main billboard

Khi bà bật lửa đốt cây rọi ống giác, chúng tôi thoáng hoảng hồn vì đó là một cây rọi bự hơn ngón cẳng cái đang cháy phừng phừng lửa alcol.


SÀI GÒN (NV) - Khi nói về dịch vụ cạo gió giác hơi ở Sài Gòn ngày nay, người ta phải kèm theo tiếng đàng hoàng để phân biệt với các điểm cùng nghề nhưng không đàng hoàng.

Từ khi các bảng hiệu massager chưng nhấp nháy đèn mờ khắp phố, phục vụ cho giới có nhu cầu “xoa trên rờ dưới,” thì cái nghề cạo gió, giác hơi ở các xóm lao động bỗng dưng lại được tiếng thơm là kế thừa y học cổ truyền.


giac hoiMột điểm cạo gió, giác hơi bình dân ở Quận 11, Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Cái nghề chuyên trị chứng trúng gió, cảm cúm, đơn giản mà hiệu quả này còn tồn tại trong toàn cảnh ngành y tế Việt Nam đua nhau móc túi bệnh nhân nghèo cũng là một kỳ tích dân gian hạng nhất.

Chúng tôi theo lời chỉ dẫn của một người chạy xe ôm đến đường 46 cũ, thuộc quận 11, Sài Gòn. Thật tình chúng tôi cũng đang cảm mạo vì trúng trận mưa ngập lút Sài Gòn hôm 16 tháng 9, 2015.

Trước một con hẻm, chúng tôi thấy bảng hiệu nhỏ có mũi tên chỉ vào điểm giác hơi, cạo gió. Khi tìm đúng địa chỉ thì đó chỉ là một căn nhà bình thường như mọi nhà khác trong xóm lao động.

Một người đàn bà tuổi sồn sồn đón chúng tôi. Có vẻ đoán biết chuyện lo cho “số phận” cái xe gắn máy, bà nói: “Anh cứ đậu đó có người coi.” Sau này tôi biết là chẳng có ai coi và chiếc xe an toàn theo cách mà một xóm lao động có “dịch vụ bảo kê” an toàn cho người trong xóm kiếm cơm.

Chúng tôi được bà lệnh cho hành động tiếp theo. “Anh cởi áo ra đi, máng vô cái móc đó.” Khi thực hiện xong lệnh từ người đàn bà, chúng tôi lại được hỏi. “Anh cạo gió hay giác hơi, hay làm cả hai thứ luôn?”

Trong nhà, có tất cả 5 cái đi-văng gỗ loại dành một người nằm, đã có ba tay đàn ông tuổi không dưới bốn mươi đang nằm phơi tấm lưng trần đầy các ống giác. Chúng tôi được một người đàn bà sồn sồn khác có nhan sắc còn mặn mòi, chỉ vào một cái đi-văng sát vách ngăn cách với nhà bếp, rồi bà lấy một miếng vải sạch phủ lên cái gối đầu. “Anh nằm sấp xuống giác lưng trước.”

Khi bà bật lửa đốt cây rọi ống giác, chúng tôi thoáng hoảng hồn vì đó là một cây rọi bự hơn ngón cẳng cái đang cháy phừng phừng lửa alcol.

Chúng tôi nghĩ thầm: 'Lê Văn Tám' của Việt Cộng thì dỏm chớ có khi mình thành ngọn đuốc sống tại đây là thật! Nhưng đúng là chúng tôi hơi bị lo xa, chớ tay nghề sử dụng cây rọi giác hơi của các bà ở đây là thượng thừa.

Sau động tác hơ lửa ống giác kéo dọc sóng lưng phát ra âm thanh như tiếng kèn trompét, thì trong chớp mắt khoảng ba chục ống giác hơi đã lấp kín các yếu huyệt trên lưng chúng tôi và gió mưa độc hại từ “thế nước đang lên của thành hồ” như được hút hết vào các cái “hồ lô” bằng thủy tinh, giống như trong chuyện Tề Thiên Ðại Thánh.

Qui trình giác hơi bình dân ở đây bao gồm giác lưng hai lượt, giác phía trước ngực một lượt, toàn bộ thời gian khoảng 15 phút là xong. Như các bệnh nhân khác, chúng tôi được lau khô bằng khăn sạch và thoa dầu có mùi tràm trên các vết giác bầm tím như da loài bò sát đã tuyệt chủng. Giá tiền cho một lần giác hơi là 20 ngàn đồng, cạo gió là 10 ngàn đồng, thiệt là chưa bằng nửa giá một tô phở Tàu Bay.

Sài Gòn ngày nay tràn ngập các tiệm massage sang trọng kiểu Thái, Hàn, Nhật... đến nỗi nghề đấm bóp dạo và các người khiếm thị làm nghề massage cũng hết đường kiếm cơm. Thế nên chuyện một nghề có liên quan đến liệu pháp phục hồi sức khỏe như cạo gió, giác hơi còn sống lây lất nhưng đàng hoàng là việc đáng quí.

Nếu cho rằng, liệu pháp cạo gió giác hơi là trị hết các loại bệnh cảm cúm mà không cần đến thuốc men thì có khi quá đáng, nhưng từ lâu đời, liệu pháp cổ truyền-bình dân này cũng đã chứng minh không ít hiệu quả; bằng chứng là có thời các lò ve chai ở quận 11, Tân Bình... đã cho ra ào ào các loại ống giác hơi cho cả người trong nước và bà con Việt kiều.

Có lẽ với người bình dân Sài Gòn, ngày nào còn trái gió trở trời và môi trường sống còn vấn nạn ô nhiễm trầm trọng thì mỗi khi thân xác khó ở, ể mình, họ lại nhớ và cần đến liệu pháp cạo gió, giác hơi.