main billboard

... Các mảnh vỡ từ hai bên cố ráp vào vẫn rời ra, ... xộc lệch không tài nào ăn khớp. (LKH)

“Trăm Năm Ly Hợp” là một cuốn sách của tác giả Lê Khắc Hoan, một ký giả, nhà văn cũng là nhà giáo “bên thắng cuộc,” vừa xuất bản ở Việt Nam, nói về chuyện đoàn tụ và ly cách của dòng họ Lê Khắc từ một ngôi làng nhỏ của miền Trung sỏi đá: Văn Xá, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Dòng họ này cũng như hằng trăm dòng họ của đất nước Việt Nam, bởi thảm nạn từ Việt Minh đến Cộng Sản, dưới danh nghĩa giải phóng dân tộc để đem gông cùm Cộng Sản choàng vào cổ người dân Việt Nam, đã chịu cảnh ly tán trong một thời gian dài, nhưng rồi khi nghĩ có thể kết hợp được, lại càng ly tán, xa cách nhau hơn.

sach tramnamlyhopHình bìa sách “Trăm Năm Ly Hợp”. (Hình: Huy Phương)

Nhan đề cuốn sách là “Trăm Năm...” nhưng thực tế từ lúc tác giả ra Bắc đến lúc trở về lại quê hương, vỏn vẹn có 30 năm. Sau khi thân phụ ông, nguyên là tri phủ Quảng Trạch và Duy Xuyên, sau ngày Việt Minh cướp chính quyền, qui ẩn về Văn Xá được cử làm “Chủ Nhiệm Việt Minh Xã” qua đời, gia đình của tác giả, hai bà mẹ và hơn chục anh em, theo ông anh rể, một viên chức chính quyền Việt Minh ra Bắc.

Tám năm sau, về phía miền Nam, năm 1954, khi đất nước chia cắt, cũng có những người tập kết ra Bắc, để lại gia đình bên này sông Bến Hải. Ở miền Bắc thì sau hiệp định Geneve, một triệu người xuống tàu bỏ tài sản, ruộng vườn, làng mạc, mồ mả cha ông di cư vào Nam, không ít gia đình đã chịu cảnh ly tán, người bên này kẻ bên kia.

Trong cuốn “Trăm Năm Ly Hợp” tức “Lê Khắc Gia Phả Chí” lẽ cố nhiên cũng nhắc đến cội nguồn tổ tiên và những vị sinh tiền đã gầy dựng nên một dòng họ Lê Khắc đông đúc ngày nay. Vì làng Văn Xá nằm về phía Nam sông Bến Hải, nên nếu chia hai dòng họ cho hai bờ Bắc Nam, thì phía Nam nhân sự đông đúc gấp bội bờ Bắc. Ca ngợi dòng họ và xiển dương những bậc tài trí về cả phía văn lẫn võ, tác giả cố gắng đem lại sự quân bình cho dòng họ ở cả hai miền. Nhưng khi tác giả trở về Nam, một số thân tộc đã bỏ nước ra đi, một số phải chịu cảnh tù đày, một số khác thất vọng, cay đắng, trừ những người ít bị thương tổn, không muốn liên lạc hay hợp tác, nhận họ với phía “giải phóng”. Khi tác giả gặp gỡ những người ở lại, thì dù là anh em, họ ít muốn nói đến những người ra đi, cho nên tập sách, nói là “gia phả chí,” dưới hình thức ký sự, cũng không tránh khỏi nhiều thiếu sót.

Một cuốn sách của một người “bên kia” dù là viết về dòng họ của riêng mình, cho bà con hai bên cùng đọc, cũng không tránh khỏi chuyện đi cho đúng lề, và để cuốn sách được xuất bản, cũng có đoạn ca tụng “bác Hồ”, dùng chữ “ngụy quyền Saigon,” kêu gọi bà con “về đầu tư, xây dựng đất nước”, ca tụng làng Văn Xá Anh Hùng chống Mỹ (!),thiết nghĩ không có sức thuyết phục để anh em trong dòng tộc ngồi lại với nhau, mà chỉ gây thêm chia rẽ:

“Trong cuộc chiến 30 năm đằng đẵng, những người ở lại bám trụ làng quê đã lập võ công hiển hách. Văn Xá được nhà nước vinh phong Ðơn vị Anh hùng. Xứng đáng với quê hương, đông đảo anh em họ Mạc của Văn Trí (bút hiệu của tác giả), những người Lê Khắc thoát ly đi kháng chiến mà còn sống, khi quay về đều đỏ ngực Huân chương.”

Tác giả bị ám ảnh bởi màu đỏ của huân chương, huy chương, và ông đã nói với một người chú ruột: “Nếu chú Lự của cháu tập kết ra Bắc thì cháu đoan chắc chú sẽ nhận được tấm huân chương cao nhất trong số bà con Lê Khắc hiện diện ở miền Bắc” (trang219), trái lại tôi lại bị ám ảnh bởi màu đỏ của máu. Ba mươi năm trước, vào tuổi lên 10, tác giả ra Bắc, cũng với tuổi đó ở lại quê hương, tôi đã mục kích bao nhiêu cảnh Việt Minh bắn người trên bờ ruộng, cắt cổ, mổ bụng, thả xác trôi sông rất hãi hùng, sợ đến nỗi ban đêm không dám ra vườn đi đái. Mỗi đêm nghe tiếng chó sủa là dân làng lạnh người, co rúm lại vì sợ.

Và ở một đoạn khác:

“Máu đào của bà con Lê Khắc cùng với hàng ngàn đồng bào đồng tộc làng Văn đã tô thắm lá cờ ‘Ðơn vị anh hùng,’ danh hiệu vẻ vang nhà nước phong tặng nhân dân và lực lượng vũ trang Hương Văn! Về thăm quê hương, Văn Trí từng ngó thấy chứng tích căn cứ Lữ đoàn 101 hơn 2,000 lính Mỹ đóng quân trên địa bàn Văn Xá năm 1968. Trong kháng chiến, 1,100 người làng cầm súng thoát ly. Văn Xá đã phối hợp với bộ đội chính quy đánh 1,200 trận. Riêng lực lượng bán vũ trang của làng độc lập chiến đấu hơn 500 trận. Văn Xá có 125 thương binh và 605 liệt sĩ!” (trang 364)
Chúng tôi, người viết bài này, là người em họ của tác giả, có mặt trong cái dòng họ Lê Khắc này, là một người lính miền Nam, suốt thời gian tác giả ra Bắc, từ năm 1966 (nếu tác giả cho là thời điểm lực lượng Hoa kỳ có mặt tại miền Nam) cho đến năm 1972 (sau hiệp định Paris 1973, quân đội Mỹ đã về nước), vẫn thường về thăm viếng quê hương nhiều lần. Văn Xá vẫn thanh bình yên ổn, lâu lâu có anh du kích rình mò thảy mấy quả lựu đạn vào chốt gác nghĩa quân.

Cũng là một nhà báo quân đội, chúng tôi có quan tâm và có các thông tin về các trận chiến, nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy hay nghe nói có 2,000 lính Mỹ đóng ở địa phận làng Văn Xá, mà ở đây lại có đến 1,200 trận chiến thư hùng + 500 trận của du kích Văn Xá, đầy tưởng tượng như trên. (Cứ thử lấy con số 1,700 trận chiến bom đạn, chia cho thời gian 6 năm, mỗi năm xảy ra 283 trận, mỗi tháng gánh chịu hơn 23 trận, như vậy cứ gần một ngày, Văn Xá xảy ra một trận đánh. Một trận đánh kéo dài bao nhiêu giờ, mà ở đoạn kế tiếp, tác giả lại nói: “...vẫn nguyên vẹn mái đình Văn Xá, vẫn yên lành nhà thờ Lê đại tộc, nhà thờ phái Lê Khắc, nhà thờ Trung Phụng đại phu và mấy trăm phần mộ đồng loạt đúc bia phái Lê Khắc.”)

Nếu “tài liệu” của tác giả là thật, thì Văn Xá đã trở thành bình địa, một vũng bùn hay là một đống “xà bần” như cổ thành Quảng Trị rồi! Nên nhớ diện tích làng Văn Xá là 1,390 Km2, và làng chỉ có 8,663 người dân.

Tác giả cho đây là “điều thần diệu,” nhưng với tôi, đó là điều mâu thuẫn vì những tài liệu mà tác giả dẫn chứng trên, hầu như đã trích từ một tờ Quân Ðội Nhân Dân nào đó, thường nhắm vào chiến dịch tuyên truyền thành tích cho dân ngu, không nói thành có, không hề căn cứ vào những sự thật rất sơ đẳng! Một phần tác giả cũng bị ảnh hưởng bởi thứ “thành tích truyền khẩu” để bị lầm lẫn những địa danh cách xa nhau hằng trăm cây số như Ashau, A Lưới với một ngôi làng nhỏ Văn Xá thanh bình, trên quốc lộ 1 nằm trên trục lộ Huế-Quảng Trị, chỉ cách Huế 13 km, nườm nượp xe cộ qua lại hằng ngày.

Trong suốt 432 trang in, “Trăm Năm Ly Hợp” tác giả đã có thiện ý tạo sự đoàn kết của dòng tộc sau nửa thế kỷ chia lìa. Tác giả đã thú nhận gửi đi hằng trăm e-mail, lời nhắn cho bà con, nhưng không hề được hồi âm, và ngay đối với người viết bài này, những đứa cháu ở Việt Nam cũng ngần ngại không muốn cho tác giả biết địa chỉ, dù là địa chỉ e-mail. Ðiều này chứng tỏ, “miền Bắc nhận hàng” đã xong, nhưng miền Nam vẫn còn miễn cưỡng, chưa muốn “nhận họ”. Cuốn sách ra đời, tôi nghĩ là tác giả muốn hàn gắn lại vết thương cho họ hàng, dù từ bên này hay bên kia, dù ở trong nước hay lưu lạc xa quê hương, nhưng hình như những cố gắng của tác giả không đem lại sự mong muốn.

Sau 30 năm, khi con tàu xuyên Việt có thể nhả khói, kéo những hồi còi, chạy suốt, nối Hà Nội-Huế với Sài Gòn, nhân gian, bao nhiêu dòng họ tưởng là đoàn tụ, nhưng đây là lúc chia cách lớn nhất, không còn là vì khoảng cách của sông núi, mà bởi lòng người ly tán, tưởng chừng, rồi đây cả trăm năm sau, cũng chưa thể hàn gắn được.

Sau chiến tranh Nam-Bắc, người cha tập kết trở về dắt díu theo một bà vợ của đảng, mấy đứa cháu của bác, để rồi nhìn nhau trong ngỡ ngàng, lạnh nhạt, thống hận và đắng cay. Họ không còn giống nhau từ sự hiểu biết, giọng nói, lối sống và tư tưởng. Vợ chồng mà đó, anh em ruột thịt mà đó, cha con mà đó, nhưng xa cách nghìn trùng, càng dùng ngôn ngữ để tiến lại gần nhau, càng thấy xa nhau.

Trong suốt cuốn sách, những dòng chữ sau đây có thể nói là suy nghĩ chân thật nhất của một người trở về nhận ra cái tan hoang của dòng tộc:

“Ấy là năm 1975, quy cố hương, đại đoàn tụ. Văn Trí mấp mé tuổi 40, hát váng lên ‘Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công”, rồi nghẹn ngào “Tôi lớn rồi mà như ngây thơ...” Sướng vui cực điểm.

Và hẫng hụt lập tức. Ơ hay, nước Việt toàn thắng, sao người Việt không ai vui trọn vẹn. Tổ quốc hòa bình, gia đình chiến tranh. Hơn 20 ông chú bà cô của Văn Trí, gia đình đông đúc, năm 1946 cũng rẽ làm đôi, phần ra Bắc, phần vào Nam. Hòa bình hội tụ cả trăm con cháu Lê Khắc, mừng mừng tủi tủi. Nhưng các mảnh vỡ từ hai bên cố ráp vào vẫn rời ra, xộc lệch không tài nào ăn khớp.

Việt Nam độc lập thống nhất, non sông nguyên vẹn còn đây, nước không mất, nhưng nhà tan. Dòng tộc ly tán. Tiếng súng im mà lòng người xao xác không yên. Các mối xung đột tự bên trong gia tộc âm ỉ, rồi bùng phát. Con cháu tung tóe tứ tán mười phương. Ôi, ra là thế, tự khi nào, cuộc chiến sắc tộc khốc liệt đã quyện xoắn với nỗi niềm bứt phá giằng xé chia rẽ trong từng dòng họ, từng gia đình, thậm chí từng người. Cuộc đối đầu đụng độ khủng khiếp giữa hai hệ tư tưởng ấy, làm sao chỉ mặt đặt tên phanh phui lý giải, ngõ hầu hòa giải đồng bào tộc Việt, gắn kết huynh đệ họ Lê? Công cuộc này khốc liệt cam go không thua 30 năm bom đạn. Dòng tộc thân thương ơi, lẽ nào phải chắp nối trăm năm mới hoàn nguyên chu trình ly hợp? (trang 21)

Có thể trong số những người bên kia trở về năm 1975, ít có ai nhìn thấy được sự ly tán ngay trong giờ khắc mà chúng ta tưởng là sum họp, nỗi buồn xót xa trong ngày mà những người thắng cuộc tưởng là vui. Tác giả Lê Khắc Hoan có thể nhìn thấy nỗi đau xót ấy của một dòng họ, nhìn cây thấy rừng, như trong trăm nghìn dòng họ trên đất nước Việt Nam, nhưng có lẽ ông chưa tìm thấy nguyên nhân của sự việc, vì còn mải mê với sự nghiệp “ngực đỏ huân chương” của những đứa con Lê Khắc trở về.

Ðể kết luận, tác giả đã bày tỏ: “Hai phần ba thế kỷ trong vòng xoáy đối đầu tàn khốc, rốt cuộc, không một người nào ở phía nào được hạnh phúc vẹn tròn. Cho dù công danh hiển đạt. Cho dù vợ đẹp con khôn. Cho dù tiếng tăm lừng lẫy, chính trực nhân từ, tài ba uyên bác cũng nổi chìm quăng quật trong cuộc chiến đa diện, đa phương...”

Thưa tác giả, cũng là người anh họ của tôi!

Chúng tôi nghĩ, hạnh phúc sẽ được vẹn toàn, nếu từ nửa thế kỷ trước, nếu đất nước này không bất hạnh có nhân vật Hồ Chí Minh, mang chủ nghĩa Cộng Sản từ Liên Xô về để đày đọa dân tộc Việt Nam trong bao nhiêu năm, và chắc chắn chúng ta sẽ có “hạnh phúc vẹn toàn,” đó là ngày chế độ Cộng Sản tàn lụi trên quê hương Việt Nam.