main billboard

Ngày mồng một tháng Bảy là ngày quốc khánh, Canada kỷ niệm 146 năm lập quốc.

canada independence dayNgày quốc khánh Canada

Đất nước này trẻ trung thế đấy các cụ ạ. Vì trẻ nên sử Canada ghi rất chính xác các sự kiện. Tôi để ý chuyện này là mỗi năm khi đến ngày quốc khánh thì giới truyền thông Canada thường không nhắc tới 1867 là năm lập quốc, mà luôn luôn nhắc tới năm 1812, năm Hoa Kỳ đem quân bắc tiến định chiếm Canada. Lúc đó Canada còn nằm trong chế độ thuộc địa của Anh. Sách báo còn ghi câu nói để đời của Tỗng Thống Thomas Jefferson khi nói với binh sĩ sắp lên đường bắc tiến : Các bạn hãy an tâm và vui vẻ vì lên chiếm Canada thì dễ dàng như đi diễn hành ‘ Capture of Canada was a mere matter of marching’. Sở dĩ Hoa Kỳ khinh địch như vậy vì lúc đó Canada là một miền đất qúa rộng lớn mà thưa người, đa số là dân từ Hoa Kỳ lên lập nghiệp cộng với dân Da Đỏ bản địa ở rải rác. Ông đâu có ngờ là bộ chỉ huy của Canada, lúc đó mang cờ Anh Quốc, đã chuẩn bị sẵn sàng, và họ liên kết được với người Da Đỏ. Quân Mỹ tiến ào ào và đã chiếm được Toronto, lúc đó mang tên là Fort York. Quân Mỹ đã tàn phá đốt cháy quốc hội và bao nhiêu tòa nhà. Quân Anh, cũng là quân Canada sau này, đã nhớ cái hận này nên năm sau, 1813, đã dốc toàn lực tiến sang đánh chiếm thủ đô Washington DC để trả thù và cũng đốt cháy tòa nhà tổng thống. Sau khi lấy lại được thủ đô, quân Mỹ thấy tòa nhà tổng thống của mình đã bị đốt cháy đen thì đã cho sơn trắng lại ngay, và danh xưng ‘ The White House’ có từ biến cố nhục nhã này. Cuộc chiến giữa hai bên không phân thắng bại, chỉ hao của và hao người, nên cuối cùng, năm 1814, Nga Hoàng đã đứng ra hòa giải. Quân Mỹ rút về phía nam tức về chốn cũ. Xin các cụ lưu ý : sử Hoa Kỳ chép về trận chiến 1812 này khác với sử Canada. Hai bên đều cho mình thắng trận. Hình như Hoa Kỳ viết rằng vì mình bị khiêu khích nên quân đội Hoa Kỳ mới kéo lên mạn bắc dạy cho bọn giặc cỏ một bài học mà thôi, chứ Hoa Kỳ không có ý định chiếm đất. Và hòa ước đã được ký kết, đường biên giới giữa hai nước đã thành hình, trên đất liền là 5.061 cây số, dưới nước là 3.830 cây số.

Tuy là cuộc chiến giữa quân đội Hoa Kỳ và quân đội Anh, nhưng thực tế đa phần quân đội dưới cờ Anh là người Canada. Và cuộc chiến này đã làm nảy sinh ra việc hình thành một tân quốc gia năm 1867, đó chính là nước Canada . Tân quốc gia có diện tích gần 10 triệu cây số vuông, chiều dài từ đông sang tây 5.514 cây số, từ bắc xuống nam 4.634 cây số, lớn hơn nước VN chúng ta 30 lần.

Các cụ nhớ kỹ nha, cách đây 200 năm thì Mỹ và Canada là kẻ thù của nhau, nhưng nay thì Mỹ và Canada coi nhau như ruột thịt, môi hở răng lạnh, vì rõ ràng núi liền núi, sông liền sông. Thời kỳ chiến tranh lạnh thế kỷ vừa qua, Hoa Kỳ chỉ sợ Nga Xô kéo quân qua Bắc cực tiến qua Canada rồi xuống đánh thẳng vào Hoa Kỳ nên việc quốc phòng phía bắc, tuy không nói ra, tuy là đất Canada, nhưng Hoa Kỳ đã canh gác ngày đêm.

Mỗi năm, dịp lễ quốc khánh, Canada vẫn diễn lại biến cố lịch sử 1812. Năm nay, nổi bật nhất trong việc diễn lại lịch sử là sự xuất hiện của các tàu chiến ngày xưa. Đó là một đoàn tàu buồm, tiếng Anh gọi là Tall Ships. Bây giờ tàu hải quân chạy bằng máy, ngày xưa, cách đây 200 năm chạy bằng buồm. Tàu lớn thì 3 cột buồm, tàu nhỏ thì một cột buồm. Năm nay tại bến cảng Toronto có tất cả 16 chiếc tàu buồm, trông đẹp mắt hết sức. Đây không phải là những con tàu nguyên thủy, nhưng là những con tàu đã đóng lại theo mẫu ngày xưa. 16 con tàu này sẽ trương buồm đi biểu diễn ở khắp các bến tàu trong Ngũ Đại Hồ. Mỗi bến, tàu neo lại cho dân chúng lên coi. Vừa được coi tàu, vừa được tiếp rước ăn uống, vừa được coi kịch diễn lại các trận đánh ngày xưa.

Tôi cứ nghĩ nếu năm 1812 mà quân Mỹ chiếm được Canada và sát nhập vào Mỹ, thì Mỹ đã là một quốc gia khổng lồ và vô dịch về mọi mặt, thế nhưng ông Trời không muốn vậy. Canada phải đứng riêng và có lối sống riêng. Làng An Lạc của tôi ai cũng yêu đất nước này vô cùng và nhận Canada là quê hương thứ hai. Vì sao ư? Vì đây là nơi đáng sống nhất, đúng y như cuộc thăm dò phẩm chất đời sống tại 36 quốc gia giầu có trên thế giới của cơ quan OECD trụ sở tại Paris vừa công bố : Canada đứng hàng thứ 3 sau Úc Đại Lợi và Thụy Điển. Bà cụ B.95 cứ nói hoài câu này : Trên thế giới hiện nay làm gì có nước nào mà người già được hưởng mọi phúc lợi, tiền tiêu hàng tháng, thuốc men miễn phí, chữa răng miễn phí, nằm bệnh viện miễn phí…

Ông ODP bồ chữ của làng nghe cụ ca ngợi Canada thì bảo : Cụ còn quên chưa nói tới những cái nhất của Canada. Một trong những cái cổ xưa nhất mà các khoa học gia về địa chất vừa khám phá ra là người ta vừa tìm thấy một mẫu nước có niên đại gần 2 tỷ năm ở một mỏ đá thuộc thành phố Timmins tỉnh bang Ontario. Thế có nghĩa rằng khi Thiên Chúa tạo ra trái đất thì đất Canada đã có. Ngài để nó chìm sâu dưới lòng biển rồi từ từ ngài mới cho nó nổi lên. Sắc dân đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này chính là người Da Đỏ từ Á Châu sang.

Nghe ông ODP nói tới đây thì làng tôi đi vào bầu không khí nói cười vui vẻ thường lệ. Anh H.O. lên tiếng ngay :

. Sao bác ngừng lại khi vừa nói tới người Da Đỏ ? Tôi nhớ có lần bác đã nói là thời gian người Da Đỏ có mặt ở đất Canada này chính là thời kỳ Mẹ Âu Cơ chia tay với Cha Lạc Long Quân để dẫn 50 người con lên núi. Lên núi đây là lên miền bắc, đoàn con này có một số đã tiến sang miền tây, theo eo biển Berring rồi tiến vào đất Canada.

Ông ODP tủm tỉm cười mà không nói gì. Bà cụ B.95 nghe đến đây thấy thích qúa bèn bảo anh H.O. kể nữa. Anh H.O. được thế liền nói tiếp ngay. Rằng theo lập luận của Bác ODP thì đoàn Da Đỏ này chính là người Việt cổ. Chứng cớ nhiều lắm. Cứ xem nét mặt người Da Đỏ mà coi, họ không có nét người Tàu, người Nhât, người Cao Ly mà có nét VN rõ ràng. Khi múa hát thì họ đội mũ lông chim, mà tổ tiên VN ta ngày xưa cũng nhảy múa hát và cũng đội mũ lông chim y như họ, việc này có khắc trên mặt các trống đồng rõ ràng. Ngoài ra, ngày xưa người Da Đỏ nói tiếng Việt Nam. Sử kể rằng thế kỷ 16, năm 1535 khi ông Tây Jacques Cartier là người da trắng đầu tiên đến thám hiểm đất này, ông gặp một nhóm người Da Đỏ thì ông lên tiếng hỏi. Vì ngôn ngữ bất đồng, người Da Đỏ nghe ông nói thì đoán có lẽ ông hỏi về nơi họ cư trú nên người Da Đỏ vừa chỉ vào các túp lều vừa nói : Kanata ! Ông Cartier nghĩ rằng người Da Đỏ trả lời câu hỏi của ông về tên giải đất này. Kanata tức là tên mảnh đất này. Nhưng tai của ông Cartier nghễnh ngãng, thay vì viết là Kanata thì ông ghi vào bản đồ tên mảnh đất này là Canada.

Nói đến đây xong thì anh H.O. cười hề hề. Ngày trước cháu nghe bác ODP giải thích rằng tiếng Kanata mà người Da Đỏ đã trả lời ông Cartier là tiếng VN, Kanata là ‘Cái Nhà Ta’, vì họ vừa chỉ tay vài trại lều vừa nói Kanata mà. Kết luận : Kanata = Canada = Cái nhà ta.

Nghe anh H.O. nói xong, chẳng riêng gì bà cụ B.85 mà cả làng tôi đã ầm lên tiếng cười. Chị Ba Biên Hòa vừa cười vừa nói : sao anh không nói tiếp về danh xưng Toronto của thành phố thân yêu này nữa đi. Hình như bác ODP ngày xưa bảo Toronto là tiếng Da Đỏ, Toronto là tiếng VN, là ‘ Tổ Rồng To’. Chính vì là tổ rồng nên Toronto đã thu hút hơn 50.000 người Việt đến lập cư tại đây.

Hôm nay Chị Ba Biên Hòa nổi hứng. Chị thấy bà con vui với ngày quốc khánh Canada nên chị kể sang chuyện thời sự. Rằng suốt tháng Sáu vừa qua trời mưa tầm tã đã làm miền Calagry thuộc bang Alberta bị ngập lụt, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Thủ hiến Alberta tuyên bố Calgary cần ít nhất 10 năm nữa mới phục hồi được nếp cũ. Mà các cụ phương xa có biết Calgary ở đâu không cơ? Thưa nó ở miền tây, ngay phía trên tiểu bang Montana của Hoa Kỳ. Việc ngập lụt này vừa do trời mưa nhiều qúa, vừa do nước sông dâng lên. Có rất nhiều con sông lớn chảy qua Calgary, một trong những con sông này có tên là Red River. Nói đến đây rồi Chị Ba cười ròn rã : Bà con thấy chưa, tên con sông Red River này là do người Da Đỏ đặt ngày xưa. Người Da Đỏ có gốc VN, họ ra đi từ miền Bắc VN là nơi có Sông Hồng Hà. Họ nhớ con sông này nên họ đi đến Canada khi thấy con sông này nước đỏ lờ lờ bèn đặt tên ngay cho nó là Sông Hồng, tiếng Anh dịch ra là Red River.

Dân làng tôi bò lăn ra cười. Không ngờ bữa nay Chị Ba Biên Hòa lại phụ họa mạnh mẽ luận thuyết của Ông ODP rằng người Da Đỏ ở Bắc Mỹ có gốc VN. Thấy Cụ B.95 có vẻ tin lời vợ mình như chết thì anh John lên tiếng : Không phải chỉ ở Calgary nơi vừa bị ngập lụt mới có sông Hồng Hà Red River. Thực ra nhìn vào bản đồ Canada và Hoa Kỳ người ta thấy có tất cả 7 nơi có con sông mang tên Red River.

Chị Ba Biên Hòa trả lời ngay : Lời anh vừa nói càng củng cố mạnh mẽ cho luận thuyết tên con sông Red River là do người Da Đỏ đặt cho. Cứ nơi nào người Da Đỏ đặt chân tới mà thấy con sông nào nước phù sa đỏ lờ lờ là đặt tên ngay cho nó cái tên Red River.

Chuyện nước Canada, chuyện người Da Đỏ và chuyện làng tôi còn dài lắm, để ngày nào mát trời tôi sẽ kể tiếp. Bây giờ xin mời các cụ cùng làng tôi ăn tiệc mừng ngày quốc khánh. Tiệc này tổ chức tại nhà anh John và Chị Ba Biên Hòa. Đầu bếp bữa nay không phải là ông bà chủ nhà. Họ đã nhờ một đầu bếp thượng thặng đứng nấu. Các cụ đã biết ai chưa và ông ta nấu món gì chưa? Thưa, đó chính là ông ODP. Ông này nhiều tài lắm, ngày xưa cầm quân đã hay, ngày nay văn chương chữ nghĩa đầy mình và nấu ăn ngon còn hay hơn nữa.

Ông ODP bảo hôm nay là lễ quốc khánh Canada, người Canada đâu có ăn món rau muống luộc với cà ghém chấm mắm tôm, họ ăn thịt bò bí tết chứ, cho nên bữa nay ông làm cho cả làng ăn món này. Ông đã chọn những miếng thịt bò thật tươi và thật mềm, ông ướp với tiêu với muối trước bữa ăn mấy tiếng đồng hồ. Khi cả làng đã ngồi vào bàn, đã ăn xong món xúp măng cua khai vị thì ông mới bắt đầu ra tay. Món này phải ăn nóng. Tôi được ông chọn làm phụ tá. Ông dùng cái chảo gang to, chảo gang nha bà con. Ông mở lửa lớn. Khi chảo đã thật nóng, ông rưới chút dầu ăn. Khi dầu ăn nóng bốc thành khói thì ông cho miếng thịt bí tết vào, ông lấy tay ấn miếng thịt xuống cho thật đều, chừng 3 phút thì ông mới lật miếng thịt. Ông vừa lật thịt vừa bảo tôi : Cái bí quyết là ở chỗ này, phải để yên miếng thịt ít là 3 phút rồi mới lật. Lật xong chừng một phút thì ông rưới bơ, món bơ ông đã dun cho nó thành nước. Chừng một phút sau thì ông lật lại miếng thịt, để thêm nửa phút rồi gắp ra đĩa. Chan chút nước bơ còn đọng trên chảo vào miếng thịt này. Thế là xong. Đĩa bí tết nóng sốt được bưng lên cho từng người. Ông xin mọi ngườì cho thêm chút nước mắm rồi cắt ăn với rau sà lách, cà chua, dưa leo. Đừng ăn thêm bánh mì nha bà con, hãy ăn bí tết nước mắm với cơm. Cơm đi với bí tết nước mắm ngon nhức răng luôn. Và mời các cụ nhâm nhi một ly rượu vang đỏ. Các cụ sẽ thấy bữa ăn này là bữa ở nhà hàng trên thiên đàng.

Cụ già B.95 tuy móm mém mà cũng xơi gần hết miếng bí tết. Còn thừa một chút cụ gói lại. Cu bảo cụ đem về nhà cho thằng cháu nội của cụ, cho nó nếm món bí tết đặc biệt của bác ODP.

Cả làng đã ăn một bữa ‘cơm tây’ ngon hết sức vậy đó. Ai cũng ăn đắm say quên cả nói chuyện. Mãi sau, sang phần tráng miệng và uống trà thì dân làng mới nói tiếp những chuyện bỏ dở lúc nãy.

Thực ra không phải chuyện bỏ dở lúc nãy mà chuyện bỏ dở từ lần trước, chuyện sợ vợ ấy mà. Anh John xin được mở đầu. Rằng đề tài các ông chồng sợ vợ là chuyện phổ biến khắp nơi, không phải bây giờ mà có từ ngày xưa. Tôi không rành chuyện sợ vợ ở Á châu, tôi chỉ biết vài chuyện sợ vợ nổi tiếng ở Âu Châu.

Cả làng gật gù xin anh kể cho nghe.

Anh John kể ngay.

Người thứ nhất là một danh nhân vĩ đại : Abraham Lincoln, vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Người hành hạ ông là bà vợ Mary Told. Ông lấy vợ năm 1842 lúc ông 33 tuổi, còn vợ ông mới 23. Sở dĩ ông bị vợ ăn hiếp có lẽ vì vợ có cái bệnh tự tôn thái qúa. Cô Mary không những xinh đẹp, trẻ trung mà còn có gốc danh gia vọng tộc, bố cô là thống đốc ngân hàng, cô học trường cao cấp, thông minh, luôn ăn diện thời trang quý phái. Còn ông Lincoln là con trai một gia đình nghèo khó, cả bố lẫn mẹ đều mù chữ. Vì ông có ý chí sắt đá nên mới tiến lên được điạ vị vĩ đại như vậy và mới lấy được cô. Bà vợ Mary này có cái bệnh kỳ quái là thích nhục mạ chồng trước mặt đám đông. Bà chê và nhạo báng ông đủ điều. Về đới công, Tổng thống Lincoln lẫy lừng bao nhiêu thì về đời tư, Lincon khốn khổ vì vợ bấy nhiêu!

Người thứ hai cũng là một danh nhân bất hủ : Lev Tolstoi, nhà văn bá tước xứ Nga. Ban đầu hai người yêu nhau rồi lấy nhau, cuộc hôn nhân thật là lý tưởng. Nhưng về sau, vì vấn đề tiền bạc mà hai vợ chồng bất đồng không hàn gắn nổi. Lý do : ông nhà văn nổi tiếng có đại tâm. Vì thấy những bất công trong xã hội Nga càng ngày càng lớn, qúa sức chịu đựng của ông, ông thấy sự giàu có của mình là một tội lỗi, ông đã từ bỏ của cải, không nhận tiền tác quyền. Việc này làm bà vợ giận dữ. Hai vợ chồng luôn luôn cãi nhau, bà vợ mạt sát ông thậm tệ. Gia đình thơ mộng ngày xưa bây giờ là địa ngục, qúa sức chịu đựng của ông. Một ngày mùa đông trời đầy tuyết, ông bỏ nhà ra đi, rồi 11 ngày sau người ta tìm thấy xác ông ở một nhà ga. Ước nguyện cuối đời của ông là không muốn nhìn thấy mặt vợ nữa!

Người thứ ba sợ vợ nổi tiếng không phải là người Mỹ, không phải là người Nga, không phải là chính khách, không phải là nhà văn, mà là một triết gia người Hy lạp, sống cách đây 2400 năm, người đã khai sáng ra nền triết học ở Âu Châu : Đó là triết gia Socrates. Vợ ông rất trẻ. Socrates nổi tiếng về triết học bao nhiêu thì cũng nổi tiếng, tiếng xấu, là bị vợ hành hạ bạc đãi lớn bấy nhiêu. Bà này không dành cho chồng một chút danh dự nào dù trước mặt bạn bè. Có lần ông đang họp bạn, ông bị bà chửi bới nặng lời rồi hất cả một xô nước vào mặt ông. Socrates bình tĩnh bảo bạn : Trời hết sấm sét thì đến cơn mưa. Socrates nói một câu danh tiếng : các bạn trẻ, hãy cứ lấy vợ, Nếu bạn lấy được người vợ hiền thì bạn là người hạnh phúc, nếu bạn lấy phải người dữ thì bạn sẽ trở thành một triết gia.

Nói đến đây xong thì anh John nhìn phe liền ông trong làng tức các nhà quân tử đang ở bàn ăn rồi cười hà hà : Tôi thấy hình như các đại trượng phu có mặt ở đây ai cũng có dáng các triết gia. Cả làng ồ lên cười. Chị Ba Biên Hòa bảo chồng : Tôi thấy anh chả bao giờ là triết gia cả!

Anh John thấy mình đã kể 3 chuyện về mấy vĩ nhân sợ vợ và bị vợ ăn hiếp nên cho là đủ rồi. Anh liền xin Cụ Chánh tiên chỉ làng cho ý kiến. Cụ Chánh lên tiếng ngay : Tôi thấy trong 3 chuyện anh kể thì không có chuyện nào liên hệ tới việc ông chồng có bồ bịch hay vợ bé khiến bà vợ trở thành hung dữ cả. Chắc chuyện này ngày xưa không có mà chỉ ngày nay mới có.

Bà cụ B.95 nghe đến đây liền gật gù góp ý kiến : Cụ Chánh nói đúng, hình như ngày xưa việc gia đình tan nát không phải vì ông chồng chồng có vợ bé, mà đa phần là chuyện tiền bạc, chuyện tính xấu. Ngày nay thì đa phần là do các ông chồng lăng nhăng, Mấy cô Huế cũng gật gù đồng ý ngay như vậy. Cô Tôn Nữ còn nói thêm : Cháu không hiểu được tại sao nhiều ông chồng có vợ rất xinh đẹp và toàn hảo mà vẫn đi lăng nhăng.

Anh H.O. liền giơ tay xin nói : Cháu vừa đọc được một chuyện, thoạt nghe thì như chuyện tiếu lâm, nghe xong ngẫm nghĩ thì thấy cũng có lý. Chuyện không mặn chút nào mà ngẫm nghĩ thì thấy có vị mặn. Nếu cả làng cho phép thì cháu xin kể,

Các cụ biết tính làng tôi rồi, chuyện tiếu lâm thì phải mặn mới hay chứ chuyện lạt thì thà không nghe còn hơn. Phe các bà thì mê nhất chuyện mặn, nghe xong trong bụng bà nào cũng thích lắm mà ngoài miệng bao giờ bà nào cũng thốt lên ‘đồ quỷ!’. Chị Ba Biên Hòa nói ngay : Chú cứ kể, nhưng chỗ nào mặn qúa thì chú phải cho nó lạt đi nha.

Anh H.O. xin vâng lời Chị Ba và kể : Rằng có một ông giám đốc kia, học rộng tài cao, vợ đẹp con khôn. Ông có một anh tài xế lâu năm. Ông qúy anh tài xế này lắm. Anh này vừa khôn ngoan vừa kín miệng. Bữa kia thấy ông chủ rỗi rãi thảnh thơi và vui vẻ, anh liền có ý nói một điều mà lâu nay chưa dám nói. Ông chủ thông mình biết ý nên ông hỏi :

- Hình như chú có một điều gì muốn nói mà chưa dám nói, phải không?

Anh tài xế trẻ liền trả lời là đúng. Anh thưa rằng anh không có chuyện thiên hạ, mà chỉ có chuyện gia đình của ông chủ. Vì anh yêu mến gia đình ông chủ nên nếu ông chủ cho phép thì anh mới dám nói. Ông chủ gật đầu : Chú lái xe cho tôi bao năm, có nhiều chuyện chỉ có chú với tôi biết, vợ con tôi có được biết đâu. Tôi tin chú như thế, vậy chú không phải rào đón gì cả, chú thấy điều gì cần nói thì chú cứ nói, chỉ mình tôi với chú biết mà thôi.

Anh tài xế nghe xong lời ông chủ, bèn an tâm rồi kể :

- Con thấy ông chủ có mọi điều hạnh phúc, nhà cao cửa rộng, tiền bạc danh vọng, vợ đẹp con khôn. Riêng bà chủ con thấy bà trẻ, đẹp và dễ thương như vậy, tại sao ông chủ còn có thêm phòng 2, phòng 3?

Ông chủ nghe xong, ngẫm nghĩ một lúc rồi nói : Việc này ta sẽ trả lời chú sau. Bây giờ đã đến giớ ăn trưa, chú cho ta biết chú thích món gì nhất ta sẽ đãi chú để thưởng cho chú đã hỏi ta một câu thông minh. Chú tài xế ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp : Con thích món xôi lạp xưởng nhất. Ông chủ gật đầu rồi bảo chú lái xe tới hiệu bán xôi lạp xưởng ngon nhất phố. Ông mua cho chú một đĩa lớn. Anh tài xế sung sướng vô cùng. Chưa bao giờ anh được ăn một bữa trưa ngon và no nê như vậy. Đến giờ tan sở ban chiều, trên đường về, ông chủ cũng bảo anh tài xế lái xe đến tiệm xôi và mua cho anh một đĩa xôi lạp xưởng to tổ chảng như bữa trưa. Anh tài xế lạy tạ ông chủ và lãnh đĩa xôi lần thứ hai. Sáng hôm sau, trước khi đến sở, ông chủ cũng bảo anh tài xế đưa đến hiệu xôi, và ông cũng mua cho anh một đĩa xôi lạp xưởng lớn như hôm qua. Anh tài xế lãnh đĩa xôi mà nét mặt không còn vui sướng nữa. Đến trưa, ông chủ cũng bảo anh tài xế lái xe đến mua xôi. Anh tài xế liền chắp tay lạy ông chủ : Thưa ông, con đã ăn 3 bữa liền, nay con không còn thèm khát xôi lạp xưởng một chút nào, xin ông chủ tha cho con.

Ông chủ liền cười hì hì : Bây giờ chú đã hiểu tại sao ta có thêm phòng 2, phòng 3 chưa?

Nghe đến đây thì Cụ Chánh ngăn lại, không cho anh H.O kể tiếp. Cụ bảo cứ theo câu chuyện anh kể thì việc có thêm vợ bé, phòng 2 phòng 3 là việc cần thiết, phải không? Không đúng vậy. Đó là chuyện lăng nhăng của những người có máu dê. Gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới an lạc. Ông chồng mà lăng nhăng, bà vợ mà lăng nhăng thì gia đình không bao giờ hạnh phúc cả, xã hội loạn ngay. Tôi còn nhớ chuyện Cha Paolo kể về thành phố Sôđôma trong Kinh Thánh. Thành phố này nổi tiếng về sự dâm đãng nên đã bị Chúa kết án. Thôi, ta không bàn chuyện ăn xôi lạp xưởng nữa. Anh John đâu, xin anh nói chuyện lễ quốc khánh Canada. Ngoài việc có các tầu buồm đến hồ Toronto, còn chuyện gì vui nữa không ?

Việc này đúng ý anh John. Anh xin tiếp lới cụ Chánh ngay. Rằng ngày quốc khánh ,ngoài việc chào cờ, diễn hành, yến tiệc và đốt pháo bông, các nhà thờ Canada còn có một thói quen rất đáng yêu là trưng bày quốc kỳ Canada bên bàn thờ và sau giờ lễ, tất cả giáo dân cùng đứng lên hát quốc ca. Hát xong thì mọi người vỗ tay, rồi bắt tay nhau, nói cười vui vẻ. Lời quốc ca rất phấn khởi, nó kích thích lòng yêu nước. Các cụ biết lời quốc ca Canada chứ. Hùng dũng lắm :… Nào anh em chúng ta đứng lên bảo vệ miền đất Canada này / O Canada, we stand on guard for thee... Thưa cả làng, bữa nay tôi có đĩa nhạc quốc ca sẵn đây, nhân danh chủ nhà, tôi xin cả làng lắng nghe nha. Như đã có ý từ trước, anh mở nhạc. Và tự động không ai bảo ai, cả làng đứng lên, tay phải đặt lên trái tim. Giây phút bất ngờ nhưng cảm động qúa. Các cụ phương xa có biết bài quốc ca của Canada không? Nó có gốc từ năm 1829, xuất phát từ nhóm cư dân gốc Pháp ở Québec, tên bài ca lúc ấy là ‘Sol Canadien! Terre Chérie’, rồi về sau đổi ra ‘ O Canada! Mon Pays! Mes Amours! Từ miền nói tiếng Pháp bài ca đã lan rộng ra khắp nước. Bài ca hiện nay tên là O Canada!, có hai lời Anh văn và Pháp văn.

Điều làm tôi ngạc nhiên và cảm động là tuy Cu Chánh đã gần 90 mà cụ đứng hát quốc ca hết sức nghiêm chỉnh. Cụ thuộc hết bài quốc ca. Hát xong, bỏ tay xuống xong thì cụ nói tiếp bài diễn văn lúc nãy đang bỏ dở : Tôi yêu đất nước này qúa. Tôi nhớ ngày từ trại tỵ nạn sang tới đây, Cha Paolo và phái đoàn nhà thờ của Cha ra đón chúng tôi tận sân bay, chính Cha Paolo đã ôm hôn tôi và nói : Xin chào mừng cụ tới đất nước thanh bình này, xin cụ nhận đất nước này làm quê hương. Chúng tôi được biết cụ không cùng tôn giáo với chúng tôi, xin cụ cứ giữ đạo của cụ, chúng tôi bảo trợ cụ là vì chúng tôi tin chúng ta là anh em với nhau, cùng là con Đức Chúa Trời.

Tôi ghi nhớ mãi những lời chí tình cảm động này.

Có lần tôi thưa chuyện với Cha Paolo về vấn đề tôn giáo. Tôi nói thế này: Người VN chúng tôi không gọi Đức Chúa của Cha bằng tên dài là Đức Chúa Trời mà gọi ngài bằng tên ngắn là Trời. Danh xưng này đưọc dùng luôn luôn. Người VN ai cũng nói : Trời mưa, trời nắng, lạy trời mưa xuống lấy nước tôi uống, trời sinh trời dưỡng, trời sinh voi trời sinh cỏ, không có trời ai ở với ai…

Cha Paolo nghe xong thì tỏ ra sung sướng và vui qúa chừng.

Lần khác cha Paolo hỏi tôi có yêu mến Canada không. Tôi trả lời : không những tôi mà mọi người trong gia đình tôi và các bạn bè tôi đều yêu mến đất nước này. Người Canada đối xử với chúng tôi như anh em ruột thịt, trong khi ở VN, bọn cộng sản VC, những người mà chúng tôi đã từng gọi là đồng bào, họ đã dùng súng đạn của ngoại bang, đã cướp đất cướp nhà, tước đoạt tự do của chúng tôi. Chúng tôi xin chọn nơi này làm quê hương thứ hai. Canada không chỉ là mảnh đất tạm dung mà là tổ quốc thứ hai, quê hương thứ hai, bây giờ và mãi mãi.

Chi Ba Biên Hòa liền thưa với cụ Chánh : Sao cụ không nói thêm Canada chính thực là ‘ Cái Nhà Ta’ của mọi người ? Nói với cụ Chánh xong thì Chị Ba quay ra nói với cả làng : Tôi theo anh John về Canada trước ngày 30.4. 1975. Tôi thuộc giáo xứ của Cha Paolo, tôi ở trong ban bảo trợ thuyền nhân VN. Chính tôi là người thông dịch cho Cha Paolo và phái đoàn nhà thờ ở sân bay. Khi Cụ Chánh nghe tôi thông dịch xong lời Cha Paolo, cụ òa lên khóc. Đời tôi chưa hề thấy một cụ già nào khóc nghẹn ngào như thế bao giờ.