main billboard

…Tánh danh là tánh danh rồi ... Ai thay đặng tánh, ai dời đặng danh…(Nguyễn Đức Liêm)


Những người thường xuyên đọc báo trong nước gần đây nhận ra một điều là càng ngày người ta càng thấy danh xưng cũ nguyên thủy của thành phố này càng được dùng nhiều hơn. Thực ra thì ngoài những trường hợp giấy tờ chính thức, cái tên mới của nó mới được đem dùng, còn thì rất nhiều người dân vẫn dùng tên Sài Gòn từ nhiều năm nay, từ ngay sau khi Sài Gòn bị đổi tên. Đó là những người không chấp nhận chuyện đổi tên Sài Gòn. Một nhà thơ đã khẳng định điều này từ những năm 1970:

…Tánh danh là tánh danh rồi
Ai thay đặng tánh, ai dời đặng danh…
(Nguyễn Đức Liêm)

Ông là một người lớn lên tại Hà Nội nhưng đã sử dụng toàn những tiếng đặc biệt của miền Nam như “tánh,” “đặng”… trong hai câu lục bát dẫn ở trên của ông.

Khoảng vài tuần nay, tờ Tuổi Trẻ, tờ báo của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh có đăng liên tiếp một số bài viết về Sài Gòn, về thành phố (với cái tên cũ), về đời sống của nó trước khi đổi tên, về con người, về nếp sống, tính tình của người Sài Gòn và những cái hay, cái đẹp của cái thanh phố này. Tất cả những bài viết về Sài Gòn được xếp chung vào một mục đặt cho cái tên là Góc Sài Gòn để người đọc có thể truy cập đọc lại những bài đăng trên các số báo trước.

Đó là những bài viết của nhiều tác giả khác nhau viết về Sài Gòn, cái thời thành phố này còn cái tên cũ, chưa có những đổi thay bi thảm.

cogai velo solexẢnh trên Net

Có rất nhiều thứ về Sài Gòn được ghi lại. Từ những ly cà phê đá buổi sáng không thể thiếu của người Sài Gòn, tiếng cái muỗng kêu lanh canh chạm vào thành ly cà phê trong không khí hơi lạnh của buổi sáng, tiếng của những chiếc xích lô máy phun khói mờ trời đất, chuyến xích lô đạp chạy tới cây cầu thì khách tự động xuống xe để bác xích lô đẩy xe không qua cầu cho đỡ mệt… Một số bài khác thì kể lại lai lịch của những cái tên đường mà ngày nay không còn mang những cái tên cũ nữa. Những cái tên đọc lên như vọng lại từ những năm nghe như đã xa vắng lắm. Một số hình ảnh cũ cũng được tìm ra như một quán cà phê lề đường, chiếc xe hủ tiếu mì, những chiếc Citroen, Peugeot, Renault… thân thuộc, một phụ nữ trên chiếc vélo solex tà áo dài bay trong gió, chiếc xích lô đạp chở hai phụ nữ đặc vẻ miền Nam, một rạp chiếu bóng với tấm bảng quảng cáo vẽ một cảnh trong cuốn phim đang chiếu, một chiếc thuyền chở ba phụ nữ kèm theo hai câu hò : bắp non mà nướng lửa lò / đố ai ve được con đò Thủ Thiêm… Những cái tên đường kéo ra một chuỗi kỷ niệm cho những người từng sống tại thành phố này.

Nhưng đáng nói nhất là mấy bài viết về những người Sài Gòn, những đặc điểm của những người Sài Gòn, những người ra đời, lớn lên trong thành phố này, đâu là những chi tiết khiến người Sài Gòn khác hẳn những người từ những thành phố, những nơi khác của Việt Nam. Một ý kiến khẳng định rằng cho dù sống cả đời ở Sài Gòn cũng chưa chắc trở thành người Sài Gòn. Nhưng thế nào là người Sài Gòn? Theo ý kiến này thì người Sài Gòn sống đơn giản, hồn nhiên lắm, có khi quê hơn cả nhà quê nữa. Do đó, lịch sự, lịch sàng chưa chắc đã là người Sài Gòn. Sài Gòn là cái tính người rất khác những người ở các vùng khác. Thí dụ buổi sáng cầm cái chổi ra quét cái sân trước nhà thì tiện tay quét luôn cả cái sân trước cửa nhà bên cạnh. Một bài báo khác thì ngợi ca cái anh hùng, độ lượng, rộng rãi của những người Sài Gòn, cái đặc điểm khó tìm thấy ở những nơi khác.

Đó cái hào phóng, theo một ý kiến khác, có thể là một sự văn minh miệt vườn cộng lẫn với văn minh Tây phương nên vừa hào phóng Nam bộ lại vừa lịch sự tôn trọn luật lệ…

Những bài viết thình lình xuất hiện trên một tờ báo Cộng Sản chắc cũng chẳng vì một lý do hay một chỉ thị nào. Có thể chỉ vì những cái nhốn nháo mất trật tự của một thành phố đang càng ngày càng bầy rõ ra những cái xấu xa học được từ những cái xấu xa của những nơi khác.

Còn về cái tên mới của Sài Gòn thì chắc chẳng ai có thể đổi được. Rồi cái tên cũ sẽ trở lại. Thí dụ Tsaritsyn đổi thành Stalingrad vài chục năm rồi lại đổi thành Volgograd sau khi Stalin bị hạ bệ, rồi Petrograd đổi thành Leningrad và nay thì lại thành St Petersburg. Mà đó là tên của những tên to đầu nhất một thời ở Liên Xô mà còn như vậy chứ đáng gì một cái tên được áp đặt lên Sài Gòn!