main billboard

Không những người ta đã không mang ơn người cho vay, mà còn tìm cách giết chủ nợ để khỏi phải trả, đó là những câu chuyện đang xẩy ra hằng ngày ở Việt Nam.

homeless
Nhiều người gốc Việt thường bày tỏ lòng tri ân Hoa Kỳ bằng cách phục vụ những bữa ăn cho người vô gia cư vào mùa Lễ Tạ Ơn. (Hình minh họa: Getty Images)

Theo phong tục Việt Nam cứ cuối năm người ta tính toán sổ sách, xem lại các mục chi tiêu, có nợ nần ai thì phải trả, mà phải trả cho xong trước tối Ba Mươi Tết, để đầu năm, nhất là sáng Mồng Một có người đến đòi nợ thì nhất định sẽ bị xui suốt năm. Chúng ta vẫn thường thấy cái cảnh đi đòi nợ ở thôn quê, chủ nợ đến đứng trước cửa nhà la hét, xỉa xói, chửi bới trong khi con nợ thì xấu hổ, khép nép, van xin, khổ đau biết ngần nào! Tôi nghĩ người ta trên đời thế nào cũng có nợ ai đó, không nhiều thì ít, nợ cái gì đó, vật chất hay tinh thần, nhưng vì có những món nợ không ai đòi nên mình vẫn nghĩ rằng mình chưa hề nợ ai.

Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh trong một lần được phỏng vấn về chương trình cứu giúp thương binh VNCH ở quê nhà, bà đã thẳng thắn nói rằng, chúng ta đã mang món nợ lớn từ những người này, món nợ mà người chủ nợ không bao giờ đòi.

Lúc tôi sinh ra đời, nhà nghèo, mẹ tôi đau ốm oặt èo, không có sữa nuôi con, trong tháng phải bồng con đi xin sữa hàng xóm cho đến lúc ba tháng, mới ăn được miếng cơm mem. Rõ ràng là tôi có nghe nói đến chuyện này, nhưng lớn lên tôi cũng không màng đi tìm xem những bà mẹ hồi xưa tôi đã rúc đầu vào bú tí là ai, sống chết ra sao, chứ chưa nói đến chuyện đền ơn đắp nghĩa.

Câu chuyện xin sữa này làm tôi liên tưởng đến chuyện đấu tố, cải cách ruộng đất ngày xưa, mấy đứa chăn trâu, kẻ ăn người ở trong nhà, do những lúc thất bát mùa màng, được các điền chủ nuôi nấng giúp đỡ, đã trở thành những tên đấu tố ngoa ngoắt chỉ tay, xỉ mặt vào những người ơn mà chúng gọi là cường  háo, ác bá và “lôi cổ bọn nó ra đây, bắt quỳ gục xuống đọa đày mới thôi!” Chuyện gần thì hồi nẫm, mấy anh du kích được “mẹ” đào hầm nuôi quân, cơm nước đầy đủ, thậm chí phân tiểu cũng phải nhờ mẹ đem lên mặt đất. Mỗi đêm mẹ kê chõng nằm trên miệng hầm che chắn bom đạn và ôm nỗi âu lo trằn trọc một mình. Mấy thằng du kích này, về sau, thằng làm chủ tịch nước, thằng làm tỉnh ủy, tầm tầm cũng chủ tịch huyện thì chúng trở lại cướp đất, cướp ruộng của mấy bà mẹ nông dân nuôi quân ngày trước, ngoảnh mặt làm ngơ trước những nỗi khổ đau, oan ức của mẹ.

Không những người ta đã không mang ơn người cho vay, mà còn tìm cách giết chủ nợ để khỏi phải trả, đó là những câu chuyện đang xẩy ra hằng ngày ở Việt Nam.

Loài động vật sinh ra trên đời này, sau khi lọt lòng mẹ đều thích ứng với thiên nhiên, cứng cáp rất nhanh, con bò con trâu mới lọt lòng mẹ đã đứng dậy vững vàng, duy chỉ có con người sinh ra là yếu đuối phải lớn lên mới kiếm được miếng ăn, lo cho thân mình. Con beo, con cọp mới mở mắt đã biết tìm hướng rúc vào vú mẹ, nhưng con người, lọt lòng mẹ không có bồng bế, áo quần tả lót, chăm sóc thì phải chết, vì thế con người vay mượn tình thương, sự chăm sóc, trước là cha mẹ, sau là nhân quần và món nợ đời chắc chắn phải nhiều hơn loài cầm thú.

Những người tận hiến cuộc đời mình cho tha nhân, mong được giúp đỡ người khác đều là  những người cho rằng vì mình nhận quá nhiều nên bây giờ muốn cố gắng trả lại cho người khác một phần nào, và hầu hết những người này đều trở thành vĩ nhân.

Những chuyện kể trên thuộc loại lớn lao, còn chuyện tầm thường vẫn xẩy ra hằng ngày trước mắt chúng ta, nhưng bản tính con người là hay quên. Quên có nghĩa là mình chưa trả xong món nợ, và chúng ta cũng biết rằng quên và vô ơn là chị em sinh đôi.

Đây là những câu chuyện nho nhỏ:

-Nhiều người đi trước đỡ cánh cửa cho chúng ta, hằng ngày chúng ta đã đỡ cánh cửa cho ai đi sau chưa? Chúng ta được nhường đường và đã bao giờ có hảo ý nhường đường cho người khác chưa?

-Chúng ta sang định cư tại đây nhờ có người bảo trợ, bây giờ cuộc sống ổn định, chúng ta có tiếp tục bảo trợ cho ai đến Mỹ chưa?

-Nhiều gia đình hồi mới sang Hoa Kỳ có nhận những tặng vật của nhà thờ, nay đã giàu có, có khi nào mang tặng những phẩm vật khác cho nhà thờ để nơi này có thể giúp đỡ lại người khác không? Chúng ta được bạn bè, thân thích bỏ thời giờ dạy cho lái xe, sau đó có bao giờ bạn chịu khó giúp đỡ dạy lái xe cho những người mới sang chưa?

-Chúng ta nhận được lời cám ơn của những người chúng ta giúp đỡ, nhớ lại chúng ta đã một lần ngỏ lời cám ơn ai chưa?

-Mùa Giáng Sinh vừa qua cũng như Tết năm này, có nhiều người gởi thiệp hay điện thoại chúc mừng, nhưng chúng ta có khi nào để thời giờ một lần gọi hỏi thăm ai đó chưa?

-Chúng ta cảm thấy có nhiều người đã tử tế với mình, nhưng nhìn lại mình đã tử tế với ai chưa?

Chúng ta trả ơn người bằng những cách gián tiếp, nên không cứ người làm ruộng cho ta hạt gạo ăn, thì ta phải trồng được củ khoai để trả lại cho đời. Có lúc, ngoài đường phố, bình điện xe của chúng ta chết, có người mang dây bình lại giúp chúng ta. Sau đó đi mua một sơi dây bình, chúng ta không hy vọng gặp lại người cũ trong trường hợp xe họ nằm đường, mà để có cơ hội giúp lại người khác.

Có những người ra ơn khó thấy mà cũng khó gặp. Ngày nay, chúng ta hưởng được rất nhiều phát minh của nhân loại, cái máy hơi nước, giấy, bóng đèn, xe hơi, điện thoại… mà không hề có ý nghĩ mang ơn ai. Có những phát minh nghe có vẻ tầm thường nhưng có ích cho con người biết bao nhiêu. Đôi khi tôi cũng nhớ ơn ông Momofuku Ando, người phát minh ra món mì ăn liền, và một người nào đó tận cái đất nước xa xôi Hoà Lan, đã chế ra cái lon Guigoz đựng sữa bột, mà sau này là vật bất ly thân của những người tù như chúng tôi qua những năm dài gian khổ.

Bây giờ mà nói chuyện công ơn cha mẹ thì có người cho đó là chuyện trẻ con, chuyện của Luân Lý Giáo Khoa Thư lớp Đồng Ấu đã quá cũ. Nhưng nghĩ ra, phải chăng nhờ cái loại Giáo Khoa Thư ấy, mà chúng ta, qua nhiều thế hệ, đã lớn lên thành người… tử tế! (Huy Phương)