Nếu câu trả lời là chỉ học để biết hát cho đúng thôi, chứ không có nhu cầu nào khác, thì đấy là câu trả lời hay nhất.


Ðọc bài báo về đôi giày, người viết lại nghĩ đến cách trình bày một ca khúc nghệ thuật. Có lẽ đấy là một thứ “méo mó nghề nghiệp”!

Tờ Robb Report là tạp chí về xa xỉ phẩm cho giới thượng lưu giàu có. Trong số mới nhất, họ giới thiệu hai đôi giày loại rẻ của hãng Santoni bên Ý trên một trang về “phong cách.” Nói là rẻ vì chỉ có bảy tám trăm đô la một đôi, trong khi có loại giày bạc ngàn trở lên mà người mua phải đo chân và thửa sẵn cả năm trước. Hai đôi giày chỉ là kiểu “casual” để đi ban ngày vào nơi gió bụi chứ không là giày sang đi cùng lễ phục hay dạ phục.

Phong cách mà bài báo nói đến là phải làm đôi giày mới tinh có cái vẻ mềm mại cũ kỹ của một vật đã trải nhiều năm tháng phong sương.

Không chỉ chọn loại da thật đẹp và bền, nhà Santoni mất ba tuần dày vò, nhuộm đi nhuộm lại và đánh chải mãi cho đến khi thớ da đã mềm và có cái vân cùng nét bóng của da cổ. Ðế hay gót gì cũng bị họ xóc với đá, dập cho nhuyễn rồi mới khâu mới đóng. Công phu như vậy là để các ông mua về có cái dáng phong trần mà không bị đau chân vì giày quá mới, quá cứng...

Chi tiết ăn tiền trong chuyện đóng giày cầu kỳ này là nhà Santoni chọn loại da thượng hạng rất đắt. Nếu không thì làm sao tồn tại sau những dãi dầu như vậy? Mà vì sao nhìn đôi giày lại nghĩ đến cách trình bày một ca khúc nghệ thuật?

singing girlAi thích hát thì cũng có thể hát ở bất cứ nơi đâu trong nhà, sau khi kín đáo đóng cửa vì tôn trọng cái tai của gia đình. Nhiều người được trời cho giọng hát hay thì nghĩ đến việc trình bày sau khi được sự khích lệ đầu tiên cũng từ gia đình hay bạn bè trong trường lớp. Người cẩn thận nhất trong số này tính đến việc sâu xa lâu dài hơn, đó là chịu khó đi học hát sau khi đã biết chút ít về nhạc lý.

Ðiều may nhất cho họ là được một người thầy khó tính! Nếu không may thì tài năng Trời cho ấy có khi mai một.

Người thầy khó tính là thính giả đầu tiên sẽ hỏi rằng tính hát cái gì, bài nào, ở đâu, và cho ai nghe. Nếu câu trả lời là chỉ học để biết hát cho đúng thôi, chứ không có nhu cầu nào khác, thì đấy là câu trả lời hay nhất. Ðấy là bậc thầy nhìn thấy tấm da thuộc thật tốt đã muốn hỏi xem rằng mình muốn làm gì với báu vật trời cho như vậy! Sau đấy, người thầy mới nghĩ đến cách huấn luyện.

Thường thì kiểm lại trình độ nhạc lý căn bản, tức là có biết nốt và nhịp không? Ðiều này cũng dễ, vì chỉ cần học trò có cái tai và khiếu, chuyện đếm nhịp và hát cho chuẩn không khó. Nhưng trước hết là trình độ văn hóa. Xin đọc từng chữ của lời từ và cố hiểu ra nội dung của tác phẩm. Học trò muốn sớm thành ca sĩ vì đã từng được khen ngợi như thế có thể phật ý và chê là gặp phải thầy gàn. Nhưng những người có thực tài và triển vọng thì nghĩ xa hơn và chịu khó ngồi xuống. Ðấy là giây phút cảm thông giữa người trình diễn với người sáng tác không có mặt, trước sự chứng kiến của người thầy, là người dẫn đường.

Sau khi được yêu cầu đọc lại lời từ và từng chữ rõ ràng, người học mới thấm dần tâm tư của nhạc sĩ sáng tác. Nếu được biết thêm về hoàn cảnh ra đời của ca khúc, học trò đã có thể nghĩ đến thính giả sau này và tự đặt ra một thách đố là chuyên chở đến người nghe nỗi lòng của người viết.

Khi đó tiếng nhạc phảng phất của người thầy mới đánh thức giai điệu trong lời ca. Nhiều lần như vậy thì học trò làm quen với cung bậc. Sau cùng mới là lúc xướng âm. Hãy tạm quên lời ca đi mà ngân nga tiếng nhạc theo đúng nhịp tiết của người thầy. Ðấy là lúc mà ca sĩ hiểu được thế nào là bắt vào ca khúc, khi nào thì ngân, khi nào thì luyến láy và đâu là lúc trổ giọng, khi kết thúc thì dứt ra sao... Những ký hiệu đen trắng trên khuông nhạc bỗng như có thần chứ không còn là dấu hiệu vô nghĩa vô hồn.

Cái bước thứ ba mới là ráp lại từ với nhạc.

Lời ca được phát âm thật đúng, từ lối mở miệng, uốn lưỡi cho đến lúc ngân, sao cho thật tròn và thật nhuyễn. Giai điệu của ca khúc sẽ đưa tiếng hát Trời cho lên một cõi khác. Người thầy khó tính là thính giả đầu tiên sẽ nhắc từng câu phải hát cho hay hơn, từng lời phải diễn tả cho đúng hơn và đẹp hơn. Nhờ đấy, người thầy còn biết âm sắc, âm vực và tâm hồn của học trò thích hợp nhất với loại nhạc nào để mở ra con đường sáng nhất cho người ca sĩ.

Một đôi giày dưới chân mà còn bị dập bị xóc đến ba tuần thì một ca khúc nghệ thuật đòi hỏi công phu còn hơn vậy. Sau đó là tiếng hát cứ có vẻ tự nhiên như hơi thở Trời cho mà thật ra là kết quả của sự khổ luyện.