main billboard

Và nếu không bị phát hiện, ít nhất 30,000 gia đình có thể bị nhiễm độc nếu số cá này được tuồn ra thị trường một cách trót lọt.


HÀ NỘI (NV) - Chiều 13 tháng 6, nhóm chiến dịch “Chống Thực Phẩm Bẩn” do Diễn Ðàn Nhà Báo Trẻ khởi xướng và hoạt động đã công bố cho biết, chỉ trong 3 tháng phát hiện gần 500 vụ vi phạm an toàn thực phẩm.

Tờ báo Pháp Luật Sài Gòn dẫn tin cho biết, lần thứ 10 công bố danh sách địa chỉ đen này ngoài những thực phẩm luôn đứng đầu danh sách vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) như thịt heo, thịt gà, thịt vịt, thịt bò, mỡ bẩn, dầu bẩn với số lượng lớn đã quá quen thuộc, đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của chất Phenol trong cá biển ở miền Trung.

thitban
Thịt bẩn vận chuyển về Sài Gòn tiêu thụ bị Trạm Kiểm Dịch Ðộng Vật Thủ Ðức phát hiện, ngăn chặn. (Hình: Thanh Niên)

Ðây là chất cực độc, tuyệt đối cấm, không được phép có trong thực phẩm nhưng lại phát hiện có trong cá nục đông lạnh với khối lượng lên tới 30 tấn, hàm lượng 0.037mg/kg tại Quảng Trị. Và nếu không bị phát hiện, ít nhất 30,000 gia đình có thể bị nhiễm độc nếu số cá này được tuồn ra thị trường một cách trót lọt.

Tuy nhiên, đây chỉ là lô hàng bị phát hiện. Câu hỏi đặt ra là liệu có bao nhiêu tấn cá nhiễm độc đã và đang trên đường đến với mâm cơm người dân Việt Nam mà cơ quan chức năng không phát hiện?

Cũng theo nhóm “Chống Thực Phẩm Bẩn,” tình trạng thực phẩm bị làm giả cũng đang ở mức báo động. Hàng được làm giả bất kể thứ gì từ nước khoáng giả, giấm ăn giả, rượu giả, bột ngọt giả, đường giả... cho đến trứng, măng, bột mì, mì sợi, rau củ quả...

Ông Nguyễn Thanh Phong, cục trưởng Cục An Toàn Thực Phẩm cho rằng, cần xử lý vi phạm ATTP và khuyến cáo người dân nên mua thực phẩm ở những nơi có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng, được chứng nhận của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, trả lời phóng viên VTC News chiều ngày 11 tháng 6 về việc phát hiện chất phenol trong mẫu 30 tấn cá nục của cơ sở bà Lê Thị Thuộc, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đang gây dư luận mạnh mẽ, ông Võ Văn Hưng, giám đốc Sở Nông Nghiệp tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận hải sản đánh bắt xa bờ và giấy chứng nhận hải sản an toàn chỉ mang tính tương đối.

“Cấp giấy để chứng nhận cá sạch chứ an toàn hay không thì chưa biết” (?!), ông Hưng nói. Xem ra tình hình về thực phẩm bẩn ở Việt Nam vẫn rất phức tạp rất khó triệt tiêu. (Tr.N)