng xây dựng vòng chảo đua xe đạp đã có thể tốn tới 10.000 tỉ đồng (khoảng 500 triệu USD.)

Nhìn qua Hàn Quốc, thành phố Incheon tháng 9 tới sẽ diễn ra ASIAD 17 năm 2014. Số số liệu chưa chính thức cho thấy Incheon đã phải chi gần 2,9 tỉ USD, trở thành một gánh nặng của thành phố và Incheon đang ôm những khoản nợ rất lớn.

ASIAD 16 được tổ chức tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, với dự toán ban đầu là 2 tỉ nhân dân tệ (NDT,) tức khoảng 300 triệu USD. Ngày 13 tháng 10, 2010, khi ASIAD 16 đang diễn ra, Thị Trưởng Quảng Châu Wan Qingliang đã tiết lộ trong một cuộc họp báo rằng chi phí cho việc tổ chức ASIAD đã lên tới 122,6 tỉ NDT, tương đương 17 tỉ UDS!

Trước Quảng Châu, Qatar, một đất nước giàu có, cũng đã phải tiêu tốn 2,8 tỉ USD để tổ chức ASIAD 15 năm 2006.

Ðào đâu ra tiền đâu bây giờ?

Tình hình kinh tế của Việt Nam trong năm 2014 ảm đạm. Nợ xấu, theo Moody's và Fitch có thể chiếm tỷ lệ tới 15%, (chứ không phải 4% như con số của chính phủ,) đang kéo lùi tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế. Theo Ngân Hàng Thế giới thành quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam đạt được trong thời gian qua còn mong manh và đang đối mặt với những rủi ro. Tăng trưởng 2014 chỉ đạt 5,5% so với 5,42% của năm 2013. Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách đề xuất nâng trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP là 224.000 tỷ đồng.

Mỗi quý đang phải trả hơn 1 tỷ đô la tiền nợ, vay mới để trả nợ cũ và chi tiêu, dự kiến năm 2014 vay thêm 22 tỷ đôla, trong đó vay 17.5 tỷ USD trong nước và 4, 5 tỷ USD vay nước ngoài. Bất động sản vẫn đóng băng. 127 tổng công ty và tập đoàn nhà nước nợ như chúa chổm, tới 1,3 triệu tỷ đồng (tính đến cuối năm 2013) (tương đương 60 tỷ USD.) Các món nợ của Vinashine, Vinalines vẫn là thao tác “ném bùn sang ao,” chưa được giải quyết được gì rốt ráo. Trong thời gian qua, hàng chục ngàn doanh nghiệp tư nhân bị phá sản...

Ðấy là sơ bộ chuyện chung của nền kinh tế. Về xã hội, đa số người dân sống nghèo khổ, thiếu thốn đủ điều, đặc biệt 70% số người sống ở nông thôn, ngày Tết vẫn xin cứu đói. Hàng triệu công nhân trong các khu chế xuất sống chật vật với đồng lương chết đói, ăn uống kham khổ, không đủ chất và lượng, đến mức lả đi trong giờ làm việc phải cấp cứu hàng loạt. Trẻ em vùng cao không biết đến miếng thịt trong bữa cơm, vẫn phải đu dây, chui vào túi nilon vượt sông suối đi học. Bệnh viện quá tải đến mức giống như trại tị nạn ở châu Phi, bệnh nhân nằm la liệt ở hành thang, gầm giường...

Ngày 23 tháng 1, 2014 khi Ngân Hàng Thế Giới duyệt chi 60 triệu đô la cho chương trình “Cơ hội thoát nghèo truyền kiếp” giúp Việt Nam thử nghiệm cải tiến công tác quản lý và cung ứng dịch vụ xã hội tại bốn tỉnh. Sau gần 40 năm thống nhất đất nước mà cái nghèo vẫn cứ dai dẳng đeo bám người Việt “truyền kiếp,” như chữ của WB dùng.

Kiếm vài tỷ đô la đầu tư cho Asiad 2019 quả là bất hợp lý trong bối cảnh khốn khó như trên. Nhưng để kiếm chẳng phải dễ dàng gì.

Trong lễ công bố cập nhật tình hình kinh tế vùng Ðông Á và Thái Bình Dương hôm 7 tháng 4, 2014 tại Hà Nội, bà Victoria Kwakwa, giám đốc World Bank tại Việt Nam nói: “Chắc chắn, chúng tôi sẽ không cho Việt Nam vay tiền để xây sân vận động. Vai trò của chúng tôi không phải ở chỗ ấy.”

“Việt Nam đã rơi vào 'bẫy thu nhập bình quân.' Chúng ta sẽ chỉ còn tồn tại, kéo dài sự sống, chớ không còn đủ nguồn lực để phát triển, vì tất cả công sức của cả nền kinh tế đều dành cho trả nợ, và tình trạng này sẽ kéo dài không dưới ba thập kỷ. Người dân Việt “phải ‘tận tụy’ hàng nhiều thập kỷ để đóng góp thêm cho khối tài sản khổng lồ của những tay tỉ phú ‘tư bản’ nào đó đang chơi golf hay đang phơi nắng trên những chiếc du thuyền lộng lẫy ở đâu đó” - Tiến sĩ Alan Phan nhận định.

Thế nhưng, tôi nghĩ rằng, nhà cầm quyền sẽ cố đấm ăn xôi, móc ruột dân ra mà làm, đè vai dân ra mà gánh, một mặt cứu nguy cái “sĩ” được gọi là “thể diện quốc gia,” mặt khác đây là cơ hội ngàn vàng, tha hồ rút ruột ăn chia giống như vụ kỷ niệm Hà Nội - Ngàn năm Thăng Long. Các “đại gia” khách sạn ở Hà Nội lại được một phen hốt bạc, như “Phương Phò Mã” (con rể Ðỗ Mười) trong Sea Games 2003!

Trên tờ điện tử Dân Trí ngày 31 tháng 3, 2014, Hoàng Vĩnh Giang, phó chủ tịch thường trực Ủy Ban Olympic Việt Nam nói:

“Tôi cho rằng người dân sẽ có cơ hội được hưởng thụ nhiều hơn về mặt tinh thần, được tự hào hơn về quê hương đất nước, về truyền thống lịch sử và chắc rằng việc đăng cai Asian Games không làm người dân nghèo đói vì những chi phí dùng cho ASIAD không biến mất hết mà phần lớn còn để lại cho thế hệ sau đó là những cơ sở để sử dụng nhằm nâng cao sức khỏe toàn dân vì mục tiêu; dân cường thì nước thịnh, như lời Bác Hồ dạy.”

Có thực mới vực được đạo, tự hào hãnh diện sao nổi khi cái bụng quắt lại vì đói mà tương lai là món nợ “truyền kiếp!”

Chẳng biết có sử dụng các cơ sở sau ngày hội thể thao có “nâng cao sức khỏe toàn dân vì mục tiêu; dân cường thì nước thịnh, như lời Bác Hồ dạy” hay không. Nhưng Việt Nam đã từng là chủ nhà của SEA Games 22 năm 2003, đồng đăng cai AFC Asian Cup năm 2007 và Asian Indoor Games AIG III năm 2009. Tuy nhiên, thành tích các vận động viên Việt Nam chẳng những không thấy tốt hơn mà trong những cuộc tranh tài sau đó đều thua các vận động viên của ThaiLand, Indonesia, Singapore. Còn dân Hà Nội thì vẫn kéo nhau ra Bờ Hồ tập thể dục bình thường như mọi ngày.

Những công trình cho SEA Games 2003 sau khi khi tổ chức xong đã bị bỏ phí thảm hại hoặc bị sử dụng sai chức năng. Trong khu liên hợp Mỹ Ðình nhiều nơi bị biến thành điểm mát-xa hay nhà hàng, quán nhậu, bãi xe...

Cung điền kinh cho Ðại Hội Thể Thao Châu Á trong nhà xây dựng hơn 540 tỉ đồng chỉ sử dụng hai tuần cho đại hội, xong rồi thì đường chạy bị tháo dỡ, biến thành sân tennis cho thuê và làm kho, bãi.

Năm 1970, Hàn Quốc đã từng xin rút vì những khó khăn kinh tế và Thái Lan đã đứng ra nhận, chẳng ai chê bai, coi thường Hàn Quốc cả. Nên chăng học tập họ để dân tộc này còn có sức mà đi tiếp?

Trong một cuộc họp nội các gần đây ông Nguyễn Tấn Dũng nói rà soát lại nếu quá khả năng thì thôi không đăng cai, nhưng nói chỉ mà nói vuốt đuôi vậy thôi. Khi đứng ra giành quyền đăng cai thì đã là chủ trương lớn của cả Bộ Chính Trị.

Cứ nhìn vụ bauxite Tây Nguyên thì thấy. Vượt quá sức, tiền chi thêm vào dự án ngày mỗi tăng, lỗ hàng ngàn tỷ đồng, nhưng vì là chủ trương lớn của đảng nên cứ làm. Hàng ngàn chữ ký của nhân sĩ trí thức trong ngoài nước đều bị bỏ ngoài tai. Hậu quả kinh tế thê thảm đã có dân đen gánh chịu, chưa kể môi sinh bị phá hoại và an ninh quốc gia bị đe dọa.

Cái thói nghèo mà thích chơi sang và cứ tưởng mình là rồng trong khi chỉ là rùa. Căn bệnh muôn đời của chế độ cộng sản là huênh hoang, ngạo mạn, cộng thêm thói tham lam vô độ, đang vắt kiệt sinh lực của đất nước này.