main billboard

Đây chẳng phải lần đầu tiên ông Trump gây ồn ào về chuyện Tổng Thống Obama sinh trưởng ở đâu, có phải là người Hoa Kỳ hay không, theo tôn giáo nào, là một người theo Thiên Chúa Giáo hay là người theo đạo Hồi.


Chuyện mới nhất vừa xảy ra cách đây 2 ngày trong buổi gặp gỡ giữa ông với ủng hộ viên ở Rochester, New Hampshire, khi một người đàn ông giơ tay xin phát biểu, nói rằng “một trong những trở ngại của nước Mỹ chúng ta là chuyện Hồi Giáo. Chắc ông cũng biết tổng thống đương nhiệm (Barack Obama) là người Hồi Giáo. Chắc ông cũng rõ ông ta (Obama) không phải là người Mỹ. Chúng ta phải đối đầu với các trung tâm huấn luyện (khủng bố mà người Hồi Giáo) lập nên ở khắp nơi, ngày một nhiều hơn trước, câu hỏi của tôi là chúng ta phải làm thế nào để diệt được bọn chúng?”

donald trump6Ông Donald Trump phát biểu tại Rochester, New Hampshire.
(Hình: AP Photo/Robert F. Bukaty)

Trước câu hỏi bị chỉ trích “mang tính miệt thị” nhắm vào tập thể Hồi Giáo và nhất là nhắm vào đương kim tổng thống Hoa Kỳ, ông tỷ phú đang mong có ngày cầm chìa khóa mở cửa Tòa Bạch Ốc không trả lời thẳng vào câu hỏi, khéo léo hứa hẹn sẽ tìm cách giải quyết vấn đề. Ông nói, “Các bạn cũng biết có rất nhiều người nói chuyện đó, rất nhiều người nói đến những chuyện khác nữa. Chúng ta sẽ tìm cách giải quyết chuyện đó và những chuyện khác.”

Đây chẳng phải lần đầu tiên ông Trump gây ồn ào về chuyện Tổng Thống Obama sinh trưởng ở đâu, có phải là người Hoa Kỳ hay không, theo tôn giáo nào, là một người theo Thiên Chúa Giáo hay là người theo đạo Hồi.

Bốn năm trước đây, ông đã từng gây ồn ào khi cho rằng Tổng Thống Obama sinh trưởng ở Kenya và là người Hồi Giáo. Trả lời phỏng vấn trên đài FOX News, ông Trump cho hay “ông ta (Obama) không có giấy khai sinh. Có thể ông ta có nhưng không muốn cho mọi người biết, vì trong đó ghi ông ta là người theo Hồi Giáo.” Những lời lẽ không chứng cớ này được một số người tán thưởng, vì từ ngày ông Obama ra tranh cử nhiệm kỳ đầu tiên (2008) đã có đồn đãi cho rằng người -sau đó- trở thành vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ sinh ở Phi Châu và theo đạo Hồi, thành ra lời phát biểu của ông Trump tạo cơ hội cho tập thể thích nghi ngờ này cơ hội bàn tán, tung thêm những nhận xét không chứng cớ. Ồn ào tới mức hồi Tháng Tư 2011, đích thân Tổng Thống Obama phải mở cuộc họp báo để công bố giấy chứng nhận khai sinh ghi rõ ông sinh trưởng ở Hawaii. Trong cuộc họp báo đó, tổng thống Hoa Kỳ nói với mọi người bằng giọng bực bội “chúng ta không có thì giờ cho những chuyện bá láp như thế này. Tôi có nhiều chuyện quan trọng hơn phải làm.” Ngay ngày hôm sau, ông Trump hãnh diện khoe với mọi người chính ông đã đẩy nhà lãnh đạo nước Mỹ tới chỗ “phải trả lời” thắc mắc của người dân.

Nhưng chuyện chưa yên ở đó. Năm 2012, khi cô ca sĩ Madona nói “chúng ta có một người Hồi Giáo da đen ở Tòa Bạch Ốc,” ông Trump chẳng ngần ngại đặt lại câu hỏi “không hiểu cô Madona có chi tiết gì về Barack mà chúng ta không biết,” ý muốn nói ông vẫn tin Tổng Thống Obama là người ngoại quốc và là người theo đạo Hồi. Trong một buổi tiếp xúc với cử tri Iowa hồi đầu năm nay, ông Trump còn bảo “tôi không biết ông ta (Obama) có yêu nước Mỹ hay không,” ý muốn bảo với cử tri rằng nếu không phải là người Mỹ “thật” thì làm sao ông Obama có thể yêu nước Mỹ?

Đương nhiên Tòa Bạch Ốc phải có phản ứng, và phản ứng rất mạnh.

Sáng Thứ Sáu (18 Tháng Chín 2015), ông phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest chẳng ngần ngại đem chuyện này ra trình bày với báo chí. “Có ai thắc mắc khi thấy chuyện đó xảy ra trong một buổi vận động tranh cử của ông Trump không? Những người nêu câu hỏi đó tiêu biểu cho một thành phần ủng hộ ông ta. Rất tiếc ông ta đã không chứng tỏ được tinh thần yêu nước như chúng ta đã thấy ở Thượng Nghị Sĩ John McCain, người 7 năm trước đây đã có câu trả lời thẳng thắn, đi vào vấn đề khi một người ủng hộ đặt câu hỏi tương tự” nhắc lại chuyện hồi 2008, ông McCain (đại diện cho đảng Cộng Hòa) không bằng lòng khi thấy một người ủng hộ gọi ông Obama là “người gốc Ả Rập,” bảo ngay “không đúng đâu bà, ông ta là một người có gia đình, một công dân đứng đắn, có điều là tôi không đồng ý với ông ta về những điểm căn bản, quan trọng nhất (về chính sách quốc gia).”

Nhưng cũng phải công bằng mà nói, ông Trump chẳng phải là người duy nhất thắc mắc về lý lịch của ông Obama.

Tháng Hai năm nay, ứng cử viên Cộng Hòa Scott Walker cũng khôn khéo cho rằng không thể biết Tổng Thống Dân Chủ Obama có phải là người theo Thiên Chúa Giáo hay không. Nói chuyện với nhất báo The Washington Post, ông Thống Đốc tiểu bang Wisconsin cho biết, “Chưa hề nghĩ đến chuyện này, chưa đọc những gì liên quan đến chuyện này, cũng chưa hỏi thẳng ông ta (Obama) về chuyện này. Thành ra không thể trả lời câu hỏi ông ta có phải là người theo Thiên Chúa Giáo hay không.” Ba năm trước đây, ứng cử viên Cộng Hòa Rick Santorum cũng để yên cho một ủng hộ viên nêu thắc mắc “tại sao không có ai tìm cách loại ông Obama ra khỏi Tòa Bạch Ốc vì ông ta là người ngoại quốc theo đạo Hồi?” Khi báo chí chất vấn tại sao không có phản ứng, ông Santorum trả lời rằng, “Tôi không có trách nhiệm phải lên tiếng khi nghe người khác nói sai,” đổ trách nhiệm này cho ông Obama, “Ông ta (Obama) mới là người phải lên tiếng bảo vệ (lý lịch) và chính sách của ông ta.”

Đài truyền hình CNN cho biết đã nói chuyện với ông Corey Lewandowski - trưởng ban vận động tranh cử cho ông tỷ phú Trump - và được trả lời rằng ông Trump không nghe rõ phần đầu lời phát biểu của ngươi ủng hộ, chỉ nghe được đoạn người đó hỏi phải có biện pháp nào để diệt những tổ chức huấn luyện khủng bố hay không. Ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton cũng không bỏ lỡ cơ hội, cho phổ biến ngay bản tuyên bố có nội dung chuyện tranh cãi về lý lịch của tổng thống “không chỉ đi quá đà mà còn toàn là những chuyện không đúng.” Bà Clinton còn nói “đáng lý ra ngay từ đầu, ông Trump phải sửa ngay những lời lẽ mang tính căm thù này.”