Văn hóa chửi dường như làm cho quán bún trở nên hấp dẫn với nhiều người dân thủ đô, nên ùn ùn kéo nhau đến ăn mà để nghe chửi khiến cho quán trở nên nổi tiếng với tên gọi quán “bún chửi”.


buncha obama
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016, Tổng thống Barack Obama đã ghé vào một quán ăn bình dân, quán Hương Liên, để thưởng thức món bún chả nổi tiếng của Hà Nội.

Hình ảnh Tổng thống Mỹ cùng với Anthony Bourdain – nhà sản xuất chương trình “Parts Unknown” về ẩm thực thế giới cho kênh truyền hình CNN – ngồi ghế nhựa, uống bia chai, cầm đũa ăn bún chả là cách quảng bá tốt nhất cho văn hóa ẩm thực của Việt Nam.

Ẩm thực Việt lại một lần nữa lên ngôi. Năm 2000 Tổng thống Bill Clinton khi đến Việt Nam đã ghé ăn phở ở quán Phở 2000 tại Sài Gòn. Năm 2006 Tổng thống George W. Bush (con) cùng với Thủ tướng Úc John Howard vào Sài Gòn đã được thưởng thức các món ăn Huế ở quán Tib của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Tôi cũng thích ăn bún chả. Nhưng ở Mỹ ít thấy bán và khó tìm được một quán có món này vừa ý.

Ngày còn ở quê nhà, đối diện trường Thánh Tâm, nay là trung học cơ sở Tân Bình, nơi tôi học cấp 2, có quán bún chả mà chiều chiều khói thịt nướng từ những lò than hồng đặt trước tiệm bay lên thơm phức cả một khúc đường làm cho bụng dạ đám học trò càng cảm thấy đói mỗi khi tan trường. Lớn lên, được ăn ở đó vài lần và thấy ngon.

Bên Mỹ không có nhiều quán bán bún chả, có thể vì cách nấu nướng khó khăn, nếu không được nướng bên ngoài bằng bếp than, như kiểu nướng BBQ, thì thịt sẽ không thơm ngon.

Ở Little Saigon, Quận Cam, trên phố Bolsa trước đây có quán với tên “Bún chả Hà Nội”, trong khu Hanoi Plaza, mà một lần tôi được gia đình bạn đưa đến ăn và thấy ngon. Lần khác ghé vào thì quán đã đổi chủ nên mất hương vị cũ và không còn ngon như trước. Gần đó, cũng trên phố Bolsa, có “Bún chả Thăng Long” nhưng không hấp dẫn nên tôi chỉ ghé ăn một lần rồi thôi.

Vùng San Francisco, nhà hàng Ao Sen ở Oakland có bún chả mà tôi thích ăn. Tôi chỉ chọn thịt nướng và không chả, ăn với sà-lát và các loại rau thơm.

Thịt heo ba rọi phải ướp đúng gia vị và nướng trên bếp than hồng. Vì thế bún chả ở Ngã Ba Ông Tạ hay ở phố Hàng Mành Hà Nội mà tôi đã được thưởng thức đều ngon.

Ở Mỹ không dám ăn mỡ nhiều, nhưng thịt bún chả mà nạc quá cũng không ngon. Một món ăn ngon hay dở thì tùy khẩu vị của từng người. Với tôi ăn bún chả phải có tía tô, kinh giới cùng đu đủ xanh ngâm nước mắm chua cay ngọt.

Sau bữa ăn bún với Tổng thống Obama, Anthony Bourdain đã làm một chương trình giới thiệu ẩm thực Việt Nam cho kênh CNN. Trước đây ông đã có một chương trình về ẩm thực Việt, nhưng chú trọng nhiều đến các món ăn cung đình của Huế.

Chương trình bún chả được chiếu trên kênh CNN tối 25/9/2016 và đã gây phản ứng bất bình cho nhiều người Việt trong và ngoài nước, vì bên cạnh món bún chả được tổng thống Mỹ nhiệt tình thưởng thức là hình ảnh một quán bún khác, trên đường Ngô Sĩ Liên, với nhiều người ghé ăn, dù bà chủ quán nổi tiếng là hay chửi vào mặt khách.

Văn hóa chửi dường như làm cho quán bún trở nên hấp dẫn với nhiều người dân thủ đô, nên ùn ùn kéo nhau đến ăn mà để nghe chửi khiến cho quán trở nên nổi tiếng với tên gọi quán “bún chửi”.

Có thể người miền Bắc đã quen với những lời chửi mắng hàng ngày, vì thế sự kiện chủ quán chửi rủa khách như tát vào mặt cũng không là điều quan tâm và vẫn đến ăn.

Sau khi hình ảnh bún chửi được phát đi, quan chức Thủ đô Hà Nội cảm thấy xấu hổ với cách ứng xử của chủ quán.

Ai xem chương trình hôm đó cũng thấy, tuy bà chủ đã bớt miệt thị và xỉ vả, nhưng những lời nói của bà đã đã làm mất đi vẻ đẹp của thủ đô nước Việt trước khán giả thế giới. Hình ảnh không tao nhã đó đã khiến chính quyền đưa ra đề xuất về một bộ qui tắc ứng xử cho cư dân làm theo để được văn minh hơn, lịch sự hơn qua lời nói, qua cách ăn mặc.

Đã nửa năm qua, không rõ đến nay đề xuất này ra sao rồi?

Còn phần chủ quán, trước phản ứng của nhiều người, bà hứa sẽ thay đổi, nhưng cũng không biết có tiến bộ không. Tôi e ngại rằng không, vì sông có cạn, núi có mòn, còn tính người khó mà thay đổi.

Đây không phải là lần đầu tiên một nét văn hóa Việt được truyền thông thế giới đưa lên mà gây phản cảm.

Đầu thập niên 1990, đạo diễn gốc Việt là Tiana Thi Thanh Nga, rời quê hương vào đầu thập niên 1960 lúc còn nhỏ, trở lại quê nhà làm phim tài liệu “From Hollywood to Hanoi” về đời sống dân Việt sau chiến tranh, trong đó có phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều nhân vật quan trọng trong chính quyền Việt Nam cũng như Hoa Kỳ.

Phim có đoạn đưa lên hình ảnh những con chó bị cột trong rọ, được chở đi trên xe gắn máy và sau đó bị giết ăn thịt một cách hết sức dã man.

Đối với nhiều người Việt, ăn thịt chó là một thứ khoái khẩu, cũng như với nhiều người Trung Quốc, hay Triều Tiên.

Nhưng đưa hình ảnh giết chó hết sức tàn ác lên màn ảnh đã khiến cho khán giả phương Tây có cái nhìn phản cảm về văn hóa Việt.

Năm 1988 khi Nam Triều Tiên tổ chức Thế Vận Hội, chính quyền thủ đô Seoul đã yêu cầu các quán thịt chó đóng cửa trong thời gian có các cuộc tranh tài thể thao diễn ra.

buncha bunchui

Không hiểu ai đã đề nghị chọn quán bún chửi để giới thiệu một nén văn hoá ẩm thực của người Việt với thế giới.

Hình ảnh và âm thanh phát ra từ miệng bà chủ quán này thật hết sức phản cảm. Thế mà có nhiều khách vẫn chịu đựng được và đến ăn. Đó mới là điều lạ về thủ đô của nước Việt, chốn ngàn năm văn vật một thời.

Đất Tràng An còn đó. Người Tràng An cũ giờ không biết đã đem hương hoa nhài đi phiêu bạt ở những nơi nao?