Hoá ra chị còn điên hơn tất cả chúng tôi. Chị nói, từng ấy năm bây giờ mới sống đúng con người của mình, đó là không thể làm ngơ trước bất công sai trái trong xã hội này, bất kể đứa nào làm sai đều phải vạch mặt.

buithiminhhang bieutinh
Bùi Thị Minh Hằng

Chị đã từng mong muốn một phiên toà. Cũng vào đầu mùa thu thế này 2 năm trước. Bùi Thị Minh Hằng đội đơn tại trước cổng toà án Hà Nội để khiếu nại, và yêu cầu một phiên toà mở ra để xem xét quyết định đưa chị vào trại cải tạo Thanh Hà do Uỷ ban nhân dân Tp Hà Nội quyết định.

Người ta bắt chị ở TP. HCM, rồi đưa máy bay chở ra Hà Nội, tống thẳng vào trại Thanh Hà. Chưa có vụ dẫn giải đi giáo dục, cải tạo nào xa như vậy.

5 tháng ở trại cải tạo vì những hành vi phản đối chống quân Trung Quốc xâm lược đã biến một người đàn bà cao lớn, sang trọng thành một phụ nữ xơ xác, gày còm, sẹo dọc ngang, tóc bạc trắng.


Tôi thấu hiểu nỗi xót xa mà chị phải chịu. Đó có thể là duyên nợ gì đó với chị. Có lẽ tôi là người duy nhất trong anh em Hà Nội hiểu hoàn cảnh của chị. Lần ấy chị gặp tôi ở văn phòng luật Cù Huy Hà Vũ. Người đàn bà to lớn, sang trọng nói sang sảng về chuyện đi từ thiện cho môt ngôi chùa với chị Dương Hà. Họ đang bàn mua mấy tấn gạo và đồ đạc để đi từ thiện, còn tôi chăm chú vào chiếc máy tính để làm một số việc giúp chị Hà. Lúc đó anh Vũ đang ở trong tù.

Chị Hà trao đổi với tôi vài câu về anh Vũ, lúc đó người đàn bà kia nhìn tôi bằng con mắt sắc sảo. Cái nhìn của một người phụ nữ từng trải trên thương trường cũng như cuộc đời. Khi tôi ra cửa, chị mới hỏi:

- Gió nhớ chị không, em nghe giọng chị có nhận ra không?

Tôi thần người nghĩ, rồi lắc đầu.

Chị nói:

- Chị là người gọi em hỏi số điện vợ con anh Ba Sài Gòn đó.

À, thì ra vậy. Tôi nhớ có lần đang đi ở Cồn Dầu, có một người phụ nữ lạ, gọi điện cho tôi hỏi cho xin địa chỉ anh Ba SG để gửi chút quà. Hôm đó cho số điện xong, tôi cũng chả nhớ. Mà hình như tôi cho số của thằng Lê Quốc Quyết (em trai Lê Quốc Quân) thì phải.

Tối hôm đó chị gọi điện và báo muốn đến nhà tôi chơi một lát. Chị cùng người bạn nữa đến, ngồi một lúc thì tôi phải đi. Chị hỏi đêm tối rồi còn đi đâu. Tôi cho cái máy ảnh, máy quay phim vào túi. Nhìn chị và vợ con một lát, rồi lắc đầu như không tiện nói lý do.

Không ngờ cái lúc tôi lặng lẽ xếp hành trang, đi trong đêm ấy lại khiến chị thương tôi như em ruột. Sau này chị kể, cái hình ảnh người đàn ông rời khỏi nhà đi trong đêm là chị nghĩ đến những việc làm đốn mạt, chơi bời, cờ bạc, rượu chè. Chị chưa nhìn người đàn ông nào rời khỏi nhà đi như tôi lúc đó.

Người đàn bà lớn tuổi, dạn dĩ với thương trường ấy. Không nghĩ rằng trên đời này có những thằng điên như tôi, không có những thằng điên đi làm cái điều mà người thông minh trong xã hội này không làm, đó là những việc không mang lại lợi lộc gì. Rồi chị gặp nhiều thằng điên như thế, không phải chỉ mình tôi. Những thằng đàn ông điên làm những việc hao công, tốn sức mà không phải vì tiền bạc, danh lợi như những thằng đàn ông khác trong xã hội này, đó là Lân Thắng, Lê Dũng, Nguyễn Văn Phương, Lã Dũng....tóm lại là những thằng điên chuyên húc đầu vào cái nơi mà thiên hạ nghĩ là đá tảng.

Thế rồi chị gắn bó với anh em chúng tôi, trong những cuộc biểu tình suốt cả mùa hè rực lửa năm 2011.

Bùi Thị Minh Hằng trước khi đến với anh em chúng tôi, chị có một gia sản lớn, có một nhà hàng lớn sổ đỏ mang tên chị ở một con đường trung tâm thành phố Vũng Tàu, một ngôi nhà riêng và nhiều cổ phần ở cây xăng, bệnh viện tư, tàu vận tải. Hoá ra chị còn điên hơn tất cả chúng tôi. Chị nói, từng ấy năm bây giờ mới sống đúng con người của mình, đó là không thể làm ngơ trước bất công sai trái trong xã hội này, bất kể đứa nào làm sai đều phải vạch mặt.

Cái quãng thời gian chị ở Hà Nội tham gia biểu tình, nhà hàng đóng cửa. Chị không màng đến những nơi chị góp vốn làm ăn thế nào, họ báo cáo lỗ là vì sao. Chị dường như không còn quan tâm đến cái chuyện làm ra tiền nữa. Khi chị bị bắt, những kẻ mà chị góp vốn cùng đã làm sạch bách các cơ sở, rồi chúng báo với chị là lỗ vốn. Ác nghiệt là nhà hàng chị bị ngân hàng đòi xiết nợ, một số nợ cộng thêm số lãi thành gấp đôi.

Bùi Thị Minh Hằng đến với cuộc biểu tình chống Trung Quốc từ một người đàn bà có gang, có thép bởi tiền bạc. Khi ra tù ở trại Thanh Hà, chị bỗng trở thành khánh kiệt vì bọn góp vốn lừa đảo, chúng nhân dịp chị bị tù, thấy báo chí lên án chị, chúng hiểu chính quyền sẽ ghét chị, vì thế chúng giở thủ đoạn để mượn gió, bẻ măng. Đã vài lần tôi muốn giúp chị, xử lý những đứa lừa chị, theo cái cách mà tôi làm khi còn trẻ. Nhưng chị kiên quyết ngăn vì sợ nếu có làm sao vợ con tôi khổ.

Phá sản bệnh tật, bỗng dưng mang án tù. Người đàn bà ấy không một lời than thở. Chúng ta hẳn chưa ai nghe chị kể trên mạng về những gì chị đã mất. Chị coi như đó là của phù du, những cái mất đi ấy không làm chị sờn lòng, chị vẫn tiếp tục con đường đấu tranh với những bất công mà chị đã chọn.

Tôi gắn bó với chị chỉ vì tôi nhìn thấy những hy sinh mà chị đã mất. Thực ra tôi ngại cái tính nóng như lửa của chị, vì nóng tính mà đôi khi chị nặng lời với anh em từng gắn bó với nhau những lúc gian nan. Nhưng về tinh thần của chị với đất nước, nếu ai đã thấy không thể nào không nể phục.

Trở lại với cái hôm chị đứng trước toà án Hà Nội để đòi phiên toà làm rõ chuyện đưa chị đi cải tao ở Thanh Hà. Người ta nhận đơn vòng vo làm chị mất thời gian. Rồi họ từ chối không mở phiên toà. Một mình chị đứng ở cửa toà án, tay căng băng rôn, miệng sang sảng lên án hành xử bất công của Ủỷ ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội. Khi chị đang nói, người dân đứng nghe. Có những kẻ đi rỉ tai mọi người.

- Con điên đấy, nghe nó làm gì.

Người dân nhìn chị nghi ngờ, có lẽ họ nghĩ chị điên. Vì có ai dám đứng trước cổng toà án thành phố để kể tội ác cướp đất, tội hèn nhát để mất đất, mất biển. Chị nói say sưa trước cái nhìn nghi hoặc của người nghe. Có vẻ lời nói của chị bị mất hiệu quả vì những kẻ lén lút rỉ tai mọi người kia.

Tôi nảy ra ý nghĩ, làm sao để họ không nghĩ chị điên. Lập tức tôi phóng xe máy đến nhà người bạn, hỏi mượn anh ta chiếc ô tô, rồi tôi mượn luôn anh ta bộ quần áo đẹp. Tôi mua mấy chai nước. Tôi lái xe đến trước cổng toà, mở cửa ô tô khệnh khạng đi vào chỗ chị trong bộ quần áo ngon lành hàng hiệu. Tôi đưa chị chai nước và nói to:

- Chị uống nước còn lấy sức chửi tiếp. Đm cái bọn này phải nói cho dân người ta rõ về chúng.

Người dân nhìn tôi ngỡ ngàng, họ không nghĩ một người đàn bà trông dáng sang trọng kia đã điên rồi. Giờ bà ta lại có thằng đệ tử đi ô tô oách thế mà đến khúm núm đưa nước phục vụ và đồng tình với mụ điên ấy. Ngay trước cổng toà.

Chắc chắn lúc đó họ không nghĩ chị điên như những kẻ lén lút kia thì thầm.

Cái thằng cho tôi mượn ô tô cũng điên nốt. Nó thừa biết tôi dùng xe vào việc ra đấy mà vẫn cho mượn, chỉ vì nó đang làm không đi được ra đó làm thằng điên cùng với chúng tôi.

Bây giờ là 10 giờ tối của Châu Âu, chỉ còn vài tiếng nữa, phiên toà bất công áp đặt quy chụp chị sẽ diễn ra tại Đồng Tháp.

Đang có bao nhiêu người điên từ khắp đất nước này, lặng lẽ rời mái nhà, khi vợ con đang yên giấc để băng vào màn đêm hướng về nơi diễn ra phiên toà ấy. Họ rời đi một cách khó khăn trước sự ngăn cản của công an địa phương, bằng những ý chí phi thường họ bất chấp mọi cấm cản để đến phiên toà cùng với chị.

Tôi dự phiên toà ở Cồn Dầu, những người dân do chính quyền huy động đến xem. Đã thốt lên khi thấy luật sư cãi toà. Họ bảo:

- Thằng luật sư này "đứt dây" hay sao mà cãi toà.

"Đứt dây" tiếng lóng có nghĩa là điên.

Nhưng những phiên toà bây giờ càng ngày sẽ lắm những thằng điên như thế. Họ ở bên ngoài, bên trong toà, ở khắp nơi cùng phản đối phiên toà và bênh vực những người bị cáo buộc oan khuất bởi tà quyền.

Đất nước này không may khi có những phiên toà chà đạp lên luân lý. Nhưng cũng còn may là có những thằng điên đứng ra để vạch mặt, để phản đối những phiên toà như thế.

Chúng tôi điên, bởi chúng tôi không chấp nhận sự bất công mà nhà cầm quyền vạch ra buộc chúng tôi phải nghe. Và những kẻ điên như chúng tôi sẽ ngày một nhiều thêm sau những phiên toà khốn nạn thế này.

Đó là quy luật cuộc đời.