main billboard

“Nếu nằm ngoài tầm kiểm soát, những kẻ khủng bố có thể gây ra mối đe dọa ngày càng tăng ở bên ngoài khu vực, bao gồm cả ở Mỹ,”


obama on isis
Tổng Thống Barack Obam phát biểu với dân chúng Mỹ về nhà nước Hồi Giáo.

Tối Thứ Tư ngày 10 tháng 9, Tổng Thống Barack Obam có bài phát biểu với dân chúng Mỹ về chiến lược chống lại các chiến binh của nhà nước Hồi Giáo.

Barack Obama nói rằng chiến binh thánh chiến đe dọa công dân Hoa Kỳ chứ không chỉ riêng những người sống ở Trung Ðông.

“Nếu nằm ngoài tầm kiểm soát, những kẻ khủng bố có thể gây ra mối đe dọa ngày càng tăng ở bên ngoài khu vực, bao gồm cả ở Mỹ,” Barack Obama cảnh báo.

Ông nói, “Chưa phát hiện ra một âm mưu cụ thể chống lại đất nước của chúng ta,” nhưng những nhà lãnh đạo thánh chiến đã đe dọa Mỹ nhiều lần. Hàng ngàn (một số nói thậm chí là 12 ngàn) chiến binh nước ngoài đã tới Iraq và Syria, và bất cứ lúc nào họ có thể quay trở lại các nước phương Tây để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.

Mối đe dọa tiềm ẩn đối với Mỹ là động lực chính phác thảo hành động của Barack Obama. Ngay cả khi nói về hơn 150 cuộc tấn công bằng máy bay thực hiện từ ngày 8 tháng 8 đánh vào các vị trí của chiến binh thánh chiến ở Iraq, Tổng Thống Obama nói là để bảo vệ người Mỹ ngay tại chỗ. Chỉ bằng cách này - Obama sử dụng từ “còn” - gọi là “giúp bảo vệ cuộc sống của hàng ngàn người vô tội, phụ nữ và trẻ em.”

Chiến lược của Barack Obam bao gồm bốn điểm: không kích, không can thiệp bằng bộ binh, ngăn chặn các tay súng nước ngoài và viện trợ nhân đạo.

Ðiểm đầu tiên của “chiến lược” liên quan đến “chiến dịch có hệ thống các cuộc không kích chống lại những kẻ khủng bố.” Người Mỹ không chỉ tấn công khi các chiến binh thánh chiến đe dọa thường dân hoặc người Mỹ, mà còn ngăn chặn trước, tấn công các mục tiêu của chiến binh thánh chiến ngay sau lưng chúng. Với một cảnh báo quan trọng - các cuộc tấn công của Mỹ phải song hành với các cuộc tấn công trên mặt đất của quân đội Iraq. Barack Obama cũng nêu một yếu tố quan trọng là “sẽ không ngần ngại hành động chống lại ISIL trên lãnh thổ Syria.”

Cuộc chiến chống lại các chiến binh thánh chiến không thể giành chiến thắng nếu người Mỹ không tham gia các hoạt động trên đất liền, điểm thứ hai của “chiến lược.” Obama hứa hẹn người Mỹ sẽ không tham gia vào cuộc chiến trên mặt đất. Tuy vậy, “no boots on the ground” (không đánh trên mặt đất) không có nghĩa là, không có quân đội Mỹ ở Iraq. Ðến nay đã triển khai khoảng 1200 cố vấn và binh sĩ bảo vệ Ðại Sứ Quán Mỹ ở Baghdad, bây giờ sẽ có thêm 475 binh sĩ nữa. Về mặt chính thức, họ sẽ huấn luyện, trang bị cho quân đội Iraq và người Kurd, cũng như hoạt động tình báo.

Bước thứ ba của “chiến lược” Tổng Thống Obama cho biết về các biện pháp mềm được thiết kế để giúp phá hủy nhà nước Hồi Giáo như cắt bỏ các quỹ tài trợ “với sự hợp tác với các đối tác” (dòng tiền từ Vịnh Ba Tư), ngăn chặn dòng chảy của tình nguyện viên nước ngoài trong hàng ngũ của ISIS và chống lại hệ tư tưởng Hồi Giáo cực đoan, mà ISIS tuyên truyền hấp dẫn hơn nhiều so với Al-Qaeda. Barack Obama muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến tâm trí đối với người Hồi Giáo, không chỉ ở Trung Ðông.

Thứ tư, tiếp tục viện trợ nhân đạo đối với người Iraq có kinh nghiệm trong cuộc chiến, cả người Sunni, Shiite và Thiên Chúa Giáo, không có ngoại lệ.

Như chúng ta thấy, giải pháp cho cuộc xung đột ở Iraq nên không thể không có giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria.

Làm sao có thể giải quyết được cuộc xung đột ở Syria chỉ bằng các cuộc không kích? Tổng thống công bố tăng “viện trợ quân sự” (military assistance ) cho phe đối lập Syria, tức là những chiến binh chiến đấu chống lại Assad, “một chế độ không bao giờ khôi phục lại tính hợp pháp đã bị mất.” Ðào tạo và trang thiết bị gì? Obama đã không giải thích vì sao Mỹ chính thức giữ khoảng cách cho đến nay trong việc cung cấp vũ khí cho phe “đối lập ôn hòa.” Chính vì thái độ này mà ISIL/IS ngày mỗi mạnh lên bằng vũ khí từ các nhà tài trợ hào phóng từ Vịnh Ba Tư, trong khi lực lượng quân đội Syria tự do khá nghèo nàn.

Một năm trước, phác thảo “lằn ranh đỏ” nổi tiếng của mình, Obama đã không loại trừ một cuộc lật đổ Assad bằng vũ trang (cuối cùng ông hài lòng với sự tiêu hủy vũ khí hóa học của Assad, nhưng điều này cũng không làm ngưng số lượng ngày càng tăng nạn nhân chiến tranh, bây giờ khoảng 200 ngàn). Hôm nay ông nói rằng Washington sẽ “tìm một giải pháp chính trị cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria một lần cho tất cả.” “Giải pháp chính trị” như thế nào? Không thấy ông nói tới.

Cơ sở của nhà nước Hồi Giáo nằm ở Syria, nơi mà từ năm 2011, từ cuộc nội chiến đẫm máu đã dẫn đến sự ra đời của ISIL/IS. Việc loại bỏ các phần tử thánh chiến do đó không thể nếu không phá hủy chúng ngay trong vườn ươm tại Syria. Nếu mở các cuộc tấn công Syria thì sẽ vi phạm chủ quyền của Syria (các cuộc tấn công vào Iraq được Baghdad yêu cầu, còn chế độ Syria được Moscow hỗ trợ thông báo rằng họ sẽ xem các cuộc tấn công như là sự xâm lược). Mặt khác, có một nghịch lý là tấn công ISIL /IS tại Syria vô hình trung sẽ làm mạnh lên tiềm lực của Bashar al-Assad.

Tấn công vào Syria cũng là một thách thức quân sự. Mỹ sẽ bắt đầu từ đâu? Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay chưa muốn nằm trong liên minh liệu có cho phép máy bay Mỹ cất cánh từ lãnh thổ của mình? Người Mỹ sẽ chỉ sử dụng máy bay không người lái? Làm thế nào để đối phó với hệ thống phòng thủ cao của Syria? Làm thế nào có thể tấn công mục tiêu mà không cần sự hỗ trợ và hướng dẫn từ mặt đất?

Barack Obama tuyên bố “sẽ không ngần ngại” (will not hesitate), trong ngoại giao thường được sử dụng để nhấn mạnh tình huống cuối cùng. Có nghĩa rằng ông Obama “sẽ không ngần ngại” ra lệnh tấn công vào các mục tiêu ở Syria chỉ khi quân đội và các chính trị gia coi nó là giải pháp cuối cùng không có lựa chọn thay thế.
Nhưng ngay cả trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa nhắm vào Mỹ, nước Mỹ cũng không sẵn sàng chiến đấu một mình. Obama đã công bố thiết lập một liên minh “rộng” và cố gắng xây dựng trong khu vực nhóm các quốc gia Hồi Giáo hỗ trợ hoạt động của Mỹ.

Vào ngày 5 tháng 9 tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Newport (Lithuania) Ngoại Trưởng John Kerry kêu gọi 9 quốc gia khác liên minh với Hoa Kỳ chống lại ISIS gồm Anh, Pháp, Ðức, Ý, Ba Lan, Ðan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Úc.

Trong chiến lược chống lại ISIS công bố hôm 10 tháng 9, Tổng Thống Barack Obama cũng nhấn mạnh:
“Ðây là sự lãnh đạo của Mỹ trong một cách thức tốt nhất: chúng ta đang đứng bên cạnh những người đang đấu tranh cho tự do, và tập hợp các quốc gia khác vì an ninh chung của chúng ta và nhân loại.”

Thế nhưng, thực tế hiện nay Anh quốc dù không loại trừ việc tham gia vào các hoạt động quân sự chống lại nhà nước Hồi Giáo, nhưng không muốn tham gia vào cuộc tấn công. Trong khi Ðức, Thổ Nhĩ kỳ từ chối các hoạt động quân sự và chỉ tập trung vào các hoạt động nhân đạo.

Ðể “reset” lại quan hệ với Nga, Obama sau khi nhậm chức đã thông báo hủy bỏ kế hoạch xây dựng lá chắn chống hỏa tiễn tại Ba lan vào đúng ngày kỷ niệm 70 năm Ðức tấn công Ba lan mở màn Thế Chiến Lần Thứ II, mà báo chí Ba Lan mô tả như “cú dao đâm sau lưng,” đã thận trọng rất nhiều trong cuộc chơi với Mỹ. Bộ Trưởng Quốc Phòng Siemoniak nói Ba Lan không có kế hoạch nào cho hoạt động quân sự trong liên minh với Mỹ và chỉ ủng hộ về mặt chính trị và nhân đạo.

Ðang ở Trung Ðông Ngoại Trưởng John Kerry nỗ lực vận động các quốc gia Ả Rập đứng vào liên minh với Mỹ chống lại ISIS, nhưng nội tình các nước này phức tạp và khó tin. Sunni và Shiite là hai hệ phái lớn của Hồi Giáo. Hiện phái Sunni chiếm 90% số người theo Hồi Giáo. Tại Trung Ðông phái Shiite tập trung ở Iran (92%), Iraq (60%) và đang nắm quyền. Ở Syria, Sunni chiếm đến 74% nhưng Tổng Thống Bashar al-Assad theo giáo phái thiểu số Alawites. Trong khi đó, đa số các nhân vật quyền thế của Saudi Arabia, Kuwait và Qatar đã yểm trợ cho ISIS với tin tưởng rằng ISIS có thể thanh toán hệ phái Shiite và Alawites.

Khác với Al-Queda hoạt động ngầm, ISIS hoạt động công khai. Nhà nước Hồi Giáo là một tổ chức giàu có với tiềm năng quân sự mạnh hơn quân đội Iraq và Syria. Không thể xem họ chỉ như là một nhóm khủng bố, mà đây là một phong trào chính trị, thực sự là một loại phong trào của dân chúng. Mặc dù hoạt động của ISIS rất tàn bạo, nhưng họ được sự ủng hộ trong khu vực và các chiến binh tình nguyện nước ngoài.

Barack Obama tuyên bố, “Chúng ta sẽ làm suy yếu, và cuối cùng là tiêu diệt ISIL thông qua một chiến lược chống khủng bố toàn diện và bền vững.”

Chủ trương của Obama được tới 71% người Mỹ ủng hộ, theo cuộc khảo sát của “Washington Post” và ABC, nhưng để thực hiện “chiến lược chống khủng bố toàn diện và bền vững” quả thật khó khăn, khi mà sự sợ hãi nước Mỹ bị kéo vào một cuộc xung đột dai dẳng đã làm tê liệt Chính Quyền Obama.

Vì thế, ít nhất, đến hết nhiệm kỳ của Obama, nước Mỹ sẽ mệt mỏi trong một cuộc chiến kéo dài, tốn kém mà không nhìn thấy thắng lợi cuối cùng.