main billboard

“ông Trump nói giọng của một ông nhà giàu làm chủ hãng, quên đi chính trường và thị trường khác nhau rất nhiều.”


Cuối cùng, ông tỷ phú nổi tiếng nhất nhì nước Mỹ quyết định tranh cử tổng thống.

Sau gần 20 năm “dò dẫm” lẫn “dọa dẫm” sẽ có ngày làm chủ Tòa Bạch Ốc, ông Donald Trump nhảy vào cuộc đua chính trị 2016 với lời thông báo mở đầu bài diễn văn dài đúng 45 phút đồng hồ đọc ở New York - ngay trong tòa nhà đắt giá cao 68 tầng do ông làm chủ - đi kèm với lời hứa hẹn. Thông báo của ông là “thưa quý vị, tôi chính thức ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ,” hứa hẹn của ông là trong vai trò của người lãnh đạo, ông sẽ “đưa nước nước Mỹ trở lại vị thế của một quốc gia vĩ đại, nều không muốn nói nước Mỹ sẽ là quốc gia vĩ đại nhất.” Lời cam kết đó được ông nhắc lại trước khi kết thúc khi cho rằng “giấc mơ Mỹ Quốc giờ đã chết,” và nếu được cử tri tín nhiệm “tôi sẽ dựng lại giấc mơ đó vững mạnh hơn bao giờ hết.”

donald trumpTỷ phú Donald Trump đọc diễn văn trong đại hội CPAC (Conservative Political Action Conference) tại National Harbor, Maryland hôm 27/2/2015 (Photo by Gage Skidmore)

Năm nay 69 tuổi, ông nổi tiếng vì những thành công lẫn thất bại trong thương trường - làm giầu nhờ đầu tư địa ốc nhưng nhiều lần phải khai phá sản khi đầu tư vào kỹ nghệ cờ bạc ở Atlantic City, mở sân golf ở Florida, hoặc lúc bỏ hàng trăm triệu dollars để mở hãng hàng không mang tên ông để chở hành khách trên những đoạn đường ngắn nối liền thủ đô Washington D.C. với những thành phố lớn ở miền Ðông Bắc. Ông còn nổi tiếng vì là người dẫn show truyền hình “The Apperentice” rất ăn khách, trong đó ông đóng vai trò một ông chủ vừa thẳng tính vừa khó tính, đi tìm người cộng tác để phát triển công ty, sẵn sàng sa thải những ai không đem lại kết quả như ông trông đợi. Ðương nhiên không thể quên chuyện ông còn nổi tiếng vì thường xuyên xuất hiện bên cạnh những phụ nữ xinh đẹp, thuộc diện chân dài, người mẫu - họ có thể là vợ và cũng có người chỉ là bạn gái của ông.

Về mặt chính trị, chuyện ông thành công nhất là chuyện công khai nghi ngờ Tổng Thống Barack Obama sinh trưởng ở Châu Phi, tạo dư luận ồn ào cho đến khi ông Obama phải đưa bằng chứng là tờ khai sinh do tiểu bang Hawaii cấp để xác nhận ông sinh trưởng ở Mỹ. Ðầu năm nay khi được mời nói chuyện trước Ðại Hội Bảo Thủ Cộng Hòa, ông Trump hãnh diện khoe thành tích này, nói rằng nhờ công của ông “mà ông Obama phải công khai trả lời thắc mắc của người dân Hoa Kỳ.”

Trong bài diễn văn ông chẳng ngần ngại khoe đang ngồi trên núi của, “tôi rất giầu,” ông bảo với mọi người, và sẽ sử dụng tài sản trên 8 tỷ bạc cho cuộc tranh cử “để không lệ thuộc vào công ty hay những nhà tài trợ” thường hay cho tiền giúp các ứng cử viên. Ông tự tin đến mức tự nhận “là người thành công nhất từ trước đến giờ ra tranh cử tổng thống,” thành công đến mức ông đang làm chủ một cửa tiệm chuyên bán hàng hiệu Gucci “cửa hàng của tôi trị giá cao hơn tài sản của ông Mitt Romney,” nhà triệu phú mới được đảng Cộng Hòa chọn tranh cử tổng thống hồi 2012.

Cũng như những người đầy kinh nghiệm thương trường, ông dùng thành công cá nhân để tạo sự chú ý - hay đúng hơn là tạo hấp dẫn cho người nghe, dẫn mọi người đến chỗ ông muốn trình bày, bằng cách so sánh cá nhân ông với những chính trị gia của nước Mỹ. “Tôi quan sát nhóm chính trị gia, suốt cuộc đời tôi phải ứng xử với họ” để lên tiếng chê bai “họ sẽ chẳng bao giờ có cách để đưa quốc gia này đến chỗ thịnh vượng.” “Chẳng những thế,” ông Trump nói tiếp “họ còn đưa Hoa Kỳ vào chỗ tụt hậu, trở thành một nước y như những nước trong thế giới thứ ba.”

Ông bảo thêm “lần cuối cùng chúng ta thắng được Trung Quốc là lúc nào” và trả lời ngay “tôi là người thường xuyên thắng Trung Quốc,” câu hỏi kế tiếp “lần cuối cùng chúng ta hơn được Nhật Bản là lúc nào?” kèm theo lời than Nhật đưa cả triệu chiếc xe vào Mỹ chạy đầy đường, “trong khi lần cuối cùng chúng ta nhìn thấy chiếc Chevrolet (do Hoa Kỳ sản xuất) chạy ở Nhật Bản là khi nào?” để chứng minh cho điều ông đã nói: những chính trị gia Hoa Kỳ, kể cả Tổng Thống Barack Obama, “không biết làm việc, không biết cách phục hồi kinh tế quốc gia,” người duy nhất có thể làm điều đó “phải là một nhà lãnh đạo thật tài ba,” và người đó chính là ông.

Ông cũng nói đến một số việc sẽ làm khi đặt chân vào Phòng Bầu Dục để xây dựng lại quốc gia, trong đó “sẽ xây bức tường (dọc theo biên giới với Mexico) và bắt chính phủ Mexico phải trả chi phí xây bức tường này,” chê bai chính phủ đương thời của Tổng Thống Obama - cũng như các ứng cử viên tổng thống khác - không biết cách diệt quân khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo ISIS, hãnh diện nói với mọi người “không ai (có sách lược) cứng rắn với ISIS cho bằng (Donala) Trump.”

Câu hỏi được đặt ra là liệu cử tri Hoa Kỳ có ủng hộ ông hay không và liệu ông có thể làm được những gì đã trình bày với cử tri hay không?

Theo bà cựu phát ngôn Tòa Bạch Ốc Dana Perino (hiện đang giữa vai trò bình luận chính trị cho hệ thống truyền hình FOXNews), ông Trump “đã đi quá đà” khi đưa ra lời cam kết xây bức tường ngăn chia ranh giới Hoa Kỳ-Mexico, “lại còn hứa sẽ bắt chính phủ Mexico trả tiền xây bức tường này.”

Bà Perino vừa nói vừa lắc đầu với vẻ ngao ngán “ông Trump phải biết tổng thống Mỹ không có tiền, muốn chi tiêu một đồng cũng phải xin Quốc Hội, phải làm việc với 545 vị dân cử (Thượng và Hạ Viện.” Một điều quan trọng khác “dù có là tổng thống Mỹ đi chăng nữa, ông ta lấy quyền hạn gì để bắt Mexico phải trả kinh phí xây bức tường này? Có phải ông ta đang nghĩ trong đầu là làm tổng thống Mỹ thì muốn làm gì thì làm? Ông ta quên tổng thống Mỹ đâu có quyền bắt nước khác phải làm theo ý của mình?”

Ông Brian Miller, một quan sát viên độc lập ở tiểu bang Connecticut nghĩ rằng “ông Trump nói giọng của một ông nhà giàu làm chủ hãng, quên đi chính trường và thị trường khác nhau rất nhiều.” Vẫn theo ông Miller, bài diễn văn của ông Trump cho thấy “ông ta có lối suy nghĩ của một ông chủ công ty hơn là người lãnh đạo một quốc gia. Chủ công ty thì anh muốn làm gì thì làm, cùng lắm khai phá sản, lãnh đạo một quốc gia không cho phép ông ta làm như thế, ông ta không được quyền đưa đất nước tới đường cùng chỉ để thỏa mãn nguyện vọng cá nhân.” Không phủ nhận ông Trump là người thành công trong thương trường, “nhưng khi ngồi vào ghế tổng thống Mỹ ông ta sẽ biết chuyện không đơn giản như những gì ông ta đã gặp phải khi còn hoạt động thương mại.”

Những cuộc thăm dò cử tri ở Iowa, New Hampshire và South Carolina đều cho thấy cử tri có cái nhìn “không thiện cảm” với ông Trump, điều đó được một số nhà phân tích xem là “trở ngại ngay từ bước đầu” mà ông tỷ phú Mỹ phải vượt qua, theo nhận xét của một nhà báo chuyên viết tin chính trị ở thủ đô, “trong số 12 ứng cử viên Cộng Hòa, ông Trump đang đứng cuối bảng hoặc gần cuối bảng, cộng thêm yếu tố không được cảm tình của cử tri, cho thấy ông rất khó thành công.” Dù vậy, nhà báo này vẫn tin ông Trump xuất hiện là điều tốt, vì “cánh Cộng Hòa cần có người to tiếng chỉ trích đồi thủ Dân Chủ, và người có đủ điều kiện vừa to tiếng vừa tạo được chú ý chính là ông Trump.”

Với ông Trump và dàn tham mưu, những điều nêu trên “chẳng lớn lao đến mức phải lo.” Ông cố vấn chính trị Corey Lewandowski từng bảo “trở ngại lớn nhất là cử tri phân vân không biết ông Trump có ra tranh cử hay không, khi họ biết tin chắc chắn ông Trump ra tranh cử, chỉ trong tích tắc cục diện bầu cử sẽ đổi khác ngay” vì “người cử tri Hoa Kỳ đang ngóng chở chính là ông Trump.”