“Nói Ðồ Sơn không có mại dâm thì khác gì bảo bãi biển ở đây không có nước."


Ðồ Sơn có bãi biển nổi tiếng từ thời nhà Nguyễn và thời Pháp thuộc, là một quận của thành phố Hải Phòng, cách trung tâm khoảng 20 km về hướng Ðông Nam. Ðồ Sơn có một khu nghỉ mát gồm nhiều bãi biển có phong cảnh đẹp.

baibien dosonBãi biển Ðồ Sơn

Theo Wikipedia, quận Ðồ Sơn được thành lập ngày 12 Tháng Chín 2007 trên cơ sở toàn bộ diện tích của thị xã Ðồ Sơn cũ theo nghị định 145/2007/NÐ-CP của chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.

Cơ cấu kinh tế của toàn huyện trong đó ngành du lịch và dịch vụ chiếm khoảng 70%, đánh bắt thủy sản và nông nghiệp chiếm 23% và công nghiệp và xây dựng 7%.

Ðồ Sơn rất đông du khách từ khắp mọi miền Việt Nam cũng như khách quốc tế về đây tắm biển, nghỉ ngơi và leo núi, cắm trại, ngắm nhìn phong cảnh biển đẹp trong buổi chiều tà.

Khu du lịch đảo Dáu với bể bơi nhân tạo thuộc hàng lớn nhất Châu Á, có vườn chim, vườn thú, khu vui chơi giải trí, các khách sạn đẳng cấp 3 đến 5 sao, đặc biệt không thể thiếu ngọn hải đăng cổ kính hơn trăm năm tuổi. Kể từ khi được tu sửa khang trang, nơi đây còn được gọi vui bằng cái tên “Ðà Lạt thu nhỏ”, hằng năm được rất đông du khách đến vui chơi giải trí vào những ngày hè.

Ngoài ra, khu du lịch Ðồ Sơn còn vinh dự là nơi có hòn đảo nhân tạo đầu tiên của Việt Nam - đảo Hoa Phượng, tọa lạc tại trung tâm khu du lịch, được trang bị đầy đủ các tiện nghi hiện đại, sang trọng như trung tâm thương mại cao cấp ở giữa đảo, bể bơi nhân tạo, phố ăn uống, khách sạn đẳng cấp 5 sao, khu biệt thự, bến du thuyền... là nơi lý tưởng để khách du lịch đến dừng chân và nghỉ dưỡng.

"Không đi không biết Ðồ Sơn"
Ðó là câu ca dao vỉa hè tồn tại từ cuối thập niên 90, được cho là của nhà giáo Hà Giang.

Không đi không biết Ðồ Sơn
Ði rồi mới biết chẳng hơn đồ nhà
Ðồ nhà tuy có hơi già
Nhưng là đồ thiệt hơn là đồ sơn.

Bao nhiêu năm nay vẫn thế, Ðồ Sơn hấp dẫn khách du lịch không chỉ với phong cảnh hữu tình, gió biển mát mẻ, mà bất cứ ai đến nơi này đều có thể thấy rõ điều mà dư luận vẫn kháo nhau về “thiên đường sung sướng”.

Thế nhưng, “trong buổi tọa đàm về công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện vào sáng 13/6, ông Phạm Ngọc Dũng, phó trưởng phòng chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội cho biết, “Từ chính quyền thành phố đến địa phương đều khẳng định là không có câu chuyện hoạt động mại dâm tại Ðồ Sơn”.

Phát biểu của ông Dũng khiến các phóng viên báo chí bị “choáng” nên họ đã quyết tâm tìm hiểu thực tế, bác bỏ.
Trong bài “Mại dâm công khai ở Ðồ Sơn, Quất Lâm”, hôm 19 Tháng Sáu, phóng viên tờ Người Lao Ðộng cho hay hai khu ven biển Ðồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (tỉnh Nam Ðịnh) mại dâm “nhộn nhịp suốt ngày đêm”, “hàng chục thanh niên ngồi tràn ra lòng đường hoặc đứng vẫy”, mời chào “em út không anh ơi” với bất cứ vị khách nào đi qua.

Ngang nhiên tới mức những gã ma cô sẵn sàng chặn cả xe biển số xanh (xe của cơ quan nhà nước) để mời khách vào nhà nghỉ “thư giãn”. “Chỉ cần một tốp khách 2-3 người bước vào nhà nghỉ là nhân viên điều hành lại tất bật điều ‘hàng’. Vài phút sau, hàng chục cô gái bắt mắt được cánh xe ôm đưa đến cho ‘thượng đế’ tha hồ lựa chọn”.

Với bài “Ðồ Sơn ‘cháy’ hàng, gái không kịp mặc quần áo” cho hay, khi tới lễ hội chọi trâu ở Ðồ Sơn là một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài vùng biển, khách ra vào nhà nghỉ tấp nập. Người này vừa ra, người kia đã vào, thậm chí có em chẳng kịp mặc quần áo (ngoisao.net 19/6).

Trong khi đó, ngày 17 Tháng Sáu, phóng viên VNExpress đi tìm hiểu vấn đề này và với bài “Mỗi ngày 30 gái mại dâm tiêm thuốc tăng lực để tiếp khách” viết rằng, “Tôi đã đi Ðồ Sơn, Quất Lâm rồi. ‘Cave’ hầu như là không ở trong quán, khi có khách họ sẽ báo ‘cave’ tới để cho khách chọn. Thực sự mại dâm ở đấy dễ như mua mớ rau thôi. Chẳng biết chính quyền địa phương kiểm tra thế nào mà bảo là không có?”

Hầu hết độc giả đều phản đối kết luận của ông Dũng và cho rằng báo cáo trên không đúng thực tế, nhiều bạn đọc đã đưa dẫn chứng cụ thể và nói “tệ nạn này diễn ra ngang nhiên, không phải không có như báo cáo trên mà là rất nhiều”, “tìm được gái mại dâm dễ như trở bàn tay”...

Bày tỏ sự thất vọng, một độc giả thốt lên: “Thật nực cười, tệ nạn này ở hai tỉnh thì rất nhiều người đều biết, sao lại có kết luận như vậy?”

Theo nhiều bạn đọc, “ngay cả đứa trẻ con cũng có thể biết” nhưng các cấp chính quyền địa phương lại báo cáo rằng không có, thật vô lý. Việc tìm chứng cớ về mại dâm ở Ðồ Sơn và Quất Lâm như yêu cầu của lãnh đạo cục phòng chống tệ nạn xã hội cũng không hề khó.

Như thế là đã sáng tỏ như trăng rằm. Báo cáo của phó trưởng phòng chính sách phòng chống mại dâm, cục phòng chống tệ nạn xã hội là láo khoét, dối trá. Sự dối trá này chính là vì “há miệng mắc quai”. Khách hàng chủ yếu là các quan chức lắm tiền nhiều bạc, các đại gia, doanh nghiệp làm giàu từ trục lợi mánh mung, Việt kiều “áo gấm về làng”... Hoạt động mại dâm, tuy là bất hợp pháp, nhưng được bao che, bảo kê bởi công an địa phương, việc truy quét theo từng đợt chỉ làm lấy lệ.

“Nói Ðồ Sơn không có mại dâm thì khác gì bảo bãi biển ở đây không có nước. Nhưng, người ta quản lý thì họ phải nói thế. Chứ ăn chia với nhau rồi, há miệng mắc quai rồi dẹp làm sao được” - Anh Tuấn lái taxi cho biết. (“Những cuộc mua vui nhớp nháp ở Ðồ Sơn”, xahoi.com.vn - 20/06/2013)

Ðâu riêng chỉ ở Ðồ Sơn

Mại dâm tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, trẻ hóa về lứa tuổi và đa dạng về đối tượng. Tờ An Ninh Thủ Ðô (4 Tháng Mười 2012) cho biết “càng cấm thì càng hoạt động. Phá được nhóm ổ này thì nhóm ổ khác mọc lên với mức độ tinh vi càng càng cao”. Con số An Ninh Thủ Ðô đưa ra khoảng 31,000 người đang hoạt động mại dâm trên toàn quốc, thực chất chỉ là một phần rất nhỏ trong số hồ sơ quản lý.

Mại dâm lan tràn từ thành thị lớn đến cả nông thôn, dàn trải suốt dọc đường quốc lộ Bắc Nam, với nhiều hình thức kinh doanh trá hình. Sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp, người mẫu cũng làm điếm. Chưa kể hàng trăm, thậm chí hàng ngàn các cô giá khác phải chịu cảnh “nô lệ tình dục” qua việc lấy chồng Hàn Quốc, Ðài Loan, Trung Quốc hay công nhân lao động xuất khẩu lâm vào tình trạng mại dâm tại Malaysia, Nga. Cho nên “tàn dư” 200 ngàn gái mại dâm ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975, không phải là con số để so sánh với sự “tốt đẹp” của chế độ xã hội chủ nghĩa, con số mại dâm thực tế hiện nay ít nhất cũng tương đương, hoặc hơn.

Không chỉ riêng Ðồ Sơn, Quất Lâm, những “con phố đèn đỏ” đã tồn tại ở Sài Gòn từ hàng chục năm nay, người dân biết, cơ quan chức năng cũng biết... nhưng “cơ quan chức năng” “bất lực” là nhận định của tờ PetroTimes 20/06/2013.
Nơi đây, “Tiếng nhạc át tiếng la hét, cổ vũ trong căn phòng. Những cô gái chỉ chầu chực thực khách càng móc ‘hầu bao’ nhiều và càng... quậy bạo. Cứ mỗi tờ tiền 200 ngàn đồng được khách rút ra là thêm một món đồ trên người tiếp viên rơi xuống. Các cô gái khỏa thân đứng trên bàn tiệc uốn éo theo điệu nhạc, cứ thế các cuộc chơi trụy lạc lại bắt đầu. Màn trình diễn càng trở nên thô tục đến mức không còn gì có thể so sánh khi tờ 100 USD được cài vào lon bia”...

Các tụ điểm mại dâm tại Hà Nội cũng hoạt động tăng trở lại, rôm rả đêm cũng như ngày, hình thành nên những con phố “vẫy”, tập trung trên phố Phan Ðăng Lưu (Gia Lâm), Phạm Văn Ðồng (Từ Liêm) và trên các tuyến phố lớn như Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, ngã ba dốc Bưởi giao với phố Nguyễn Khánh Toàn... hàng loạt khu “đèn đỏ” mát-xa đã xuất hiện.

Kết

Nạn mại dâm diễn biến phức tạp và tội phạm liên quan đến mại dâm có chiều hướng gia tăng, tác động xấu trong xã hội, đến mức Nguyễn Tấn Dũng đang đau đầu về các giải pháp cứu vãn nền kinh tế đang suy thoái, ngày 19 Tháng Sáu cũng phải vào cuộc, yêu cầu các bộ lao động-thương binh và xã hội, công an, văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông khẩn trương rà soát, thực hiện chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 và báo cáo thủ tướng trước ngày 5 Tháng Bảy 2013.

Không rõ cựu “thái tử” Nông Quốc Tuấn, ủy viên trung ương đảng, phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc sau khi được cử làm thành viên ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, có quyết tâm gặt hái “thành tích” trong đợt này hay không?