main billboard

“Ðây là một phần trong chiến lược rộng lớn của Trung Quốc biển biển Hoa Nam thành một cái hồ của Trung Quốc. Một khi họ kiểm soát được Biển Hoa Nam, họ có thể chế ngự các vùng biển của miền Tây Thái Bình Dương.”


Tuần này cả thế giới chú tâm vào Brazil và giải túc cầu World Cup nên có lẽ mọi người đã quên mất một trận đấu thân hữu beach volleyball trên bãi cát của đảo Song Tử Tây (Southwest Cay), một cuộc vui chơi giữa hai nhóm quân nhân xa nhà nhưng không dè lại trở thành lớn chuyện.

Vấn đề là vì Trung Quốc. Trung Quốc gần đây dễ nổi nóng, nhưng như nhà bình luận Mark Eades của tờ US News & World Report nhận xét “chưa bao giờ nổi nóng vì một trận cầu.”

vn philippines volleyball(Ảnh trên Net)

Số là hôm Chủ Nhật trước, 8 tháng 6, các quân nhân Việt Nam và Philippines trên hai đảo Song Tử Tây và Song Tử Ðông đã tụ họp nhau lại để uống bia, chơi volleyball, trình diễn văn nghệ, trong một cuộc vui chơi mà bình thường thì hẳn chẳng ai để ý tới.

Hơn thế, theo báo chí trong nước, thực ra, liên hệ giữa hai quân đội ở hai hòn đảo gần cận này khá thân thiết. Một binh sĩ đóng ở đó đã kể với tờ Tuổi Trẻ là hai bên thường đi lại, đúng là “xóm giềng tốt,” thiếu chút nước mamn, củ hành cũng có thể chạy mượn nhau.

Nhưng lần này thì mối thân hữu đó đã được chính thức công bố để biểu dương cho liên hệ mới giữa hai quốc gia đồng chung số phận đang bị Bắc Kinh gây sự. Không những họ gặp nhau mà họ công bố và phổ biến hình ảnh các cuộc vui chơi cho báo chí thế giới biết. Sự biểu dương đoàn kết đó giữa Việt Nam và Philippines trước sự gia tăng hung hăng của Trung Quốc dĩ nhiên đã tạo phản ứng nhanh từ Bắc Kinh.

Tại cuộc họp báo định kỳ sau đó, phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh của Hoa Lục đã mỉa mai, “Quý vị không thấy cái bước nhỏ cùng nhau này của Việt Nam và Philippines là một trò hề vụng về lắm thay.” Và phát ngôn nhân khá xinh đẹp này đã tỏ ra rất hung hăng khẳng định “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi trên quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận... Chúng tôi đòi hỏi Việt Nam và Philippines hãy ngưng những hành động nhằm để kiếm cách cãi lộn và tạo vấn đề... và họ hãy đừng làm bất cứ cái gì để tạo thêm phức tạp và làm lớn tranh chấp.”

Khổ một nỗi điều mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền không tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa mà quốc tế gọi là Quần đảo Spratly, cũng như phần còn lại của Biển Ðông, thực ra rất dễ bác bỏ. Bắc Kinh đã tuyên bố dành đến 90 phần trăm của biển Ðông dựa trên một cái đường chín đoạn mà họ đơn phương tuyên bố, một sự tuyên bố chủ quyền mà không ai công nhận cả trừ Trung Quốc.

Hẳn Trung Quốc bây giờ nghĩ là mình hùng mạnh đủ để có thể tạo nên một thực tế mới, dựa trên lựa chọn của riêng mình bất kể phần còn lại của thế giới muốn nghĩ gì thì nghĩ. Bắc Kinh vốn rất giỏi tạo nên những chuyện giả tưởng về địa lý chính trị, rồi tự thuyết phục mình đó là những “sự thật không thể tranh cãi.” Khi Trung Quốc bảo Tây Tạng là đất của mình, bảo họ đã giải phóng cho nhân dân Tây Tạng thoát khỏi chế độ “phong kiến” của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, ngay chính dân Tây Tạng cũng không tin nhưng họ vẫn tin.

Ðể biện minh cho việc đòi chiếm đoạt một vùng biển mà người Philippines, người Việt, người Malay là những dân tộc sống bên bờ biển đó coi như biển nhà, Bắc Kinh đã đưa ra những bằng có gọi là bằng cớ lịch sử. Nào là một cuộc hải hành thời Minh Thành Tổ của một người Hồi, làm thái giám trong cung vua, nào là một số bản đồ mà Hà Nội trong thời còn “anh em” đã quên mất chủ quyền trên các quần đảo này nên để tên theo kiểu Trung Quốc.

Sở dĩ Công ước Quốc tế về Luật Biển đã không chấp nhận lịch sử là một biện minh chủ quyền trên biển chính là vì vậy. Nếu nói lịch sử thì lịch sử đời nào. Nói lịch sử thì nửa phía Nam của nước Trung Hoa ngày nay nào phải là đất của họ. Nếu nói lịch sử thì Biển Ðông phải là biên Phù Nam vì đế quốc hùng mạnh nhất trong toàn vùng biển này là Ðế Quốc Phù Nam có thời cai trị suốt từ miền trung Việt Nam cho đến một số đảo của Malaysia, Indonesia vào sâu đến Cambodia. Hay là chúng ta có thể gọi Biển Khmer, vì nền văn minh Angkor là hậu thân của nền văn minh Phù Nam. Cũng có thể là biển Malay vì những dân tộc Malay cũng đã thừa hưởng một phần vùng biển đó. Và nó cũng phải là biển Việt Nam vì từ nhiều đời nay các vương triều Việt Nam đã khai thác, chiếm cứ một phần các hòn đảo trên vùng biển này.

Ðiều chắc chắn nó không phải là biển Trung Quốc. Và vấn đề của Trung Quốc là họ không thuyết phục được ai khác tin vào những điều họ tưởng tượng ra cả.

Chả thế mà mặc dầu có những tranh chấp chủ quyền về đảo Song Tử Tây, mà quả Việt Nam Cộng Hòa đã “chiếm đoạt” từ tay Philippines, Việt Nam và Philippines đã bỏ sang một bên những tranh chấp để đối diện với điều mà hai quốc gia Ðông Nam Á này ngày càng thấy là một đe dọa lớn hơn từ Trung Quốc. Hai bên đã nới rộng hợp tác hải quân. Việt Nam đang muốn bắt chước Philippines đi kiện Trung Quốc ở tòa tài phán quốc tế. Nhưng còn quan trọng hơn là những hành động tương trợ. Khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào đậu ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến Hà Nội phải phản ứng, Philippines bèn nhân cơ hội chọc phá ở bên kia qua việc bắt một tàu đánh cá Trung Quốc về tội đánh bắt lậu một loài động vật quý hiếm.

Vụ giàn khoan là một bằng cớ nữa minh chứng thế giới tưởng tượng của Trung Quốc. Khi vác một giàn khoan khổng lồ cao đến bốn tầng lầu, rộng bằng bốn cái sân banh và trị giá một tỷ đô la vào vùng biển tranh chấp mà lại thản nhiên bảo thế giới là “chúng tôi chỉ hoạt động trong vùng biển của chúng tôi” thì thật là hoang tưởng.

Công ước Luật Biển có ấn định là nếu có sự tranh chấp hay tròng chéo chủ quyền và vùng đặc quyền khai thác kinh tế thì cả các bên đều không được quyền khai thác tài nguyên trừ phi các phe phái khác đồng ý. Việt Nam luôn khẳng định Quần đảo Hoàng Sa, mà hòn đảo Tri Tôn là hòn đảo cực Nam của quần đảo này, là của Việt Nam. Dĩ nhiên Bắc Kinh đã mang quân sang chiếm quần đảo này, nhưng chiếm đoạt không có nghĩa là sở hữu.

Chưa hết, Bắc Kinh nay đưa luận cứ của mình ra trước Liên Hiệp Quốc, cáo buộc Việt Nam là đã làm gián đoạn bất hợp pháp việc khoan thăm dò của Trung Quốc và đâm vào các tàu bè của họ. Bản tuyên bố lập trường gửi đến Liên Hiệp Quốc khẳng định quần đảo mà quốc tế gọi là Paracel “là một phần cố hữu của lãnh thổ Trung Quốc không có tranh chấp.” Lại một lần nữa Bắc Kinh nhất định chọn thực tế của riêng mình.

Căng thẳng cũng đang gia tăng giữa Bắc Kinh và Manila về những hòn đảo mà Bắc Kinh cũng khẳng định là một phần “không tranh cãi” của lãnh thổ Trung Quốc. Bắc Kinh còn cáo buộc Philippines là “một kẻ cương quyết thách thức quyền lợi quốc gia của Trung Quốc và là một kẻ đánh thuê cho các thế lực thù địch với Trung Quốc,” hẳn ý muốn nói liên hệ ngày một thân thiết giữa Philippines và Hoa Kỳ.

Nhưng tại sao Trung Quốc đột nhiên hung hăng đến thế. Một nhà phân tích an ninh của Viện Nghiên Cứu An Ninh Thái Bình Dương Alexander Vuving giải thích, “Ðây là một phần trong chiến lược rộng lớn của Trung Quốc biển biển Hoa Nam thành một cái hồ của Trung Quốc. Một khi họ kiểm soát được Biển Hoa Nam, họ có thể chế ngự các vùng biển của miền Tây Thái Bình Dương.”

Trước “âm mưu thâm độc” đó, chả trách không những Việt Nam, Philippines, mà ngay cả Indonesia ở tuốt phía Nam, Nhật Bản ở phía Bắc, và Hoa Kỳ, vốn là cường quốc duy nhất hiện nay, phải lo ngại.

Ông Eades của US News thì bảo, “Nay Trung Quốc tức giận vì một trận beach volleyball. Ðiều này sẽ không làm dễ dàng hơn để cho chúng ta có thể coi trọng Trung Quốc như là một cường quốc.”