main billboard

“Tôi nghĩ rằng ông Obama không còn chọn lựa nào khác hơn là cứ từ từ chờ xem biến chuyển như thế nào trước khi đi bước cờ kế tiếp”

Xế trưa Thứ Tư tuần trước lúc ông phụ tá Ben Rhodes đẩy cửa bước vào Phòng Bầu Dục, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đang bàn thảo với những nhân viên Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia về cuộc chính biến xảy ra tại Ai Cập, nhưng mắt vẫn dàn vào chiếc máy truyền hình đặt ở một góc phòng để biết những tin cập nhật nhất. Ðó cũng là điều ông Rhodes muốn báo cho người lãnh đạo nước Mỹ: Tổng Thống Mohamed Morsi không còn nắm quyền lãnh đạo quốc gia đồng minh quan trọng nhất nhì của Hoa Kỳ ở Trung Ðông, mọi quyết định đều nằm trong tay quân đội, với những tướng lãnh được đào tạo ở Nga lẫn ở Mỹ.

bieutinh aicap 1Những người ủng hộ ông Mohamed Morsi, tổng thống bị lật đổ, biểu tình đòi quân đội trao quyền lại cho ông. (Hình: MAHMUD HAMS/AFP/Getty Images)

Những nguồn tin hành lang phát xuất từ Tòa Bạch Ốc cho biết từ trưa hôm đó tới giờ, diễn biến chính trị đang được cả thế giới theo dõi đã chiếm phần lớn những cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, kể cả cuộc thảo luận trực tuyến được Tổng Thống Obama thực hiện sáng sớm Chủ Nhật vừa rồi với các viên chức trong Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia. Hai câu hỏi được tổng thống đặt ra: Liệu có nên gọi chuyện quân đội lật đổ ông Morsi là một cuộc đảo chánh hay không, và liệu có nên cắt số tiền viện trợ 1.3 tỷ bạc đang dành cho Ai Cập hàng năm hay không?

Chỉ vài giờ sau khi Quốc Hội Liên Bang trở lại làm việc sau dịp nghỉ lễ Ðộc Lập mùng 4 Tháng Bảy, cả thế giới đã có câu trả lời. Trong cuộc họp báo vào trưa Thứ Hai (mùng 8 Tháng Bảy 2013), ông Phát Ngôn Viên Jay Carney cho biết sau khi suy đi tính lại, “Chúng tôi thấy cắt giảm viện trợ dành cho Ai Cập là điều không có lợi cho nước Mỹ”. Vẫn theo người cất tiếng nói thay cho tổng thống, “Washington kêu gọi tất cả các phe phái chính trị sớm phục hồi và tiếp tục tiến trình dân chủ” nhắc lại “Hoa Kỳ không ủng hộ hay liên quan với bất kỳ đảng phái chính trị nào”, tức sẽ giữ vai trò trung lập đối với cuộc chính biến ở Cairo. Ông phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc cũng nói rõ “Chúng tôi theo dõi rất sát những biến chuyển đang xảy ra” cũng như “thảo luận với những quốc gia đồng minh” về những gì đang xảy ra, ý muốn nói chưa hẳn Washington sẽ có quyết định đơn lẻ đối với chuyện quan trọng này.

Lúc ông Carney đưa ra quan điểm này là lúc cả thế giới đều sửng sốt trước tin quân đội Ai Cập nổ súng giết chết hơn 50 người dân -chưa kể con số hơn 300 người bị thương- sau vụ xô xát giữa những người ủng hộ cựu Tổng Thống Morsi và phe quân nhân được nói đang điều khiển chính trường. Ðối với một số chính trị gia hàng đầu của Hoa Kỳ, chỉ sự xuất hiện của quân đội không thôi đã “là điều không thể chấp nhận được” -chữ của Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain, chuyện buộc Tổng Thống Morsi phải rời khỏi chức vụ dân bầu lên “là một cuộc đảo chánh” -vẫn chữ của ông McCain, hoặc mềm mỏng hơn thì cũng phải là lời cảnh báo “quân đội Ai Cập nói họ không có ý nắm quyền, và tôi hy vọng họ sẽ làm đúng điều họ nói” như bản tuyên bố do văn phòng Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Patrick Leahy phổ biến.

Thái độ của tổng thống Hoa Kỳ khiến mọi người nhớ lại hồi đầu năm 2011 khi dân chúng Ai Cập tràn ngập đường phố thủ đô Cairo đòi Tổng Thống Hosni Mubarak từ chức, ông Obama là người đầu tiên trong hàng ngũ lãnh đạo các quốc gia đồng minh lên tiếng nói ông Mubarak phải ra đi. Gần 2 năm rưỡi sau đó khi người dân Ai Cập tràn ra đường trở lại đòi lật đổ chính vị tổng thống họ đã bầu lên, không thấy ông đưa ra thái độ cương quyết như trước. Ngay cả khi quân đội đưa tối hậu thư buộc Tổng Thống Morsi phải từ chức cũng không thấy ông lên tiếng nói gì, ngoại trừ lời phát biểu được đưa ra khi trả lời báo chí lúc đang công du Tanzania cho hay cam kết của nước Mỹ với quốc gia dông dân nhất trong khối Ả Rập “là lời cam kết của tiến trình dân chủ”, từ lâu vai trò của nước Mỹ “không phải là vai trò chọn người lãnh đạo cho Ai Cập” vì quyết định đó “là quyết định của chính người dân Ai Cập”.

Ông Obama thận trọng hay ông Obama ngập ngừng?

“Cả hai, vừa thận trọng vừa ngập ngừng”, theo nhận xét của nhà phân tích Michael Wahid Hanna, một chuyên gia về Trung Ðông đang làm việc với Viện Nghiên Cứu Century Foundation của phe cấp tiến Dân Chủ. “Ngay từ khi ông Morsi lên nhậm chức, chúng ta thấy chính phủ Obama đã làm ngơ trước những quyết định thiếu dân chủ của nhà lãnh đạo nước đồng minh, trong đó bao gồm cả chủ trương đàn áp đối lập mà ông Morsi và Tổ Chức Huynh Ðệ Hồi Giáo ủng hộ ông ta thực hiện. Thái độ đó (của Hoa Kỳ) dẫn đến chuyện ngày hôm nay”. Ðiều đó có nghĩa là “quan hệ giữa Hoa Kỳ và người dân Ai Cập” “đã bị tổn thương”, dẫn đến việc “Tổng thống phải ngập ngừng, lưỡng lự, thận trọng hơn khi quyết định bước kế tiếp phải đi”.

Thái độ của ông Obama “có thể khiến một số người ngạc nhiên, nhưng không phải ai cũng ngạc nhiên” là điều được nhà phân tích Mohamed El-Abdullah viết trên tờ báo mạng Cairo Thời Báo, nhắc lại ngay từ lúc có tin đồn dân chúng sẽ biểu tình chống đối chính phủ, “Washington đã bày tỏ quan điểm của họ qua bài nói chuyện của bà Ðại Sứ Anne Patterson đọc ở Cairo” hôm 18 Tháng Sáu, tức khoảng 2 tuần trước ngày người dân Ai Cập rủ nhau xuống đường. Trong bài diễn văn đó, người đại diện ngoại giao của nước Mỹ nói rằng “Một số người cho rằng biểu tình ngoài đường phố sẽ đem lại kết quả hay hơn kết quả của những cuộc bầu cử. Thành thật mà nói, chính phủ Hoa Kỳ và cá nhân tôi hoài nghi về điều đó”, trước khi kết thúc bằng câu “Ai Cập đang cần ổn định (chính trị) để giải quyết vấn đề kinh tế, có thêm xung đột ngoài đường phố chẳng lợi lộc gì ngoài việc có thêm một số người được ghi tên trong danh sách tử đạo”.

Bài diễn văn của bà Ðại Sứ Patterson “bị chỉ trích là thiếu khéo léo chính trị”, nhưng “phán ánh thật rõ ràng quan điểm của chính phủ Obama”, theo nhận xét của nhà phân tích Mike Wilson từng giúp ứng viên Cộng Hòa Mitt Romney tranh cử tổng thống hồi năm ngoái. “Ai cũng biết ông Morsi không thể lãnh đạo Ai Cập, ngay chính Tổng Thống Obama cũng từng cau mày khi nghe tin ông này đắc cử hồi Tháng Sáu năm ngoái, nhưng Washington vẫn chấp nhận làm việc với ông ta vì chỉ có Tổng Thống Morsi mới cam kết tiếp tục duy trì hòa bình với Israel, ông ta lại sẵn sàng giúp ông Obama thực hiện chính sách tìm hòa bình cho Trung Ðông. Nói tóm lại, ông Obama cần một người bạn ở Ai Cập, ông Morsi chính là người bạn mà ông Obama cần tới, cho dù biết ông bạn này không phải là người tài cán để lãnh đạo một quốc gia có nền dân chủ còn quá non trẻ”, ông Wilson kết luận.

“Tôi nghĩ rằng ông Obama không còn chọn lựa nào khác hơn là cứ từ từ chờ xem biến chuyển như thế nào trước khi đi bước cờ kế tiếp”, một nhà ngoại giao Âu Châu từng làm việc ở Trung Ðông vừa nói vừa nhắc đi nhắc lại câu “Ðây chỉ là nhận xét cá nhân của tôi”. Ông này kể lại chuyện hồi 2011 khi quân đội Ai Cập đưa xe tăng vào thủ đô Cairo “Ông Obama rất lo âu, cho đến khi Ðô Ðốc Tổng Tham Mưu Trưởng Mike Mullen báo cáo rằng ít nhất phân nửa các tướng lãnh Ai Cập đều tốt nghiệp các khóa huấn luyện quân sự và tham mưu ở Hoa Kỳ, lúc đó Tổng Thống Obama mới thở phào nhẹ nhõm”. Lần này cũng thế, “Ông Obama biết thái độ khôn khéo nhất là cứ ngồi yên không lên tiếng phê bình, tiếp tục viện trợ cho những tướng lãnh ông tin vẫn là đồng minh của nước Mỹ, chờ đợi cuộc bầu cử diễn ra, một chính phủ mới thành hình ở Cairo rồi hẵng tính tiếp chuyện tương lai”.

Nhà ngoại giao Âu Châu này bảo thêm “Hoa Kỳ coi dân chủ là mục tiêu tối thượng, nhưng nếu ông Obama lên tiếng chỉ trích các tướng lãnh Ai Cập đảo chánh ông Morsi thì có lợi gì không? Chỉ trích họ không đi theo đường hướng dân chủ chỉ giúp thỏa mãn nước Mỹ chứ chưa chắc đã có lợi, vì các tướng lãnh Ai Cập có thể đưa ra phản ứng gắt gao, nói rằng Washington can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác”. Lúc đó, “lại mất thì giờ để sửa chữa chứ chẳng được gì cả”. Ðiều đó có nghĩa là Hoa Kỳ “mặc nhiên chấp nhận chuyện quân đội lại điều khiển chính trường Ai Cập tương tự như điều đã xảy ra ngay sau khi ông Hosni Mubarak mới bị lật đổ, không cần thiết phải lên tiếng chỉ trích các tướng lãnh đã sử dụng võ lực đảo chánh, truất quyền hành của một chính quyền dân sự”.

Ý kiến này không khác gì nhiều với ý kiến của bà Tamara Cofman Wittes, giám đốc chương trình Trung Ðông của Viện Nghiên Cứu Brookings Institution. Trong cuộc thảo luận nói về tình hình Ai Cập, bà Wittes tin rằng “Hoa Kỳ không còn cách nào khác hơn là phải chấp nhận chuyện thực tế”. Thực tế đó bao gồm việc chính phủ của Tổng Thống Morsi quá kém cỏi nên “một lần nữa đòi hỏi quân đội phải can dự trực tiếp vào chính trường, giúp Ai Cập ổn định chính trị” sau đó mới tính tới chuyện trao quyền lại cho một chính phủ dân sự do người dân bầu lên.

Ít nhất, quyết định của Tổng Thống Obama được sự ủng hộ của phe Cộng Hòa ở Hạ Viện. Bản tuyên bố mang chữ ký của ông Chủ Tịch Khối Ða Số Eric Cantor viết rằng “Từ lâu quân đội Ai Cập đã giữ vai trò đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ, là lực lượng duy trì ổn định cho khu vực và có lẽ là cơ chế duy nhất còn được tin tưởng ở Ai Cập”. Tuyên bố này cũng chỉ trích chính phủ Morsi mới bị lật đổ “đã đi sai đường, khiến chính người dân Ai Cập lo âu cho tương lai của nền dân chủ đa nguyên mà họ mới tạo được cách đây 2 năm”, nhắc lại “như Tổng Thống Obama đã nói, dân chủ không phải chỉ là tổ chức bầu cử” mà còn phải đi đúng với nguyện vọng của cử tri.