Nên khách quan nhận định rằng việc Tổng Thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc về khí hậu do 186 quốc gia ký kết tại Paris năm 2015 là sai lầm hơn là hợp lý.


moitruong 1
Các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường. (Hình: Getty Images)

Mọi việc trên cõi đời này không bao giờ là tuyệt đối có lợi hay có hại, phải cân nhắc phán đoán tùy theo quan điểm và mục tiêu mới có thể đi đến kết luận được. Nên khách quan nhận định rằng việc Tổng Thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc về khí hậu do 186 quốc gia ký kết tại Paris năm 2015 là sai lầm hơn là hợp lý.

Ngoài việc ngoan cố chối từ lý thuyết khoa học ở thời đại này, những sai lầm rõ ràng nhất là ở chỗ tương lai chính trị và kinh tế của nước Mỹ.

Nói chuyện về khí hậu biến đổi, trước hết nên hiểu hai ý niệm: thời tiết (weather) và khí hậu (climate). Vì không phân định rõ ràng nên nhiều người thiếu tin tưởng lý thuyết khoa học về Trái Ðất ấm dần, viện lẽ dự đoán nắng mưa cũng còn nhiều khi sai, hoặc là cho đến nay chưa thấy mùa động bớt lạnh.

Thời tiết là điều kiện khí tượng tại địa phương hay một vùng trong thời gian ngắn, từ một vài giờ đến một vài tuần. Còn khí hậu là thời tiết trung bình trong thời gian dài nhiều chục năm, và thường nói về một vùng rộng lớn hơn hay là toàn cầu.

Bài diễn văn Tổng Thống Donald Trump đọc ngày 1 Tháng Sáu vừa qua loan báo quyết định rút khỏi Thỏa Thuận Paris, mà giới tuyệt đối ủng hộ ông và không tin lý do chính của tình trạng khí hậu biến đổi nhanh chóng là vì con người, thật ra không tranh luận về nhận định khoa học ấy mà còn mặc nhiên thừa nhận.

Ông cam kết: “Nước Mỹ dưới chính quyền Trump sẽ tiếp tục là sạch nhất và môi trường thân thiện nhất trong các quốc gia trên thế giới.”

Giám Ðốc EPA (Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường) Scott Pruitt được tổng thống giới thiệu lên phát biểu thêm ít điều, cũng không đi ngược lập luận đó. Theo lời ông Pruitt: “Chúng tôi không phải tạ lỗi các quốc gia khác ở cương vị dẫn đạo về môi trường. Trước khi có Thỏa Thuận Paris, Mỹ đã giảm lượng khí thải CO2 xuống ngang mức đầu thập niên 1990.”

Như thế tổng thống cũng như ông Pruittt đã chỉ ra một nửa của vấn đề. Bởi vì cho dù nước Mỹ sạch nhất nhưng nếu thế giới không sạch thì nước Mỹ vẫn phải chịu ảnh hưởng. Nếu quả thật khí hậu biến đổi, Mỹ không thể an toàn tách khỏi cộng đồng quốc tế để tiếp tục không bị hậu quả gì cho riêng mình.

Lời giải thích của Tổng Thống Donald Trump về việc rút khỏi Thỏa Thuận Paris bao gồm những lý lẽ rất hùng biện nhưng chứa đầy mâu thuẫn chưa kể dựa trên nhiều dữ kiện không xác thực hoặc không đủ giá trị tin cậy. Toàn bộ những điều ông nêu ra chỉ nhằm chứng minh với giới ủng hộ là ông giữ lời hứa khi tranh cử, không có sức thuyết phục dư luận dân Mỹ và quốc tế. Nếu những lý do mà ông vững tin và nêu ra là chính đáng thì tại sao ông đã không khẳng định ngay ở Vatican và trước các nhà lãnh đạo Âu Châu mà khi ấy lại “câu giờ,” hứa hẹn cho qua chuyện?

Vì thế tuyên bố ngày 1 Tháng Sáu ở tòa Bạch Ốc, “Tôi sẽ làm để bảo đảm nước Mỹ vẫn là lãnh đạo thế giới trong các vấn đề về môi trường” và lời gợi ý sẽ có thể thương lượng lại thỏa thuận, có vẻ không được nước nào hưởng ứng chấp nhận.

Lập luận chính của Tổng Thống Donald Trump tóm gọn vào một điểm: “Thỏa Thuận Paris là không công bằng, tới mức cao nhất, cho nước Mỹ.” Các thiệt hại nặng nhất theo ông là về tài chính, công kỹ nghệ, việc làm của người dân và làm cho nước Mỹ sẽ thua kém các nước khác.

moitruong trump epa
Tổng Thống Trump và Giám Ðốc EPA (Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường) Scott Pruitt tại Tòa Bạch Ốc hôm 1 Tháng Sáu khi loan báo rút khỏi Thỏa Thuận Paris về khí hậu. (Hình: Getty Images)

Ông nói: “Ðể hoàn thành nhiệm vụ trang trọng cao cả là bảo vệ nước Mỹ và các công dân, Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa Thuận Paris nhưng bắt đầu thương thuyết để tái tham gia hoặc là Thỏa Thuận Paris hoặc là một giao dịch hoàn toàn mới với những điều khoản công bằng hơn…”

Ngoại trừ Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron bác bỏ ngay vấn đề tái thương thuyết, chưa có nhà lãnh đạo thế giới nào khác lên tiếng về chuyện này. Như nhiều chuyện khác, ông Trump cũng không quên cáo buộc chính quyền tiền nhiệm là đã đi vào một thỏa thuận thiệt thòi cho Mỹ và lợi cho các quốc gia khác.

Trước khi đi đến Thỏa Thuận Paris, nỗ lực giảm thiểu mức khí thải công nghiệp đã được đồng ý tại Hội Nghị Thượng Ðỉnh Ðịa Cầu ở Rio de Janeiro năm 1992 và qua nhiều hội nghị khác ở Kyoto, Copenhagen, Doha vẫn chưa đạt được thỏa hiệp cụ thể của các nước để thi hành. Theo lời một thành viên cao cấp trong phái đoàn Mỹ ở hội nghị Paris năm 2015 thì đây là thỏa thuận lý tưởng nhất có thể đạt tới sau khi nhiều nước, trong số đó quan trọng nhất là Trung Quốc, chấp thuận những nhượng bộ để quyết tâm đi đến một sự đồng thuận rộng rãi.

Thỏa Thuận Paris không phải là một hiệp ước với những chuẩn mực quy định trong các điều khoản mang tính cách bó buộc tuân hành. Thỏa hiệp mang tên “Nghị định thư Kyoto” năm 1997 là một hiệp ước nhưng sau đó không thi hành được vì không có đủ số nước phê chuẩn trong số có Mỹ và Canada. Thỏa thuận Paris đặt căn bản trên sự đồng thuận, khuyến khích các nước có thể tự nguyện cam kết một mục tiêu và chỉ bị ràng buộc theo luật quốc tế về báo cáo và duyệt xét theo định kỳ 5 năm.

Trong bài nói chuyện ngày 1 Tháng Sáu, Tổng Thống Donald Trump nói Trung Quốc có thể tùy ý tăng giảm mức khí thải trong 13 năm trong khi Mỹ không được như thế. Ðây là sự đánh lạc hướng. Như nói trên, định mức khí thải là tự nguyện của mỗi nước, hiện trạng kỹ nghệ Trung Quốc còn lệ thuộc quá nhiều vào than đá chưa thể thay đổi ngay nhưng cuối cùng phải làm sao góp phần chung với tất cả các nước sao vào kết quả nhiệt độ năm 2040 không lên cao quá 2 độ C.

Từ sau Thế Chiến II, Mỹ là cường quốc kinh tế số 1 thế giới, đã viện trợ cho hầu hết các nước thế giới tự do trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh chống đế quốc Cộng Sản và vẫn được coi là quốc gia đóng vai trò chi viện hàng đầu trong các chương trình quốc tế. Tuy nhiên trong Thỏa Thuận Paris không có quy định Mỹ phải chi viện bao nhiêu trong con số $100 tỷ để giúp các nước đang phát triển vào năm 2020 và 5 năm kế tiếp. Số tiền ấy chỉ là cam kết đóng góp chung của các nước phát triển. Tổng Thống Trump nêu lên sự thiệt thòi về việc Mỹ chi tiêu cho các nước khác là nhằm kích động dân Mỹ, chứ sự thật đó không phải con số bó buộc.

Những dữ kiện về thiệt thòi tài chính cho nước Mỹ và việc làm của dân Mỹ mà ông Trump nêu ra, hầu hết là dựa theo nghiên cứu của các hãng tư nhân được thuê, không bảo đảm tính trung thực. Cũng như vậy, nếu xét vào chi tiết những dự phóng tổn thất về kinh tế cũng là những con số phóng đại đáng đặt thành nghi vấn.

Mặt khác, lập luận Thỏa Thuận Paris chỉ toàn đem khó khăn thiệt hại cho nước Mỹ là không đánh giá đúng mức với thực trạng và tương lai của các ngành công kỹ nghệ. Nhân dụng trong ngành kỹ nghệ sản xuất ngày càng giảm vì tự động hóa và máy móc thay chỗ con người, công nhân kém trình độ chuyên môn kỹ thuật cao sẽ rất khó tìm được việc làm.

Trong một tương lai không xa, than đá và dầu khí dần dần sẽ là các loại năng lượng lỗi thời. Mặc dù năng lượng sạch mới chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng nhân dụng trong ngành này càng ngày càng gia tăng. Ðó là lý do vì sao các đại công ty dầu khí như Exxon Mobil, Shell, BP từ trước vẫn chống đối các quy định về môi trường, giờ đây cũng đồng ý với chiều hướng giảm mức khí thải đề ra ở Thỏa Thuận Paris.

Lịch sử phát triển của nước Mỹ là dẫn đầu về áp dụng sáng kiến mới trong kỹ nghệ, cho nên chậm trễ thay đổi phù hợp với thời đại toàn cầu hóa, Mỹ sẽ mất vai trò lãnh đạo về kinh tế và về lâu về dài sẽ bị nhiều thiệt hại không bù đắp được.

Kết luận, rút khỏi Thỏa Thuận Paris sẽ tạo nên nhiều vấn đề phức tạp không chỉ giới hạn trong lãnh vực môi trường và khí hậu, mà trên nhiều bình diện khác còn làm suy giảm hay tiêu tan khả năng nước Mỹ tiếp tục là vĩ đại.