“Tôi sẵn sàng trả lời những câu hỏi của báo chí, với điều kiện các ông bà nhà báo đừng hỏi là tôi dự đoán Tối Cao Pháp Viện sẽ quyết định như thế nào,” Luật Sư Theodore Olson vừa cười vừa nói.


honnhan dongtinhMột người ủng hộ hôn nhân đồng tính có mặt trước Tối Cao Pháp Viện, Washington, DC, hôm 27 Tháng Ba. (Hình: Jewel Samad/AFP/Getty Images)

“Không ai biết được phán quyết của Tòa, phần chúng tôi, chúng tôi chỉ biết là các vị thẩm phán đã đặt ra rất nhiều câu hỏi, kể cả những câu hỏi rất hóc búa, và chúng tôi tin tưởng đã trả lời, đã trình bày những điều chúng tôi tin là cần phải trình bày.”

Là một người nổi tiếng trong giới bảo thủ, từng biện hộ cho ứng cử viên George W. Bush trong vụ kiện sau cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2000 và sau đó là luật sư đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ trong những vụ kiện cáo trước Tối Cao Pháp Viện, lần này ông Olson trở lại Tòa Tối Cao trong toán luật sư đại diện cho những người đồng tính cư ngụ ở California muốn kết hôn nhưng bị ngăn cản bởi Proposition 8. Lập luận ông và các luật sư cùng toán đưa ra trước 9 vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện: Proposition 8 vi hiến, vi phạm chính điều căn bản “mọi người đều bình dẳng” đã được quy định bởi Hiến Pháp quốc gia, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo hay giới tính. Ði xa hơn nữa, ông Olson và toán luật sư đại diện cho giới đồng tính trình bày rằng Tòa nên đưa ra phán quyết buộc tiểu bang California và các tiểu bang khác phải cho người đồng tính được quyền kết hôn, vì đó “là quyền mà tất cả mọi người đều được hưởng.”

Ðương nhiên không ai có thể biết trước 9 vị thẩm phán Tòa Tối Cao sẽ quyết định như thế nào sau 2 ngày nghe tranh luận về đòi hỏi được quyền làm giá thú của những người thuộc giới đồng tính và đòi hỏi được hưởng những quyền lợi y hệt như những quyền lợi các cặp vợ chồng nam-nữ đang được hưởng, nhưng dựa vào những câu hỏi được đặt ra, mọi người thấy dường như có vẻ các vị thẩm phán đang nghiêng về phía của người đồng tính.

Ðiều này được thể hiện khá rõ qua những phát biểu của các vị thẩm phán được đề cử bởi một vị tổng thống Dân Chủ hay Cộng Hòa, từ ông Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện John Roberts dẫn đầu phe bảo thủ khi cho rằng “tôi không biết liệu có đúng khi xem những quy định về hôn nhân đã bỏ sót một nhóm người (vì) từ khởi thủy, hôn nhân thành hình để phục vụ mục đích (cho người nam và người nữ), trong đó không có giới đồng tính,” cho đến bà Thẩm Phán Elena Kagan thuộc phe cấp tiến - mới đặt chân vào tòa nhà tiêu biểu cho ngành tư pháp cách đây chẳng bao lâu - nêu thắc mắc, “Nếu một tiểu bang nói rằng điều chúng ta phải chú ý tới khi bàn về hôn nhân là sinh con đẻ cái, thế liệu những người 55 tuổi trở lên lập gia đình với nhau (và không thể sinh sản được nữa), chúng ta sẽ không cấp giấy giá thú cho họ hay sao? Làm điều đó có hợp hiến hay không?”

Câu hỏi của bà Kagan được ông Thẩm Phán Stephen Breyer ủng hộ, cho rằng “ngay chính những cặp vợ chồng nam-nữ ở lứa tuổi có thể sinh sản cũng chưa chắc đã có con,” và bà Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg chia sẻ sự đồng tình khi bà nói rằng “ngay cả những tù nhân bị thiến cũng vẫn có thể lập gia đình dù (họ) biết trước chẳng có hy vọng sẽ có con cái.” Bà Thẩm Phán Ginsburg còn bảo đạo luật Bảo Vệ Gia Ðình (Defense of Marriage Act hay DOMA) định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một nữ “đã tạo ra 2 loại hôn nhân khác nhau” ví von nếu so sánh giữa hôn nhân nam nữ và hôn nhân đồng tính, thì hôn nhân đồng tính “là loại sữa lờ lợ vì có pha thêm nước lạnh” (nguyên văn “skim milk”).

Bà Thẩm Phán Sonia Sotomayor cũng nêu câu hỏi, “Ngoài những định nghĩa thường nghe về hôn nhân, quý vị có thể nghĩ thêm lý do cơ bản nào khác nữa hay không, hay (cứ để yên) cho một tiểu bang sử dụng giới tính làm lý do để quy định không cho người đồng tính được hưởng quyền lợi và đặt ra những quy định gắt gao cho họ, buộc họ phải tuân thủ?” Ông Thẩm Phán Antony Kennedy, người được dự đoán đang nắm lá phiếu quyết định, còn nói rõ hơn: ngay chính con cái của những cặp hôn nhân đồng tính “cũng muốn thấy cha mẹ của chúng được công nhận và hưởng mọi điều kiện về pháp lý (như những cặp vợ chồng nam-nữ).”

Câu hỏi còn lại: Liệu Tối Cao Pháp Viện sẽ quyết định như thế nào cho 2 vụ xử này? Liệu 9 ông bà thẩm phán có định nghĩa lại chữ “hôn nhân” để công nhận hôn nhân đồng tính như công nhận hôn nhân nam-nữ, và phán quyết này sẽ được áp dụng khắp mọi tiểu bang hay không?

Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi hóc búa này. Tối Cao Pháp Viện có thể chỉ đưa ra phán quyết cho rằng Proposition 8 của tiểu bang California không có hiệu lực pháp lý, tức cho phép người đồng tính ở tiểu bang này được quyền kết hôn nhưng không quy định áp dụng cho những tiểu bang khác. Cũng có thể các vị thẩm phán Tòa Tối Cao đi đến một giải pháp dung hòa, nói rằng không có đủ yếu tố để phân xử, trao mọi quyết định lại cho tiểu bang.

Bất kể quyết định Tòa sẽ đưa ra vào khoảng cuối Tháng Sáu tới như thế nào, hôn nhân đồng tính vẫn tiếp tục là đề tài được người dân Hoa Kỳ tranh cãi, tiếp tục là vấn đề gây chia rẽ trong quần chúng. Hiện có 38 tiểu bang có luật cấm hôn nhân đồng tính, 9 tiểu bang khác cùng với Washington D.C. lại chấp thuận cho người đồng tính kết hôn. Nếu phán quyết của Tòa hủy bỏ Proposition 8, chắc chắn những tiểu bang khác sẽ nộp đơn kiện dựa vào quy định “chỉ có tiểu bang mới có quyền cấp giấy giá thú, liên bang không được quyền can thiệp.”

Giả sử Tòa giải thích điều khoản “mọi người đều được quyền bình đẳng” đã ghi trong Hiến Pháp để công nhận hôn nhân đồng tính và áp dụng điều này khắp mọi nơi, lúc đó chuyện gì sẽ xảy ra? Mục Sư Rob Chenck đại diện Hiệp Hội Các Nhà Truyền Ðạo Hoa Kỳ là người đầu tiên trình bày những khó khăn mà các vị tuyên úy quân đội phải đối phó.

Mục Sư Chenck nhắc lại cũng như các binh sĩ khi nhập ngũ, “Tất cả các vị tuyên úy đều phải giơ tay tuyên thệ trung thành và bảo vệ Hiến Pháp.” Thử tưởng tượng một vị tuyên úy Công Giáo được 2 binh sĩ đồng tính nhờ làm lễ cưới, lúc đó vị tuyên úy này phải quyết định như thế nào khi Hiến Pháp Hoa Kỳ công nhận hôn nhân đồng tính trong khi luật đạo lại không chấp nhận chuyện 2 người cùng một giới tính kết hôn? Nếu làm lễ cưới cho họ, vị tuyên úy Công Giáo này sẽ gặp rắc rối vì luật đạo, nếu không làm lễ cưới cho họ, vì tuyên úy Công Giáo này sẽ gặp rắc rối về luật đời, có thể sẽ bị buộc phải xuất ngũ vì không trung thành với Hiến Pháp quốc gia.

Chuyện rắc rối đó có thể sẽ xảy ra, nhưng không phải là chuyện phải lo ngay lúc này. Luật Sư Theodore Olson, người nhận biện hộ cho giới đồng tính cho rằng, “Ðiều quan trọng nhất là ngay chính các vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện cũng biết dư luận quần chúng bây giờ đã thay đổi, họ ủng hộ người đồng tính cũng như ủng hộ những đòi hỏi chính đáng của tập thể đang bị thiệt thòi này.” Vấn đề còn lại, “chúng ta không thể biết Tòa Tối Cao sẽ quyết định như thế nào.”