Chuyện bao giờ các ông bà chính trị gia Hoa Kỳ loan báo tin sẽ dự cuộc đua chính trị 2016 là điều đang được nói đến không chỉ ở thủ đô Washington D.C. mà ở khắp mọi nơi.


“Chắc chắn sẽ đông,” nhà báo Reihan Salam của tờ National Review đưa ra nhận xét cá nhân khi được hỏi có bao nhiêu ứng cử viên Cộng Hoa lẫn Dân Chủ sẽ loan báo quyết định dự cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc 2016. “Bên Dân Chủ sẽ có dăm ba người, bên Cộng Hòa có thể lên đến cả chục người,” ông nhà báo đầy kinh nghiệm săn tin chính trị nói tiếp, “chuyện còn lại là không rõ đến khi nào họ mới loan tin sẽ tranh cử.”

jeb bush 2Cựu Thống Ðốc Jeb Bush. (Hình: Andy Jacobsohn/Getty Images)

Chuyện bao giờ các ông bà chính trị gia Hoa Kỳ loan báo tin sẽ dự cuộc đua chính trị 2016 là điều đang được nói đến không chỉ ở thủ đô Washington D.C. mà ở khắp mọi nơi. Cuộc bầu cử giữa kỳ đã kết thúc, phần thắng bại nghiêng về phía nào cũng đã rõ rệt, bây giờ là lúc cử tri Mỹ bắt đầu nghĩ đến việc sẽ chọn ai kế nhiệm vị tổng thống đương nhiệm Barack Obama. Chiến thắng của đảng Cộng Hòa sau cuộc bầu cử giữa kỳ 2014, phần nào, khiến cử tri khắp nơi muốn biết sẽ có bao nhiêu chính trị gia của đảng này ghi tên dự cuộc đua, trong lúc bên đảng Dân Chủ mọi chú ý vẫn được dành cho bà Hillary Clinton.

Dân chúng nao nức muốn biết, các chính trị gia Cộng Hòa vẫn giữ thái độ... lưng chừng, chưa vội loan báo quyết định có tranh cử hay không. Ông Thống Ðốc Bobby Jindal của tiểu bang Louisiana cho hay “sẽ dành nhiều thì giờ cầu nguyện trong dịp lễ sắp tới,” xin Thượng Ðế soi sáng xem nên làm gì” và sau đó sẽ cho mọi người biết; Thượng Nghị Sĩ Rand Paul của tiểu bang Kentucky không phủ nhận chuyện muốn tranh cử “nhưng phải đến mùa Xuân tôi mới có quyết định cuối cùng,” bắt mọi người phải chờ đến khoảng Tháng Ba; ông Thống Ðốc Rick Perry của tiểu bang Texas còn kéo dài thời gian hơn “chắc phải đến Tháng Năm hay Tháng Sáu sang năm” ông mới báo tin có muốn trở thành người lãnh đạo quốc gia hay không, trong khi ông Ted Cruz (cũng của Texas) khéo léo nói “từ Tháng Giêng đến Tháng Sáu 2015 chúng ta sẽ biết có bao nhiêu ứng cử viên tranh chức tổng thống,” hoặc ông Thống Ðốc Chris Christie của tiểu bang New Jersey còn bảo “chẳng có gì vội vã cả.” Mỗi mình ông Cựu Thống Ðốc Jeb Bush của Floria nói với giọng nước đôi: hy vọng sẽ có quyết định “nội trong năm nay.”

“Loan báo tin sẽ tranh cử càng sớm càng có lợi” là lời khuyên của ông Stuart Stevens, một trong những chiến lược gia hàng đầu của đảng Cộng Hòa, từng hoạch định kế hoạch tranh cử cho ông Mitt Romney cách đây 4 năm. Ông Stevens kể lại kinh nghiệm hồi 2012 khi cựu Thượng Nghị Sĩ Rick Santorum (Cộng Hòa-Pennsylvania) là người đầu tiên nhảy vào vòng chiến, “lầm lũi đi khắp mọi ngả đường ở Iowa để tự giới thiệu ông ta với cử tri” dần dần trở thành một tên tuổi sáng giá nhất nhì trong cuộc đua,” tới độ được giới truyền thông xem là “hiện tượng chính trị của cuộc tranh cử 2012.” Kinh nghiệm đó cho thấy “nếu không phải là người cả nước biết tên, nếu không có sẵn một lực lượng ủng hộ hùng hậu, cách hay nhất vẫn là loan báo thật sớm, để có nhiều thì giờ vận động kiếm phiếu và kiếm tiền tranh cử hơn những người đi sau,” nhấn mạnh ở điểm “càng tuyên bố trễ bao nhiêu lại càng gặp nhiều trở ngại bấy nhiêu.”

Ngay chính ông Thống Ðốc Rick Perry của tiểu bang Texas cũng tán thành ý kiến đó qua kinh nghiệm 4 năm trước đây “thua anh thua em” chỉ vì quyết định dự cuộc đua quá trễ (mãi đến tháng Tám 2011 ông Perry mới nhảy vào vòng chiến). Ông Perry chia tiến trình tranh cử ra thành nhiều giai đoạn, từ “phải chuẩn bị để yêu cầu cử tri cùng đảng chọn mình làm ứng cử viên, sau đó là phải sẵn sàng để cử tri toàn quốc tin tưởng mình chính là người họ cần để lãnh đạo đất nước.” Những giai đoạn đó “liên tục kéo dài từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này sang tháng khác,” vì thế, “vào sân tham gia trễ sẽ gặp bất lợi.” Ðiều đó có nghĩa là dù nói đến Tháng Năm, Tháng Sáu, mới quyết định có tranh cử hay không, nhưng ông Perry sẽ loan báo tin sớm hơn nếu thấy các đối thủ ồ ạt nhảy vào cuộc đua.

Theo ông Hogan Gidley, một thành viên nòng cốt của ban tham mưu Santorum 2012, “đến Tháng Ba năm sau chúng ta đã biết tất cả những ai sẽ ra tranh cử” vì “đó là thời điểm hợp lý nhất để tất cả các ứng cử viên có đủ thì giờ vận động.” Ông Gidley cũng dặn dò những người muốn chiếm chỗ của ông Obama: phải thận trọng, đừng loan báo quá trễ và cũng đừng vội vã thông báo quyết định quá sớm. Ông ví von các ứng cử viên tranh chức tổng thống vừa là chính trị gia tài ba vừa là những tay thợ săn đại tài, “con mồi nào xuất hiện trước tiên sẽ là con mồi bị họ xúm vào bắn hạ đầu tiên.”

Tình hình bên đảng Dân Chủ khác hơn: hầu như các chính trị gia của đảng này đang ở trong thế chờ đợi xem liệu bà Clinton có ra tranh cử hay không. Theo ông Mike Driscoll, từng giữ vai trò cố vấn chính trị cho Phó Tổng Thống Al Gore, “bên Cộng Hòa chưa biết ai sẽ thành công, bên đảng Dân Chủ thì ngược lại, người thành công là người phải đánh bại bà Clinton.”

Tất cả các quan sát viên bầu cử đều nói bà Clitnon có nhiều lợi thế hơn tất cả các chính trị gia Dân Chủ lẫn Cộng Hòa khác vì có sẵn tên tuổi, có cả một hệ thống vận động tranh cử đặt ở các tiểu bang, có hẳn một hệ thống quyên tiền với sự góp mặt của những người thuộc diện giầu tiền lắm bạc. Vì thế, theo chuyên gia Darrell West đang làm việc với Viện Nghiên Cứu Brookings Institution, bà cựu ngoại trưởng Mỹ “không vội vã phải lên tiếng nói sẽ ra tranh cử tổng thống” cho dù ông tin “trễ nhất vào tháng tới bà sẽ thành lập ủy ban thăm dò (exploratory committee) và trễ nhất vào Tháng Ba sang năm bà sẽ báo tin sẽ tranh cử.” Trong khoảng thời gian đó, một quan sát viên bầu cử độc lập là bà Diane Stewart tin rằng “có thể Phó Tổng Thống Joseph Biden sẽ tuyên bố tranh cử tổng thống,” nhưng “dư luận cử tri cho thấy ông Biden không thật sự là ứng cử viên đáng ngại cho bà Clinton.”

Tóm lại, chẳng biết ai là người đầu tiên hay ai là người cuối cùng loan báo sẽ tranh cử tổng thống 2016, nhưng mốt số khá đông chính trị gia Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đã nhiều lần xuất hiện ở hai tiểu bang Iowa và New Hampshire, hai tiểu bang tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên cho cuộc đua chính trị 2016.