main billboard

... vậy nên làm quen với một người Sài Gòn là dễ nhất trên đời, họ thật là cởi mở như là thành phố nơi họ sinh sống vậy, thật là đáng mến.


Sài Gòn là một thành phố có tính mở, đặc tính này là một trong những nét đặc sắc nhất của thành phố hơn 300 năm lịch sử. Chỉ có thể dùng cái tên Sài Gòn để có thể miêu tả hết đặc tính này như là một minh chứng rằng đây là nét đẹp riêng của thành phố này.

Tôi đọc lịch sử thì biết rằng từ thuở mấy trăm năm trước, vùng đất có tên Sài Gòn-Gia Ðịnh đã là một trong những vùng đặc biệt của xứ Ðàng Trong, nó vừa có đất rộng để mở chợ buôn, vừa có cảng để thương thuyền cập bến, kênh rạch dày đặc để ghe thuyền đi lại, đường sá lại thuận tiện để đi bất cứ đâu... Vậy nên vùng đất này là nơi hội tụ bà con lưu dân Việt đi khai hoang mở cõi, người Hoa, người Khmer cũng chọn nơi đây để làm lụng, người khắp nơi đến thấy quyến luyến thì ở mà không thích nữa thì cứ đi, chẳng nài ép, như vậy mới thấy rằng Sài Gòn xưa đã mang trong mình cái khí chất là đất của muôn người.


quannhau saigonMột quán nhậu về đêm trên đường phố Sài Gòn. (Hình: Getty Images)

Nhớ khi xưa vua Gia Long-Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi phải lẩn tránh khắp nơi nhưng cũng đã chớp thời cơ đánh úp Nguyễn Lữ để chiếm thành Gia Ðịnh, rồi thu phục lòng người, vận dụng sức dân, sức của ở nơi này mà làm bàn đạp lần lượt đánh bại Tây Sơn, nói thế cũng là có ý rằng Sài Gòn-Gia Ðịnh cũng là đất cơ nghiệp của đế vương.

Ngày nay tuy đã trải bao thăng trầm của lịch sử thì thành phố đã khác trước rất nhiều nhưng cái khí chất mấy trăm năm thì không thay đổi, vẫn là chốn dừng chân của người tứ xứ. Có lẽ vì dang tay chào đón nhiều con người từ khắp nơi như vậy mà dần tạo nên sự đa dạng đặc biệt. Thử vào một khu ký túc xá của sinh viên đại học ở khu Làng Ðại Học thuộc quận Thủ Ðức bây giờ là có thể nghe thấy nhiều âm trầm âm bổng từ giọng nói của nhiều tỉnh thành địa phương: trọ trẹ như ở Quảng Nam, Bình Ðịnh, Phú Yên hay nghe cao ngất mà luyến láy “mi, mô, răng, rứa” như Huế, Nghệ An...

Lại về ẩm thực thì trên một con đường có thể vừa có mì xứ Quảng mà vừa có cả phở gà miền Bắc, cơm tàu của người Hoa. Rượu thì còn có nơi bán cả rượu Gò Ðen Long An, rượu Lào Cai nồng nặc cồn, rồi Bàu Ðá ở Bình Ðịnh, rồi còn có cả rượu Sochu của Hàn Quốc... dẫu chẳng biết rượu thật hay giả nhưng đã thấy cái sức phong phú của thành phố về chữ “Tửu.”

Sự đa dạng trên đó là do đặc tính mở của thành phố, xuất phát của tính mở này là từ những thuận lợi tự nhiên vốn có, thích hợp cho việc làm ăn nên từ xưa Sài Gòn-Gia Ðịnh đã là nơi thuyền bè tấp nập, buôn bán rất thuận tiện, vì vậy đã thu hút những người muốn kiếm sống làm lụng đến để lập nghiệp mà chẳng cần câu nệ là người từ xứ nào đến, nhiều người cũng phát đạt đổi đời nhờ buôn bán trên đất này.

Vậy nên với lịch sử hơn 300 năm tồn tại thì đến nay thành phố đã có gần 8 triệu dân với đa số là người từ khắp các tỉnh thành, điều này đã chứng minh cái tính mở cửa đón nhận rất nhiều dân cư, cũng như dễ dàng chấp nhận và dung hợp các văn hóa, phong tục, lối sống theo dòng người đến thành phố sinh sống và làm việc.

Cái tính mở này tạo nên bản lĩnh của thành phố, không nơi đâu mà lại có thể thấy các văn hóa vùng miền khác nhau lại có thể tồn tại song song mà không hề thấy sự xung khắc, tính cục bộ địa phương bị xóa nhòa mà thay vào đó là tính hòa hợp để cùng tồn tại sinh sống, cộng sinh với nhau, hình thành nên một nền văn hóa mở.

Có thể tìm thấy sự đa dạng chỉ tại một vùng địa lý thì là một điều rất đặc biệt chỉ có thể có tại Sài Gòn, đây là một giá trị to lớn của thành phố, là nét nổi bật trong số các đô thị của Việt Nam.

Bản lĩnh thành phố cũng làm nên cái bản lĩnh của con người. Thiết nghĩ ở Sài Gòn có lẽ chẳng cần phân biệt là người Bắc-Trung-Nam, nói chung đã đến cư ngụ tại chốn này thì cứ gọi nhau là người Sài Gòn vậy, mà người ta hay nói là người Sài Gòn mang tính cách rất đậm của người miền Nam là phóng khoáng, hào sảng, dễ gần, dễ làm quen... Mà thấy đúng thật, chẳng biết là đã ai từng gặp trường hợp tương tự hay không nhưng bản thân tác giả từng được có thêm “bạn” mới vì cố gắng “bám trụ” khi ngồi uống 2 két bia hiệu 333 với người quen tại một quán nhậu ở gần Ngã Tư Thủ Ðức.

Khi đó đã cảm thấy hơi say, mà lúc ấy có mấy bác xe ôm ở bàn bên cạnh mời uống một ly bia đầy ắp do thấy “cậu em chắc đang ráng dữ lắm,” sau đó hỏi han mời bia qua lại trò chuyện một hồi rồi ghép luôn hai bàn nhậu lại làm một, ngồi ăn mồi nhắm uống bia, xưng chú con, anh em, nói chuyện đời hả hê như người thân quen từ lâu.

Tuy là qua cái bàn nhậu mà thành thân thuộc nhưng trải nghiệm này làm đọng lại rất nhiều ý nghĩa đối với tôi, có thể thấy được một chút cái chất “tứ hải giai huynh đệ” của con người Sài Gòn, tuy mỗi người xuất thân khác biệt nhưng do cùng phải lam lũ hòa mình vào cuộc mưu sinh vất vả khắc nghiệt mà giữa họ có chất kết dính vậy, vậy nên làm quen với một người Sài Gòn là dễ nhất trên đời, họ thật là cởi mở như là thành phố nơi họ sinh sống vậy, thật là đáng mến.

Hy vọng những nét đẹp ấy hãy còn mãi với Sài Gòn. Xét về sự thuận lợi thì tính mở cửa, đa dạng này đã góp phần vào sự trẻ trung, năng động, sự trù phú, phồn vinh của “Hòn Ngọc Viễn Ðông.”