Lần đầu tiên số người ủng hộ bà cựu ngoại trưởng Mỹ “xuống dưới 50%,” khác biệt với giai đoạn huy hoàng khi con số người nói sẽ dồn phiếu cho bà ở mức 60% trở lên.


Người Mỹ thích những cuộc thăm dò và những con số. Kết quả cuộc thăm dò đầu tiên mới được công bố trưa Thứ Hai (mùng 9 Tháng Ba 2015) cho thấy vụ xì căng đan email “không mấy thuận lợi” cho bà Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định có nên ra tranh cử tổng thống 2016 hay không.

hillary clinton 3Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton. (Hình: AP/Photo)


Khi công bố kết quả cuộc thăm dò, tổ chức McClatchy-Marist viết rằng “trở ngại đang xảy ra tạo bất lợi về mặt chính trị cho bà Clinton,” giúp những chính trị gia khác cơ hội lấy được sự ủng hộ của cử tri. Bản thông cáo báo chí của McClatchy-Marist nói rõ: Lần đầu tiên số người ủng hộ bà cựu ngoại trưởng Mỹ “xuống dưới 50%,” khác biệt với giai đoạn huy hoàng khi con số người nói sẽ dồn phiếu cho bà ở mức 60% trở lên.

Phải nói ngay là trong cuộc thăm dò vừa được công bố, bà Clinton vẫn chưa thua, nhưng số phiếu bà có được giảm sút quá nhanh so với thời gian chỉ vài tuần trước đây. Giả sử cuộc bầu cử được tổ chức ngay trong tuần này, bà Clinton vẫn đắc cử với 48% tổng số phiếu, ông Thống Đốc Scott Walker của tiểu bang Wisconsin được 44%, ông Jeb Bush từng có thời điều hành Florida và Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio mỗi người được 42%. Trong trường hợp đại diện cho Đảng Cộng Hòa là các ông Rand Paul, Rick Perry hay ông Ted Cruz, số phiếu cử tri nói ủng hộ bà cũng chỉ hơn số phiếu họ dành cho các ông này chừng 10%, mực cách biệt không còn là vài chục điểm như trước.

Những con số không mấy thuận lợi đó, theo nhận xét của ông Lee Miringoff, người điều hành cuộc thăm dò, “chứng tỏ cử tri đang có những thắc mắc về người họ từng ủng hộ,” và điều này “giúp những chính trị gia Cộng Hòa cơ hội thu ngắn cách biệt.” Nhìn chung, ông Lee Miringoff cho rằng “không thể chối cãi là phía Clinton có vấn đề,” cần phải làm một điều gì đó để lấy lại niềm tin của người ủng hộ.

“Phải làm điều gì đó” cũng là điều được bà Thượng Nghị Sĩ Dianne Feinstein nói đến trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình “Meet the Press” của đài NBC, đi kèm theo đề nghị “phải lên tiếng trình bày câu chuyện cho mọi người biết” vì “càng im lặng, càng gây bất lợi cho bà ta (Clinton).” Bà Thượng Nghị Sĩ nhiều uy quyền của Đảng Dân Chủ nói rõ hơn: bà Clinton là một khuôn mặt nổi bật trong chính trường, là ứng cử viên hàng đầu của cuộc đua tranh chức tổng thống, và cứ tri Cộng Hòa cũng như Dân Chủ đều muốn biết mọi chuyện liên quan đến người có thể sẽ lãnh đạo họ trong những năm sắp tới.

Chuyện bà Clinton sử dụng email cá nhân trong suốt 4 năm làm ngoại trưởng và thái độ im tiếng cũng đang tạo căng thẳng giữa ban tham mưu của bà và các viên chức thân cận với Tổng Thống Barack Obama. Trong bản tin ngắn phổ biến trên mạng hồi chiều Thứ Hai, nhật báo The Wall Street Journal cho hay “các vị phụ tá của tổng thống bực bội vì họ phải lên tiếng biện hộ cho những điều bà Clinton làm.” Các phụ tá của Tổng Thống Obama bực bội đến mức một cố vấn của tổng thống lên tiếng bảo “chuyện này là chuyện của bà ta, bà ta phải giải quyết chứ đâu phải là chuyện của chúng tôi.”

Bực thì có bực nhưng trưa thứ Hai trong cuộc họp báo thường lệ, phát ngôn viên Josh Earnest của Tòa Bạch Ốc vẫn điềm tĩnh cho biết “đương nhiên tổng thống có trao đổi email với bà Clinton (trong thời gian bà còn làm việc trong chính phủ),” nhưng đồng thời nhắc lại tổng thống chỉ biết chuyện bà sử dụng email cá nhân, không sử dụng email của Bộ Ngoại Giao khi chuyện được báo chí khui ra.

Đến giờ bà Clinton mới chỉ gửi một lời nhắn qua mạng xã hội là đã yêu cầu Bộ Ngoại Giao công bố tất cả những email của bà cho dân chúng đọc. Theo một viên chức của Bộ Ngoại Giao, “Điều đáng chú ý ở điểm này là ngay chính bộ cũng không có tất cả những email mà bà ngoại trưởng đã gửi hoặc nhận trong lúc bà còn làm việc, đến giờ chỉ có những email mà các nhân viên trong ban tham mưu của bà gạn lọc gửi cho bộ” chứ không giao toàn bộ nhử chứ không giao toàn bộ những email bà đã gửi hay nhận từ ngày lãnh trách nhiệm điều hành ngành ngoại giao của nước Mỹ.

Tin hành lang Quốc Hội cho biết Thứ Tư tới đây các vị dân cử Cộng Hòa sẽ gặp nhau để cùng soạn thảo một kế hoạch hành động, trong đó có thể bao gồm cả việc đòi bà Clinton phải ra điều trần về chuyện này.

Ngay trước mắt, theo lời Dân Biểu Trey Gowdy, chủ tịch Ủy Ban Điều Tra về vụ khủng bố tấn công tòa lãnh sự Mỹ ở Benghazi, Libya, “Chúng tôi sẽ gửi trát đòi bà ta phải cung cấp tất cả những email có liên quan đến vụ này,” ám chỉ các vị dân cử Cộng Hòa vẫn nghĩ rằng khi còn làm ngoại trưởng, bà Clinton đã giấu giếm một điều quan trọng nào đó, hay ít nhất, không thành thật nhận trách nhiệm đã để cho khủng bố ra tay giết chết ông đại sứ Hoa Kỳ và 3 nhà ngoại giao hồi 2012.