main billboard

“Người ơi người ở đừng về, ... Em níu vạt áo em đề bài thơ...”


“Tôi thực sự xúc động.
Tình cảm của nhân dân Việt Nam đã lay động trái tim tôi.
Chưa bao giờ tôi thấy gần gũi với Việt Nam như thế.”

(Barack Obama)

obama tranhve
Bức tranh vẽ Obama bằng bút chì than của Bùi Anh An được đánh giá là đẹp nhất, với hơn 6,000 likes.

“Người ơi người ở đừng về,
Em níu vạt áo em đề bài thơ...”

Câu hát quan họ tình tứ của xứ Bắc Ninh ngày trước để nói về một người thương, khi chia xa còn bịn rịn, không ngờ hôm nay, con người Việt Nam lại có thể ứng dụng vào cho ông Barack Obama.

“Yêu Nàng, bao nhiêu người làm thơ...” Chúng ta vẫn thường làm thơ cho người yêu, có khi làm thơ nói về Mẹ, có khi làm thơ cho con, nhưng chưa bao giờ thấy ai làm thơ cho một chính khách ở một đất nước xa xôi, vừa ghé thăm thành phố của mình. Người ấy phải có cái mãnh lực hấp dẫn chừng nào mới làm cho trái tim con người lay động đến thế, những con tim tưởng chừng đã khô máu bởi chiến tranh, tù đày và bây giờ bởi những khổ đau xót xa phải chịu đựng của kiếp con người

Xin các bạn hãy nghe câu thơ sau đây của một người con gái Việt Nam vô danh, không phải dành cho người yêu của cô, mà chính là dành cho vị tổng thống Mỹ, người mà cô chỉ có thể thấy đằng xa, hay không được thấy, cũng có thể là chỉ thấy qua hình ảnh trên báo chí hay màn ảnh, mà bỗng dưng cô đã “phải lòng!” Tình yêu ấy cô đọng trong hai câu thơ ngũ ngôn:

“Sao yêu Anh đến thế,
Anh chạm trái tim Em!” (PT.)

Tác giả Nguyễn Hữu Thao với những dòng thơ tự do:

“Đừng vội về Obama ơi, làm chúng tôi đau buồn
Dẫu biết rằng phút chia tay rồi sẽ đến
Mới ba ngày bên nhau mà vô cùng quyến luyến
Anh đã ‘lay động hàng triệu con tim chúng tôi!’”

Và khi Air Force One đi rồi, ông Thao, một người Việt Nam, còn thấy cả bầu trời trống trải:

“Đừng vội nâng thang lên, máy bay khoan đóng cửa.
Giờ nhìn lên bầu trời trống trải dõi theo...”

Trong trang Facebook của Nguyễn Thị Lan:

“Ôi! Tổng thống nhà người ta ơi...!
Có quá nhiều điều Ngài chạm được trái tim dân tôi!”

Hay hai câu lục bát sau đây của HT7:

“Chuyến thăm tốt đẹp không ngờ
Ba ngày như một giấc mơ tuyệt vời!”

Không làm thơ, thì người Việt Nam bày tỏ tình cảm của mình qua những dòng tâm sự.

Một nữ độc giả từ Việt Nam, viết trong một email:

“Ông Obama đi rồi, em vẫn còn lâng lâng. Em nhớ ông ấy!”

Tâm trạng lâng lâng như vừa nhấp một chút rượu nồng này phải chăng là dấu hiệu của tình yêu. Nếu là phái Nam, bạn đã bao giờ được nghe một người con gái nói với bạn những lời ngọt nào như thế bao giờ chưa? -Anh đi rồi, hồn em lâng lâng. Em nhớ Anh!

Rapper Suboi, người may mắn đã được gặp mặt và trao đổi với Obama thì tâm sự:

“Tôi cảm thấy ấm áp từ trong tim khi tiếp xúc với người đúng đầu Nhà Trắng Mỹ.”

Nguyễn Trần Phương Linh:

“Dường như Ngài đã xóa tan khoảng cách giữa một vị tổng thống và người dân bằng những nụ cười hạnh phúc. Mãi mãi yêu quý Ngài!”

Người ta gọi Obama bằng đủ thứ đại danh từ, từ Ông, Bác, Ngài, Chú, Anh:

“Giỏi giang, thân thiện, tình cảm, vui tính. Con thật yêu quý Bác Barack Obama!”

“Nụ cười tỏa nắng! Yêu quý Ngài.” (Li Zealous )

“Chúng tôi yêu vẻ đẹp tỏa từ Ngài.” (Thương Hoài)

“Công nhận, mik rất thích ‘chú’ tổng thống này!” (Thoa Nguyen)

“Đứng chờ ông gần 3 tiếng đồng hồ... khoảnh khắc xe ông chạy tới..cảm xúc thật khó tả...mặc dù không thấy được mặt ông nhưng cảm thấy cực kỳ hạnh phúc.” (Cheryl Chung)

“Thông qua bức tranh mình muốn gửi gắm tình cảm người Việt Nam nói chung và bản thân mình nói riêng rất quý mến Ngài và cảm nhận được một điều gì đó từ Ngài đã chạm đến trái tim người Việt Nam. Bên cạnh đó, khi thực hiện bức tranh này thể hiện niềm vui, sự phấn khởi của mình khi Ngài đặt chân tới Sài Gòn nơi mình sinh sống.” (HS. Huỳnh Quốc Tuấn)

Không những làm thơ, viết văn những người yêu quý Obama còn vẽ chân dung ông như Nguyễn Tấn Đạt (Đồng Nai) Túy Nguyệt (Thủ Dầu Một) Nguyễn Thị Hường (Hải Phòng) Nguyễn Tấn Hậu (Hà Nội) Võ Thị Thịnh ( Quảng Nam) Lê Công Duy Tính (Gia Lai) Minh Hy, Bảo Trâm, Đặng Tuấn Bảo & Võ Quốc Vẹn đã thức suốt 2 đêm để vẽ bức tranh màu nước Obama với Chùa Một Cột, chàng trai 9X Huỳnh Quốc Tuấn, sinh viên năm 4 của trường đại học Hutech đã dùng tro giấy đốt để thực hiện một bức tranh đặc biệt cho Obama... Trong số họa sĩ chuyên và không chuyên này, bức tranh của Bùi Anh An được coi như là đẹp nhất với 6,000 likes.

Có người đã so sánh chuyến viếng thăm Việt Nam trong tháng 5, 2016 của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama với Chủ Tịch Cập Tận Bình vào tháng 11, 2015, cũng như đối với hai vị tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm là Ông George W. Bush và Bill Clinton. Chưa bao giờ dân Việt Nam đón một vị tổng thống nước ngoài đến thăm Việt Nam nồng nhiệt đến như vậy. Không phải Sài Gòn mà Hà Nội, nơi đã chịu những trận bom của Mỹ, đã tràn ra đường để đón Obama, không như là một cựu thù mà là một người bạn thiết lâu năm trở về. Chắc chắn là nhiều người không thể đến gần để bắt tay ông, nhưng chỉ thấy đoàn xe ông chạy qua ở xa là đã thấy vui rồi.

Ở trong các chế độ độc tài Cộng Sản, chính phủ thường phải kêu gọi trong loa phường hay gõ cửa từng nhà đi bắt dân ra đường đứng nắng để đón lãnh tụ, nhưng đối với Tổng Thống Obama, người dân tự động vẽ bích chương, biểu ngữ chào mừng ông, và đổ xô ra đường đi đón ông.

Người ta kể một mẩu chuyện vui là ngày ông Obama đến Hà Nội- Sài Gòn, mẩu tin nhắn được đọc nhiều nhất trong trong cả triệu điện thoại cầm tay là: “Hôm nay, em chịu khó đi đón con ở trường. Anh bận đi đón tổng thống!”

Nếu được nói rõ ra, dân Việt Nam cần gì, thì như Suboi đã vừa khóc vừa nói: “Cháu vô cùng cảm kích về những gì Tổng Thống Obama nói về tự do, dân chủ và nhân quyền. Mong sao chúng ta sớm có được như vậy.” Đó là những gì người dân Việt Nam hiện không có, đang khao khát, những khao khát nhiều lúc không thể nói ra.

Người dân Việt Nam có dịp nhìn rõ con người, lối sống, đất nước... biết so sánh giữa cái đẹp, cái xấu. Obama lại đến Việt Nam giữa lúc chúng ta đang lúc khổ đau, phiền muộn.

Phải chăng như phát biểu của một người trẻ ở Việt Nam, câu nói nghe buồn và tuyệt vọng: “Ông đến đây cho chúng tôi một niềm vui lẫn hy vọng... bây giờ ông lại đi, chúng tôi buồn và trở về cuộc sống cũ...”

Xin đừng ngồi yên. Tương lai đất nước này ở trong tay các bạn!

“Tôi ơi đừng tuyệt vọng!” (TCS)

(*) Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi. (Phan Khôi)