main billboard

Dù các thiết bị chứa phóng xạ có thế khiến môi trường và con người bị nhiễm xạ nhưng trong hai năm qua, tại Việt Nam đã có hàng chục vụ thất lạc các thiết bị chứa phóng xạ và đa số chưa tìm lại được.


Dân chúng thành phố Bắc Kạn đang hết sức căng thẳng sau khi biết tin, một thiết bị chứa phóng xạ loại Cs-137 của nhà máy xi măng Bắc Kạn bị thất lạc.

vuonghuutan phongxa
Ông Vương Hữu Tấn, người đội nón lá, bên phải, cùng tùy tùng bay từ Hà Nội vào để tìm thiết bị chứa phóng xạ bị mất ở một bãi rác tại huyện Tân Thành. Tìm không ra, ông ta tuyên bố nó vô hại. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)

Do thua lỗ, nhà máy xi măng Bắc Kạn đã đóng cửa, ngưng hoạt động. Khi một ngân hàng thực hiện các thủ tục phát mãi nhà máy để thu hồi vốn đã cho vay, Sở Khoa Học-Công Nghệ của tỉnh Bắc Kạn mới nhớ ra là nhà máy xi măng Bắc Kạn có một thiết bị chứa phóng xạ, họ yêu cầu công ty xi măng Bắc Kạn phải báo cáo và cho biết sẽ lưu giữ thiết bị chứa phóng xạ như thế nào. Tới lúc đó, giới hữu trách mới biết thiết bị chứa phóng xạ của nhà máy xi măng Bắc Kạn đã bị thất lạc.

Cho đến nay, chưa có ai trả lời được những câu hỏi như tại sao thiết bị chứa phóng xạ của nhà máy xi măng Bắc Kạn bị thất lạc, thất lạc vào lúc nào.

Dù các thiết bị chứa phóng xạ có thế khiến môi trường và con người bị nhiễm xạ nhưng trong hai năm qua, tại Việt Nam đã có hàng chục vụ thất lạc các thiết bị chứa phóng xạ và đa số chưa tìm lại được.

Hồi Tháng Năm năm ngoái, tại hội nghị pháp quy về hạt nhân 2015, diễn ra tại Đà Lạt với sự tham gia của khoảng 300 chuyên gia công nghệ hạt nhân của Việt Nam, Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Nhật,... ông Vương Hữu Tấn, cục trưởng Cục An Toàn Bức Xạ và Hạt Nhân của Việt Nam từng thú nhận, hạ tầng về an toàn, an ninh hạt nhân của Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu theo tiêu chuẩn mà Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) và các hiệp định quốc tế đề ra, đặc biệt là quản lý các nguồn phóng xạ trong công nghiệp, y tế và xử lý rác hạt nhân.

Theo Cục An Toàn Bức Xạ và Hạt Nhân, hàng năm số giấy phép cấp cho việc sử dụng các thiết bị chứa nguồn phóng xạ tăng khoảng 10% và các biến cố liên quan đến an toàn, an ninh nguồn phóng xạ đang gia tăng, gây lo lắng cho dân chúng.

Đến Tháng Bảy năm ngoái, sau khi xảy ra thêm một scandal liên quan đến thiết bị chứa phóng xạ: Sở Khoa học-Công nghệ Phú Yên phát giác tại Trung Tâm Tư Vấn Cầu Đường Phú Yên có nguồn phát xạ gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người - nguồn phát xạ này xuất phát từ một máy dùng để đo nền đường, lẽ ra phải được cất giữ trong container có bọc chì thì Trung Tâm Tư Vấn Cầu Đường Phú Yên lại bỏ máy vào trong một két sắt rồi đặt... dưới chân cầu thang (!), ông Nguyễn Nhị Điền, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân Đà Lạt tiết lộ: Việt Nam thiếu chỗ lưu giữ các thiết bị chứa nguồn phóng xạ.

Lúc đó, ông Điền cho biết, khi mua các thiết bị chứa nguồn phóng xạ để mang về Việt Nam sử dụng, nơi mua những loại thiết bị đặc biệt này thường không đả động đến chuyện giao lại thiết bị cho nhà sản xuất lúc không còn nhu cầu, bởi đòi hỏi như thế thì chi phí sẽ tăng lên vài lần. Cũng vì vậy, không có nơi nào nhận cất giữ những thiết bị chứa nguồn phóng xạ mà Việt Nam không cần dùng nữa.

Dẫu Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân Đà Lạt có thể tiếp nhận máy đo nền đường của Trung Tâm Tư Vấn Cầu Đường Phú Yên để cất giữ trong kho của họ, song ông Điền cảnh báo, trong tương lai sẽ không có chỗ để tiếp nhận tất cả thiết bị chứa nguồn phóng xạ.

Năm 2007, Bộ Khoa Học-Công Nghệ từng đề cập đến việc xây dựng một kho lưu giữ các thiết bị chứa nguồn phóng xạ nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có kho nào loại này.

Biến cố đáng chú ý nhất liên quan đến an toàn bức xạ hạt nhân là vụ nhà máy thép Pomina 3, tọa lạc ở Khu Công nghiệp Phú Mỹ I, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mất một thiết bị chứa nguồn phóng xạ từ năm 2014 nhưng đến năm 2015 mới biết.

Bởi tìm không ra, Tháng Năm năm ngoái, Cục An Toàn Bức Xạ và Hạt Nhân đột nhiên tuyên bố, thiết bị chứa phóng xạ loại Co-60 của nhà máy thép Pomina 3 “vô hại,” kể cả bị... cháy nổ.

Công chúng cho rằng tuyên bố ấy chẳng khác gì Cục An Toàn Bức Xạ và Hạt Nhân tự thóa mạ chính họ, bởi trước đó, sau khi có tin nhà máy thép Pomina 3 bị thất lạc thiết bị chứa phóng xạ loại Co-60, chính ông Vương Hữu Tấn, cục trưởng Cục An Toàn Bức Xạ và Hạt Nhân từng nhấn mạnh, nếu phóng xạ vẫn nằm nguyên trong vỏ bọc thì không đáng ngại nhưng nếu vỏ bọc hư hỏng do tác động của ngoại lực hoặc bị đưa vào các cơ sở chế biến phế liệu để nấu chảy thì đó sẽ là thảm họa. (G.Đ)