“dân Iowa chọn trái bắp ngon nào để hái, còn người dân New Hampshire chọn người lãnh đạo quốc gia” (nguyên văn: “The people of Iowa pick corn, the people of New Hampshire pick president”).


Ðầu năm 1988 khi giới thiệu Phó Tổng Thống George Bush với cử tri New Hampshire, ông thống đốc Cộng Hòa chủ nhà John Sununu dõng dạc nói với mọi người “dân Iowa chọn trái bắp ngon nào để hái, còn người dân New Hampshire chọn người lãnh đạo quốc gia” (nguyên văn: “The people of Iowa pick corn, the people of New Hampshire pick president”).

baucusobo iowa
Người dân tham gia bầu cử sơ bộ ở Iowa. (Hình: AP/Photo)

Mới vài ngày trước đây khi kêu gọi cử tri Cộng Hòa Iowa đi bầu sơ bộ, chính trị gia đang tạo sôi nổi trong chính trường là tỷ phú Donald Trump cũng dõng dạc bảo với mọi người “trong 16 năm qua, các bạn chưa hề chọn đúng người để làm tổng thống,” nhắc nhở cử tri ủng hộ ông “đừng quên đi bầu sơ bộ, nhớ bỏ phiếu cho tôi.”

Cả 2 câu chuyện nói trên đang được cử tri New Hampshire kể cho nhau nghe sau ngày cuộc bầu cử sơ bộ Iowa kết thúc. “Iowa được chú ý nhiều hơn chúng tôi vì cứ 4 năm một lần là tiểu bang tổ chức bầu sơ bộ đầu tiên, nhưng chính New Hampshire mới quyết định rõ chân tướng của người sẽ trở thành tổng thống,” theo trình bày của cô Victoria Mathews, một sinh viên đang theo học môn kinh tế tài chánh ở Ðại Học New Hampshire nói với nhật báo The New York Post.

Theo cái nhìn của cô sinh viên mới 21 tuổi đang vận động cho ứng cử viên Dân Chủ Bernie Sanders, “Iowa chỉ là bước đầu, muốn đặt chân vào Tòa Bạch Ốc thì phải thắng ở New Hampshire.”

Không chỉ mình cô Victoria, nhiều nhà quan sát và chính cử tri New Hampshire cũng nghĩ như vậy. Trong bốn thập niên vừa qua, chỉ có 3 chính trị gia (gồm các ông Jimmy Carter, George W. Bush và Barack Obama) thắng Iowa và trở thành tổng thống Hoa Kỳ, tất cả những người khác dù thành công tại Iowa nhưng cuối cùng cũng phải loan báo rời cuộc đua, điển hình là hai ông Mike Huckabee và Rick Santorum từng tạo tiếng vang hồi 2008 và 2012 nhờ thành công ở Iowa, nhưng cũng chính là những người rời cuộc đua sớm nhất vì không thể đối chọi được với những đối thủ chính trị nặng ký hơn.

“Ðiều đó hoàn toàn đúng,” nhà phân tích Charles Wise của đảng bộ Cộng Hòa New Hampshire nói, cho rằng cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày Thứ Ba tuần tới (mùng 9 Tháng Hai 2016) sẽ quyết định vận mạng của nhiều người. “Từ năm 1980 đến giờ, Iowa chỉ chọn đúng 2 người đại diện cho đảng Cộng Hòa ra tranh chức tổng thống, chỉ có một người trở thành tổng thống là ông Georgw W. Bush.” Vì thế, “New Hampshire mới là nơi quyết định mọi chuyện, đặc biệt hiện giờ bên Cộng Hòa có tới 11 ứng cử viên, tôi dự đoán sau New Hampshire số người còn lại tối đa chỉ có chừng chục người.” Bên đảng Dân Chủ thì sao? “Chắc chỉ còn ông Sanders và bà Hillary Clinton, ông Martin O'Malley sẽ bỏ cuộc, vì có muốn đi nữa cũng chẳng còn tiền và chẳng có lợi ích gì cả.”

“Có thể ví cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang nào cũng là một chiến trường, nhưng nếu Iowa thường được coi là cuộc thử sức đầu tiên thì New Hampshire là nơi nắm ít nhất 60% thắng bại cho những ông bà đang ước mơ trở thành tổng thống,” theo nhận xét của chiến lược gia độc lập Becky Whitman đang làm việc tại Charlotte, North Carolina. “Mọi người đều vẫn còn hy vọng nếu không đứng trong 3 người về đầu ở Iowa, nhưng nếu vẫn không có tên trong 3 người về đầu ở New Hampshire thì tôi khuyên nên bỏ cuộc là vừa.” Bà Whitman nhắc lại lịch cử tranh cử 40 năm gần đây “xác nhận điều đó” tin tưởng “vẫn đúng cho cuộc tranh cử năm nay.” Hỏi liệu sau New Hampshire bên Cộng Hòa sẽ còn mấy ứng cử viên, bà Becky Whitman trả lời “con số hình xác thì khó nói, nhưng tôi có thể đoán biết trước là sẽ rơi như sung rụng.”

Có lẽ chính vì thế nên trong suốt Tháng Giêng vừa qua, tất cả các ứng cử viên Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đều “đặt một chân ở Iowa, chân còn lại đặt ở New Hampshire” - chữ của nhà quan sát Bill Sullivan, người hồi 2004 từng làm việc trong ban tham mưu của ứng cử viên Dân Chủ John Kerry. Ông Sullivan chia các ứng cử viên 2016 ra thành nhiều thứ bậc khác nhau, chẳng hạn như bên Cộng Hòa ông Trump và ông Ted Cruz nằm trong hàng bậc nhất, ông Marco Rubio và ông Chris Christie ở bậc nhì, các ông Rand Paul, Mike Huckabee đang ở bậc 3. “Sau Iowa, một số ông bà bậc nhì và bậc ba sẽ thử thời vận xem sao, trước khi quyết định có bỏ cuộc hay sẽ đi tiếp. Mọt yếu tố quan trọng khác cũng được ông Sullivan nói tới: nếu không có sẵn lực lượng tài trợ hùng mạnh, “đừng hòng xin được tiền sau khi thua cả Iowa và New Hampshire.”

Hiện giờ trong danh sách những người có tiền để đi đường dài, bên Cộng Hòa có các ông Ted Cruz, Jeb Bush, và - đương nhiên - có ông tỷ phú Trump; bên Dân Chủ cả ông Sanders và bà Clitnon cũng đang có trong tay cả trăm triệu, hứa hẹn sẽ đi đến cùng, bất kể họ thành công hay không thành công ở New Hampshire vào đầu tuần tới. Một thành viên Ban Tham Mưu của ông Jeb Bush từng nói mong 2 cuộc bầu sơ bộ Iowa và New Hampshire sớm kết thúc “lúc đó còn ít người, cử tri có cơ hội chọn mặt gửi vàng dễ hơn.”