main billboard

Và sẽ còn kinh sợ hơn, khi biết mỗi năm ở Việt Nam, số người chết vì tai nạn giao thông xấp xỉ 12 nghìn người, tương đương 2/5 dân số Monaco, quốc gia chỉ có hơn 30 nghìn người


Gọi điện thoại cho một chị bạn là dân làm báo, viết văn ở Sài Gòn vào đúng ngày Quốc Tế Lao Ðộng 1 Tháng Năm, hỏi chị được nghỉ lễ mấy ngày mà không đi đâu chơi sao. Chị bảo, điên gì đi chơi mấy ngày này, chỗ nào cũng đông đúc chen chân không lọt, tai nạn giao thông lại chỉ tăng thêm chứ hay ho gì. Mà quả thật, đọc báo thì thấy ngay “110 người chết vì tai nạn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4”:

tainan giaothong vnTai nạn giao thông là nỗi ám ảnh đối với đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam. (Hình: AFP/Getty Images)

“Theo Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia, từ ngày 27 Tháng Tư đến 1 Tháng Năm, tai nạn giao thông đã làm 110 người chết, 185 người bị thương. Trong đó có 2 vụ nghiêm trọng, một vụ xe khách 30 chỗ chở người đi du lịch tại Huế bị xe đầu kéo chạy hướng ngược lại lấn làn, tông trực diện làm 6 người chết...” (VNExpress)
110 người chết trong 5 ngày. Vậy mà: “Trao đổi với VNExpress.net, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, phó chủ tịch Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia, cho biết so với ngày thường và các dịp nghỉ lễ thì số vụ tai nạn giao thông và số người chết đợt này giảm.”

Nghĩa là coi như không phải tin xấu lắm (!).Có thể, nếu so với dịp Tết Nguyên Ðán Quý Tỵ 2013 chẳng hạn, sau 9 ngày nghỉ, cả nước có 314 người chết! (“Số người chết vì tai nạn giao thông bình quân ngày tăng 40%,” báo Lao Ðộng)!

Trong khi đó, nếu các quốc gia khác mà đọc được con số này chắc phải kinh sợ. Và sẽ còn kinh sợ hơn, khi biết mỗi năm ở Việt Nam, số người chết vì tai nạn giao thông xấp xỉ 12 nghìn người, tương đương 2/5 dân số Monaco, quốc gia chỉ có hơn 30 nghìn người (Bài: “Người chết TNGT Việt Nam gần bằng nửa dân số Monaco,” VTCNews). Còn theo VNExpress: “Chết tai nạn giao thông mỗi năm bằng 40 vụ rơi máy bay.”

Cứ lướt qua những trang báo, hầu như ngày nào cũng có tin về tai nạn giao thông.

Có những cái chết thật sự ám ảnh người đọc như vụ tai nạn thảm khốc trên cầu Cần Thơ làm 4 mẹ con người bán vé số thương vong ngày 24 Tháng Ba, để lại nỗi đau tột cùng cho người chồng, người cha tật nguyền (“Vợ con chết hết trên cầu Cần Thơ rồi,” VietNamNet).

Vụ 4 em nữ sinh ở độ tuổi 15, 16, đèo nhau trên một chiếc xe Vespa bị một xe tải cán chết trên quốc lộ 18 đoạn thuộc phường Ðại Yên, TP Hạ Long (Quảng Ninh) ngày 23 Tháng Tư. (“4 nữ sinh bị xe tải cán qua,” VNExpress)
Xe đầu kéo lao vào làn xe máy làm vợ chồng và bé gái 2 tháng tuổi tử vong, trong đó người mẹ vẫn ôm chặt con, ngày 1 Tháng Năm (“Ðau đớn cả gia đình bị cuốn vào gầm xe tải,” báo Gia Ðình)...

Và còn nữa: “Bị xe tải cán nát chân, bà vẫn ôm chặt cháu” (báo Dân Việt), “Thai phụ bị xe ben cán chết, rơi con ra ngoài” (Tin 247), “Cô dâu bị tai nạn qua đời trước ngày cưới” (báo Người Lao Ðộng), “Ði đón dâu, chú rể bị tàu hỏa tông chết” (báo Người Lao Ðộng) v.v và v.v...

Phía sau những bản tin, những bài báo ngắn ngủi kia là những bi kịch khủng khiếp đột ngột đổ ập xuống nạn nhân và gia đình. Những con người mới trước đó còn đang đi học, đi làm, đang có những mối quan hệ bạn bè, gia đình, người thân để yêu thương và được thương yêu, có những ước mơ, dự định... tất cả đột ngột tắt lịm, mãi mãi dừng lại. Người chết thảm đã đành, người ở lại mang nỗi đau khôn nguôi.

Ðó là chưa kể đến những trường hợp bị tai nạn giao thông nhưng không chết mà mất một phần thân thể, tàn phế hoặc phải sống đời thực vật.

Ðiều đáng nói là tỷ lệ tai nạn giao thông quá cao ở Việt Nam không phải là chuyện mới mẻ gì. Ðã nhiều năm nay báo chí, dư luận xã hội phẫn nộ lên tiếng rất nhiều, đến mức cứ hễ nói về chuyện tai nạn giao thông là không ai muốn nghe nữa. Nhưng vì sao vẫn cứ không cải thiện?

Thứ nhất, bởi vì những nguyên nhân có thể đưa đến tai nạn giao thông vẫn còn đó, chưa thay đổi.

Ở Việt Nam xe gắn máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân, ngay trong những thành phố lớn và đông dân nhất nước như Sài Gòn, Hà Nội cũng vậy. Gọi là đô thị mà các phương tiện giao thông công cộng không có (trừ xe bus - cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn do đường chật, người đông). Vào những giờ cao điểm, có hàng triệu chiếc xe gắn máy di chuyển trên khắp các tuyến đường, không xảy ra va quẹt, đụng xe mới là lạ.

Tốc độ làm đường, mở đường không theo kịp với đà tăng dân số nên phần lớn những con đường vẫn quá chật so với mật độ xe cộ di chuyển. Lề đường thì hầu hết bị chiếm dụng để buôn bán, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Khu trung tâm đã đông lại còn cứ mở thêm, xây thêm văn phòng, khu thương mại thay vì giãn ra ngoài, còn những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện vẫn chưa được di, dời v.v...

Nếu bước chân ra khỏi thành phố hay đi đâu xa thì lại là những nỗi khổ khác. Ðâu phải ai cũng có tiền đi máy bay, xe lửa từ bao năm nay vẫn sử dụng loại đường ray khổ rộng 1m lạc hậu, số lượng khách không thể quá lớn, hệ thống giao thông đường thủy chủ yếu để vận chuyển hàng hóa... Nên đa số người dân vẫn phải sử dụng phương tiện giao thông đường bộ.

Ngoại trừ nguyên nhân tai nạn do phần lỗi của nạn nhân không biết hoặc không chấp hành nghiêm túc luật lệ giao thông, tai nạn trên các tuyến đường bộ phần lớn từ thói vô trách nhiệm, coi thường sinh mệnh người khác mà ra.

Chẳng hạn, tai nạn vì chất lượng con đường xấu do cung cách làm ăn gian dối, bớt xén, rút ruột công trình. Tai nạn vì những chuyến xe đò ham tiền nhồi nhét khách, chở quá mức cho phép nhưng lại không bị xử phạt nghiêm vì công an đã được lót tay. Vì những chiếc xe cũ kỹ, chất lượng xuống cấp nhưng chủ xe vẫn cứ sử dụng và nhờ đút lót nên vẫn thoát qua những lần kiểm định để lại tiếp tục chạy trên đường. Vì những tài xế say rượu hoặc tay lái yếu do mua bằng, chạy bằng... mà lẽ ra phải được kiểm tra thật kỹ, v.v...

Ðã bao nhiêu năm nay rồi, trước vấn nạn giao thông mà có người ví von số người chết, bị thương còn hơn cả chiến tranh, các cơ quan ban ngành chịu trách nhiệm cũng nhìn ra vấn đề và đưa ra đủ thứ biện pháp, triển khai đủ thứ hội nghị, phong trào... về an toàn giao thông. Nhưng rồi cũng chẳng thấy tình hình khá hơn bao nhiêu.

Bởi vì như đã nói ở trên, những vấn đề căn bản nhất vẫn chưa thay đổi. Và còn bởi vì không có ai chịu trách nhiệm hay bị trừng phạt đích đáng. Chả có quan chức nào bị mất chức hay ít nhất, tự từ chức.

Cuối cùng người dân vẫn cứ phải sống chung với nỗi lo sợ đè nặng trong lòng mỗi khi ra đường, chẳng biết liệu đến cuối ngày có còn mang được tấm thân an toàn mà trở về nhà với gia đình hay không.

Và rồi năm sau, năm sau rồi năm sau... nữa, chúng ta vẫn cứ tiếp tục phải chứng kiến và nói đi nói lại về tình hình tai nạn giao thông, cũng như rất nhiều vấn đề khác không hề được thay đổi trên đất nước này.