main billboard

Họ là những người như các blogger ở Việt Nam đang thản nhiên chờ ngày đi tù vì biết rằng những điều họ viết lên, nói ra là những cái gai đối với chính quyền và sớm muộn gì thì họ cũng bị chính quyền tấn công.


je ne suis pas charlieHàng chữ đó đã làm tôi giật mình trong khi đang lướt đọc qua các bài viết trên các tờ báo. Ngạc nhiên hơn nữa vì nó là từ một cây bút của tờ Financial Times, tờ báo chuyên về tài chánh nhưng lại khuynh tả và cấp tiến. Nhưng ký mục gia Robert Shrimsley nói đúng khi ông viết, “Tôi không phải là Charlie. Tôi không có đủ can đảm.”

Trên toàn thế giới và nhất là trên các địa chỉ liên lạc xã hội, người ta đang bày tỏ sự đoàn kết với những nhà báo đã bị thảm sát ở Pháp bằng những tuyên bố rõ ràng trên mực đen giấy trắng là “Je suis Charlie” để chứng tỏ là họ chia sẻ giá trị của những nhà báo hí họa đã bị giết hại. Cũng như Shrimsley, cả về tình cảm lẫn đạo đức, tôi hoàn toàn đồng ý với sự bộc lộ công khai và tập hợp đó. Nhưng trên thực tế, tôi cũng đồng ý với ông là những người tuyên bố như vậy không phải là Charlie bởi vì họ cũng như tôi và như ông, không có được cái can đảm của các nhà báo của tuần báo Charlie Hebdo.

Những người cầm đầu tờ tuần báo này can đảm hơn hầu hết những nhà báo khác, và chắc chắn họ can đảm hơn hầu hết chúng ta. Họ là những kẻ can đảm một cách điên cuồng, không thể hiểu nổi và hết sức liều lĩnh. Họ là những người mà sự can đảm thực sự sẽ làm thay đổi thế giới. Kịch tác gia và văn hào Anh George Bernard Shaw đã có lần nói “những người bình thường thích ứng mình với thế giới trong khi những người vô lý cương quyết tìm cách thích ứng thế giới với chính bản thân mình,” thành ra “mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào những người vô lý.” Những người đã tạo ra Charlie Hebdo là những người vô lý. Họ đòi tham gia một cuộc chiến mà chúng ta để dành cho cảnh sát và các lực lượng an ninh.

Họ là những người như các blogger ở Việt Nam đang thản nhiên chờ ngày đi tù vì biết rằng những điều họ viết lên, nói ra là những cái gai đối với chính quyền và sớm muộn gì thì họ cũng bị chính quyền tấn công.

Thật là dễ dàng tuyên bố đoàn kết với họ sau khi họ đã bị sát hại hay vào tù. Dĩ nhiên tôi thấy ấm lòng khi có nhiều người đã phản ứng như vậy. Thật cảm động khi không ai thúc đẩy, không ai kêu gọi mà đám đông đã tụ tập ở quảng trường Cộng Hòa ở Paris, ở Trafalgar Square của Luân Đôn, hay ở trước tòa đại sứ Pháp ở Washington, DC. Hình ảnh những người giơ cao cây bút làm sao không tạo sự sung sướng trong lòng những kẻ cầm bút cơ chứ. Cây bút đã trở thành vũ khí mạnh bạo hơn nòng súng, viên đạn. Tôi cũng đã muốn cùng tất cả mọi người giơ tay lên và tuyên bố “Je suis Charlie.” Có điều tôi có cảm tưởng là tôi chưa có được cái quyền để tự xưng như vậy.

Tôi không biết những nhà báo khác có làm vậy không nhưng tôi biết chắc là tôi đã nhiều lần tự kiểm duyệt. Tôi đã không dám nói hay viết lên những điều mà tôi biết là sẽ gây nguy hiểm cho không những bản thân tôi mà còn cho tờ báo, đài phát thanh hay đài truyền hình mà tôi đang cộng tác. Có thể là sau những gì đã xảy ra tuần này, không ai sẽ nghĩ việc đó là không đáng làm. Một công ty, như một tờ báo, một đài truyền hình hay một đài phát thanh, có bổn phận phải chăm nom cho sự an toàn của nhân viên và bản thân các nhà báo có nhiệm vụ tự lo cho bản thân mình và cho gia đình mình.

Hơn thế, còn có một ước muốn là không nên tạo nên những sự xúc phạm không cần thiết. Nhưng thật ra tôi sẽ thiếu thành thật nếu tôi nói là tôi sẽ sẵn sàng đùa giỡn với Đấng Tiên tri Mohammed cũng như với Đức Phật hay Chúa Jesu. Tôi có thể lên án báo chí, truyền thông sợ hãi không dám phổ biến những tranh hí họa về Thánh Mohammed nhưng liệu tôi có sẵn sàng để một tranh hí họa đó trên một bài mình viết không? Thành ra tuy chúng ta hùng hồn tuyên bố là rồi tự do sẽ chiến thắng, rằng không ai có thể làm im tiếng những nhà báo hài hước hay những nhà hí họa, trong khi trên thực tế thì nó đang bị im tiếng.

Là Charlie, tôi phải sẵn sàng bất chấp những đe dọa thực sự đến tính mạng của mình, sẵn sàng chấp nhận bị ném xăng phóng hỏa tòa soạn. Là Charlie, tôi phải tiếp tục, như những nhà báo đã bị thảm sát, bất chấp nguy hiểm rõ ràng đến tính mạng của mình, sẵn sàng chấp nhận làm việc với sự bảo vệ của cảnh sát. Stephane Charbonnier, chủ bút của Charlie Hebdo, biết là mạng sống của mình luôn bị đe dọa. Chả thế mà cảnh sát đã phải thường xuyên gửi một nhân viên đến bảo vệ ông. Nhân viên cảnh sát đó cũng đã chết cùng với ông. Những người như ông Charbonnier đã cương quyết tiếp tục xuất bản những tranh hí họa, những câu khôi hài mà họ biết là sẽ kích thích những người quá khích không cần bao nhiêu kích thích cũng có thể sẵn sàng giết người. Họ đã coi cuộc sống của mình và sự lo sợ cho gia đình họ không quan trọng bằng nguyên tắc tự do tuyệt đối. Họ là những kẻ cương quyết chiến đấu chống lại những kẻ quá khích qua việc tiếp tục xuất bản khi lý trí bảo họ là hãy ngừng lại. Những người trong tòa soạn của tuần báo Charlie Hebdo không phải chỉ là những nhà báo hài hước, họ là những chiến sĩ chiến đấu cho tự do, sẵn sàng đối diện với một kẻ thù mà họ biết là sẵn sàng giết.

Mỗi năm vài chục nhà báo hy sinh tính mạng, vài trăm nhà báo bị thương vì muốn tường thuật từ những nơi nguy hiểm nhất thế giới, bật mí sự tàn bạo, tội ác chiến tranh và bất công. Riêng năm ngoái, theo phóng viên Không Biên Giới, 66 nhà báo thiệt mạng, một phần ba ở Syria và Ukraine. Những nhà báo đó có thể tự nhận là có đủ can đảm để nói “Tôi là Charlie,” tuy rằng ngay chính họ cũng không thách thức số mạng mình như vậy, và đa số đều cố gắng để giảm thiểu nguy cơ cho bản thân mình.

Nhưng không phải những nhà báo can đảm đó chỉ hy sinh tính mạng. Có rất nhiều những nhà báo độc lập ở nhiều nơi trên thế giới và ở Việt Nam đang sẵn sàng hy sinh chính tự do. Khi Blogger Bọ Lập bị bắt, nhiều blogger trong nước đã tuyên bố sẵn sàng cùng đi tù với ông. Theo Facebook Lô Đề VN, hai blogger Nguyễn Xuân Diện và Nguyễn Tường Thụy “đang tranh nhau xem ai được bắt trước, ai được bắt sau. Cả hai đều muốn được bắt về điều 79 hay điều 88.” Facebooker Hoàng Dũng còn hăng say hơn: “Ước gì mình được như bọ Lập. Có bác nào biết những tài liệu tàng trữ của Bọ Lập là những tài liệu gì để rồi mà bị bắt không? Chỉ cho tôi để tôi tự nguyện giao nộp với.”

Bản thân tôi, cũng như ông ban Robert Shrimsley, hiểu rằng mình không có cái can đảm của những người như vậy. Ngồi yên ổn ở nhà, hay ở văn phòng, đại đa số chúng ta không nghĩ đến việc đi tìm nguy hiểm như những nhà báo của Charlie Hebdo. Chúng ta cũng không có được cái can đảm của những blogger ở trong nước, dám coi tù đày như chuyện đùa nghịch. Nhưng cũng như ông Shrimsley, tôi thật hết sức vui mừng và hãnh diện là có những người đồng nghiệp có cái can đảm để có thể xứng đáng tự hào nói “Je suis Charlie.”