main billboard

“Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1,400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh!”


SƠN LA (NV) - Bất chấp dư luận cả trong lẫn ngoài nước phẫn nộ, lên án, chỉ trích... nhà cầm quyền tỉnh Sơn La vừa công bố việc tiếp tục xây dựng tượng đài ông Hồ Chí Minh với chi phí 1,400 tỷ đồng, tương đương với khoảng 70 triệu đô la Mỹ.


tre em ngheoTrẻ em nghèo ở Sơn La. (Hình: VnExpress)

Theo truyền thông tại Việt Nam, trong bản “đề cương tuyên truyền” tỉnh này đưa ra 4 lý do để xây dựng khu tượng đài với kinh phí 1,400 tỷ.

Lý do đầu tiên và có vẻ quan trọng nhất, theo bản đề cương, là, những địa danh mà ông Hồ Chí Minh đến thăm “giờ đây đã trở thành những di tích lịch sử được Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng và trở thành nơi giáo dục truyền thống cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.”

Và rằng, việc xây tượng đài ông Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc “là ước nguyện thiêng liêng của cấp ủy, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân, để ghi dấu một sự kiện lịch sử có một không hai.”

Nghèo nhưng chơi sang

Sơn La là tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam, dân số 1.1 triệu người và là một trong những tỉnh nghèo của Việt Nam. Sơn La còn rất đông người nghèo, với tổng số hộ nghèo gần 71,000 hộ, chỉ sau Nghệ An và Thanh Hóa.

Năm nay, theo dự kiến, cả tỉnh chỉ thu được ngân sách 2,800 tỷ nhưng sẽ phải chi 9,300 tỷ. Chính quyền trung ương phải hỗ trợ 6,500 tỷ.

Trong một cuộc họp hồi đầu tháng 7, 2015, ông Nguyễn Quốc Khánh, phó chủ tịch tỉnh Sơn La nói rằng, tỉnh này “phấn đấu thu ngân sách nhà nước 2015 đạt 3,300 tỷ đồng.”

Như vậy, chỉ việc xây tượng đài này thôi đã ngốn hết 50% ngân sách của tỉnh này trong một năm.

Tuy nhiên, trong một lần trả lời phỏng vấn của báo Tri Thức Trẻ, ông Cầm Ngọc Minh, chủ tịch tỉnh Sơn La nói rằng con số 1,400 tỷ chỉ là con số dự kiến và rằng “không nên đặt vấn đề đắt rẻ.” Đồng thời than thở, “Chưa có tượng đài là thiệt thòi cho chúng tôi.”

Tiếp tục bị chỉ trích

Trong hơn 1 tháng qua, kể từ khi nhà cầm quyền tỉnh Sơn La công bố kế hoạch xây dựng quần thể tượng đài ông Hồ, dư luận cả trong lẫn ngoài nước, đặc biệt là các trang mạng xã hội đầy các ý kiến phẫn nộ.

Đáng chú ý là ý kiến của Giáo Sư Ngô Bảo Châu, người từng đoạt giải thưởng Fields, làm việc tại cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam, bình luận trên trang Facebook của ông, “Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1,400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh!”

Trước sự phẫn nộ của công chúng về mức độ hoang phí của dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh, đại diện chính quyền tỉnh Sơn La phân bua là chi phí cho dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh sẽ lấy từ ba nguồn: Ngân sách do chính quyền trung ương cấp, ngân sách do chính quyền tỉnh bỏ ra và do các doanh nghiệp ở Sơn La đóng góp.

Ngay lập tức, những người sử dụng Internet tại Việt Nam đưa ra các số liệu để chứng minh, đại diện chính quyền tỉnh Sơn La nói dóc về nguồn tiền do chính quyền tỉnh này sẽ bỏ ra và các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ đóng góp.

Tại Việt Nam, từng có những thống kê cho thấy, từ 30% đến 45% chi phí cho việc thực hiện các dự án vào túi các viên chức.

Dường như đó là nguyên nhân chính dẫn tới phong trào xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh.

Hồi thượng tuần tháng 6, Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch của Việt Nam tổ chức một hội thảo về “Tiêu chí nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030.” Ở hội thảo này, người ta ghi nhận, chính quyền địa phương nào cũng muốn xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh. Theo quy hoạch thì từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ xuất ngân sách để xây dựng... 58 tượng đài Hồ Chí Minh.

Những người sử dụng Internet tại Việt Nam nhận định, vì không có ai dám bác những dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh nên đó sẽ là cách để các viên chức tiếp tục kiếm tiền khi các loại dự án khác không còn được duyệt một cách dễ dãi như trước. (KN-GĐ)