main billboard

Nhà cầm quyền Trung Quốc cũng luôn luôn ỷ là nước lớn, luôn tự hào Trung Quốc có nền văn hóa văn minh lâu đời nhưng lại hành xử với các nước láng giềng và với thế giới nói chung một cách hết sức ngang ngược, tà đạo.

Sự kiện một khách du lịch trẻ tuổi Trung Quốc vẽ bậy lên một bức phù điêu 3500 năm tuổi trong ngôi đền cổ Louxor, Ai Cập được đưa lên mạng ngày 24 Tháng Năm khiến cư dân mạng nước này phẫn nộ vì cho rằng đã làm xấu mặt người Trung Quốc.

Ðây không phải là lần đầu tiên người Trung Quốc đi du lịch ở nước ngoài có những hành động vô văn hóa bị phản ứng. Ðiều này khiến chính quyền Bắc Kinh lo ngại.

backinh trungcongDu khách phải đeo khẩu trang khi đến thăm quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh. (Hình: Mark Ralston/AFP/Getty Images)

Trước đó, ngày 18 Tháng Năm, tờ Nhân Dân Nhật báo - tiếng nói của đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng tải lời Phó Thủ Tướng Uông Dương (Wang Yang) khuyến cáo:

“Họ (du khách Trung Quốc) nói to, vẽ bậy tại các điểm du lịch, băng qua đường khi đèn đỏ, nhổ bậy ở bất cứ đâu và có những ứng xử không văn minh. Những điều này đang làm xấu xí hình ảnh về người dân Trung Quốc.”

... Phó Thủ tướng Uông yêu cầu các cấp chính quyền phải “hướng dẫn người Trung Quốc đi du lịch tuân thủ trật tự công cộng và quy tắc xã hội, tôn trọng tín ngưỡng và phong tục địa phương, cẩn trọng về phát ngôn, hành vi... và bảo vệ môi trường.” (“Trung Quốc kêu gọi dân ứng xử văn minh khi đi ra nước ngoài,” báo Lao Ðộng).

Trung Quốc, với số dân đông nhất thế giới và nền kinh tế đang lên, hiện nay là quốc gia có lượng người du lịch thuộc hàng đầu thế giới.

Khác với dân phương Tây, có thói quen đi du lịch nước ngoài từ lâu, biết cách ứng xử văn minh, tôn trọng phong tục tập quán, văn hóa của nơi mà mình đến nhưng lại thường chi tiêu đúng mực, không dễ bị lừa bởi những thứ mà họ không thật cần, du khách Trung Quốc thường chi tiêu rất mạnh tay, theo kiểu người giàu mới nổi. Chính vì vậy các nước đều rất quan tâm o bế, lôi kéo nguồn khách hàng đầy tiềm năng này, mặc dù sau đó vẫn phàn nàn, cười chê sự thô lỗ, thiếu văn minh của họ.

Ngày 28 Tháng Năm chính phủ Trung Quốc đã cho đăng tải trên trang web của mình bản hướng dẫn cách ứng xử cho các công dân nước này khi đi ra nước ngoài du lịch.

Tương tự như trước đây, khi Trung Quốc đăng cai tổ chức sự kiện Olympic Bắc Kinh Mùa Hè 2008, chính quyền Bắc Kinh đã phải tiến hành những chiến dịch nhằm giáo dục người dân cách cư xử văn minh, chống lại những thói quen xấu như khạc nhổ bừa bãi, xả rác nơi công cộng... nhằm tránh gây phản cảm cho người nước ngoài.

Bây giờ, khi Trung Quốc không chỉ là quốc gia đông dân nhất thế giới mà còn là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, hơn bao giờ hết, nhà cầm quyền Bắc Kinh ý thức được hành vi của các công dân ảnh hưởng tới hình ảnh của một quốc gia như thế nào. Và để thu phục được sự tôn trọng của toàn cầu thì không chỉ đơn giản là sức mạnh quân sự và kinh tế.

Nhưng hiểu là một chuyện còn có làm được hay không là chuyện khác. Trong cách ứng xử luôn luôn tỏ ra là dân nước lớn, nước giàu, bản thân lại rủng rỉnh tiền bạc của một số du khách Trung Quốc, so với nhà cầm quyền Trung Quốc, có cái gì đó giống nhau.

Nhà cầm quyền Trung Quốc cũng luôn luôn ỷ là nước lớn, luôn tự hào Trung Quốc có nền văn hóa văn minh lâu đời nhưng lại hành xử với các nước láng giềng và với thế giới nói chung một cách hết sức ngang ngược, tà đạo.

Với các nước láng giềng nhỏ bé, yếu thế hơn thì bắt nạt, chèn ép, âm mưu xâm chiếm toàn bộ biển Ðông thành ao nhà của mình. Ðối với thế giới khi cần phải có cách hành xử theo kiểu nước lớn đúng nghĩa, có trách nhiệm thì lại né tránh. Ví dụ như trong những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ môi trường, bầu khí quyển toàn cầu cho tới việc góp phần giữ gìn hòa bình ổn định trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương...

Nếu người dân Trung Quốc hiện nay nhìn chung chưa tạo được thiện cảm của thế giới khi đi ra ngoài thì hình ảnh của nhà cầm quyền Trung Quốc cũng bị nhìn nhận theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn.

Cùng với sự phàn nàn, phẫn nộ của nhân dân các nước trong khu vực Ðông Nam Á về sự hung hăng, gây hấn, lấn chiếm lãnh hải của Trung Quốc là những tin tức về cách hành xử theo kiểu thực dân mới của các tập đoàn doanh nghiệp Trung Quốc đối với người dân tại các quốc gia Châu Phi, những tuyên bố về việc tin tặc Trung Quốc ăn cắp các bí mật về kinh tế, quân sự, quốc phòng của Mỹ và các nước phương Tây... Chưa kể, sự e ngại của thế giới lâu nay trước những sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại mang nhãn hiệu made in China.

Trung Quốc, do vậy, ngày càng hiện lên như một thế lực hắc ám, phe tà đạo, đe dọa phá vỡ các tiêu chuẩn, luật lệ quốc tế trong lĩnh vực thương mại, bản quyền cũng như mọi quy tắc về sự ổn định, hòa bình chung. Cuộc chiến giữa các nước láng giềng với Trung Quốc trong việc tranh chấp biển đảo hay cuộc chiến giữa Mỹ và các nước phương Tây chống tin tặc Trung Quốc vì vậy sẽ có tính chính nghĩa.

Chỉ có điều là Trung Quốc khôn ngoan, thâm hiểm sẽ không dại gì để xảy ra chiến tranh hao người tốn của còn bị thế giới lên án hoặc đánh hội đồng, chắc chắn Trung Quốc sẽ chỉ chọn con đường như họ đã và đang thực hiện lâu nay.

Chẳng hạn, trên biển Ðông, cứ âm thầm lấn chiếm trái phép cộng với tuyên truyền lu loa, lâu dần biển, đảo của người thành của mình. Khi bị tố cáo thì cứ chối và chối, đồng thời vu vạ ngược cho nước khác, cả vú lấp miệng em v.v...

Bản chất của nhà cầm quyền Bắc Kinh bị bộc lộ rõ nhất là qua cách hành xử trên biển Ðông này.

Nếu muốn thu phục được niềm tin, sự tôn trọng của các nước, nếu muốn có được những bạn bè, đồng minh thực sự, Bắc Kinh cần phải cải thiện đường lối chính sách ngoại giao, quốc phòng, những nguyên tắc làm ăn, trao đổi thương mại của mình. Chẳng khác nào người dân Trung Quốc phải cải thiện hình ảnh khi đi ra bên ngoài.

Chỉ có điều, khi du khách Trung Quốc hành xử không được văn minh thì chính quyền Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm hướng dẫn, “giáo dục” người dân. Còn khi chính nhà cầm quyền Trung Quốc đang hành xử xấu xí, tà đạo với láng giềng và với thế giới, thì ai có thể tác động được đến họ?

Láng giềng Việt Nam

Trong số những quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ lãnh hải với Trung Quốc thì Việt Nam là nước có nhiều món nợ ân oán, nhiều kinh nghiệm cay đắng nhất. Ðồng thời, do sự chọn lựa đường đi, chọn lựa bạn thù sai lầm của đảng và nhà nước cộng sản, Việt Nam cũng trở thành quốc gia đang ở vào thế yếu nhất và bị đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền nhất.

Ðối với một kẻ thù có khát vọng bành trướng, bá quyền mạnh mẽ, có những chiến lược đường dài khôn ngoan, thâm hiểm nhưng lại ứng xử một cách ngang ngược, bất chấp dư luận như Bắc Kinh thì phải chọn con đường công khai, minh bạch, dựa vào sức mạnh của nhân dân và sự đồng thuận, hỗ trợ của bạn bè thế giới.

Như trong hồ sơ biển Ðông, trước mọi hành động càn quấy, lấn chiếm dần dần của TQ, Việt Nam phải luôn luôn kết hợp lý lẽ, lập luận chính nghĩa với bằng chứng cụ thể, công khai cho toàn dân, toàn thế giới biết, để Trung Quốc khó có thể làm càn.

Trước đây, trong cuộc chiến tranh với Mỹ, đảng cộng sản đã làm rất tốt hai điều trên: dựa vào sức mạnh của nhân dân và tuyên truyền, gây sức ép với quốc tế, với chính nhân dân Mỹ khiến chính quyền Mỹ phải rút khỏi cuộc chiến.

Nhưng nay, với Trung Quốc thì họ lại chưa làm được. Thậm chí, từ sự đàn áp thô bạo mọi phản ứng yêu nước, phản đối Trung Quốc của nhân dân, từ chính sách ngoại giao không rõ ràng, sự nhu nhược trước Trung Quốc v.v... đã khiến cho người dân Việt Nam và thế giới hồ nghi về quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia của họ. Hậu quả là họ đang bị cô đơn với chính nhân dân của mình và không có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ thế giới.

Cũng như Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam đã tạo ra một hình ảnh xấu xí trên thế giới do thể chế độc tài, và hồ sơ nhân quyền tệ hại trong suốt nhiều năm qua. Nhưng riêng ở góc độ tranh chấp lãnh thổ lãnh hải với Trung Quốc, thì Việt Nam lại có được một “lợi thế” là nước yếu, bị Trung Quốc bắt nạt, đánh chiếm đất, biển, đảo và o ép về mọi mặt.

Với lợi thế chính nghĩa, nếu biết sử dụng, Việt Nam sẽ tranh thủ được sự hỗ trợ của nhân dân và thế giới. Nhưng trước hết, cũng như Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam cần phải cải thiện, thậm chí thay đổi hoàn toàn “chân dung” của mình, như Myanmar và nhiều nước độc tài khác đã và đang làm.