“Sống ở trên đời thật khó quá, mà ta sống được, có kỳ không?”


Bản tin Yahoo hôm Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015, đăng tải bài viết của ký giả Teo Kai Xiang về một vụ tranh cãi giữa hai phe bênh và chống lan rộng trên Facebook, xung quanh việc một người đàn ông được coi là có thể chất khỏe mạnh, không nhường chỗ trên xe điện cho một phụ nữ địu con trước bụng.

reserved seatẢnh minh họa

Thoạt đầu, tin này được loan ra bởi cô Celine Chia, người phụ nữ đã lên tiếng yêu cầu ông kia nhường cái ghế đang ngồi. Nhiều cư dân mạng nổi giận với người đàn ông liên hệ trong vụ, được biết tên là Cuthbert Syn, về cách xử sự thiếu lịch thiệp của ông ta. Trang mạng Facebook của cô Celine Chia thu hút hơn 9,000 người đứng về phía cô, 8,000 người chia sẻ vô tư trước khi bản tin bị lấy xuống. Mạng Yahoo Singapore tìm cách tiếp xúc với cô để hỏi lý do gỡ bỏ bản tin nhưng chưa nhận được hồi đáp vào lúc Yahoo đưa tin này.

Câu chuyện được cô Chia tường thuật như sau:

“Một người đàn ông sung sức, cơ thể hoạt động tốt, ngồi ở cái ghế dành ưu tiên cho người cần, được tôi lễ phép hỏi xem ông có thể nhường chỗ cho một bà mẹ đang phải địu con trước ngực không?” Người đàn ông trả lời tôi, nguyên văn thế này: “Tôi chọn ngồi ở đây và tôi sẽ không nhường chỗ cho bà ta đâu!” Tôi kiên nhẫn hỏi lại: “Nhưng ông có thật hiểu rõ ghế này dành cho người thực sự cần nó hơn ông không?” Người đàn ông uể oải đáp: “Thì sao chớ? Ðây là lựa chọn của tôi và tôi rất mệt sau cả một ngày làm việc.” Tôi bèn đáp: “Tôi rất xấu hổ đứng trước mặt ông lúc này.” Người đàn ông: “Cô không cần cảm thấy xấu hổ vì chính tôi có xấu hổ với tôi đâu!”

Một công dân mạng tham gia câu chuyện, tweeted: “Vậy chớ người đàn bà địu con trên ngực không mệt hay sao? Bà ấy mang nặng hơn ông mà! Từ tâm của ông để đâu?” Nhiều người khác cùng đồng ý nêu ra quyền ưu tiên sử dụng các chỗ ngồi này dành cho hành khách nào đáp chuyến xe cần chúng hơn cả và ông ta phải rời chỗ khi được yêu cầu. Trên diễn đàn công luận, phe chống nhiều nhưng phe bênh cũng không ít. Một người nêu ý kiến trên mạng HardWareZone, đưa ra quan điểm cho rằng việc nhường chỗ ngồi là một ân huệ chứ không phải một quyền hạn. Cần ghi nhớ rằng mọi người trả tiền mua vé xe như nhau nên cùng được hưởng thụ tiện nghi như nhau.
Một số lời bình luận khác bày tỏ sự cẩn trọng không nên phán xét vội vã bởi vì thật khó mà biết được một người nào đó khỏe hay không khỏe.

Một bà nêu ra trường hợp chính bà lúc đang mang thai 4 tháng, đã phải nhường chỗ cho một bà khác tưởng là bầu to hơn nhưng thực sự chỉ là bụng to hơn. Bà kêu gọi mọi người “đừng xét đoán căn cứ trên những gì mình thấy bởi vì có thể chúng không thật là thế, cũng không giống như mình nghĩ hay tưởng theo suy đoán riêng đâu!” Một người nữa trên mạng Facebook của Yahoo/Singapore đồng thuận với ý này và phát biểu thêm: “Tôi không thấy có lý do nào khiến chúng ta chỉ nhắm vào một đối tượng duy nhất là ông Syn. Biết đâu ông ta vừa nhận giấy đuổi việc hay ít nhất, vừa trải qua một ngày hắc ám, ngay cả ông ta có bệnh suyễn và đang khó thở? Những người ngồi xung quanh ông ta cũng nên cùng chia trách nhiệm chứ?” Có 500 cư dân mạng nghiêng về chiều hướng “biết đâu” này. Theo họ, nếu ông Syn không muốn tự nguyện nhường chỗ, đó là đặc quyền của ông ta. Ông ta không vi phạm bất cứ luật lệ nào, cũng chẳng gây ra tội ác nào. Những người ngồi xung quanh ông ta cũng có thể nhường chỗ vậy? Ðừng biến cái gò mối xông tí tẹo thành hòn núi rồi mang lên mạng biếm nhẽ nhau!”

Anh Brian Cheng phát biểu: “Ðối với tôi, thật là bất công khi đăng hình một người lên mạng và làm hại thanh danh người ta trong khi không thực sự biết rõ về họ. Thời nay, sao mọi người dễ nổi cơn thịnh nộ quá?”

Sau này, người đàn ông là trung tâm cơn bão nói trên đã công bố trên Facebook của ông lời trần tình, cho biết ông có bệnh tim và bữa đó cảm thấy thân tâm bất an. Tiết lộ này rọi ánh sáng vào câu chuyện trong đó, cô Celine Chia gọi ông ta là “người đàn ông với một cơ thể sung sức” (a fully able-bodied man) nhưng đã từ chối nhường ghế cho người khác. Hành đông của ông Syn sai hay đúng còn tùy thuộc cuộc tranh cãi song có một sự kiện gây chấn động nảy sinh từ việc này là sự cáo buộc vô cớ đem đến mặc cảm hổ thẹn về ngoại hình của một người. Cô Celine Chia, trong lần đầu công bố trên Facebook, đã dùng ngay cụm từ “mập không phải là một lý cớ” và viết như sau: “Xưa rày tôi chưa bao giờ đả kích một ai ở nơi công cộng nhưng hôm nay tôi thực sự muốn nói với ông là ông cần xuống cân và sự mệt mỏi của ông là hậu quả của chứng mập phì, không hề là lý cớ để ông từ chối nhường chỗ cho hai mẹ con người hành khách cùng đi chuyến xe!” Nhiều tay nhiễu sự khác nhảy chồm vào phe ghét bỏ, dùng những nhãn hiệu có tính cách dè bỉu thân thể đẫy đà của ông Syn và biến nội vụ thành chiến dịch trêu chọc trên mạng, đẻ ra vấn nạn rắc rối khác là tại sao chuyện xấu hổ vì không nhường ghế lại liên quan tới chuyện xấu hổ vì thân hình không thon gọn? Ðúng là “cái sẩy nẩy cái ung.” Bạn thuộc phe nào? Có muốn ông Syn phải nhường chỗ không? Có nghĩ rằng ông Syn phải nhận hậu quả hành động của mình là bị đem ra bêu riếu trên mạng không?

Dường như thi sĩ Tô Thùy Yên có 2 câu thơ rất hay: “Sống ở trên đời thật khó quá, mà ta sống được, có kỳ không?” Chữ “kỳ” trong câu thơ thứ hai có lẽ không hàm ý kỳ dị/khác thường mà muốn mô tả điều “kỳ diệu” vượt lên trên mọi khó khăn thường tình.

Thực tế (như câu chuyện này;) triết học Phật Giáo (như câu chuyện Nhan Hồi ăn vụng cơm;) suy nghiệm và ngôn ngữ điện ảnh phương Ðông (như phim Rashomon), v.v... đều muốn minh chứng không có sự thật duy nhất, bất biến mà sự thật như cái kính vạn hoa với bản chất chuyển động, không ai có thể quả quyết sự thật là cái gì đang ở trước mắt họ, trong cảm nhận vào lúc đó của họ và nghĩ là họ hoàn toàn nắm bắt nó, đông lạnh nó, mãi mãi với bộ mặt đó.

Trong kho tàng ca dao/tục ngữ được xem là túi khôn của dân tộc chúng ta, nếu có một câu nào có thể bị thế kỷ 21 xếp loại “kém khôn ngoan” thì đấy là câu: Lòng vả cũng như lòng sung, trăm con lợn béo cùng chung một lòng.” Vả và Sung như tên gọi riêng cho mỗi loài, không bao giờ là 1 và dù cho 100 con lợn béo có bộ lòng giống nhau thì con thứ 101 hẳn sẽ khác. Thế kỷ 21 và người Mỹ tinh tế hơn khi họ chấp nhận một chút nghi ngờ cho mọi sự thật, a benefit of the doubt, để bên này, bên kia không bị trầy trụa hay xây xát vì ông Trời là chứng nhân duy nhất của sự thật ấy thì không lên tiếng mà trao quyền tự do cho con người dùng sự khôn ngoan của mình lựa chọn lấy cảnh ngộ nên/hư, hay/dở của chính nó.

Ðiều khó vượt qua nhất là khi chúng ta phải vui lòng chấp nhận có những sự thật không như chúng ta thấy hoặc tin chắc nó là sự thật duy nhất đúng.