main billboard

“Chúng tôi gọi đây là 'bộ tam' của Tea Party, sự xuất hiện của các ông này chứng tỏ sự trưởng thành về mặt chính trị và tầm quan trọng của lực lượng trong chính trường, xác nhận từ ngày đầu hồi 2010 đến giờ chúng tôi đã đi một bước rất xa, xa hơn những gì mà cử tri Hoa Kỳ từng nghĩ về chúng tôi.”



Ba tuần trước đây ông Ted Cruz là chính trị gia đầu tiên loan báo dự cuộc đua tranh ghế tổng thống 2016. Chừng chục ngày sau đó ông Rand Paul là người thứ nhì, Thứ Hai đầu tuần này đến lượt ông Marco Rubio. Cả 3 đều là người của đảng Cộng Hòa, đều mới xuất hiện ở chính trường cấp quốc gia được vài năm, đều là những thượng nghị sĩ trẻ tuổi đang phục vụ nhiệm kỳ đầu tiên, và cả 3 ông đều được biết đến vì là người của nhóm cử tri bảo thủ Tea Party.


marco rubioThượng Nghị Sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), một ứng cử viên tổng thống và là một “Tea Partier.” (Hình: T.J. Kirkpatrick/Getty Images)

Sự kiện 3 người cùng một nhóm quyết định ra tranh cử “chắc chắn phải tạo sự chú ý của cử tri,” qua điện thoai ông phát ngôn viên Taylor Budowich của tổ chức Tea Party Express vừa cười thật to vừa nói với giọng đầy hãnh diện. “Chúng tôi gọi đây là 'bộ tam' của Tea Party, sự xuất hiện của các ông này chứng tỏ sự trưởng thành về mặt chính trị và tầm quan trọng của lực lượng trong chính trường, xác nhận từ ngày đầu hồi 2010 đến giờ chúng tôi đã đi một bước rất xa, xa hơn những gì mà cử tri Hoa Kỳ từng nghĩ về chúng tôi.”

Sau những khó khăn xảy ra ở cuộc bầu cử giữa kỳ 2014 - hầu hết các ứng cử viên Tea Party bị đánh bại ngay vòng sơ bộ, quyết định tranh cử tổng thống của 3 chính trị gia trẻ tuổi trong lực lượng đã giúp “mọi người lấy lại niềm tin,” theo giải thích của bà Jenny Beth Martin, người thành lập vào điều hành tổ chức mang tên Những Nhà Ái Quốc Tea Party (Tea Party Patriots). Bà nhắc lại ba ông Ted Cruz, Rand Paul và Marco Rubio “là những thượng nghị sĩ đầu tiên của chúng tôi, là những chính trị gia tranh cử lần đầu với lập trường Tea Party và đắc cử vẻ vang, bây giờ lại là 3 người đầu tiên ghi danh tranh ghế tổng thống, xóa tan tất cả những nghi ngại, thắc mắc về lập trường và sức mạnh của lực lượng” mà người dân thường có. Cả 3 ông “đều chủ trương bảo thủ, xây dựng một quốc gia vững mạnh, tiến tới tương lai, được sự ủng hộ của người dân, tất cả đều xứng đáng được lá phiếu của cử tri để lãnh đạo quốc gia.”

“Nước Mỹ cần người như 3 ứng cử viên đại diện cho tập thể Tea Party” là nhận xét của ông Mark Meckler, một khuôn mặt tên tuổi hoạt động với Tea Party ngay từ những ngày đầu tiên, đồng thời cũng là thành viên sáng lập tổ chức Người Dân Tự Chủ (Citizens for Self-Governance), không chấp nhận chuyện chính quyền liên bang áp đặt những luật lệ để kiểm soát tự do mà người dân được hưởng. “Tôi nói chuyện với anh em ở nhiều địa phương, hoạt động ở những cấp khác nhau, tất cả đều phấn khởi khi thấy Tea Party có những ứng cử viên thật sáng giá, những người luôn luôn áp dụng đúng câu 'lời nói đi đôi với việc làm' chứ không phải chỉ hứa suông như các chính trị gia mà chúng ta thường gặp.” Không vội vã đi đến kết luận ai sẽ là người được cử tri Cộng Hòa chọn ra tranh cử vào năm tới, nhưng ông Meckler nói với giọng chắc nịch “lập trường, quan điểm của Tea Party sẽ vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này.”

Nhưng cùng một lúc có tới 3 người cùng nhóm ra tranh cử có phải là điều hay không? Câu trả lời nghe được từ một số thành viên hoạt động của Tea Party là không, cho rằng tình trạng chia phiếu sẽ xảy ra, tạo cơ hội cho những chính trị gia quen thuộc của chính trường “chẳng hạn như ông Jeb Bush có thêm cơ hội thành công.” Người nói điều đó là ông Ken Crow, một thành viên nòng cốt của Tea Party tại tiểu bang Iowa, nơi cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên của cuộc đua 2016 sẽ được tổ chức vào đầu năm tới.

“Ðiều tôi đang làm là mở một cuộc vận động toàn quốc, kêu gọi lãnh đạo Tea Party khắp nơi cùng quyết định chọn 1 trong 3 ông để yểm trợ, tránh chuyện các ông đụng độ nhau trong những cuộc tranh luận trên TV.” Ông Ken Crow nghĩ rằng “điều cần phải tránh là đừng để cho chuyện chia phiếu xảy ra, phải tránh chuyện chia năm xẻ bảy chỉ có lợi cho người khác.” Ông còn bảo “chỉ nghĩ đến chuyện lá phiếu cử tri bị chia 3 là tôi không thể nào ngồi yên,” đặc biệt sau khi được biết cả 3 ông Rand Paul, Ted Cruz và ông Marco Rubio đều có chương trình ghé Iowa để vận động tranh cử. “Chiến thắng Iowa là chiến thắng rất cần thiết, có thể giới thiệu cho cử tri toàn quốc biết ai là người sẽ được đảng đề cử,” và nếu cả 3 ông đều giành giật chiến thắng này, tôi e thành công sẽ lọt vào tay người thứ tư.” Vẫn theo nhận xét của ông Ken Crow “một lực lượng chính trị có tới 3 người ra tranh cử tổng thống thì đương nhiên lực lượng đó phải gây được chú ý của cử tri, nhưng câu hỏi cuối cùng vẫn là liệu có phải là điều tốt hay không? Ngay từ ngày đầu mục tiêu chúng tôi vạch ra đã là sẽ có ngày người của chúng tôi vào Tòa Bạch Ốc, cơ hội bây giờ đã đến, đừng làm gì sai để đánh mất cơ hội đó.”

Cuộc thăm dò được Real Clear Politics thực hiện giữa tuần này cho thấy dẫn đầu bên Cộng Hòa vẫn là hai ông Jeb Bush và ông Thống Ðốc Scott Walker của tiểu bang Wisconsin, các ông Rand Paul và Ted Cruz theo sát nút, còn ông Marco Rubio đứng lưng chừng trong danh sách khoảng chục chính trị gia được dự đoán sẽ dự cuộc đua chính trị chính trị 2016. Cuộc thăm dò này cũng cho thấy sáng giá nhất vẫn là bà Hillary Clinton của đảng Dân Chủ, cả 3 ông đại diện cho Tea Party đều thua bà cựu ngoại trưởng Mỹ từ 12% đến 15% số phiếu cử tri toàn quốc.