main billboard

Bà con vội vã tiễn Dê đi và đón Khỉ về để chào mừng năm mới Bính Thân.


khi
    Thế mà thấm thoắt đã hết năm Ất Mùi. Bà con vội vã tiễn Dê đi và đón Khỉ về để chào mừng năm mới Bính Thân. Từ biệt chàng Dê bà con đâu quên được nỗi oan uổng của chàng khi bị coi như một cái gì xấu xa. Thật ra Dê chẳng có tội tình gì cả.

    Theo từ điển Anh Văn thì dê là "một con vật có sừng, có họ hàng với con cừu, cũng cho sữa và len, cũng có thể leo trèo những sườn đồi và dốc đá, hầu như ăn mọi thứ". Tuy có dáng đi xấu nhưng dê đực sở hữu khả năng hoạt động tình dục đứng hàng đầu trong giới động vật, mỗi ngày trung bình có thể “yêu” cả bày 60 chị dê cái nên được coi là biểu tương của tình dục, nhục duc. Đây là khả năng bẩm sinh, trời sinh ra vậy mà, đâu phải là tật xấu như của con… “người” cõi trần tục này! Oan biết mấy khi dê bị coi là biểu hiện cho thói dâm đãng cũng như tiếng dê kêu be, be cũng bị coi như một tiếng cười ngặt nghẽo và dâm dật.

    Thật là oan trái khi trong từ điển Anh Văn có thêm định nghĩa cho dê là "một người có hoạt động tình dục rất sôi nổi" (a man who is very active sexually). Riêng cái ông chuyên viên "mần" từ điển Webster nói thêm ngắn gọn rằng dê là "một người dâm đãng" (a lecherous man). Từ điển tiếng Việt của nước ta cũng ghi dê là “đa dâm” với câu thí dụ đi kèm là “Lão ta rất dê”!

    Người ta thường nói Đông là Đông, Tây là Tây và Đông, Tây khó mà gặp nhau, giống nhau được. Không rõ về các mặt chính trị, kinh tế, giáo dục, quốc phòng v.v... nó ra làm sao chứ riêng cái khoản... "Dê" nói trên đã chứng tỏ một cách hùng hồn ngược lại rằng Đông và Tây tuy hai phương trời cách biệt nhưng đã... "trí lớn" gặp nhau.

    Riêng về phương diện pháp luật "Dê" được lôi cổ ra để hành tội dưới nhiều hình thức khác nhau. Mở đầu là một tội hình sự mang tên gọi là "indecent exposure" (công xúc tu sỉ). Luật giải thích tội này như sau: "để đạt mục đích khêu gợi, kích thích, làm thỏa mãn ham muốn tình dục của chính mình hay của một người nào khác hơn là vợ chồng mình, đương sự trưng bày ‘của quý’ của mình trong những trường hợp mà đương sự biết là có thể làm người khác hổ thẹn hay sợ hãi." Tiếng Mỹ slang gọi nhưng người mắc bệnh này là "flasher". Đây là loại dê tương đối có tính cách "hòa bình", "bất bạo động" vì chỉ thuần túy về việc... "biểu dương lực lượng võ trang" mà thôi.     

    Đôi khi phái nữ chỉ mang "triển lãm" công khai có nửa phần trên của thân thể mình. Chuyện này có thể bị pháp luật làm khó dễ. Trong dịp lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống và phó Tổng Thống của hai ông Clinton và Gore vào đầu năm 1997 có ba cô gái ở trần, chỉ quấn có một mảnh vải che phần dưới và nhào ra đại lộ trước đám đông người để cho mọi người chú ý với biểu ngữ viết khẩu hiệu "I'd rather go naked than wear fur". Cứ tưởng lại cái trò "phụ nữ đòi quyền sống" gì đó của mấy “hĩm” trí thức thuở trước ở nước ta, ai dè mấy người này chỉ muốn đòi quyền sống cho... thú vật. Mấy cô này chỉ bị cảnh sát bắt giữ và phạt có 50 đô la mỗi người vì tội đã dám vượt qua hàng rào cảnh sát (police line).

    Hồi xa xưa các học sinh học chương trình Pháp ở Việt Nam thường được học một bài thơ trong đó có đề cập đến bàn tay của con người như sau: …"Voici ma main. Elle a cinq doigts. En voici deux. En voici trois". Bài thơ khô khan, tầm thường: "Đây là bàn tay của tôi, nó có năm ngón. Này đây hai ngón, này đây ba ngón". Chỉ khoe khoang cái phần kín đáo của thân thể là phạm tội "công súc tu sỉ", tội này tuyệt nhiên không có tính cách gì là "bạo động". Nếu đương chuyển sang giai đoạn tấn công nhẹ nhàng với “bàn tay năm ngón” nói trên bằng cách "cố ý sờ mó một cách bất hợp pháp vào những chỗ kín của người khác với mục đích làm hạ phẩm giá hay làm nhục nạn nhân hay làm thỏa mãn nhục dục cho chính mình" thì đây là tội "sexual contact" (tạm dịch là tội "đụng chạm tình dục").

    Trong trường hợp này thì đúng như lời của triết gia người Đức là Immanuel Kant nói rằng: "Bàn tay là phần có thể thấy của óc". Và tất nhiên phải than là: "Ôi ‘bàn tay năm ngón’ dù có ‘kiêu sa’ biết mấy chăng nữa vẫn sẽ đưa chủ nhân có máu ‘dê’ của nó ra khỏi cuộc đời... bình thường để vào nằm ‘nghỉ mát’ trong nhà đá, tha hồ có thời giờ yên tĩnh mà ôn lại bài vở về... cơ thể học!”

    Luật pháp có một chính sách đối phó với những ông "xếp" (hay ngay cả với các bạn cùng sở phái nam) khi những người này hiếu sắc, thường hay dùng những lời nói hay có những cử chỉ dâm đãng, tục tĩu khi tiếp xúc với nữ nhân viên. Có thể là những lời ong bướm, gạ gẫm sinh lý để đổi lấy việc tăng lương, thăng quan tiến chức, ân huệ, quyền lợi về công việc, hoặc đôi khi là hăm dọa đuổi việc v.v... Đây là cái tội "sexual harassment" (sách nhiễu tình dục). Tội “dê” này cũng áp dụng cho cả những nhân viên phái nam bị "xếp" phái nữ "nài hoa ép liễu" (sic!) và ngay cả các nam cũng như nữ "xếp" cùng một "sex" với nạn nhân.

de    Đối với các chàng Sở Khanh có một loại tội riêng là tội "seduction" (quyến rũ). Luật pháp định nghĩa tội này như sau: "xúi giục một người nữ độc thân, trinh trắng làm tình với mình bằng cách quyến rũ, lừa gạt, nịnh hót hay hứa hẹn cưới hỏi." Thông thường nạn nhân của tội “dê” này là một trinh nữ độc thân (a chaste, unmarried woman). Theo "thông pháp", quyến rũ thường chỉ tạo ra một trách nhiệm dân sự và nạn nhân chỉ có quyền đòi bồi thường thiệt hại. Ngày nay nhiều tiểu bang xếp loại quyến rũ vào tội phạm hình sự. Nhưng nếu chàng Sở Khanh thay vì "quất ngựa truy phong" nhưng lại vội vàng hợp thức hóa bằng một đám cưới với “nạn nhân” thì sẽ được miễn tội.

    Ở nước Mỹ thiếu gì những kẻ bệnh hoạn về tinh thần nên nếu bạn phải nghe những cú điện thoại của kẻ lạ gọi đến, đề cập tới những chuyện dâm ô tục tĩu thì bạn có thể báo ngay cho công ty điện thoại. Theo Đạo luật truyền thông liên bang thì kẻ nào gọi điện thoại quấy rối người khác bằng chuyện thả “dê” tục tĩu có thể bị phạt tiền, phạt tù hoặc bị cả hai hình phạt này. Đây là loại "obscene phone calls". Luật pháp nhiều tiểu bang cũng cấm đoán cả những lời phê bình, đề nghị, gợi ý có tính cách dâm ô tục tĩu qua điện thoại nữa.

    Đôi khi bạn nhận được những quảng cáo về các loại phim ảnh dâm ô, tục tĩu. Nếu không muốn những loại này tiếp tục gởi đến nhà bạn bằng đường bưu điện thì bạn nên liên lạc với bưu điện, yêu cầu ghi tên bạn vào một danh sách đặc biệt những người không muốn nhận những loại quảng cáo tương tự (ads for X-rated films). Khi đã ghi tên rồi thì kẻ nào còn tiếp tục gởi những loại quảng cáo tục tĩu đến nhà bạn nữa sẽ bị pháp luật trừng trị ngay vì đó là một "tội phạm liên bang".

    Khi máu dê gia tăng nồng độ, con người mất cả lý trí không làm chủ được mình và mở cuộc tấn công mạnh bạo bằng vũ lực "ép buộc người đàn bà làm tình dù người ta không đồng ý" thì theo "thông pháp" (common law) đây là môt tội đại hình được gọi là "rape" (hiếp dâm). Theo các tài liệu thống kê thì trung bình cứ trong một khoảng thời gian là 6 phút đã xảy ra một vụ hiếp dâm ở Mỹ. Cứ trong 4 vụ hiếp dâm thì một vụ có nhiều thủ phạm cùng tham gia... “bề hội đồng.” Cần lưu ý là theo "thông pháp" thì một chú choai choai dưới 14 tuổi không thể phạm tội hiếp dâm. Công dân này được pháp luật coi là "mất năng lực" luật định. Cùng lắm chỉ bị truy tố về tội "bạo hành". Tương tự như kẻ "bất lực" không thể bị truy tố về tội "hiếp dâm" nhưng có thể bị truy tố về tội "bạo hành" và "giam giữ bất hợp pháp" đối phương của mình. Luật lệ chỉ coi đàn bà mới có thể là nạn nhân của tội "hiếp dâm" hay sao? Chẳng thấy ai nói chuyện nạn nhân có thể là... đàn ông cả. Về mặt này quả thật nam nữ chưa bình quyền bình đẳng chút nào (sic!).

    Sự phản kháng của nạn nhân là một yếu tố quan trọng cấu thành tội phạm “hiếp dâm”. Nếu nạn nhân không phản đối gì thì thành ra chuyện… "chung vui" rồi. Tuy thế cần lưu ý trường hợp nếu nạn nhân quá ít tuổi thì dù nạn nhân có ưng thuận chăng nữa vẫn có tội. Đây là tội "statutory rape" (hiếp dâm luật định).

    Một loại tội khác xảy ra nhân những cuộc đưa đón, hò hẹn hoặc gần gũi nhau. Đây là loại "date rape" (hiếp dâm hò hẹn). Vấn đề "date rape" là một vấn đề khó khăn vì khó chứng tỏ lúc nào nạn nhân đồng ý hay chống đối? Thủ phạm có dùng vũ lực hay không? Có luật gia đề nghị là chỉ nên kiện về dân sự đòi bồi thường thiệt hại (negligence). Luật pháp chưa thống nhất về vụ “dê” kiểu này.

    Sau khi kết hôn, cả vợ lẫn chồng đều có bổn phận "đồng cư", cùng "chung chăn chung gối" với nhau. Đây là một nghĩa vụ mà pháp luật gọi là "sexual obligation" (nghĩa vụ sinh lý). Một trong hai vợ chồng không thể từ chối nghĩa vụ này nếu không có lý do chính đáng, thí dụ như đau ốm, bệnh hoạn... Nếu một bên liên tục từ chối thì "thuốc chữa" duy nhất là ly dị hoặc tiêu hủy hôn thú. (Thật là... không “dê” cũng khổ!) Một ông chồng không có khả năng hoàn tất nghĩa vụ sinh lý sẽ bị coi là bất lực “impotency”. Đây là một lý do tiêu hủy hôn thú theo luật tại đa số các tiểu bang, nếu sự bất lực này có từ trước khi cưới. Nếu sau khi cưới rồi mới bị bất lực thì thủ tục cần theo là ly dị. Sự bất lực cũng phải không thể chữa trị được bằng điều trị y khoa, giải phẫu. Cũng cần phân biệt sự bất lực với sự hiếm muộn, không sinh sản (sterility).

    Theo “thông pháp” nếu hai vợ chồng còn sống chung với nhau thì người chồng không thể bị khép vào tội hiếp dâm vợ được, ngay cả trong trường hợp người vợ không ưng chịu và người chồng đã xử dụng đến vũ lực. Trong những năm gần đây luật pháp đã thay đổi, một số tiểu bang đã chấp nhận khái niệm "marital rape" (tạm dịch là "hiếp dâm trong hôn nhân”) và do đó người chồng có thể bị truy tố về hình sự. Tuy vậy một số tiểu bang khác chưa chấp nhận khái niệm này và chỉ truy tố người chồng về tội "bạo hành". Cái chuyện lẩm cẩm này hoàn toàn chỉ có ở phương Tây. Người đàn bà phương Đông có lẽ tuyệt vời hơn vì lúc nào cũng tỏ ra chiều chuộng chồng hết mình, ngay cả lúc đang bận rộn tứ bề về việc nội trợ trong gia đình:  
  “Trong khi lửa tắt, cơm sôi,
  Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem.
  Bây giờ lửa đã cháy lên,
  Cơm đà sắp chín, tòm tem... thì tòm".

   Nghĩ lại ở Việt Nam vào những năm xa xưa người 50 tuổi đã được gọi là cụ rồi. Khổng Tử nói về người đến tuổi 70: “Thất thập nhi tùy tâm sở dục” (người bẩy mươi tuổi muốn làm gì thì làm). Ấy chết! Xin các cụ nên coi chừng kẻo phạm vào các tội liên quan đến chú dê như đã kể ở trên đấy nhé! Tuy ngoại quốc có quan niệm “Life short – Play hot” nhưng cũng xin nhớ là tục ngữ xứ Tây Ban Nha có một câu nói rằng: “Với một ông lớn tuổi thì một phụ nữ trẻ là con ngựa mà ông ta cưỡi về địa ngục”! Nghe cũng chí lí quá xá đi chứ! Vậy thì xin “bảo trọng”!

khi2    Sau khi tiễn chàng Dê đi khỏi năm cũ, bà con đón chú Khỉ về trong năm mới Bính Thân. Trong văn hóa đại chúng hình ảnh chú khỉ cũng có một vị trí nhất định. Trong 12 con giáp, Thân là con Khỉ đứng hạng thứ 9. Loài Khỉ có đặc tính giống loài người, thuộc loài có vú, sanh con, thường ở trong rừng, ưa nhảy nhót, đu chuyền từ cây này sang cây khác, sống từng đoàn, thông minh hơn các thú vật khác, nên thường bắt chước loài người.

    Khỉ đi vào đời sống văn hóa người châu Á nên trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, khỉ cũng được nhắc đến. Hình ảnh con khỉ biểu tượng như là sự nghịch ngợm, tinh nghịch, láu lỉnh, trộm cắp, nhanh nhẹn. Khỉ trong tiếng Việt được coi là những câu rủa, câu mắng khi gặp trắc trở hoặc không vừa lòng. Thí dụ: “Khỉ thật! Đồ khỉ! Khỉ gió! Khỉ khô! Khỉ mốc! Bố khỉ!” Rồi còn những câu chế giễu người hay pha trò, bắt chước, làm trò hề như: “Mặt nhăn như khỉ! Nhăn nhó như Khỉ ăn gừng! Nhăn như khỉ ăn ớt!”…

    Họ hàng nhà Khỉ còn có tên gọi là Bú Dù, Đười Ươi và Vượn v.v… Khỉ đột tiếng nước ngoài là gorilla. Đười ươi là khỉ lớn. Bà con nói “đười ươi giữ ống” để ám chỉ những kẻ tưởng mình đắc thắng nên tự kiêu một cách ngốc nghếch. Vượn là khỉ có hình dáng giống người, không có đuôi, hai chi trước dài và có tiếng hót hay. Bà con thường nói “chim kêu, vượn hót”. Ngoài ra cũng còn có những câu khác cũng liên hệ tới chú Khỉ như “khỉ ho, cò gáy” để chỉ nơi hẻo lánh ít người qua lại. “Khỉ chê khỉ đỏ đít” ý nói mình cũng xấu lại mở miệng chê người khác. “Khỉ già!” để rủa người già. Ở Nam Bô, chiếc cầu tre bắc qua kênh rạch ở vùng sông nước được gọi là “cầu khỉ”…

    Có những chú khỉ đã trở thành biểu tượng như Tôn Ngộ Không, còn gọi là Tề Thiên Đại Thánh, là nhân vật chính trong tiểu thuyết “Tây Du Ký”, nhân vật giả tưởng này có thể được xem là nổi tiếng nhất trong văn học Trung Hoa. Tôn Ngộ Không là một pháp sư, nhà sư, thánh nhân và chiến binh, có hình thể là một con khỉ, nhân vật được phỏng theo truyện dân gian từ thời nhà Đường. Tây Du Ký thuật lại cuộc phiêu lưu của Tôn Ngộ Không từ lúc mới sinh ra, đặc biệt là lúc theo làm đệ tử của Đường Tam Tạng để đi thỉnh kinh tại Tây Thiên (Ấn Độ).

    Hanuman trong thần thoại Ấn Độ cũng là khỉ. Các đền thờ khắp nước Ấn Độ đều có hình ảnh vị thần khỉ nổi tiếng này với vũ khí là quả chùy, biểu tượng của lòng dũng cảm. Ở Phương Tây thì xuất hiện nhân vật King Kong, một khỉ đột khổng lồ. Con ác thú này được hư cấu trong nhiều loại tác phẩm, đặc biệt là điện ảnh.

    Tuy từ Khỉ không "thi vị" nhưng trong văn học hình ảnh chú Khỉ dưới tên gọi là Vượn cũng vẫn được chiếu cố rất nhiều. Phải chăng vì ảnh hưởng văn chương Trung Hoa thời cổ cho con Vượn là "quý phái", ví như "quân tử" của rừng xanh trong khi giống khỉ tầm thường thì bị thức ăn của con người mua chuộc.
   
    1) Trong văn học dân gian, có truyện nôm “Bạch Viên Tôn Các”, còn gọi là “Lâm Tuyền Kỳ Ngộ” được viết vào khoảng đầu thế kỷ thứ 17. Đây là một truyện dài bằng thơ, gồm 146 bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Thêm một bài thơ tứ tuyệt và một bài theo thể hát nói ở cuối tác phẩm. Chưa ai tìm ra được tên tác giả. Nội dung dựa vào một truyện cổ tích đời Đường bên Trung Quốc.

    Truyện miêu tả cuộc tình duyên giữa một nho sinh và một con Vượn trắng (Bạch viên) đã hoá thành người. Con vượn trắng vốn là tiên bị trích xuống cõi trần và đến chùa Phi Lai tu hành. Tính chất lãng mạn, tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, chống những hạn chế của tôn giáo, mạnh dạn biểu lộ những yêu cầu hạnh phúc của con người, của phụ nữ, đã làm nên giá trị chủ yếu của tác phẩm.
 
     2) Chú Vượn cũng được mang vào sách giáo khoa để dạy dỗ trẻ em về lòng hiếu thảo với cha mẹ. Có câu truyện kể rằng: “Vượn mẹ bị trúng tên, biết mình không thể sống được bèn vắt sữa ra rừng cho con uống. Xong rồi vượn lăn ra chết. Người thợ săn quay về phía vượn con và cầm roi quất vào xác vượn mẹ. Vượn con thấy thế, kêu gào thương xót, chạy ngay lại gần xác mẹ và do đó bị người đi săn bắt sống. Lúc về nhà, cứ đêm đêm, vượn con nằm phục bên xác mẹ thì mới yên; nhiều khi lại ôm lấy xác mẹ kêu gào, vật vã, rất thảm thiết. Không được mấy hôm, vượn con cũng chết”.

    3) Trong văn học Việt Nam cổ điển, Vượn đã xuất hiện rất sớm tự thời đầu của chữ Nôm đời Trần, trong bài Phú vịnh chùa Hoa Yên trong “Thiền Tông Bản Hạnh”. Bài tả cảnh chùa ở núi Yên Tử này được cho là của thiền sư HUYỀN QUANG. Thiền sư Huyền Quang có lẽ là người đầu tiên đã sử dụng văn liệu ấy đối với loài vật. Không phải chỉ có con người mà cả các loài vật khác cũng cùng được nghe kinh kệ:
  “Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng,
  Vượn bồng con cời cửa nghe kinh.
  Nương am vắng, Bụt hiện từ bi,
  gió hiu hiu, mây nhè nhẹ
  Ghé song thưa, thầy ngồi thiền định,    
  trăng vằng vặc, núi xanh xanh”.
  (Óc bạn là gọi bạn, cời cửa là dựa cửa.)

    4) Ðến ÐÀO DUY TỪ thì đối tượng nghe kinh vẫn còn là những chú Vượn, lẫn trong đàn chim đông đảo kia là những chú chim đẹp như oanh, yến, hạc:
  “Thời lành cả mở hội lành
  Reo đưa gió Phật, quét thanh bụi tà.
  Vầy đoàn yến múa, oanh ca
  Vượn xanh dâng trái, hạc già nghe kinh.”

    5) Hình ảnh chú Vượn cũng được thi hào NGUYỄN DU ghi nhận lại trong bài thơ “Vọng Quan Âm Miếu”:
  …“Ðình vân xứ xứ tăng miên định,
  Lạc nhật sơn sơn viên khiếu ai.
  Nhất chú đàn hương tiêu tuệ nghiệp,
  Hồi đầu dĩ cách vạn trùng nhai.”

    Bản chuyển ngữ của Tâm Minh ghi là “Trông lên miếu Quan Âm”:
  …“Muôn nơi mây tụ sư yên giấc
  Khắp núi chiều buông vượn hú người
  Một nén nhang thơm trừ nghiệp tuệ
  Quay đầu non nước cách trùng khơi.”

    6) Trong tập thơ Nôm đầu tiên của nước ta, NGUYỄN TRÃI cũng đã tả cảnh nhà mình tại Côn Sơn với tiếng Vượn:
  “Dấu người đi là đá mòn
  Đường hoa vấn vít trúc luồn
  Cửa song rãi xâm hơi nắng
  Tiếng vượn vang kêu cách non”

    Như vậy, thời ấy vượn còn sống rất gần với người. Nguyễn Trãi nhiều lần dùng chữ Viên Hạc theo điển cố:
  “Thề cùng viên hạc trong hai ấy
  Thấy có ai han chớ đãi đằng.”
  (Han: nghĩa là hỏi han. Ý nói chớ thiết tha với những quan hệ xã hội.)

    Nguyễn Trãi ghi lại tâm trạng thoát tục, phiêu diêu khi đi du ngoạn viếng cảnh chùa Tiên Du trên núi biếc xanh ngàn. Mấy câu thơ sau đây muốn nói: “Chiều hôm tiếng vượn kêu rộn rã. Núi trống và bóng trúc thì dài ra. Trong cảnh ấy thật có ý. Muốn nói ra bỗng lại quên lời”:
  … “Nhật mộ viên thanh cấp,
  Sơn không trúc ảnh trường.
  Cá trung chân hữu ý,
  Dục ngữ hốt hoàn vương”

    7) Chú Khỉ cũng được TÚ XƯƠNG đề cập tới khi thi sĩ không thực tâm coi trọng giá trị của khoa cử. Trong toàn bộ nền thi ca Việt Nam không ai “vạch cái bộ mặt thật của khoa cử”, chế giễu đả kích và chửi rủa nó thậm tệ như Tú Xương:
  …“Thi thế mà cũng thi
  Ới khỉ ơi là khỉ!”
 …“Sơ khảo khoa này bác cử Nhu,
  Thật là vừa dốt lại vừa ngu!
  Văn chương nào phải là đơn thuốc?
  Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu!”

    8) Chú Khỉ cũng xuất hiện trong thơ NGUYỄN NHƯỢC PHÁP. Trong bài thơ “Chùa Hương” thi sĩ tả cảnh chùa trong thiên ký sự của một cô bé ngày xưa:
  “Réo rắt suối đưa quanh,
 Ven bờ, ngọn núi xanh,
  Nhịp cầu xa nho nhỏ:
  Cảnh đẹp gần như tranh.

  Sau núi Oản, Gà, Xôi,
  Bao nhiêu là khỉ ngồi.
  Tới núi con Voi phục,
  Có đủ cả đầu đuôi.”

    9) Chú Vượn cũng xuất hiện nhiều lần trong thơ ĐINH HÙNG với “Mê Hồn Ca” và “Đường Vào Tình Sử”. Khi tiếp xúc với rừng núi Việt Bắc, vùng Bắc Kạn thi sĩ cũng đã tả không khí hoang dã thời 1940, hình ảnh chú vượn thật buồn bã:
  “Ta mê tiếng vượn sầu muôn kiếp,
  Chim núi cầm canh, hoẵng gọi bầy.
  Nét mặt hoa rừng, mưa giấc ngủ.
  Ngàn thương, mái tóc xõa như mây.”
  (Lâm Tuyền Viễn Mộng)

  “Rồi những đêm sâu bỗng hiện về
  Vượn lâm tuyền, khóc rợn trăng khuya
  Đâu đây u uất hồn sơ cổ
  Từng bóng ma rừng theo bước đi”
  (Những Hướng Sao Rơi)

  “trải sóng nước, vượt qua rừng châu thổ
  ta lên đây nghe vượn hú kêu sầu
  cảnh diễm lệ ngẩn ngơ hồn cầm thú
  thôi dừng chân, xem Nhan Sắc lên ngàn.”
  (Người Gái Thiên Nhiên)

    10) Tới đây tất nhiên phải nhắc tới BÙI GIÁNG, người thơ tự xưng mình là “Đười Ươi Thi Sĩ”. Trong bài thơ chép tặng một thi hữu Bùi Giáng viết như sau:
  …“Beo và gấu đầu tiên chạy trốn
  Vượn đìu hiu nhìn lộn cây hoa
  Em về giũ áo phù sa
  Tiền trình vạn lý anh là đười ươi”

    Trong thơ Bùi Gi�