main billboard

“Cho những người cố ý vào đây bất hợp pháp được phép nhập tịch hay không là cả một vấn đề”

Thử tưởng tượng tối Chủ Nhật lúc Dân Biểu Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện Bob Goodlatte vừa cùng bạn bè rời khỏi một nhà hàng ở khu đông đúc nhất thủ đô, ông thấy ngay khoảng một chục nhà báo đang đứng đợi trước cửa, muốn biết liệu Hạ Viện và Thượng Viện có thể nào giải quyết xong những khác biệt liên quan đến kế hoạch cải tổ luật di trú hay không. Buổi trưa cùng ngày khi Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain mới rời khỏi phòng thu hình của đài CNN, ông cũng bị một đám ký giả bao vây, muốn biết cha đẻ của dự luật Thượng Viện vừa thông qua cuối tháng trước có nói chuyện với vị dân cử cùng đảng ở Hạ Viện hay không, và nếu có, ông nói với họ những gì? Câu trả lời của Hạ Viện Cộng Hòa như thế nào? Có làm ông hài lòng không? Nếu có thì tại sao có và nếu không thì tại sao không?

john boehnerChủ Tịch Hạ Viện John Boehner (Cộng Hòa-Ohio) muốn có sự ủng hộ của đa số dân biểu Cộng Hòa tại Hạ Viện trong việc cải tổ di trú. (Hình: Mark Wilson/Getty Images)

Ðây không phải lần đầu tiên những câu hỏi này được đặt ra vì ngay sau phiên họp kín của đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện hôm Thứ Tư tuần trước, giới săn tin ở thủ đô đều muốn biết “chuyện đi tới đâu rồi”. “Chuyện” đây là dự luật Thượng Viện thông qua với 68 phiếu thuận-32 phiếu chống nhưng vẫn chưa được chuyển sang cho Hạ Viện cứu xét, vì “bên đó bắn tiếng cho hay nếu có gửi sang họ cũng chẳng ngó ngàng tới, họ sẽ soạn một dự luật riêng”, theo lời một cố vấn của ông Chủ Tịch Khối Ða Số Harry Reid.

Chính vì muốn soạn riêng một dự luật nên mới có phiên họp kín của các vị dân biểu Cộng Hòa. Chưa đặt chân tới ngưỡng cửa phòng họp, Dân Biểu Raul Labrado của tiểu bang Idaho đã nói “xin quý bạn cứ an tâm, cải tổ di trú là điều chúng tôi đã hứa với cử tri”, bảo thêm “những gì Cộng Hòa hứa thì Cộng Hòa sẽ làm”. Ông Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Goodblatte đi sau chỉ vài bước cũng lên tiếng hứa hẹn “sẽ bắt tay ngay vào việc (thảo dự luật)” kèm theo hứa hẹn “các bạn đã biết bên Thượng Viện muốn gì, ít lâu nữa các bạn sẽ nhìn thấy một dự luật cải tổ di trú hoàn hảo hơn, đúng như điều mọi người trông chờ”.

“Ðúng như điều mọi người trông chờ” là điểm được các vị dân cử Cộng Hòa Hạ Viện đưa ra trong bản tuyên bố phổ biến sau khi cuộc họp kín kết thúc. Bản tuyên bố viết rằng “người dân Hoa Kỳ không tin tưởng vào đảng Dân Chủ đang điều khiển chính trường thủ đô”, “người dân Hoa Kỳ không bằng lòng với lối làm việc của tổng thống”, “người dân Hoa Kỳ muốn luật di trú được thực hiện từng giai đoạn một, thay vì lối giải quyết cả cụm mà đảng Dân Chủ đã làm khi thông qua Obamacare”. Những lời lẽ cứng rắn đó là dấu hiệu cho biết bên Hạ Viện “không vội vã” như phía Thượng Viện, theo lời giải thích của ông Trưởng Khối Ða Số Eric Cantor trên đài Fox News.

Tại sao phải làm từ từ? Tin hành lang Quốc Hội cho biết các vị dân cử Cộng Hòa muốn có thêm thì giờ để duyệt xét lại những điều “căn bản” sẽ ghi trong dự luật. Ðiểm đầu tiên vẫn là chuyện an ninh biên giới, bắt buộc hành pháp hàng năm phải báo cáo cho Quốc Hội biết thành quả của kế hoạch kiểm soát biên giới ra sao, số người trốn từ nước khác vào Mỹ tăng hay giảm, sau đó mới bàn đến chương trình cho các công ty thuê mướn công nhân từ nước ngoài sang Mỹ làm việc, bao gồm cả số công nhân được vào Mỹ làm lao động và công nhân thuộc diện có tay nghề cao. Sau khi 2 trường hợp này giải quyết xong, lúc đó mới bàn tới chuyện cho 11 triệu người đang cư trú bất hợp pháp ở Mỹ được phép ở lại và nhập tịch.

“Cho những người cố ý vào đây bất hợp pháp được phép nhập tịch hay không là cả một vấn đề”, hai dân biểu Doug Lamborn của tiểu bang Colorado và Darell Issa của California chia sẻ một số chi tiết quan trọng trong cuộc họp của cánh Cộng Hòa Hạ Viện. Ông Lamborn cho biết “nhập tịch là đề tài được thảo luận sôi nổi nhất, hầu hết các đồng viện của tôi muốn chia họ thành 3 nhóm khác nhau” trong đó đa số tán thành ý kiến “chỉ cho những người theo cha mẹ sang đây lúc còn bé sẽ được hưởng quyền lợi nhập tịch để trở thành công dân Mỹ”, những người khác “được chấp thuận cho ở lại, được quyền làm việc dài hạn” nhưng với điều kiện “phải trở về nguyên quán, rồi nộp đơn xin sang Hoa Kỳ”. Dân Biểu Issa góp thêm “nhóm thứ 3 là thành phần phạm pháp, sẽ bị trục xuất ngay tức khắc”, đừng mong ngày đặt chân trở lại nước Mỹ.

Tin vừa tung ra cánh Dân Chủ ở Hạ Viện lên tiếng ngay, cho hay “không chấp nhận lối làm việc từng mảnh như thế”. Dân Biểu Steny Hoyer đang giữ vai trò trưởng ban điều hành đảng Dân Chủ cho rằng giải pháp của bên Cộng Hòa “không thực tế, không được chúng tôi (Dân Chủ) ủng hộ”. Ðiều đó có nghĩa là dự luật này rồi sẽ được thông qua bởi cánh Cộng Hòa tại Hạ Viện, bên Dân Chủ sẽ bỏ phiếu chống.

Nhưng khi nào dự luật bên Hạ Viện sẽ trình làng? Thượng Nghị Sĩ McCain nghĩ rằng “chắc không xong nổi trước khi Quốc Hội nghỉ Hè vào Tháng Tám đâu”, rồi vừa cười vừa nói với các nhà báo “nếu các bạn nghe được tin gì khác, nhớ cho tôi biết với nhé”.