main billboard

Phải chăng các giới chức Mỹ đã không làm đủ để nhận diện những kẻ cực đoan Hồi Giáo sinh trưởng bên trong xã hội mình và ngăn chặn chúng đi tới các hành động khủng bố trước khi quá muộn?

bom canhsat swat teamÐó là câu hỏi mà những chuyên gia về an ninh tại Anh đặt ra khi tìm hiểu những hệ quả của vụ đánh bom vừa qua tại thành phố Boston mà theo họ cho thấy những khác biệt giữa Anh và Mỹ trong việc thực hiện các hoạt động chống khủng bố.

Vào ngày 7 Tháng Bảy, 2005, một nhóm bốn người Anh theo Hồi Giáo, tất cả trước đó đều được coi có một cuộc sống bình thường bên trong xã hội Anh, đã bất ngờ đánh bom hệ thống chuyên chở công cộng của Luân Ðôn, làm chết 52 người. Kể từ đó, các chính phủ Anh liên tiếp, dù Lao Ðộng hay Bảo Thủ đã gia tăng đáng kể chi phí cho các hoạt động này. Và cũng kể từ đó, chưa có một hành động khủng bố nào được thực hiện thành công tại Anh tuy rằng các cố gắng để thực hiện những cuộc tấn công đó từ chính những người là công dân Anh vẫn thường xuyên bị phát hiện.

Hầu hết những ngân khoản chi thêm được dành cho các hoạt động thu thập tin tức tình báo của cơ quan an ninh quốc nội MI-5 và các lực lượng cảnh sát. Một thành phần quan trọng của những hoạt động chống khủng bố tại Anh là chiến lược mà chính phủ Anh gọi là “Chiến lược Ngăn Chặn” (Prevent strategy). Chiến lược này bao gồm việc cảnh sát và các chính quyền địa phương hoạt động chung với các tổ chức và cộng đồng Hồi Giáo để bảo đảm rằng những người dân Anh Hồi Giáo nào mà bất mãn hoặc trở thành cực đoan được nhận diện và khuyến khích hướng những căm giận của họ sang hướng khác trước khi họ đi vào bạo động.

Giáo Sư Michael Clarke, một chuyên gia về chống khủng bố tại Học Viện Royal United Services Institute (RUSI), một trung tâm nghiên cứu về những vấn đề an ninh và quốc phòng, cho biết chiến lược này đã đạt được một số thành công. Ông nói: “Ðiều quan trọng là làm sao để các cộng đồng Hồi Giáo nhận trách nhiệm của họ về những người sống trong lòng cộng đồng họ, giúp nhận dạng những người bị cực đoan hóa và hợp tác với cảnh sát và chính quyền địa phương để chặn họ trước khi họ có thể tạo nên bạo động.”

Giáo Sư Clarke cho biết các viên chức Bộ Nội Vụ Anh cho ông biết riêng rằng họ đã can thiệp trong “500 đến 600 trường hợp cụ thể” trong đó các công dân Anh bị cực đoan hóa đã được “lái sang một chiều hướng khác.”

Tuy nhiên ông cũng công nhận rằng không thể biết được là liệu một chiến lược như chiến lược Ngăn Chặn của Anh có thể phát hiện ra những hoạt động của hai nghi phạm nổ bom tại Boston, Tamerlan và Dzhokhar Tsernaev để kịp thời ngăn chặn. “Không có một bằng chứng nào rằng hai người này có những quan hệ tích cực với những phần tử nguy hiểm. Ðối với thế giới bên ngoài có vẻ như họ chỉ tải từ trên mạng xuống một số tài liệu về “jihad.” Thế thôi. Không có gì để làm người ta nghĩ rằng họ theo đuổi một chuỗi các hoạt động dẫn đến một chuyện đánh bom như vậy.”

Mặc dầu vậy, một số chuyên gia Anh thì cho rằng các chính quyền Mỹ đã chậm chạp trong việc tích cực đối phó với các phần tử cực đoan bản xứ vì, theo Giáo Sư Clarke, “Người Mỹ vẫn còn thấy khó có thể chấp nhận được rằng chủ nghĩa Jihad có thể bắt rễ được bên trong xã hội của họ. Người Mỹ vẫn còn cảm thấy rằng hiện tượng này được thúc đẩy vào nước Mỹ bởi những thế lực ngoại lai hoặc là những kẻ gây rối bên ngoài.”

Các chuyên gia Anh đưa ra một số lý do tại sao nước Anh cần phải tích cực hơn nhiều so với Mỹ trong việc chống lại những phần tử Hồi Giáo cực đoan bên trong xã hội mình. Một trong những lý do là dân số. Theo một phúc trình năm 2010 của tổ chức Pew thì 0.8% công dân Mỹ là Hồi Giáo so với 4.6% tại Anh. Ngoài ra một phần quan trọng trong số dân Hồi Giáo gốc người Pakistan (một thành phần chính trong cộng đồng Hồi Giáo Anh) đến từ Kashmir, tiêu điểm của những cuộc tranh chấp đẫm máu giữa Ấn Ðộ và Pakistan.

Và có lẽ ở một khía cạnh nào đó, Anh Quốc gần gũi hơn với các hoạt động khủng bố. Chỉ chưa đầy một thập niên kể từ ngày Anh Quốc thường xuyên phải đối diện với những vụ nổ bom của các nhóm thuộc phong trào Ái Nhĩ Lan quá khích. Sống với khủng bố không những làm cho người ta lì lợm hơn, nhưng cũng làm cho các chính phủ liên tiếp ở Anh phải tìm cách để đối phó. Mà không có đối phó nào tốt hơn là làm sao để ngăn ngừa cho giảm thiểu càng nhiều càng tốt.

Nhưng tuy không quen thuộc, Hoa Kỳ không phải là không có những trường hợp khủng bố Hồi Giáo xuất phát từ trong lòng xã hội Mỹ. Tháng Mười Một năm 2009, Nidal Malik Hasan, một thiếu tá trong quân đội Mỹ đã nổ súng bắn vào một đám đông những quân dân và dân sự tại Fort Hood, Texas, giết chết 13 người. Sinh ra tại Virginia trong một gia đình di dân người Palestine, ông Hasan đã bị dày xéo bởi những mâu thuẫn bên trong nội tâm, giữa nhiệm vụ của mình với tư cách là một sĩ quan trong quân đội Mỹ và sự trung thành của mình với Hồi Giáo.

Năm 2010, Faisal Shahzad, một sinh viên cao học tại trường Ðại Học Bridgeport thuộc tiểu bang Connecticut, đã âm mưu đánh bom Times Square tại New York sau khi bị lôi cuốn theo Hồi Giáo cực đoan.

Valentina Soria, một chuyên gia nghiên cứu về khủng bố tại tổ chức tư vấn IHS Jane's Consulting, cho rằng với vụ anh em Tsernaev vừa mới xảy ra tại Boston, có thể rằng ở Mỹ sẽ bắt đầu có những cuộc tranh luận sâu sắc hơn về việc làm sao chống lại những kẻ khủng bố nội tại. Bà cho biết: “Nếu người ta thấy được là hai anh em này không có một quan hệ cụ thể nào với nước ngoài thì điều đó chắc chắn sẽ làm cho người ta thêm cảm thấy đang xuất hiện một chiều hướng mới. Trong trường hợp đó, sau vụ Boston này sẽ cần có một cuộc tranh luận về làm thế nào để các chính quyền liên bang và địa phương đối phó với vấn đề này.”